Cách đây lâu lắm rồi, ở một ngôi làng nọ, người dân xây dựng một ngôi chùa để tỏ lòng sùng kính Phật Pháp. Những thiện nam tín nữ đã mời một nhà điêu khắc nổi tiếng đến để khắc một bức tượng Phật lớn.
Hai tảng đá đã được chuẩn bị sẵn. Nhà điêu khắc chọn tảng đá với chất lượng tốt hơn và bắt đầu khắc. Tuy nhiên, tảng đá này không thể chịu đựng sự đau đớn. Nó cầu khẩn nhà điêu khắc: “Tôi chết mất thôi! Xin hãy để cho tôi đi!”
Nhà điêu khắc không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng tảng đá còn lại. Mặc dù chất lượng của tảng đá đó không được tốt như tảng đá trước, nó vững tin rằng mình sẽ trở thành một bức tượng Phật huy hoàng. Bởi vậy, nó giữ vững ý chí sắt đá để chịu đựng mọi đau đớn và gian khổ trong quá trình chạm khắc.
Chẳng bao lâu sau, một bức tượng Phật vô cùng ấn tượng, trang nghiêm và thần thánh đã hiện ra trước mặt mọi người. Người ta đặt tượng Phật lên bàn thờ với lòng tôn kính vô hạn, và nó bắt đầu được hưởng sự thờ phượng của dân chúng.
Khi ngôi chùa thu hút càng ngày càng nhiều người đến thờ cúng, thì vì sự tiện lợi của những người đến cúng bái, tảng đá thứ nhất mà sợ sự đau đớn kia đã được dùng để lát con đường. Trong quá khứ, nó đã không thể chịu đựng nỗi đau đớn khi bị chạm khắc, thì giờ đây, nó phải chịu đựng sự thống khổ của việc dầu dãi nắng mưa, bị giẫm đạp lên bởi xe cộ và bàn chân con người.
Thiên thượng cung cấp những cơ hội bình đẳng cho cả hai tảng đá. Một tảng đá đã bỏ cuộc vì không thể chịu nỗi đau đớn tạm thời trong khi bị chạm khắc, và đã bỏ lỡ cơ hội. Cuối cùng, nó đã không thoát khỏi số phận bị chà đạp dưới bàn chân và chịu thống khổ bất tận. Tảng đá kia, tuy nhiên, đã tin tưởng vào tương lai tươi sáng của nó, và cam chịu nỗi đau của việc bị đục đẽo và chạm khắc với một ý chí không chùn bước. Sau khi những phần không cần thiết đã bị đẽo bỏ, tảng đá trở thành một bức tượng Phật vĩ đại.
Trên thực tế, chẳng phải nó cũng giống như cuộc đời mỗi con người hay sao? Ai trong chúng ta cũng được ban cho tuổi thanh xuân với sức lực và thời gian. Những người lãng phí tuổi trẻ trong những hưởng thụ vật chất và truy cầu sự an nhàn, thoải mái, thì sẽ vĩnh viễn là những viên đá thô ráp, không có giá trị gì. Còn những ai có thể chịu đựng gian khổ, tôi luyện bản thân mình thì sẽ trở thành viên ngọc quý, có hậu vận tốt lành và được người đời kính trọng.
Tuổi trẻ có nhiều phương diện cần chịu khổ. Thức khuya dậy sớm học hành là khổ; xa nhà mưu sinh là khổ; sinh con nuôi con là khổ… Tuy nhiên, những nỗi khổ ấy đều là tiền đề để hưởng phước báu sau này. Ví như phụ nữ tuổi đôi mươi, ba mươi khi mang thai và chăm con nhỏ thì không chỉ cực nhọc về thân thể, tàn phai nhan sắc, mà nhiều khi phải hy sinh cơ hội sự nghiệp và bao nhiêu áp lực tinh thần. Tuy vậy, mấy chục năm sau, khi đứa con đã trưởng thành, quay trở về báo hiếu mẹ, con cháu đầy nhà, thì người phụ nữ lúc này mới thực sự là “trồng cây đến ngày hái quả”. Còn ai đó vì sợ khổ mà đang tâm vứt bỏ ruột thịt của mình, thì tuổi già sẽ vô cùng day dứt, cô đơn.
Người xưa nói: “Tiền bần, hậu phú”, hay “Khổ trước, sướng sau” đều là đạo lý này. Từ xưa đến nay Bĩ cực rồi Thái lai, tuổi trẻ có thể kiên định ý chí, nhẫn chịu thống khổ, tôi rèn bản thân mình, thì ngày tháng sau này có thể gối cao đầu mà hưởng phúc rồi.
Thanh Ngọc.