Đã có khá nhiều công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam về Kinh Dịch, trong số đó có một công trình đặt lại vấn đề " tác quyền" của bộ Kinh này. Đó là học giả Nguyễn Thiếu Dũng, qua nhiều tìm tòi và nghiên cứu, ông đã nêu ra một số chứng lý để minh chứng rằng Kinh Dịch là sáng tạo của người Việt Nam. Với sự thận trọng cần thiết, Thanhnien Online xin giới thiệu bài viết sau đây của học giả Nguyễn Thiếu Dũng để rộng đường tham khảo.
Từ hai nghìn năm trước khi chúng ta bị phong kiến phương Bắc đô hộ, tổ tiên chúng ta ở thời đại Hùng Vương đã sáng tạo Kinh Dịch và dùng học thuyết này xây dựng nền tảng cơ bản cho văn hoá Việt Nam, nhờ thế trong suốt một nghìn năm lệ thuộc Trung Hoa, chúng ta vẫn đứng vững không bị đồng hoá như các dân tộc ở Hoa Nam.
Người Trung Hoa không biết từ thời điểm nào đã tiếp thu được Kinh Dịch của Việt Nam và họ cũng đã dùng Kinh Dịch để góp phần xây dựng nền tảng văn hoá của họ. Cho nên trong sinh hoạt, chúng ta có nhiều điểm giống họ, sau một nghìn năm mất chủ quyền, ta mất luôn tác quyền Kinh Dịch và những gì ta nghĩ, ta làm thấy giống Trung Hoa ta đều tự nhận mình học của Trung Hoa. Kỳ thật không phải như vậy. Người Trung Hoa rất trọng hướng Đông, khi họ tiếp khách, chủ nhà ngồi quay mặt về hướng Đông để tỏ chủ quyền. Trong thời lập quốc họ luôn luôn hướng về biển Đông, không kể Nam Kinh những Kinh đô danh tiếng của Trung Quốc đều lần lượt nối nhau tiến dần từ Tây Bắc sang Đông. Ngày nay những thành phố lớn của họ cũng đều tập trung ở bờ Đông. Thế mà trong Kinh Dịch họ phải công nhận hướng Nam là hướng văn minh, mặc dầu trong sử sách họ vẫn cho Hoa Nam là xứ man di. Mỗi khi cần bói Dịch họ đặt Kinh Dịch trên bàn thờ cho quay mặt về hướng Nam như hướng ngồi của Hoàng đế, rồi lạy bái cầu xin. Cử chỉ này cho thấy trong tiềm thức họ không quên nguồn gốc Kinh Dịch đến từ phương Nam, từ đất nước của các vua Hùng.
Trong vòng 60 năm trở lại đây một số nhà nghiên cứu Việt Nam đã trực giác thấy rằng Kinh Dịch là tài sản của Việt Nam nhưng khi nói như thế họ vẫn chưa thoát khỏi sự ràng buộc của truyền thuyết nên vẫn thừa nhận Phục Hy là nhân vật sáng tạo Kinh Dịch. Cho nên không tránh được mâu thuẫn.
Ngày nay chúng ta có đầy đủ chứng lý để nói ngay rằng Kinh Dịch là sản phẩm của Việt Nam, do chính tổ tiên người Việt sáng tạo, trên chính quê hương Việt Nam với nhiều bằng chứng vật thể còn lưu dấu trên đồ gốm Phùng Nguyên, đồ đồng Đông Sơn. Phục Hy, Văn Vương chưa từng làm ra Dịch.
1) Chứng lý vật thể: Kinh Dịch xuất hiện tại Việt Nam một nghìn năm trước khi có mặt tại Trung Quốc:
Tại di chỉ xóm Rền, thuộc nền Văn hoá khảo cổ Phùng Nguyên, các nhà khảo cổ đã đào được một chiếc nồi bằng đất nung (11, tr 642) trên có trang trí bốn băng hoa văn, mỗi băng nầy tương đương với một hào trong quẻ Dịch, theo phép đọc Hổ thể thì đây chính là hình khắc của quẻ Lôi Thuỷ Giải. Đây có thể xem là chứng tích xưa nhất trên toàn thế giới hiện chúng ta đang có được về Kinh Dịch. Chiếc nồi báu vật vô giá này mang trên mình nó lời cầu nguyện của tổ tiên chúng ta về cảnh mưa thuận gió hòa, mong sao được sống một đời an bình không có họa thuỷ tai. Lôi Thuỷ Giải là mong được giải nạn nước quá tràn ngập (lũ lụt), hay nước quá khô cạn (hạn hán). Niên đại của Văn hoá Phùng Nguyên được Hà Văn Tấn xác định: ”Phùng Nguyên và Xóm Rền đều là các di chỉ thuộc giai đoạn giữa của văn hoá Phùng Nguyên. Hiện tại chưa có niên đại C14 cho giai đoạn này. Nhưng hiện nay chúng ta đã có một niên đại C14 của di chỉ Đồng Chỗ là di chỉ mà tôi cho là thuộc giai đoạn sớm của Văn hoá Phùng Nguyên: 3800 + 60 BP (Bln-3081) tức 1850 + 60BC (Hà Văn Tấn 1986: 181-182). Như vậy, các di chỉ Phùng Nguyên và Xóm Rền phải muộn hơn niên đại này. Nhưng Phùng Nguyên và Xóm Rền lại sớm hơn các niên đại C14 của lớp dưới di chỉ Đồng Đậu. Hiện nay lớp này có các niên đại: 3330 + 100BP (Bln-830), 3050 + 80BP (Bln-3711); 3015 + 65BP (HCMV 05/93); 3100 + 50BP (HCMV 06/93).
