Trên đời có muôn vàn triết lý khác nhau về mọi phương diện, mà phong thủy là một nhân tố quan trọng. Tuy nhiên có những phép tắc ẩn còn có tác dụng vượt trên cả phong thủy.
Tục ngữ nói: “Dựa vào núi thì núi sẽ đổ, dựa vào cha mẹ thì cha mẹ sẽ già, dựa vào anh chị em thì anh chị em sẽ bỏ đi”. Con người chỉ có tìm sự trợ giúp từ chính bản thân mình. Trên đời này không có người nào có thể dựa vào được, ngay cả cha mẹ, anh chị em cũng không thể dựa được, chỉ có thể dựa vào chính mình.
Nếu bản thân mình không đứng dậy, chỉ mong chờ người khác cho mình chỗ dựa, ỷ lại vào người khác thì vĩnh viễn là người không có thành tựu gì.
Cần nhớ rằng trong thiên hạ không có bữa trưa miễn phí. Hết thảy thành công đều phải dựa vào sự nỗ lực của bản thân. Khí phách, phong độ, tri thức, và tấm lòng của mỗi cá nhân là khác nhau. Bạn muốn thành công lớn, lập đại nghiệp thì phải bồi dưỡng cho mình độ lượng, giống như biển cả mênh mông. Hơn nữa còn phải bỏ ra nhiều thời gian để giúp mình trưởng thành, giảm thiểu thời gian hà khắc trách móc người khác, đố kỵ người khác.
Khi đêm khuya thanh vắng, một mình chạy lên đỉnh núi cao hoặc đến bãi biển hoang vắng, vô cùng yên tĩnh, nước mắt rơi mà không biết tại sao. Đó không phải là bi thương mà là vui mừng. Đó là một sự thoải mái yên tĩnh vô cùng, tâm hồn mở rộng, bao nỗi thống khổ, phiền não trong tâm tự nhiên biến mất. Đó chính là cảnh tượng mà cổ nhân nói: “Núi vắng sau mưa đêm, tĩnh lặng tuyệt vô thanh”. Đó chính là tận hưởng cô tịch, không phải là thứ mà tiền tài có thể mua được.
Những vĩ nhân trong lịch sử chính là người lãnh đạo trí tuệ hàng đầu, hiểu được diễn biến bước tiếp theo như thế nào liền lãnh đạo mọi người tiến bước, mãi mãi đứng ở hàng đầu đội tuyến.
Người hạng thứ hai là ứng biến, anh biến đổi tôi cũng biến đổi, ứng biến theo.
Người hạng thứ ba là sau khi người ta biến đổi rồi họ vẫn đứng nguyên chỗ cũ bất động.
Năng lượng của sinh mệnh đến từ Tĩnh, càng khó khăn gian nan càng cần phải chậm
Chúng ta thường nói, quy luật vũ trụ là thường hằng bất biến. Trong sinh mệnh con người thường quên mất tĩnh, hơn nữa lại dùng hết mọi động thái để tiêu hao bản thân mà không suy nghĩ nguồn năng lượng của mình đến từ đâu. Năng lượng của sinh mệnh sản sinh ra từ trong trạng thái tĩnh, từ trong cái không. Cũng chính là tại sao con người chúng ta bận rộn đến đêm thì phải đi ngủ. Bởi vì con người cần trạng thái tĩnh, đầu óc không nghỉ ngơi thì không được.
Có lúc xử lý sự việc phức tạp, khó khăn, nghĩ nát óc mà không tìm ra cách giải quyết. Khi đó nhất định trước tiên phải tĩnh tâm lại, không suy nghĩ gì nữa. Sau đó đột nhiên tư tưởng thông thoát, biết làm như thế này sẽ giải quyết được vấn đề. Đó chính là tác dụng của tĩnh. Nếu khi đó bạn không nghỉ ngơi, mà lại càng suy nghĩ nhiều hơn để tìm biện pháp, thế thì thường chẳng tìm ra lời giải mà càng khiến đầu óc căng thẳng, tất cả các dây thần kinh đều căng lên, cuối cùng không chết thì cũng bệnh.
