Người càng ở cảnh giới thấp càng tiêu tốn thời gian vào 3 việc này

Người càng ở cảnh giới thấp càng tiêu tốn thời gian vào 3 việc này

Nơi đường lớn, nhường ba phần cho người khác cùng qua. Vị nồng đượm, lưu ba phần cho mọi người cùng thưởng thức…

Đẳng cấp của một người không phụ thuộc vào địa vị hay sự giàu có, mà phụ thuộc vào phẩm hạnh và sự tu dưỡng. Bạn đầu tư thời gian của mình vào đâu, thì sẽ nhận lại những giá trị tương xứng như vậy. Một người tầng thứ thấp hay tiêu tốn thời gian vào ba việc sau đây:

Càng tầm thường, ham muốn càng nhiều

Ở Ấn Độ, người ta thường dùng một loại lồng gỗ để bẫy khỉ. Họ cho thức ăn vào bên trong chiếc lồng, rồi khóa lại. Bầy khỉ thấy có thức ăn liền tiến đến và thò tay vào trong lồng để vơ lấy. Nhưng khốn nỗi, khi con khỉ thò tay vào để nắm lấy thức ăn thì không thể rút tay ra khỏi lồng được nữa. Nếu muốn rút tay ra, nó buộc phải bỏ thức ăn xuống. Nhưng giống khỉ không đời nào chịu buông, một khi nó đã nắm được thức ăn trong tay. Và thế là người ta bắt được nó một cách dễ dàng.

Thiết nghĩ, có khi nào chúng ta cũng giống như lũ khỉ kia? Con người cũng dễ dàng vị cám dỗ bởi những thứ mình thích, thậm chí cả những thứ vô hình cũng thu hút đam mê của người ta. Để rồi đánh mất sự tự do từ lúc nào không hay biết. 

Một khi vượt quá giới hạn, mong muốn sẽ biến thành gánh nặng, dần dần càng trói buộc người ta thật chặt.

Trang Tử từng nói: “Cứ nhìn vào những kẻ ham hố vật chất mà xem! Suốt ngày họ sống trong sợ hãi: sợ tiền của mình sẽ biến mất. Vậy nên, càng ngày họ lại càng thêm tham lam, vì sợ rằng tài sản của mình sẽ vơi bớt đi”.

Kẻ tham lam có được vàng lại hận không thể có được ngọc, được phong hầu thì oán sao không được phong công. Vậy cũng nói, dục vọng chính là một cái hố sâu vô đáy, ngày qua ngày lại càng thêm sâu…

Cuộc sống dù sung túc, nhưng cứ phải lo âu như vậy thì đời người còn có ý nghĩa gì?

Những người ở tầng thấp, thường dễ bị mắc kẹt trong ham muốn của chính mình, thậm chí cả đời cũng khó thoát ra được. Mãi cho đến lúc ‘cây đổ khỉ vượn tan’, mặt đất mịt mờ được tẩy tịnh, họ mới hoàn toàn tỉnh ngộ.

Nếu không muốn lãng phí quá nhiều thời gian để lo lắng về vật chất, hãy học cách làm phong phú thêm tâm hồn của mình. Thế giới này có hàng ngàn thứ cám dỗ, khiến bạn ham muốn đến kiệt sức. Vậy nên chỉ khi biết buông bỏ, bạn mới có được tự do và thực sự hiểu ra hạnh phúc là gì. 

Càng tầm thường, càng khó tha thứ

Thời gian trước, có vị giám đốc đã làm ầm ĩ tại một nhà hàng, chỉ vì bị nhân viên phục vụ lỡ tay làm đổ bát canh lên người. Mặc dù người nhân viên này đã không ngừng xin lỗi, đến mức phát khóc mà vị giám đốc kia vẫn không chịu bỏ qua. Sự việc này đã làm xôn xao dư luận suốt cả một thời gian dài trên mạng xã hội.

Thấy chuyện nay mà nhớ chuyện xưa, thời gian thoăn thoắt trôi đi; không quá dài, không quá ngắn mà người sao đã đổi khác.

Vào thời Tống, có Phạm Trọng Yên, là một nhà chính trị, quân sự nổi tiếng. Một hôm, khi ông đang đọc sách, người vệ binh cầm đèn soi cho ông, vì ngủ gật mà chẳng may làm lửa bén vào tóc ông. Anh lính sợ hãi, quỳ gối dập đầu tạ lỗi. Nhưng thay vì trách tội anh ta, ngài Phạm Trọng Yên vẫn cho phép anh ta tiếp tục phục vụ mình.