Nếu tin vào các niên đại C14 này thì giai đoạn giữa của văn hoá Phùng Nguyên nằm vào khoảng giữa thế kỷ 17 và thế kỷ 14 trước Công Nguyên... tương đương với văn hoá Thương ở Trung Quốc, thậm chí với giai đoạn sớm của văn hoá này (1, tr 578-579).
Về phía Trung Quốc, tuy theo truyền thuyết cho là Kinh Dịch do Phục Hy thời đại tối cổ Trung Quốc tạo ra nhưng trên thực tế không có chứng cứ nào để xác nhận chuyện này. Triết gia đầy uy tín của Trung Quốc Phùng Hữu Lan đã khẳng định trong Trung Quốc Triết học sử: ’’Suốt thời nhà Thương chưa có Bát Quái” (bản Hồng Kông 1950, tr 457). Chưa có Bát Quái nghĩa là chưa có Kinh Dịch. Quẻ Dịch xuất hiện sớm nhất ở Trung Quốc là trên sách Tả Truyện thời Xuân Thu-Chiến Quốc (772-221 BC). Vào thời kỳ này trên một số lớn các trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam đã có khắc hình quẻ Lôi Thuỷ Giải bằng 6 dải băng nghĩa là đầy đủ 6 hào. Vậy là rõ ràng Kinh Dịch đã có ở Việt Nam từ thời các Vua Hùng, so với chứng cứ cụ thể của Trung Quốc Kinh Dịch đã có ở nước ta trước Trung Quốc cả nghìn năm. Chuyện này chẳng khác chi chuyện tổ tiên ta đã biết trồng lúa nước nghìn năm trước Trung Hoa mà Trần Trọng Kim vẫn viết trong Việt Nam sử lược là người Trung Hoa có công dạy dân ta làm ruộng.
2) Chứng lý ngôn ngữ học: Một số tên quẻ Dịch là tên tiếng Việt không phải tiếng Trung Quốc:
Người ta thường gọi Kinh Dịch hay Kinh Diệc và cứ đinh ninh Diệc là do Dịch đọc chệch đi, kỳ thật tổ tiên ta nói Kinh Diệc và người Trung Hoa đã đọc chệch đi thành Dịch. Tiếng Trung Hoa Dịch còn có thể đọc là Diệc(Xem Khang Hy Từ Điển). Diệc là một loài chim nước, có họ với loài cò. Đây là những loài chim quen thuộc với đồng ruộng, với văn minh nông nghiệp, văn minh Văn Lang. Kinh Dịch là kết tinh của văn minh nông nghiệp, các nhà sáng tạo kinh Dịch Việt Nam lấy hình ảnh con diệc, con cò làm tiêu biểu cho hệ thống triết học của mình là hợp lý, nhưng người Trung Quốc muốn làm biến dạng cho khác đi, cho rằng chữ Dịch là hình ảnh con tích dịch - một loại thằn lằn hay biến đổi màu sắc theo thời gian chẳng thân thiết gần gũi gì với người nông dân cả. Điều này đã được ghi chú rất rõ trên trống đồng Đông Sơn về sau sẽ giải rõ.