Chớ sợ gặp phải cảnh khốn cùng, nó có thể giúp bạn tôi luyện tâm tính, tăng trưởng trí tuệ. Tu hành chân chính là phải tu hành trong cuộc sống. Nếu bạn dung nạp tất cả, bao dung tất cả bằng tấm lòng rộng lớn thì không có việc gì là nghĩ không được thông. Bạn sẽ thấy tất cả mọi người đều là người tốt, tất cả sự việc đều là việc tốt, tất thảy cảnh ngộ đều là cảnh tốt.
Gặp việc gì cũng chớ suy nghĩ cho mình, cần phải nghĩ cho người khác. Chỉ có bỏ được tự tư, tự lợi thì bạn mới có thể tự tại thoải mái được. Không nên cứ muốn thay đổi người khác, nhìn người khác không thuận mắt. Trước tiên hãy điều chỉnh tâm thái bản thân, tu tốt cái tâm của mình thì tất cả cảnh ngộ sẽ ‘cảnh tùy tâm chuyển’. Bạn đối đãi với người khác như thế nào thì người ta sẽ đối đãi với bạn như thế ấy. Thế nên không nên cứ trách Trời oán người, không nên cứ bới móc lỗi lầm khuyết điểm của người khác.
Người xưa nói, đọc sách là để ‘minh lý’. Minh lý chính là hiểu rõ đạo lý làm người. Kết giao nhiều với những người nhân cách thành thục, phẩm hạnh cao, đáng tin cậy, họ sẽ giúp bạn trưởng thành, khi nhất thời nguy cấp hoạn nạn thì cũng có thể nhờ cậy được. Giao tiếp nhiều với người già cũng có thể học được rất nhiều học vấn và kinh nghiệm.
Giúp đỡ người khác, cho người ta thuận lợi thì trong tâm không được ghi nhớ, cần phải vứt bỏ đi. Nhận được ân huệ của người ta thì nhất định phải mãi mãi ghi nhớ. Đó chính là “Thi ân đừng nhớ, thọ ân chớ quên”.
Làm người, làm việc cần phải lưu lại dư địa, lưu lại không gian xoay xở. Việc có lợi, lợi ích thì chớ chiếm nhiều, chiếm nhiều sẽ có phiền nhiễu, đây chính là cái gọi là ‘người biết đủ thì giàu’. Cũng nên hiểu thế thời và hình thế, sau khi làm tròn bổn phận thì thuận theo mệnh Trời. Làm được như vậy thì hạnh phúc và an nhiên sẽ có trong tầm tay của bạn.
Người xưa nói về kết giao bạn bè thì “quân tử chi giao đạm nhược thủy”, nghĩa là kết giao của người quân tử thì nhẹ nhàng thanh đạm như nước. Bạn bè tốt không phải là bạn rượu thịt, không phải ngày ngày qua lại cùng nhau, mà bình thường thì rất bình lặng thanh đạm. Nhưng nó cũng không phải là lãnh đạm vô tình. Khi bạn bè gặp khó khăn hoặc những việc như ốm đau bệnh tật, tai nạn họa hoạn thì họ liền đến. Bình thường thì không quá để tâm, có lẽ gặp nhau thì cũng chỉ một lời chào hỏi thôi, nhưng có chân tình.
Nếu chỉ chú ý đến mình có thu được lợi ích hay không, tiền tài đều bỏ vào trong túi mình, thế thì bạn không thể có bạn bè, hơn nữa giao tiếp xã hội sẽ ít, không có ‘bạn thực sự’. Nếu bạn lúc nào cũng quan tâm đến bạn bè, giải quyết những khó khăn cho người khác thì quan hệ xã hội rộng. Khi đó nếu bạn gặp khó khăn thì sẽ có nhiều bạn bè đến giúp đỡ.
Nên ghi nhớ câu này “Nghiêm khắc tự giác kỷ luật bản thân, khoan dung đối đãi người khác”. Đối với bản thân thì phải yêu cầu nghiêm khắc. Đối với lỗi lầm người khác thì khi trách họ nhất định không được nghiêm khắc như yêu cầu đối với mình. Làm được như vậy thì đối với cấp trên cũng tốt, đối với đồng nghiệp và cấp dưới cũng hòa hảo, oán hận sẽ tự nhiên ít đi.
