Vì sao từ xưa tới nay, người ta đều khuyên nhất định phải hành thiện tích đức?

Vì sao từ xưa tới nay, người ta đều khuyên nhất định phải hành thiện tích đức?

Cổ ngữ nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý rằng đạo trời không thiên vị, đối xử với chúng sinh như nhau, nhưng hành thiện tích đức là phù hợp với thiên đạo, cho nên ông trời thường giúp đỡ người thiện lương.

Người xưa tin vào nhân quả, coi trọng lễ nghĩa và xem nhẹ lợi ích, chỉ cần vô tư giúp đỡ người khác rồi cũng sẽ được đền bù, phúc đức tự tăng thêm.

Kỳ thực Đạo càng cao Pháp càng lớn, tạo hoá sinh ra vạn vật, tất cả đều lấy đức làm gốc, lấy thiện làm căn. Cổ ngữ có câu: “Đức năng thắng số”, con người chỉ cần tích đức hành thiện sẽ có thể thay đổi vận mệnh, chuyển hung hóa cát, chiêu tài đón lộc.

Vào thời Bắc Tống có ghi lại mấy câu chuyện: Chúc Nhiễm là người huyện Diên Bình Sa, cần kiệm mà lại hay làm việc thiện. Vào năm có nạn đói, ông nấu cháo và cơm để cứu giúp cho người dân nghèo khó, mấy vạn người nhờ ông mà khỏi bị chết đói.

Về sau, ông sinh được một người con trai, thông minh hiếu học. Lúc vào kinh thành dự thi, trước khi công bố kết quả, rất nhiều người ở quê mơ thấy sứ giả áo vàng cầm trong tay bảng trạng nguyên, dựng thẳng trước cửa nhà Chúc gia, trên đó viết chữ lớn: “Báo ơn phát cháo miễn phí”. Đến khi yết bảng, con của ông quả nhiên đỗ trạng nguyên. (Trích trong “Thái Thượng cảm ứng”). 

Hoàng Kiêm Tế là người ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, có khí tiết, thường giảng lễ nghĩa, chỉ cần có thể giúp đỡ được người khác, ông nhất định sẽ cố gắng để làm, xung quanh ai cũng xem ông là người thiện lương. 

Vào một buổi tối, tri phủ của phủ Thành Đô là Trương Vịnh, mơ thấy Tử Phủ Chân Quân nói chuyện với ông. Bỗng nhiên có người báo cáo nói: “Hoàng Kiêm Tế ở cửa Tây đã đến!”. Tử Phủ Chân Quân đi xuống bậc thang để tiếp kiến Hoàng Kiêm Tế, hơn nữa sắp đặt cho Hoàng Kiêm Tế ngồi trên ghế của Trương Vịnh.

Hôm sau, Trương Vịnh mới hỏi thăm Hoàng Kiêm Tế, thì quả nhiên hai người đã có giấc mộng giống nhau. Trương Vịnh hỏi: “Ngài bình sinh làm nhiều việc thiện, nên Tử Phủ Chân Quân mới trọng đãi ngài như vậy chăng?”

Hoàng Kiêm Tế trả lời: “Thực ra tôi cũng không có làm việc thiện gì cả, chẳng qua là vào mùa thu hoạch lúa, thì thường dùng 300 xâu tiền để đi thu mua, đợi đến sang năm khi lúa chưa chín, lúc đó cuộc sống của người dân rất khổ, mới mang bán lại với giá gốc. Việc này đối với tôi mà nói, cũng không có tổn thất gì, nhưng dân chúng trong lúc nguy cấp có thể nhờ vậy mà vượt qua khó khăn, chỉ vậy mà thôi!”. 