Tên tám quẻ đơn Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài đều là tiếng Việt không phải là tiếng Trung Quốc. Các học giả Trung Hoa rất lúng túng khi giải nghĩa nguồn gốc tên những quẻ này vì họ cứ cho đó là tiếng Hoa nên tìm mãi vẫn không lý giải được. Ở đây chỉ dẫn một quẻ để minh chứng. Quẻ Ly không có nguồn gốc Trung Hoa, đây chỉ là chữ ghi âm tiếng Việt, một dạng chữ Nôm loại giả tá. Kinh Dịch bản thông hành ghi là Ly, âm Bắc Kinh đọc là Lĩ, nhưng bản Bạch Thư Chu Dịch đào được ở Mã Vương Đôi thì lại ghi là La, âm Bắc Kinh đọc là lúo (đọc như lủa). Rõ ràng đây là cách ghi của hai người Trung Hoa ở hai nơi hoặc hai thời điểm nghe người Việt Nam nói là quẻ Lửa, một người bèn ghi là lĩ (Ly), một người lại ghi là lủa (La). Còn người Việt Nam viết chữ Nôm Lửa thì lại dùng chữ lã làm âm. Cả ba âm Ly, La, Lã đều là cận âm với âm lửa, dùng để ghi âm âm lửa. Như vậy quẻ Ly không phải là quẻ có nghĩa là lìa hay là dựa như người Trung Hoa nghĩ mà chính là quẻ Lửa tức là quẻ Hoả như về sau họ đã dịch đúng nghĩa của nó.
3) Chứng lý đồ tượng: Kinh Dịch Trung Hoa thiếu một hình đồ trọng yếu, trong khi hình đồ này đang được cất giấu tại Việt Nam. Chứng tỏ Việt Nam mới là nước sáng tạo Kinh Dịch.
Đồ tượng và quái tượng (quẻ) là những hình tượng cơ bản cấu tạo nên Kinh Dịch. Cả hai đều có những giá trị bổ túc cho nhau để hình thành Kinh Dịch. Đọc Dịch mà chỉ chú trọng đến quẻ không chú ý đến Đồ là một thiếu sót đáng tiếc vì như thế là đã bỏ qua quá nửa phần tinh tuý của Dịch. Những ứng dụng quan trọng của Dịch đa phần đều căn cứ trên đồ, như thuyết trọng nam khinh nữ chi phối sâu đậm nhân sinh quan Trung Quốc thời kỳ phong kiến là ảnh hưởng Càn trọng Khôn khinh của Tiên Thiên Đồ, xem phong thuỷ, coi tử vi, học thuyết Độn Giáp, Thái Ất phát sinh ở Trung Hoa là do ảnh hưởng của Hậu Thiên Đồ. Y học, Võ thuật, Binh Thư Đồ trận lừng danh của Trung Quốc đều từ các Thiên Đồ mà ra. Theo thuyết Tam tài, cơ sở để xây nên toà lâu đài Kinh Dịch thì phải có ba Đồ chính là Tiên Thiên Đồ, Hậu Thiên Đồ và Trung Thiên Đồ nhưng suốt cả hai nghìn năm nay, Trung Quốc chỉ lưu hành hai Đồ Tiên Thiên và Hậu Thiên. Người Trung Hoa tuyệt nhiên không tìm ra Trung Thiên Đồ, cuối cùng họ đành bó tay, rồi thản nhiên kết luận, không cần có Trung Thiên Đồ. Đã có Tiên Thiên Đồ làm thể và Hậu Thiên Đồ làm dụng là đủ lắm rồi. Đây chính là khuyết điểm lớn nhất của Dịch học Trung Quốc mà cũng là cái may lớn nhất cho ta để từ chỗ sơ hở này ta tìm ra chứng lý quan trọng nhất, quyết định nhất để xác nhận tác quyền của Việt Nam. Trung Quốc không có Trung Thiên Đồ, một Đồ quan trọng bậc nhất dùng làm la bàn để viết nên kinh văn các lời hào, Việt Nam lại cất giữ Trung Thiên Đồ! Vậy thì ai là chủ nhân Kinh Dịch? Câu hỏi đã được trả lời, bí ẩn hai nghìn năm đã được trưng ra ánh sáng.
Tác giả bài này có may mắn là đã thiết lập được Trung Thiên Đồ. Đồ này quẻ Càn ở phương Nam, quẻ Đoài ở phương Đông Nam, quẻ Tốn ở phương Đông, quẻ Khảm ở phương Đông Bắc, quẻ Ly ở phương Bắc, quẻ Cấn ở Tây Bắc, quẻ Chấn ở Tây và quẻ Khôn ở phương Tây Nam.