Làm người không nên từ sáng đến tối kêu than nghèo khó. Người kêu nghèo là tướng rất bần tiện. Người kêu nghèo là người không biết đủ, hoặc khi cần bố thí thì tiếc của không muốn bỏ tiền của ra nên kêu nghèo kể khổ. Kêu như thế này thì Thượng Thiên sẽ cấp từ trường nghèo cho họ, kết quả càng ngày càng nghèo hơn.
Người muốn phú quý thì trước tiên phải biết đủ. Biết đủ là một tướng thành tựu. Đối với bất kể sự tình nào cũng phải biết đủ, dần dần cuộc sống sẽ càng ngày càng phú quý.
Một người có Đạo chân chính sống trong xã hội này thường có những oan ức, thống khổ, những họ không kêu khổ với người khác, chỉ tự mình gánh vác. Ngoài ra còn giúp người khác, không vì mình, chỉ nghĩ vì người khác. Như thế thì Thượng Thiên sẽ không để họ chịu thiệt, dần dần hoàn cảnh của họ cũng tốt đẹp lên.
Trên đời quả là có những bậc cha mẹ chưa làm tròn trách nhiệm, nhưng tu thân thì trước tiên phải thực hiện đạo hiếu. Thực hiện đạo hiếu không có nghĩa là mù quáng thuận theo. Làm tròn đạo hiếu còn phải có thể khéo léo cảm hóa được lỗi lầm của cha mẹ, đó mới là ý nghĩa sâu sắc đích thực của việc “suy nghĩ phụng sự cha mẹ không thể không thấu hiểu mẹ cha”.
Người trẻ tuổi cả đời không có sự nghiệp thì cũng không thành vấn đề, nhưng cả đời không có chí hướng sự nghiệp thì mới là vấn đề. Tuy có chí hướng sự nghiệp nhưng không nhất định đều có thể làm nên sự nghiệp, nhưng nếu không có chí hướng sự nghiệp thì giống như bài thi bị vứt vào sọt rác, người trẻ tuổi này dường như là phế thải rồi.
Trong lịch sử nhân loại, những người thành đại công, lập đại nghiệp, làm đại sự đều là từ trong gian khổ mà đứng lên. Người có thể từ trong gian khổ đứng lên thì mới hiểu được nhân tình thế thái.
Do đó đối với thành tựu của một cá nhân mà nói, có lúc tuổi trẻ chịu nhiều khổ một chút, chịu nhiều gian nan trắc trở một chút thì đó lại chính là việc tốt. Người thực sự thành đại công, lập đại nghiệp, làm đại sự nhất định có kinh nghiệm nhân sinh phong phú.
Con người không nên ‘trách Trời oán người’, hãy tự hỏi mình, tìm ở chính mình rằng tại sao mình lại không đứng lên nổi? Tại sao mình không đạt được mục tiêu này? Là vấn đề học vấn, tu dưỡng, cách làm… đủ các nguyên nhân của bản thân. Trong đau đớn thất bại suy nghĩ về đau đớn thất bại, phản tỉnh suy nghĩ bản thân mình, tìm những lỗi lầm và những thiếu sót, tự hoàn thiện mình, không nên suy nghĩ trách Trời oán người. Nói theo quan niệm hiện đại, tâm lý trách Trời oán người này tuyệt đối không phải là tâm lý lành mạnh. Như thế mới là người quân tử.
Khổng Tử nói, người quân tử chân chính phải ít nói lời sáo rỗng, lời nói suông, cần làm nhiều sự việc thực sự. Cổ kim Đông Tây, tâm lý nhân loại đều giống nhau, phần lớn thích ba hoa khoa trương, rất ít người tập trung tâm sức, thời gian vào việc thực, thường có lý tưởng rất cao nhưng về hành động thực tế thì lại rất khó thực hiện được.
Học vấn càng cao thì tư tưởng thường càng phức tạp. Nếu có học vấn cao mà lại có thể trở thành người đơn giản thuần khiết, thế thì sẽ là người đệ nhất thiên hạ, từ cao minh quy về bình thường. Đây chính là điều mà Lão Tử nói “Đại trí nhược ngu”, hay như người xưa nói “Cao nhân bất lộ tướng”.
21 phép tắc ẩn được nói đến ở trên, nếu ai cũng nắm được hành được, thì đó chính là phong thủy tốt nhất cho cuộc đời rồi.
Nam Phương.