Đức Phật Thích Ca là bậc giác ngộ vĩ đại trong lịch sử nhân loại. Thế nhưng vì sao trong những ngày đầu truyền Pháp, những đệ tử đầu tiên của Đức Phật lại không hoan nghênh ngài?
Truyền thuyết kể rằng, khi Đức Phật Thích Ca đản sinh, lúc ấy ông là thái tử Tất Đạt Đa của nước Cồ Đàm ở vùng đất Ấn Độ cổ. Cha thái tử lúc này là vua cha Tịnh Phạn tổ chức lễ đặt tên cho thái tử và có mời các vị sa môn đến tham dự. Trong đó có một đạo sĩ Bà La Môn trẻ tuổi tên là Kiều Trần Như. Khi xem mặt thái tử ông đã vô cùng chấn động trước tướng mạo phi phàm thoát tục của Ngài nên đã quả quyết rằng, sau này thái tử nhất định sẽ đạt quả vị chánh giác, câu chuyện này đã được lưu thành truyện và ghi chép vào sổ sách.
Sau này, khi nghe tin thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ hoàng cung và vào rừng xuất gia tu hành, Kiều Trần Như đã dẫn theo 4 vị đạo sĩ thân thiết khác để tìm thái tử. Họ đã gặp nhau và trở thành những đồng môn cùng tu luyện.
Thời ấy, trong lịch sử tu luyện của các pháp môn ở Ấn Độ tin rằng chỉ có tu khổ hạnh mới có thể thành Đạo, đắc quả vị và viên mãn. Nhưng sau nhiều năm khổ tu như thế, cả thái tử Tất Đạt Đa và các vị sa môn khác đều trở nên kiệt quệ, thân thể gần mòn mà vẫn chưa thể đạt đến giác ngộ. Lúc này, Thái tử Tất Đạt Đa nhận ra rằng đây không phải là con đường chân chính để đắc Đạo, bởi vậy ông đã từ bỏ phép tu khổ hạnh để chuyên tâm thiền định.
Khi sa môn Kiều Trần Như nhìn thấy thái tử Tất Đạt Đa bắt đầu ăn uống bình thường trở lại, ông vô cùng thất vọng và tỏ ra không còn tin tưởng Đức Phật vậy nên ông đã bỏ đi cùng với 4 người bạn đạo sĩ thân thiết của mình.
Sau khi thái tử Tất Đạt Đa khai ngộ dưới cội bồ đề và trở thành Phật, ngài biết rằng năm người bạn đồng tu của mình trước kia đang phải tu hành khổ hạnh tại vườn Lộc Uyển, họ cũng đang chờ đợi để đắc được Phật Pháp. Bởi vậy, Đức Phật tới Lộc Uyển để cứu độ họ.
Năm vị sa môn nhìn thấy dáng hình Đức Phật Thích Ca thấp thoáng từ xa, họ bèn thương lượng với nhau: “Ông ta đã từ bỏ khổ hành, trở thành một kẻ tham lam rồi. Khi ông ta tới, chúng ta sẽ không nói chuyện với ông ấy, cũng đừng có tỏ ra cung kính hoan nghênh, và cũng không nhận bát và áo cà sa của ông ấy.
Chúng ta chỉ trải một cái đệm ở đây để chuẩn bị, nếu ông ấy muốn ngồi thì ngồi, không ngồi thì để ông ấy đứng, không một ai được hoan nghênh người đã mất ý chí tu hành như ông ấy!”.
Nhưng khi Đức Phật tới gần, có một năng lượng từ bi và hòa ái nào đó đã cảm hóa cả 5 vị sa môn. Họ không kìm nén được niềm vui tột độ trong lòng, bất giác quên hết những điều vừa bàn bạc.
Có người vội vàng chạy đi hành lễ, cung kính nhận áo cà sa và bát từ tay Đức Phật, có người nhanh chóng chạy đi trải đệm, có người vội vàng chạy đi lấy nước dâng lên mời Đức Phật…
Sau đó Đức Phật đã giảng Pháp cho họ và cả 5 vị sa môn đều trở thành những đệ tử đầu tiên của Đức Phật Thích Ca, gồm có: Kiều Trần Như, Bạt Đề, Bà Sư Ba, Ma Ha Nam, và A Thuyết Thị. Từ đó, họ từ bỏ lối tu khổ hạnh, tinh tấn theo Phật Pháp tu hành, sau này tất cả đều lần lượt chứng đắc quả vị A La Hán.
Trong suốt 49 năm truyền Pháp, cuộc đời của Đức Thích Ca đã đi khắp nơi diễn giảng và giáo hóa chúng sinh. Những đệ tử của ngài đều là những bậc tinh anh, trong đó có cả những quân vương quyền thế như vua Tần-bà-sa-la và vương hậu Vi-đề-hi của xứ Ma-kiệt-đà, vua Ba-tư-nặc và vương hậu Mạt-lợi của nước Kiều-tát-la…
Kiên Định.