Đây chính là Đồ thứ ba trong số ba Thiên Đồ trọng yếu của Kinh Dịch mà người Trung Hoa không tìm ra. Nếu Tiên Thiên Đồ là Thiên Đồ, Hậu Thiên Đồ là Địa Đồ thì Trung Thiên Đồ là Nhân Đồ nghĩa là Đồ nói về con người. Có một danh hoạ tài ba nào chỉ trong một hình vẽ có thể biểu đạt ba hình thái khác nhau về con người? Điều này chưa ai làm được, ngay cả máy móc tân tiến nhất, hiện đại nhất cũng không thể làm việc này. Thế mà Trung Thiên Đồ cùng một lúc có thể diễn tả ba trạng thái khác nhau đó: Trung Thiên Đồ có mục đích nói về những vấn đề liên quan đến con người cho nên hình đồ Trung Thiên có thể biểu thị ba khía cạnh khác nhau của con người về mặt sinh lý, về mặt siêu lý và về mặt đạo lý:
a) Con người sinh lý: Quẻ Càn tượng cho bán cầu não phải, Quẻ Khôn tượng cho bán cầu não trái. Khi một người bị tai biến mạch máu não ở bán cầu phải thì tay chân bên trái thường bị liệt, ngược lại cũng thế. Vì Càn thuộc dương nên liên quan đến tay trái gồm hai quẻ Chấn dương và Cấn dương và vì tay trái đã dương thì chân trái lại thuộc về âm nên chân có quẻ Ly âm. Trái lại, bán cầu não trái Khôn âm sẽ ảnh hưởng đến tay phải Trạch âm và Tốn âm cùng với chân Khảm dương. Điều này tương đồng với kết quả thực nghiệm của Leokadia Podhorecka (1986), trình bày năm 1986 tại hội nghị quốc tế về Trường sinh học tại Zagrev về tính bất đối xứng phải - trái trong nhân thể (2, tr 117). Hình đồ cũng thể hiện được y lý Đông Phương cho rằng Thiên khí tả truyền: Dương khí đi từ bên phải (Càn dương) sang bên trái (Cấn, Chấn dương), Địa khí hữu truyền: Âm khí đi từ bên trái (Khôn âm) sang bên phải (Đoài, Tốn âm). Con người muốn sống cần phải thở (Càn phế, chủ khí), sau đó phải được nuôi dưỡng bằng thức ăn (Khôn, tỳ vị). Con người khoẻ mạnh khi tâm (Ly) giao hoà với thận (Khảm), nếu tâm thận bất giao sẽ sinh tật bệnh, vị y tổ Việt Nam Lê Hữu Trác đã phát triển học thuyết này để chữa bệnh rất hiệu quả.
b) Con người siêu lý: Theo trãi nghiệm của các hành giả Yoga hoặc Khí công, Thiền, thì cơ thể có bảy trung tâm năng lượng tác động chi phối sự sống của con người, gọi là bảy đại huyệt hay là bảy luân xa. Trung Thiên Đồ chính là biểu đồ hệ thống bảy luân xa đó, theo thứ tự từ dưới lên: luân xa 1 là Hoả xà Kundalinê chính là quẻ Ly hoả, Luân xa 2 là Mệnh môn quan chính là quẻ Khảm (thận thuỷ), Luân xa 3 là Đơn điền Ngũ Hành Sơn chính là quẻ Cấn sơn, Luân xa 4 là Luân xa tâm gồm hai quẻ Tốn (tâm âm) và Chấn (tâm dương), luân xa 5 là trung tâm Ấn đường chính là quẻ Đoài, luân xa 6 nằm ở chân mi tóc hay huyệt Thượng tinh mà Đạo giáo thường gọi là Kim mẫu chính là quẻ Khôn (Địa mẫu), Luân xa 7 là huyệt Thiên môn Bách hội chính là quẻ Càn Thiên.
c) Con người đạo lý: Trung Thiên Đồ còn biểu đạt một mẫu người đạo lý tâm linh: quẻ Sơn Tượng cho tính người tham lam muốn tích luỹ như núi (Tham), quẻ Ly Hoả tượng cho người có tính sân như lửa (Sân), quẻ Khảm Thuỷ tượng cho người có tính si như nước đổ dồn về chỗ thấp (Si), ba thói xấu đó sẽ dẫn con người đến chỗ ác tượng trưng bằng quẻ Tốn (tâm âm, nhục tâm, vọng tâm), (như thuyết Tam Độc của Phật Giáo). Nhưng nếu con người biết phát triển tâm từ bi như tình yêu của mẹ tượng bằng quẻ Khôn (Địa Mẫu - Từ Bi), khiến tâm thanh tịnh an lạc tượng bằng quẻ Đoài (Vui, Hỉ), lúc nào cũng sẵn lòng cảm thông tha thứ cho người, tượng bằng quẻ Càn (Xả) thì con người sẽ đạt được cõi phúc, tượng bằng quẻ Chấn (Tâm dương, Chân tâm, Đạo tâm), (như thuyết Tứ vô lượng tâm của Phật giáo).
