Vì sao những người đàn ông tài đức nhất lịch sử lại lấy vợ xấu xí?

Vì sao những người đàn ông tài đức nhất lịch sử lại lấy vợ xấu xí?

Theo một lẽ rất tự nhiên, sự kỳ tài của nam nhân có sức thu hút lạ kỳ với người khác giới. Chẳng vậy mà đằng sau người đàn ông tài năng nào cũng thấp thoáng một hồng nhan cho mình, dẫu họ cố ý cũng vậy, hay vô tình cũng vậy, vẫn có người phụ nữ lặng thầm đi bên cạnh họ, hoặc theo đuổi họ.

Hồng nhan là chỉ người phụ nữ đẹp không phân biệt giai cấp và tầng lớp, nhưng địa vị và vẻ đẹp đó không bảo đảm nết hạnh của họ cũng được tốt đẹp như vậy. Nhưng có người lại nói rằng hồng nhan là chỉ tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh) của người phụ nữ, cái đẹp nhu tình duyên dáng ẩn náu bên trong, không chỉ nói riêng về phụ nữ có vẻ đẹp ngoại hình.

Hồng nhan ấy là phúc hay là họa, mà khi có người thắc mắc: “Tại sao nhiều đàn bà đẹp lại lấy phải đàn ông chẳng ra gì”, thì nhà hiền triết Aristole lại tặng cho người đời một câu thật thông minh, dí dỏm mà đầy ý nghĩa: “Bởi vì đàn ông thông minh không bao giờ lấy đàn bà đẹp”.

Lịch sử để lại không ít giai thoại về những mối tình ghi vào sử sách, có những người đàn ông tài năng bậc nhất thiên hạ nhờ đức hạnh của người vợ kém sắc mà đạt được thành công chói lọi “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, bên cạnh đó cũng có không ít những vị vua tài năng nhưng lại mất nước, làm khổ dân chúng chỉ vì một chữ “Sắc”.

Người vợ xấu xí của Khổng Minh

Khổng Minh Gia Cát Lượng là một trong số những thiên tài quân sự nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa lấy vợ “xấu xí” – bà Hoàng Nguyệt Anh.

Hình tượng của ông trong sử sách được nói đến là hóa thân của trí tuệ, nhân cách cao thượng, một chính trị gia xuất sắc của Thục Hán trong thời Tam Quốc. Còn dung mạo của ông thì khôi ngô tuấn tú, tướng mạo phi phàm, mình dài tám thước, trán cao vời vợi, mắt sáng như sao xa. Vậy mà lấy người vợ đen đúa, xấu xí, nguời đời gọi bà là Hoàng A Xú. Vậy điều gì ở Hoàng A Xú lại khiến ông “yêu trọn trái tim” đến vậy?

Chiếc quạt lông mà bà tặng trong lần Gia Cát Lượng đến cầu hôn là vật bất ly thân của ông trong mọi trận bày binh bố trận, không lúc nào rời khỏi tay. Bà hỏi ông: “Gia Cát tiên sinh, có biết tại sao tôi lại tặng ngài quạt không?”. Ông đáp: “Là lễ nhẹ mà tình nghĩa thì nặng phải chăng?”. Bà đáp: “Còn ý nghĩa thứ hai?”. Ông suy nghĩ mãi mà không thể đáp. Bà nói tiếp: “Gia Cát tiên sinh, tiên sinh vừa cùng gia phụ đàm luận thiên hạ đại sự, tâm mang đại kế, khí vũ hiên ngang, say mê hứng thú. Nhưng mà, tôi phát hiện ngài nói tới Tào Tháo thì chân mày hiện rõ ưu tư. Tôi tặng ngài chiếc quạt này là để ngài che mặt lúc đó”.

Sự thông minh tuyệt vời và đức hạnh của bà từ sớm đã được khắp thiên hạ ngưỡng mộ, chẳng vậy mà bao lời bàn tán về dung nhan kém sắc của bà vẫn không cản trở trái tim của người quân tử Khổng Minh đến để cầu hôn. Ông đàm thê luận ái, trân trọng vợ mình mà ví von “trong mắt kẻ si tình hiện Tây Thi”.

Người đời nhìn thấy hạnh phúc phu phụ tương kính như tân của ông, còn đặt ra câu hỏi rằng: Không biết ai lấy ai mới là người may mắn nhất? Hoàng Nguyệt Anh đích thực là hồng nhan tri kỷ trọn đời của chồng mình.

