Trong các cuộc tụ họp khác nhau ngày nay, chúng ta thường nghe mọi người kể những câu chuyện sắc tình tục tĩu, hoặc tùy tiện chế giễu danh tiết của người khác, kỳ thực điều này sẽ tạo thành khẩu nghiệp rất lớn, đồng thời khiến bản thân bất tri bất giác mất đi rất nhiều phúc đức. Tuy nhiên, nếu có người không những không nghe không nhìn những điều trái với đạo đức lễ nghi, mà lại còn có thể nghiêm túc khuyến giới thế nhân không truyền bá những thứ phản cảm này, vậy thì, hành vi thuyết phục người khác hướng thiện cũng khiến cho bản thân tích đức được phúc báo, từ đó mang đến hảo vận bất ngờ. Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị về một vị thư sinh như thế.
Vào thời nhà Minh, có một thư sinh tên là Lý Định ở phủ Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, chàng rất tôn sùng văn hóa truyền thống, phẩm tính cao thượng thanh khiết, dùng tiêu chuẩn nhân nghĩa lễ trí tín để yêu cầu bản thân. Phàm khi gặp người đàm luận về những chuyện nam nữ riêng tư và những điều tục tĩu, chàng sẽ đứng lên khiển trách và khuyến giới; Đối với những người đưa ra những nhận xét thị phi vô trách nhiệm về người khác trong những cuộc trò chuyện hoặc tán gẫu, chàng sẽ tử tế khuyên răn, nói cho họ biết rằng làm như vậy sẽ tạo ra khẩu nghiệp, mang đến ác quả cho bản thân. Lý Định còn viết một bài văn “Khẩu nghiệt giới văn” để thuyết phục thế nhân. Trường kỳ như thế, chàng đã khuyến giới rất nhiều người hướng thiện, một số người đã dùng chính những lời khuyến giới của chàng để khuyên răn nhiều người hơn.
Mặc dù Lý Định tuy được coi là một chính nhân quân tử đích thực trong mắt mọi người, nhưng con đường thi cử của chàng lại không hề thuận lợi, trong hơn mười năm, chàng liên tục thi trượt. Nhưng ngay khi chàng vứt bỏ chấp trước đối với công danh, thì lại có một học sinh lần đầu tham gia thi cử, nhất quyết nài thầy giáo đi cùng, nên chàng tham gia kỳ thi với tâm thái muốn đồng hành với học sinh của mình.
Nhưng ngay đêm trước khi kết quả được công bố, Lý Định nằm mơ thấy người cha đã khuất nói với chàng rằng: “Kiếp trước, con còn nhỏ đã thi đỗ, nhưng vì ngạo mạn tự đại, không biết khiêm cung đối nhân xử thế, Thiên thượng đã trừng phạt con cả đời thi cử không như ý. Hôm nay, có một thí sinh ứng thí, chủ định sẽ trúng giải nguyên, sang năm sẽ trúng tiến sĩ. Tuy nhiên người này tham dâm háo sắc, tháng trước hắn đã phá hoại trinh tiết của một thiếu nữ chưa xuất giá, công danh của hắn đã bị Thiên thượng triệt tiêu. Văn Xương Đế Quân, vì con đã làm bài văn khuyến giới thế nhân, rất nhiều người được con khuyến thiện đã ngừng nói những điều tục tĩu, tích được âm đức rất lớn, nên đã điền tên của con vào để thay thế cho thí sinh bị triệt tiêu công danh kia. Hy vọng con từ giờ trở đi càng có thể thuận theo Thiên ý, tích đức hành thiện, không cô phụ sự hậu đãi của thượng Thiên.”
Chàng vô cùng kinh ngạc khi tỉnh dậy. Khi kết quả được công bố, chàng quả nhiên thi trúng giải nguyên trong tỉnh, năm sau lại thuận lợi thi đỗ tiến sĩ. Để báo đáp ân điển của Thiên thượng, chàng từ đó càng thận trọng hơn trong cách lập thân xử thế, làm quan cực kỳ chính trực liêm khiết, luôn tùy thời khuyên răn con cháu. Quan vị của Lý Định được thăng đến thị lang và ngự sử, sự nghiệp sĩ đồ luôn bình an thuận lợi.
Trong câu chuyện này, việc làm tốt của Lý Định khuyến giới thiên hạ đừng tạo khẩu nghiệp, đã vô tri vô giác đảo ngược vận mệnh không công danh của chàng ở kiếp này, mở ra con đường thành tựu sự nghiệp của bản thân. Đây thực sự là một minh chứng rằng, ông Trời luôn bảo hộ người thiện lương, thiện cử có thể cải biến vận mệnh!
Hương Thảo biên dịch.