Trương Vịnh cảm thán nói: “Đây là lỗi tại tôi!”. Liền ra lệnh cho tả hữu đỡ Hoàng Kiêm Tế ngồi lên trên, tự mình làm lễ bái, đáp tạ ông đã chăm lo cho dân chúng. Hoàng Kiêm Tế cả đời phúc thọ an khang, con cháu ai cũng là người hiền đức và được hiển quý. (Trích trong “Thái thượng cảm ứng”). 

Lâm Tích là người ở Nam Kiếm Châu, thuở thiếu niên vào kinh đi thi, dọc đường dừng nghỉ ở Thái Châu, ở trong phòng trọ nhặt được một túi vải, bên trong có ngọc quý phải đến mấy trăm viên.

Lâm Tích hỏi chủ nhà trọ xem hôm qua ai đã ở phòng này, chủ nhà nói đó là một thương nhân giàu có. Lâm Tích nói với chủ nhà: “Người đó là bằng hữu của tôi. Nếu như ông ta có quay trở lại, hãy nói ông ta đến kinh thành và hỏi thăm Lâm Tích. Nhất định không được quên đấy!”. 

Dù đã căn dặn như vậy, Lâm Tích sợ chủ nhà sẽ quên, lại viết thêm vài chữ ở trên tường ở trong phòng để nhắn nhủ cho vị thương nhân kia.

Không lâu sau, vị thương nhân giàu có kia muốn bán ngọc thì mới phát hiện là bị mất rồi, ông suy nghĩ: “Ta bôn ba bao nhiêu năm nay, chỉ kiếm được có một túi ngọc đó thôi. Nay đã mất rồi, nhà ta lấy gì mà sống tiếp đây?”. 

Ông vội vàng quay trở lại đường cũ để tìm kiếm, đi thẳng đến nhà trọ, sau khi nghe được chủ nhà chuyển lời của Lâm Tích, lập tức đuổi theo đến kinh thành để tìm kiếm. Lâm Tích sau khi xác minh lại mọi việc thì trao trả đủ số ngọc. 

Vị thương nhân cảm kích mãi không thôi, mới đưa ra một nửa số ngọc để tạ ơn, Lâm Tích kiên quyết từ chối. Thương gia vô cùng biết ơn, mới lấy một nửa số ngọc bán đi, lấy tiền đó đưa cho Lâm Tích để làm vốn sinh sống sau này, đền ơn đã trả lại ngọc. 

Về sau, Lâm Tích tham gia khoa thi và đỗ tiến sĩ, được giữ chức phán quan ở Tuần Châu. Một lần, Lâm Tích xử lý một vụ án về cướp biển, cấp trên của ông vì muốn có được thành tích tốt để tranh công với triều đình, muốn Lâm Tích phải phạt cái án này thật nặng, hơn nữa hứa hẹn là nếu làm tốt án này thì sẽ thăng chức cho Lâm Tích. 

Lâm Tích không vì lợi ích mà thay đổi, kiên trì theo lẽ công bằng mà thi hành pháp luật, qua nhiều lần kiểm chứng, cho rằng vụ án này chưa đủ chứng cứ, liền tuyên cáo thả 58 người vô tội. Về sau vị cấp trên kia đã bị triều đình cách chức, Lâm Tích làm quan đến chức tam công, hai người con cũng đều được làm quan, công danh hiển hách. (Trích “Vưu khê huyện chí . Lâm Tích truyện”)

Cổ nhân nói: “Làm việc thiện sẽ có thiện báo, làm việc ác sẽ có ác báo, nhà tích thiện, ắt phúc có dư, nhà không tích thiện, ắt họa có dư”. Người lương thiện giữ tâm từ bi, biết suy nghĩ cho người khác, phẩm chất cao thượng khiến cho cả người và Thần đều phải khâm phục, hết thảy phúc đức cũng tự nhiên mà đến, hết thảy tai họa cũng nhờ thế mà rời xa. Bởi thế từ xưa đến nay mọi người đều khuyến thiện, cũng không phải là không có nguyên nhân vậy.

Chân Chân.

Tin bài liên quan