4) Phát hiện Trung Thiên Đồ trong truyền thuyết
Kinh Dịch có tám quẻ đơn: Càn còn gọi là Thiên có tượng là trời, là vua, là cha. Khôn còn gọi là Địa có tượng là đất, là hoàng hậu, là mẹ. Khảm còn gọi là Thuỷ có tượng là nước, là cá (ngư). Ly còn gọi là Hoả có tượng là lửa. Cấn còn gọi là Sơn có tượng là núi. Đoài còn gọi là Trạch có tượng là đầm (hồ). Chấn còn gọi là Lôi có tượng là sấm, là con trai trưởng. Tốn còn gọi là Phong có tuợng là gió, là cây (mộc).
Khi tám quẻ đơn chồng lên nhau ta được 64 quẻ kép, nhưng khi tám quẻ đơn được đặt trên vòng tròn ta sẽ được ba thiên đồ căn bản: Tiên Thiên Đồ thường được người Trung Hoa gọi là Tiên Thiên Đồ Phục Hy vì cho là do Phục Hy chế ra, Hậu Thiên Đồ cũng được người Trung Hoa gọi là Hậu Thiên Đồ Văn Vương vì cho là do Văn Vương thiết lập, ở đây chúng tôi chỉ gọi là Tiên Thiên Đồ và Hậu Thiên Đồ vì đã chứng minh được Kinh Dịch do người Việt Nam sáng chế nên Phục Hy, Văn Vương chẳng can dự gì vào việc sáng tạo các thiên đồ. Dịch đồ thứ ba chính là Trung Thiên Đồ đã được tổ tiên Việt Nam cất giấu trong truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ.
Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ không chỉ là một huyền sử về nguồn gốc dân tộc "Con Rồng cháu Tiên", một thông điệp về tình đoàn kết, nghĩa yêu thương giữa các dân tộc anh em, đồng bào mà còn chứa đựng một thông tin về di sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam đã được tổ tiên chúng ta bí mật cất giữ trong đó: tôi muốn nói đến Kinh Dịch đứa con lưu lạc của Việt Nam đã được Trung Quốc nuôi dưỡng và đã thành danh ở đó. Nếu chúng ta kết hợp những thông tin nằm rải rác trong các truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, truyện Hồ tinh, Mộc tinh, Ngư tinh ta sẽ thiết lập được một Trung Thiên Đồ mà người Trung Quốc chưa hề biết đến. Theo Kinh Dịch, Lạc Long Quân thường được nhân dân gọi là Bố mỗi khi có việc cần giúp đỡ có thể ký hiệu bằng quẻ Càn có tượng là vua, là cha. Lạc Long Quân thường sống ở Thuỷ phủ ký hiệu là quẻ Khảm có tượng là nước. Lạc Long Quân diệt được Hồ tinh là con cáo chín đuôi sống hơn ngàn năm ở đầm Xác Cáo nay là Hồ Tây, sự kiện này có thể ký hiệu bằng quẻ Đoài tức quẻ Trạch có tượng là đầm. Đất Phong Châu thời Thượng cổ có cây Chiên đàn sống hàng ngàn năm, chim hạc thường đến đậu ở đấy nên nơi đó còn gọi là đất Bạch Hạc (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), lâu ngày cây hoá thành yêu tinh dân gọi là thần xương cuồng, Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân ra sức đánh đuổi, cứu dân thoát khỏi sự bức hại của xương cuồng. Sự kiện này có thể ký hiệu bằng quẻ Tốn còn gọi là quẻ Phong có tượng là mộc. Lạc Long Quân cũng có công diệt được ngư tinh, con yêu ngư xà ăn thịt người, chuyện này cũng thuộc quẻ Khảm ký hiệu ở trên. Truyền thuyết thường nói chung là Lạc Long Quân (quẻ Càn) diệt hồ tinh (quẻ Đoài), diệt mộc tinh (quẻ Tốn), diệt ngư tinh (quẻ Khảm) để cứu dân, từ đó ta đã có được một vế của Trung Thiên Đồ: Càn - Đoài - Tốn - Khảm. Theo truyền thuyết Lạc Long Quân nói với Âu Cơ (được tôn xưng là Quốc mẫu, là mẹ, ký hiệu là quẻ Khôn): (1, tr 30). Như thế là truyền thuyết đã xác định rất rõ tính cách tương phản giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ. Long Quân thuộc quẻ Khảm (Thuỷ) thì Âu Cơ thuộc quẻ Ly (Hoả). Truyền thuyết kể tiếp: "Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc) suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang". Lên Phong Châu là lên núi ký hiệu là quẻ Cấn có tượng là núi, tôn người con cả ký hiệu là quẻ Chấn vì Chấn có tượng người con trưởng. Ta lại có thêm vế thứ hai của Trung Thiên Đồ: Ly - Cấn - Chấn - Khôn. Đến đây ta đã khai quật được Trung Thiên Đồ từ lớp ngôn ngữ truyền thuyết, các quẻ xếp theo thứ tự Càn - Đoài - Tốn - Khảm - Ly - Cấn - Chấn - Khôn theo chiều ngược kim đồng hồ.
