Đời người có rất nhiều chuyện mà ở trong sâu thẳm đều đã tự có an bài. Một việc là phúc hay là họa thường không giống như biểu hiện bề ngoài và cũng không thể dễ dàng phán định được.
Trong cuốn sách “Nhân gian huấn” có câu chuyện kể rằng:
Xưa kia, ở nước Tống có một người rất hay làm việc thiện. Một ngày nọ, con trâu đen trong nhà anh ta sinh ra một con nghé con màu trắng. Anh ta cảm thấy vô cùng kỳ lạ, thế là anh ta liền tìm đến thỉnh giáo Khổng Tử.
Vừa gặp mặt anh ta đã vội vã kể lại sự tình, Khổng Tử nghe xong liền nói: “Không cần phải lo lắng, đây là điềm báo may mắn. Ngươi hãy về nhà làm lễ tạ ơn trời đất đi!”
Người lương thiện kia ngay sau khi trở về nhà đã lập tức làm theo lời Khổng Tử căn dặn. Năm sau, mắt của anh ta vô duyên vô cớ đột nhiên bị mù. Sau đó, con trâu đen kia lại sinh ra một con nghé con màu trắng giống như lần trước. Lần này, anh ta còn cảm thấy kỳ lạ hơn cả lần trước, liền sai con trai đến thỉnh giáo Khổng Tử.
Người con thấy cha sai như vậy thì bèn hỏi: “Năm ngoái cha đi hỏi một lần, hai mắt bỗng nhiên vô duyên vô cớ bị mù. Vì sao bây giờ cha còn muốn đi hỏi nữa?”
Người cha trả lời: “Lời của thánh nhân đều là lúc trước mâu thuẫn nhưng sau thì lại phù hợp. Chuyện này còn chưa kết thúc đâu, con hãy đi hỏi ngài cho cha.”
Người con đành đến thỉnh giáo Khổng Tử lần nữa. Khổng Tử nói: “Không cần lo lắng, đây là điềm báo may mắn. Ngươi hãy về làm lễ tạ ơn thượng thiên đi!”
Người con sau khi trở về bèn kể lại lời Khổng Tử căn dặn cho người cha nghe. Người cha nói: “Chúng ta cứ dựa theo lời của Đức Khổng Tử căn dặn mà làm!” Người con trai làm đúng như vậy và một năm sau đó, hai mắt của người con trai cũng vô duyên vô cứ bị mù.
Một thời gian sau, nước Sở đem quân đánh nước Tống. Quân Tống nhanh chóng bị vây hãm trong thành. Tất cả nam giới trưởng thành đều bị bị điều đi lính, phải trèo lên cổng thành để giao chiến. Kết quả đã có hơn một nửa số người bị tử trận. Hai cha con nhà kia vì mắt bị mù nên không phải đi giao chiến, vì thế mà may mắn thoát được cái chết. Sau khi chiến tranh kết thúc, thị lực của hai cha con họ cũng tự nhiên phục hồi đúng như kỳ tích. Thật đúng là “Họa phúc luân chuyển tương sinh, biến đổi khó mà lường được.” Bấy giờ, hai cha con họ đều cảm thán thốt lên rằng: “May mà chúng ta nghe theo lời của Đức Khổng Tử, cho dù xảy ra tai họa cũng kiên trì kính tín thần linh, thành tâm lễ tế thần linh.”
Có thể thấy rằng, họa phúc chuyển biến cũng giống như mặt trăng, mặt trời đổi chỗ, ngày và đêm luân chuyển cho nhau vậy. Cho nên, sống trên đười, gặp họa không nên quá đau buồn, được phúc cũng không nên quá vui sướng, mất không lo âu, được không hoan hỷ, bởi vì: “Trong phúc có họa, trong họa có phúc, biến hóa vô cùng, sâu xa không thể lường được.”