Mới hay, người ở tầng thứ cao chân chính luôn biết đối xử khoan dung với người khác. Người hay để bụng những việc nhỏ nhặt, chuyện bé xé ra to, và nhất định buộc người khác trả giá đắt cho lỗi lầm của mình, thì quả là tầm thường vậy!

Người xưa có câu: ‘Nhân vô thập toàn’, ai mà chẳng có lúc phạm phải sai lầm. Biết sai biết sửa, còn gì tốt hơn! Cớ gì cứ giữ mãi không buông, không chịu tha thứ? Thứ tha cho người chẳng phải cũng là tha thứ cho chính mình đó sao?

Nhân sinh như giấc mộng, thời gian tựa bóng câu bên song cửa, sớm đã vội vụt qua. Cuộc đời quá ngắn ngủi, ta không nên đem thời gian lãng phí vào việc ‘bắt bẻ’. Giả dụ cuộc sống của bạn chỉ toàn soi mói và bực tức; lâu ngày, tâm tính dễ phát sinh biến hóa. Khí chất, diện mạo cũng sẽ từ từ thay đổi. Nếu cứ như vậy trong thời gian dài sẽ khiến mọi người cảm thấy khó để thân thiết với bạn hơn.

Có câu: “Người thẳng tính không nên quá đà, kẻ thắng thế nên tha thứ cho người!”. 

Nơi đường lớn, nhường ba phần cho người khác cùng qua. Vị nồng đượm, lưu ba phần cho mọi người cùng thưởng thức. 

Khoan dung với người, vừa là cho người khác cơ hội và cũng là tích đức cho bản thân.

Tầng thứ càng thấp, càng thích đàm luận thị phi

Khoa học hiện đại càng ngày càng phát triển, thế giới càng ngày càng tiến bộ vượt bậc; mạng lưới Internet phủ sóng rộng khắp. Tin tức lan truyền nhanh như chớp. Vậy nên, ai ai cũng có thể trở thành những ‘anh hùng bàn phím’. Một số người, lại thích đem những lời đồn đại bịa đặt ra làm chủ đề buôn chuyện. Họ không kiêng nể gì mà cứ lấy chuyện riêng tư của người khác ra để bàn tán. Bất kể sự việc gì, chỉ cần không vừa ý, là người ta sẵn sàng nhận xét, đánh giá, vùi dập người khác bằng những ngôn từ tà vạy. Nhưng lại không biết rằng làm như thế chính là đang tạo nghiệp. Nhà Phật có giảng về ‘khẩu nghiệp’! Ấy là nói về những người hay dùng lời nói để bêu xấu người khác, từ đó mà tạo nghiệp. Một lời nói ra làm tổn thương người khác thì chính là đang tạo nghiệp cho bản thân.

Chắc hẳn chúng ta hãy còn nhớ, một minh tinh màn bạc người Trung Quốc tên là Nguyễn Ngọc Linh. Chỉ vì một tờ báo lá cải đã đăng tin bài về cuộc sống riêng tư của cô, sau đó thêu dệt thị phi xung quanh những vụ lùm xùm ấy, khiến cô gái này không chịu nổi áp lực dư luận, đã uống thuốc ngủ tự vẫn.

Chỉ thêu dệt sự việc bằng một ngòi bút vô trách nhiệm, mà khiến một cô gái trẻ quyên sinh. Như vậy có nên chăng? 

Quả là: ‘Miệng thế gian có gang có thép’. ‘Thiện ý một câu ấm ba đông, ác khẩu lạnh người sáu tháng ròng’. 

Trong xã hội ngày nay không thiếu những thành phần kiêu ngạo, luôn thích nói chuyện đúng sai. Họ tự cho mình cái quyền được phán xét người khác. Những người như vậy dù có địa vị cao, của cải nhiều đến đâu cũng chỉ xếp hạng tư cách tầm thường. Quá khứ có câu: ‘Lưỡi động thị phi sinh’. Phật gia giảng ‘mở miệng là nghiệp’. Cái miệng nói càng nhiều, càng gieo rắc thị phi, nội tâm sẽ càng trở nên ô trọc. Hơn nữa cái lẽ ở đời, muôn sự ‘có nhân có quả’; miệng tạo nghiệp nhiều thì sớm muộn quả báo cũng rơi vào đầu.

“Tĩnh tọa thường khi xét lại mình
Trò chuyện chớ có luận người sai”.

Bích Liên.

Tin bài liên quan