5) Vai trò Trung Thiên Đồ trong việc hình thành văn bản Kinh Dịch:
a) Bố cục Kinh Dịch: Kinh Dịch có 64 quẻ, 30 quẻ đầu thuộc về thượng kinh, 32 quẻ sau thuộc về hạ kinh. Nhìn vào cách sắp đặt vị trí các quẻ Dịch trong bản kinh văn thông hành ta không thể không nghĩ rằng các nhà làm Dịch đã sử dụng Trung Thiên Đồ như là la bàn để phân bố các quẻ. Mở đầu kinh văn là hai quẻ Càn số 1, Khôn số 2 đúng như vị trí Càn Khôn đứng bên nhau trên Trung Thiên Đồ, cuối thượng kinh là hai quẻ Khảm số 29 và Ly số 30 đúng như vị trí Khảm Ly dưới Trung Thiên Đồ. Mở đầu hạ kinh là hai quẻ Trạch Sơn Hàm số 31 và quẻ Lôi Phong Hằng số 32 đúng như vị trí quẻ Đoài Trạch đối qua tâm với quẻ Cấn Sơn tạo thành quẻ Trạch Sơn Hàm, quẻ Chấn Lôi đối qua tâm với quẻ Tốn Phong tạo thành quẻ Lôi Phong Hằng nằm giữa Trung Thiên Đồ. Cuối hạ kinh là hai quẻ Thuỷ Hoả Ký Tế số 63 và Hoả Thuỷ Vị Tế số 64 đúng như vị trí quẻ Khảm Thuỷ giao hoán với quẻ Ly Hoả tạo thành.
Khác hẳn với Tiên Thiên Đồ và Hậu Thiên Đồ các quẻ Càn Khôn Ly Khảm đứng đối nhau qua tâm, biểu hiện trạng thái phân ly, trên Trung Thiên Đồ các quẻ Càn Khôn Ly Khảm đứng gần nhau từng đôi một biểu hiện trạng thái giao hội. Ở tự nhiên mọi vật có thể đối nghịch, vừa tương phản vừa tương thành. Nhưng ở con người thì khác, con người là một chỉnh thể, một thái cực, một toàn đồ âm dương phải tương hội điều hoà, nếu một bên thiên thắng con người sẽ bất ổn, phát sinh bệnh tật.
b) Đặt tên cho quẻ Dịch: Nhiều nhà chú giải Kinh Dịch Trung Quốc khi giải thích nghĩa chữ giao của hào thượng cửu quẻ Thiên Hoả Đồng nhân số 13 "Đồng nhân vu giao" thường chỉ dừng lại ở vấn đề chính trị xã hội nên hiểu giao theo một nghĩa rất hẹp, họ cho giao là vùng đất ngoại ô kinh thành nếu muốn đồng thì nên tìm người ở xa mà liên hiệp. Hiểu như vậy thì không sát nghĩa và không đúng với lập ý của người làm ra Kinh Dịch. Có lẽ vì người Trung Quốc trong tay không có la bàn Trung Thiên Đồ là đồ đã bị Tổ tiên người Việt Nam cất giấu rất kỹ không truyền ra ngoài nên không hiểu rằng giao tức là giao hội, khi hoả xà Kundalinê từ lâu cuộn mình ở đốt xương cùng có đủ điều kiện lên hợp nhất với thần Vishnou cư trú ở huyệt Thiên môn nghĩa là khi luân xa số 1 là quẻ Ly Hoả hoà nhập với luân xa số 7 là quẻ Càn Thiên là lúc con người đạt đến trạng thái toàn thức, hạnh phúc hoàn hảo nhất, con người đạt đến mức độ giao hội cùng vũ trụ, tha nhân, vì thế mới đặt tên cho quẻ này là Thiên Hoả Đồng nhân. Giao nằm ở hào thượng cửu (theo Dịch lý thuộc tài thiên), tức là ở mức độ đồng nhân cao nhất, mức độ hoà đồng siêu việt, Nếu hiểu giao như nghĩa các chữ Đông giao (ngoại ô phía đông), Nam giao (ngoại ô phía Nam) thì không phù hợp với cấu trúc quẻ Dịch, hiểu như vậy là mặc nhiên nhận giao thuộc về đất phải nằm ở hào hai, tài Địa. Cũng như quẻ Đồng Nhân, các Dịch học gia Trung Quốc cũng bị hạn chế khi hiểu quẻ Đại Hữu chỉ là sở hữu tài sản vật chất họ không ngờ rằng Đại Hữu là sở hữu tài sản tinh thần vĩ đại, quẻ này chính là ghi lại thành tựu một quá trình công phu trãi nghiệm của hành giả đã hợp nhất với vũ trụ, mà mỗi hào mô tả thành quả một chặng đường liên tục từ hạ đẳng công phu đến thượng đẳng công phu.
