Gia Cát Lượng và 2 lời tiên tri lạ lùng và chuẩn xác

Gia Cát Lượng và 2 lời tiên tri lạ lùng và chuẩn xác

Tên tuổi của Gia Cát Lượng đã nổi danh suốt 1.800 năm qua trong lịch sử thế giới như một nhà quân sư đại tài. Nhưng ít ai biết rằng ông còn là một nhà tiên tri lừng danh với những dự ngôn cực kỳ chuẩn xác.

Gia Cát Lượng là người đất Dương Đô (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông) quận Lang Nha đời Đông Hán. Ông sinh vào mùa Thu năm Tân Dậu (181), tự Khổng Minh (孔明). Gia Cát (諸葛) là một họ kép ít gặp. Ông mồ côi từ bé rất thông minh, hiếu học, thời trẻ vẫn tự ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị, vốn là những nhà chính trị, quân sự nổi tiếng trong lịch sử.ị. Sau ông tị nạn sang Kinh Châu rồi đến ở đất Nam Dương thuộc vùng Long Trung, chỗ ở có trái núi Ngọa Long cương, nhân thế tự gọi là Ngọa Long tiên sinh, tự mình cày ruộng, thích làm ca từ theo khúc "Lương Phủ Ngâm".

Gia Cát Lượng đem hết tài trí của mình phụng sự cho Lưu Bị và nhà Thục Hán. Sử sách đã chép lại rất nhiều giai thoại, thần tích về sự mưu trí, thần toán cũng như tấm lòng trung trinh, tiết liệt của ông.

Đến tận ngày hôm nay, người ta vẫn còn có thể nhìn thấy dấu ấn của Gia Cát Lượng trong rất nhiều phát minh nổi tiếng: Bát trận đồ (hình vẽ tám trận đồ dùng trong chiến đấu), nỏ Liên Châu (tên bắn liên tục), trâu gỗ ngựa máy để vận chuyển lương thảo, đèn trời (Khổng Minh đăng) hay món màn thầu nổi tiếng.

Tài tiên đoán như thần

 

Đó chính xác là những gì hậu thế dùng để ca ngợi Gia Cát Khổng Minh. Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, hình tượng Gia Cát Lượng được mô tả chói lòa như một thần nhân, có tài hô mưa gọi gió, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Thuyền cỏ mượn tên, cầu gió đông nam, “không thành kế”, lập đàn tế sao giải hạn, chiêm tinh đoán số mệnh… là những minh chứng cụ thể cho tài năng tuyệt luân của Gia Cát Lượng.

Nói về tài chiêm tinh, tiên tri của vị quân sự họ Gia Cát này, có rất nhiều giai thoại được người đời lưu truyền suốt hàng nghìn năm qua. Có thể dẫn ra đây vài thí dụ.

Lưu Bá Ôn (1311 – 1375), là khai quốc công thần của nhà Minh, cũng là một mưu sĩ tài ba, lỗi lạc, văn võ song toàn. Trong một lần xuất chinh tấn công kẻ thù, Lưu Bá Ôn bị lạc vào một hang núi.

Trong hang, Lưu Bá Ôn lần ra được một tấm bia đá khắc dòng chữ: “Vạn đại quân sư Gia Cát Lượng, thống nhất sơn hà Lưu Bá Ôn”, phía dưới có dòng chữ đề “Gia Cát Lượng thủ bút”. Nghĩa của dòng chữ khắc trên bia có thể diễn ra rằng: Gia Cát Lượng chính là quân sự tài giỏi nhất vạn đời nhưng Lưu Bá Ôn mới là người có thể thống nhất giang sơn.

Sau tấm bia còn có bản đồ chi tiết chỉ dẫn đường ra khỏi hang. Lưu Bá Ôn cứ lần theo bản đồ ấy, cuối cùng cũng thoát khỏi được hang sâu, bảo toàn mạng sống để sau này phụng sự đắc lực cho Chu Nguyên Chương, kiến lập ra triều Minh.

Cách nhìn người của Gia Cát Lượng

Trong bộ sách Tướng Uyên, Khổng Minh từng đưa ra nhận xét về tính cách con người rằng: “Tính người thật khó hiểu. Dung mạo bất nhất, hành động trăm ngàn lối. Kẻ trông hiền lành nhu thuận mà vô đạo, kẻ bề ngoài cung kính mà trong lòng trí trá vô lễ. Kẻ trông rất hùng dũng nhưng lại nhát sợ. Kẻ có vẻ thật tận lực mà rất bất trung”.