Nguyễn Nữ, vợ Hứa Doãn

Còn có một câu chuyện về Hứa Doãn thời Tam Quốc lấy con gái của Nguyễn Đức Uy, tên là Nguyễn Nữ. Bà là người rất thông minh tài giỏi, đối đáp khôn ngoan nhưng dung mạo thì lại kém so với tài đức của mình. Đêm động phòng lần đầu, Hứa Doãn mở rèm và nhìn thấy dung nhan của bà thì ngay lập tức trở ra.

Sau đó Hằng Phạm là bạn của Hữa Doãn đến thăm, nói với ông rằng: “Nhà họ Nguyễn gả con gái họ cho huynh là có lý do, huynh nên trân trọng điều ấy”. Hứa Doãn nghe lời Hằng Phạm, cuối cùng đã chịu vào phòng. Nhưng vừa nhìn thấy dung mạo xấu xí của tân nương, Hữa Doãn lại trở ra, Nguyễn Nữ nắm lấy vạt áo chồng giữ lại. Hứa Doãn vừa giật tay áo vừa hỏi: “Trong tứ đức thì nàng có mấy đức?”.

Nguyễn Nữ trả lời: “Thiếp chỉ thiếu đức dung. Người quân tử có bách hạnh, chàng có được bao nhiêu hạnh?”. Doãn Hứa trả lời: “Ta có đủ”. Nguyễn Nữ nói: “Trong bách hạnh, chữ đức đứng đầu. Chàng ham sắc mà khinh tài, vậy có thể coi là đủ bách hạnh không?”. Hứa Doãn xấu hổ không nói được gì. Từ đó về sau chàng rất yêu mến và quý trọng vợ.

Đức hạnh của bà cũng an nhiên trở thành một hồng nhan tri kỷ bên cạnh chồng mình mà không chịu bất cứ lời bàn tán nào của thiên hạ.

Đát Kỷ hồ ly

Một trong những mỹ nhân họa quốc trong lịch sử có thể kể đến là Đát kỷ.

Không ngẫu nhiên một người phụ nữ đầy đủ tài năng, sắc đẹp và thủ đoạn lại giao kỳ hội ngộ mà tương hợp với tất cả những thói hư tật xấu của một Trụ Vương vô cùng thông minh, gian giảo.

Từ nữ công gia chánh đến lục thao tam lược (võ nghệ, quân sự), từ nghệ thuật phòng the cho đến cả những tri thức cao vời như dưỡng sinh, pháp thuật, Đát Kỷ dễ dàng làm Trụ Vương mê mờ. Vẻ đẹp của Đát kỷ lại được ví với từ ma mị, một vẻ đẹp chứa đầy nội tâm dung tục để quyến rũ vua Trụ Vương chìm đắm trong tửu sắc mà đánh mất triều đại nhà Thương trong thoáng chốc.

Đát kỷ chính là hình ảnh một hồng nhan họa thủy, gây hại cho đất nước nổi tiếng, để lại bài học sâu sắc về chữ “Sắc” trong lịch sử.

Vậy hẳn nhiên, qua những câu chuyện lịch sử, ta có thể nhìn thấu được cái tàng ẩn như con dao hai lưỡi giữa tốt và xấu của hồng nhan, cán cân giữa đức hạnh và dung mạo. Những người đàn ông tài đức nhất lịch sử lấy vợ xấu xí nhưng phu thê tương kính như tân, hạnh phúc vẹn toàn vẫn cứ là nhân vật chính được bàn tán của không ít kẻ tráng niên. Song không phải người đàn ông nào cũng đủ đức cao vọng trọng, thanh tâm quả dục mà thư thái tận hưởng vị thanh khiết tinh túy của tách trà thơm ẩn tàng đằng sau dung mạo của người phụ nữ kém sắc.

Có những loài hoa chỉ nở về ban đêm như hoa Quỳnh, Thiết mộc lan, Dạ lý hương… lặng lẽ khoe sắc và tỏa hương nồng trong bóng tối, được ví như nét đẹp của những người phụ nữ kém sắc nhưng đầy đủ đức hạnh mà trở nên nhu tình, duyên dáng, thanh cao, quý phái. Hồng nhan khi ấy là tri âm tri kỷ, dịu dàng mà bền bỉ theo tháng năm.

Hoàng Mai.

Tin bài liên quan