c) Đọc lại Kinh Dịch: Nhờ có Trung Thiên Đồ ta có thể đọc lại Kinh Dịch một cách chính xác hơn, điều này nghe có vẽ nghịch lý vì ta làm sao thông thạo ngôn ngữ Trung Hoa hơn người Trung Hoa được, nhưng vì ta có Trung Thiên Đồ là la bàn tổ tiên ta dựa vào đấy để viết các lời hào nên chúng ta có cách đọc thuận lợi hơn. Ở đây tôi chỉ xin dẫn ra một thí dụ để minh chứng. Kinh Dịch có ba quẻ nói đến Tây Nam, quẻ Giải: "Lợi Tây Nam", quẻ Kiển: "Lợi Tây Nam, bất lợi Đông Bắc”, quẻ Khôn: "Tây Nam đắc bằng, Đông Bắc táng bằng”. Căn cứ vào Hậu Thiên Đồ, quẻ Khôn (đất) nằm ở hướng Tây Nam, quẻ Cấn (núi) nằm ở hướng Đông Bắc, Vương Bật, người thời Tam Quốc, trong Chu Dịch chú giải thích như sau: ”Tây Nam là đất bằng, Đông Bắc là núi non. Từ chỗ khó mà đi đến chỗ bằng, cho nên khó khăn sẽ hết, từ chỗ khó mà đi lên núi, thì sẽ cùng đường”, Khổng Dĩnh Đạt trong Chu Dịch chính nghĩa viết: ”Tây Nam thuận vị là hướng bằng phẳng dễ đi, Đông Bắc hiểm vị là chỗ trắc trở khó khăn. Đường đi lắm trắc trở, tất cả đi đến chỗ bằng dễ đi thì khó khăn sẽ hết, trái lại nếu đi vào chỗ hiểm thì càng bế tắc cùng đường. Đi ở phải hợp lý vậy”, (3, tr 846).Trương Thiện Văn trong Từ điển Chu Dịch giải thích: ”Lợi cho việc đi về đất bằng Tây Nam, không lợi cho việc đi về phía núi non đông bắc. Tây nam tượng trưng cho đất bằng, Đông bắc tượng trưng cho núi non. Đây nói ở thời kiển nạn mọi hành động đều phải tránh khó khăn hiểm trở, phải hướng về phía bằng phẳng thì mới có thể vượt qua kiển nạn,vì vậy nói lợi tây nam, bất lợi đông bắc”, (3, tr 907). Nói chung lời giải thích của đa số Dịch gia Trung Quốc đều dựa vào vị trí các quẻ trên Hậu Thiên Đồ và đều cho núi là trở ngại, nhưng giải như vậy không thể khớp với Dịch lý, quẻ Kiển tức là quẻ Thuỷ Sơn Kiển, hình tượng nước ngập núi, trận đại hồng thuỷ. Vậy núi chỉ là trở ngại thứ yếu. Sự thật đối với người cổ đại núi tuy có khổ ải hơn nơi bằng phẳng nhưng không phải là trở ngại đáng kể. Đối với người cổ đại núi là nhà, hang hốc là nhà. Núi che chở cho họ, cung cấp thực phẩm, đùm bọc nuôi dưỡng họ. Nói cho cùng với tượng quẻ như vậy, người ta không lo về núi mà nỗi lo triền miên chính là nước. Suốt thời cổ đại, nhất là ở Việt nam, chiến tranh bất tận là chiến cuộc giữa NGƯỜI với NƯỚC. Con người khơi dòng lấy đất canh tác, đẩy lùi biển để giành đất sống. Khi con người thắng biển nghĩa là khi Sơn tinh thắng Thuỷ tinh, Kiển nạn được giải. Vấn đề lật ngược, quẻ Thuỷ Sơn Kiển lật thành quẻ Sơn Thuỷ Mông, Thoán từ ca ngợi chiến công thần thánh này là Lợi Trinh (thắng lợi bền chặc).