Trong bộ sách này, ông đưa ra 7 cách để hiểu được lòng người bao gồm: Đem điều phải lẽ trái hỏi họ để biết “chí hướng” / Lấy lý luận dồn họ vào thế bí để biết “biến thái” / Lấy mưu trí trị họ để trông thấy “kiến thức” / Nói cho họ những nỗi khó khăn để xét “đức dũng” / Cho họ uống rượu say để dò “tâm tính” / Đưa họ vào lợi lộc để biết tấm lòng “liêm chính” / Hẹn công việc với họ để đo “chữ tín”.

Nhờ những phép thử rất hữu hiệu này mà Gia Cát Lượng đã giúp cho Thục vương Lưu Bị chọn lựa ra những người có đủ cả tài, đức, trí, dũng, chính, tín; xây dựng nên triều đại nhà Thục hùng mạnh, sánh ngang hai cường quốc bên cạnh là Ngụy và Ngô.

Cuốn “Gia Cát Lượng dã sử” có chép một câu chuyện khác cho thấy tài thần cơ diệu toán của Gia Cát Lượng:

Trước lúc lâm chung, Gia Cát Lượng nhắn gửi lời dặn dò đến con cháu: “Sau khi ta chết, trong số các con sẽ gặp phải đại họa chết người. Tới lúc ấy, hãy dỡ nhà, lấy từ trong tường ra một bọc giấy, trong đó có cách cứu mạng”.

Sau khi ông qua đời, cháu của Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm nhất thống thiên hạ, phá thế tam phân Ngụy – Thục – Ngô, lên ngôi hoàng đế, kiến lập ra triều Tấn. Viêm nghe nói trong đám quan quân có người là hậu duệ của Gia Cát Khổng Minh nên muốn mang ra trừng trị, hòng làm tuyệt tự dòng họ Gia Cát.

Một hôm, đương buổi thiết triều, Viêm cất tiếng hỏi: “Trong các ngươi ai là hậu duệ Gia Cát Khổng Minh”. Một người bước ra sụp lạy. Viêm hỏi tiếp: “Trước khi chết, tổ phụ của nhà ngươi căn dặn những gì mau nói ra?”.

Người kia bèn kể lại chuyện Gia Cát Lượng dặn dò trước lúc lâm chung. Nghe lời đó, Tư Mã Viêm liền phái giáp sĩ tới nhà dỡ tường, lấy giấy ra xem. Bên trong có một phong thư đề mấy chữ “Ngộ hoàng nhi khai” (nghĩa là nếu đúng là vua thì mới được mở ra).

Quân lính trở về trình thư lên, Viêm bóc thư ra xem thử, thấy ghi mấy chữ “Lùi lại ba bước”. Viêm nghi hoặc làm theo. Vừa hay lúc đó xà nhà rơi thẳng xuống chỗ vua ngồi làm ghế bàn gãy tan tành.

Mấy dòng cuối thư viết tiếp: “Ta đã cứu mạng ngươi, ngươi hãy giữ lại mạng cho con cháu ta”. Viêm xem xong thì cực kỳ cảm kích, khâm phục tài trí của Gia Cát Khổng Minh, nhân đó mà tha cho người hậu duệ của ông.

Những lời tiên tri của Gia Cát Lượng được tập hợp trong một bộ sách có tên “Mã tiền khóa” (quẻ gieo trước ngựa). Ở đó, ông đã đưa ra nhiều dự liệu cực kỳ chuẩn xác về những sự kiện trọng đại như: nhà Thục Hán diệt vong, nhà Tấn thống nhất thiên hạ, thời loạn ly sau thời Tấn, những việc đại sự thời nhà Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh… Thậm chí sự ra đời của Trung Hoa dân quốc vào năm 1912 cũng không nằm ngoài dự liệu của Gia Cát Khổng Minh.

Ở Việt Nam, có một người cũng nổi danh trong lịch sử về tài tiên tri là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với những dự ngôn cực kỳ chuẩn xác đến hàng trăm năm sau. Ở một bài viết khác, chúng tôi xin được bàn đến nhân vật lỗi lạc này.

Không chỉ là một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, Gia Cát Lượng còn có tài tiên tri, nhìn sao đoán mệnh, quả thực là “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa thấu lòng người”. Thời xưa, tiên tri là một trong những khả năng thể hiện sự liên lạc giữa người và thần. Những người có tài này thường được gọi với danh xưng “thần nhân”.

Tổng hợp

Tin bài liên quan