Tục ngữ có câu: Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
Giữa thân thích có mối quan hệ huyết thống, sợi dây gắn bó này bao giờ cũng bền chặt không dễ gì chia cắt. Nhưng bây giờ, tình cảm thân thích lại trở nên phai nhạt, vậy đâu là nguyên nhân?
Kỳ thực, điều này chỉ cần đôi ba câu nói của người xưa liền có thể thông tỏ:
Để duy trì mối quan hệ tốt đẹp đòi hỏi chúng ta cần phải giữ gìn nó.
Trong trường đại học, tuy quen biết rất nhiều bạn học tốt nhưng một khi tốt nghiệp thì thân ai nấy lo, không còn giữ liên lạc với nhau nữa. Qua hai ba năm sau, ngay cả những thông tin được ghi chép về nhau cũng dần dần mất hẳn.
Cuộc sống một khi đã qua đi là sẽ không trở lại. Bạn bè cũng như thế, thân thích cũng là như vậy. Anh chị em sau khi thành gia lập thất, đã có gia đình riêng của mình thì cũng cần săn sóc các thành viên trong nhà thật ân cần chu đáo. Dần dà qua lại giữa các nơi, quan hệ với anh chị em họ hàng cũng nhạt đi không ít.
Cách xa không gặp, thời gian trôi qua sẽ khiến tình cảm thân thích càng ngày càng lạnh nhạt. Đó là lý do tại sao người xưa hay răn dạy: ‘Ba năm không đến nhà, tưởng thân ấy mà chẳng thân’, nhưng rất nhiều người lúc chung sống với nhau lại hiếm khi chú ý tới điểm này.
Người trẻ tuổi ngày nay chắc hẳn không mấy ưa thích lễ Tết cổ truyền, bởi vì mỗi dịp Tết đến xuân về là họ biết ngay sẽ có cô bảy dì tám tới hỏi thăm đủ thứ chuyện trên đời: Lương mấy chục mấy đồng, kết hôn chưa, dự định sinh con đẻ cái thế nào, hay là muốn sinh đôi sinh ba, v.v….
Đối với người trẻ tuổi, đó đều là những việc riêng tư và không nên bị người khác truy hỏi như vậy. Họ cảm thấy những người họ hàng đó: Tới lui thì ít, mà để ý thì nhiều. Ngày qua ngày, mối quan hệ sẽ càng khó hòa hợp.
Mỗi người đều có cuộc sống độc lập không phụ thuộc vào ai, cũng đều không muốn người ngoài biết về đời tư của mình. Nếu cứ một mực đào bới chuyện riêng của người khác thì chỉ có thể khiến cho thân thích ngày càng xa lánh.
“Nhân sinh hữu xích, cảm tình hữu độ”; ý nói đường đời có thước đo, tình cảm có chừng mực.
Chuyện của nhà thông gia, đằng ấy nguyện ý chia sẻ thì mình nghe, nhược bằng không muốn nói thì ta cũng chớ nên thăm dò. Tôn trọng việc riêng tư, biết giữ vững mình trong các mối quan hệ thì tình cảm mới có thể gắn bó lâu bền.
Thật vậy, một căn nhà rách nát giữa chốn kẻ qua người lại hiếm khi có ai ngó ngàng tới; thế nhưng chỉ vừa hay tin trong khu rừng kia mới xây lầu gỗ lim bóng loáng thì tức khắc bốn bể đổ xô về.
Lúc chúng ta đang khó khăn, người thân rất ít qua thăm hỏi; một khi ăn nên làm ra, cho dù bạn ở góc trời nào cũng sẽ có kẻ tìm đến.
“Nhân tình lãnh noãn, tự cổ giai nhiên”, ý nói tình người có lúc ấm áp có lúc lạnh nhạt, từ xưa đến nay đều là như vậy. Có một câu chuyện kể rằng:
Một chàng trai nọ may mắn trở thành sinh viên đầu tiên thi đậu đại học trong làng. Sau khi tốt nghiệp, anh ấy ở lại thành phố làm viên chức nhà nước. Trải qua mười mấy năm gian nan vất vả, giờ anh đã trở thành trưởng khoa của ngành, tiền đồ sáng lạn; người thân trước đây bèn vội tìm tới cửa nhà thăm hỏi. Có người đến mượn tiền, có người cần được hỗ trợ xin việc, còn có kẻ mời cả người khác tới nhờ anh giúp đỡ.
Thời gian đầu, anh còn tận tình hỗ trợ thế nhưng lâu dần, người thân tìm đến nhà mỗi ngày một đông, đòi hỏi cũng càng lúc càng quá đáng. Trong cơn nóng giận, chàng trai đã cãi lộn ầm ĩ với họ hàng thân thích và kể từ đó bọn họ không còn ghé qua nữa.
Lộ Dao trong cuốn sách “Thế giới bình phàm” có nói rằng: ‘Sự thân mật giữa người và người chẳng phải là do thân thích hay không, thời còn trẻ thường xem trọng hai chữ thân thích tốt đẹp này. Đến khi trưởng thành bắt đầu cuộc sống tự lập mới biết quan hệ thân thuộc thấp kém nhường nào: tìm cách được thơm lây cùng nhau, nếu không được hưởng miếng nào thì bất bình phẫn nộ, thậm chí những trở ngại to lớn gặp phải trong cuộc sống của bạn cũng thường do những người thân thích gây nên.’
Trước đây, họ hàng thân thuộc sống quây quần bên nhau, mọi người cùng chung một làng, thường gieo trồng vào mùa xuân và gặt hái vào mùa thu, phòng hạn ngăn lụt đều đoàn kết lại với nhau, có vinh cùng hưởng có nhục cùng chịu.
Giữa thân thích có nghĩa vụ giúp đỡ lẫn nhau, nếu có người làm ăn phát đạt thì những người khác cũng được thơm lây, chỉ đáng tiếc bây giờ không còn được như thế nữa. Một khi bắt tay vào công việc, xung quanh chúng ta đa phần đều là những người mà ta không quen biết, mọi người đều phải tự mình đơn độc phấn đấu một phen trong thế giới đầy những người xa lạ này. Điều đó khiến cho quan hệ bạn bè, đồng nghiệp trở nên thân thiết hơn so với quan hệ họ hàng.
Một người chỉ biết dựa vào quan hệ thân thích để đòi hỏi lợi ích mà không có lòng biết ơn sẽ chỉ làm cho người khác chán ghét. Giữa con người với nhau là quan hệ tương hỗ, biết trợ giúp nâng đỡ lẫn nhau mới có thể cùng nhau tiến xa hơn.
Quan thanh liêm nếu như khó cắt đứt những chuyện trong nhà, không dứt bỏ được tình cảm thân quyến thì điều lý, án lý sẽ rối ren như tơ tằm và chẳng làm nên việc gì.
Bất cứ ai trong chúng ta, khi sống chung với người thân đều không nên quá thờ ơ, hời hợt và cũng chẳng nên quá mức thân thiết. Khi ta biết giữ đúng chừng mực, có lòng biết ơn và cảm thông với người khác, thì chắc chắn tình cảm thân thích sẽ ấm áp bền lâu.
Mỹ An.