Ở Hậu Thiên Đồ cũng như ở Trung Thiên Đồ, quẻ Khôn cùng ở vị trí Tây Nam nhưng ở vị trí Đông Bắc thì quẻ của hai đồ hoàn toàn ngược nhau. Nếu Hậu Thiên Đồ là quẻ Cấn (núi) thì ở Trung Thiên Đồ lại là quẻ Khảm (nước). Ta thấy rõ muốn hiểu nghĩa lời hào của ba quẻ đó không thể dựa vào vị trí quẻ trên Hậu Thiên Đồ, vì không chính xác. Chỉ có thể dựa vào vị trí quẻ trên Trung Thiên Đồ mới làm sáng tỏ được nghĩa quẻ. Con người không ngại núi mà chỉ e sông, e biển. Câu lợi Tây Nam, bất lợi Đông Bắc không phù hợp với thực tiển Trung Quốc vì con đường sống của họ luôn dịch chuyển từ Tây Bắc sang Đông Bắc, hành trình các kinh đô của các triều đại Trung Hoa thường đi từ núi ra biển:Tây An - Trường An - Lạc Dương - Khai Phong - Bắc Kinh. Đó là hành trình ngược với lời hào ba quẻ: Giải, Khôn, Kiển.
Trong khi đó lời hào ba quẻ trên lại hoàn toàn phù hợp với thực tiển Việt Nam. Đối với Việt Nam, Đông Bắc mới thực là bất lợi, đó là biển cả là cửa ngỏ cho phong kiến phương bắc xâm lược. Việt Nam chỉ có con đường sống là mở nước về phương Nam và Tây nam. Lịch sử Việt Nam đã chứng thực lời đó, đã hai lần chúng ta tiến về hướng Tây Nam, đợt đầu tiến về đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh, đợt sau tiến về vựa lúa châu thổ sông Cửu Long. Lời hào trên vẫn còn là lời dự báo ứng nghiệm với Việt Nam ngày nay: Tây Nam đắc bằng khi gia nhập khối Đông Nam Á, con đường Tây nam đang ở thế thuận lợi.
6/ Kết luận:
Chúng ta còn nhiều chứng lý từ vật thể đến phi vật thể, từ ngôn ngữ đến văn bản, nhưng mấu chốt hơn hết để chứng minh Kinh Dịch do Tổ tiên người Việt Nam sáng tạo vẫn là vai trò của Trung Thiên Đồ. Khi một người muốn chứng minh một vật là sản phẩm do chính mình đúc ra thì ngườI đó phải trưng ra khuôn đúc, ở đây cũng vậy Trung Quốc không có Trung Thiên Đồ giống như không có khuôn đúc thì làm sao bảo rằng Trung Quốc đã sáng chế ra Kinh Dịch. Thật ra Trung Quốc chỉ có công phát huy Kinh Dịch nhờ đó Kinh Dịch mới có bộ mặt vĩ đại như ngày nay, cũng như họ đã làm rạng rỡ cho Thiền nhưng không ai có thể quên Thiền có nguồn gốc từ Phật giáo Ấn Độ. Đã đến lúc cái gì của César phải trả lại cho César. Khi chúng ta nhận ra rằng Kinh Dịch là di sản của Tổ tiên ta sáng tạo, ta sẽ hiểu được do đâu ta cũng cùng giải đất với các dân tộc vùng Hoa Nam, núi liền núi, sông liền sông mà họ bị đồng hoá còn chúng ta thì không. Kinh Dịch chính là cuốn Cổ văn hoá sử của Việt Nam mà Tổ tiên chúng ta còn lưu lại ngày nay, tuy có bị sửa đổi nhuận sắc nhiều lần nhưng những vết tích của nền văn minh thời các vua Hùng dựng nước vẫn còn đậm nét trong nhiều quẻ Dịch.
Người sáng tạo Kinh Dịch đã dựa vào Trung Thiên Đồ để bố cục vị trí các quẻ đúng như bản thông hành hiện đang phổ biến. Các Dịch học gia Trung Quốc căn cứ vào vị trí các quẻ theo Hậu Thiên Đồ nên có nhiều câu trong Kinh văn bị họ giảng sai với ý nguyên tác, muốn giảng cho đúng phải dựa vào Trung Thiên Đồ, không thể làm khác được.
Trung Thiên Đồ giữ một vị trí quan trọng và quyết định như vậy đã được Tổ tiên Việt Nam cất giấu rất kĩ trong truyền thuyết Lạc Long Quân Âu Cơ. Từ truyền thuyết này có thể tìm lại Trung Thiên Đồ. Trung Thiên Đồ còn được khắc ghi cẩn trọng trên Trống đồng Đông Sơn có điều kiện tác giả bài này sẽ công bố sau.
Chúng tôi còn nhiều minh chứng khác để kiện toàn chứng lý cho kỳ án này. Không còn nghi ngờ gì nữa, Kinh Dịch chính là sáng tạo của Tổ tiên Việt Nam. Muốn hiểu đúng bản chất văn hoá Việt Nam không thể không khảo sát Kinh Dịch, như là sáng tạo của Việt Nam.
Nguồn báo điện tử Thanh niên