Vì sao những cao nhân đắc Đạo phải tìm kiếm đồ đệ truyền thừa?

Vì sao những cao nhân đắc Đạo phải tìm kiếm đồ đệ truyền thừa?

Phàm là người đã đắc Đạo thì đều mang trên thân sứ mệnh truyền đạo. Theo như lý thuyết của Đạo gia mà nói, nếu một người đắc Đạo mà không truyền cho người khác thì họ sẽ rơi vào tình huống bị Trời cao trừng phạt. Bởi thế, trước lúc ly khai thế gian, người đã đắc Đạo đều để lại cho người được truyền lưu ý này...

Vào thời Đông Hán, có một người tên là Khổng Nguyên Phương, người Hứa Xương, Hà Nam. Ông bắt đầu tu Đạo từ khi còn rất trẻ. Trong khi tu Đạo, ông thường mặc quần áo làm từ nhựa thông, ăn nấm cây thông và hạt thông để sinh tồn. Ngay khi tuổi đã cao, hình dáng của ông trông vẫn rất trẻ, chỉ khoảng 40 tuổi. Thời đó, một số người tu Đạo nổi tiếng như Tả Nguyên Phóng… cũng là bạn của ông. 

Họ không phải là những người yêu thích đọc ‘Tứ thư’, ‘Ngũ kinh’. Những người này thường không hỏi chuyện thế sự mà chỉ một mực chuyên chú học thuật tu Đạo. Khổng Nguyên Phương là một người lương thiện và nhân từ, ăn chay, mặc quần áo thô sơ, uống rượu không quá một bầu mỗi ngày. 

Khi ngoài 70 tuổi, một số đạo sĩ mời Khổng Nguyên Phương tới uống rượu. Lúc uống vượt quá mức, ông thực hiện hành động phạt rượu, một tay cầm chặt cây gậy chống xuống đất, toàn thân lộn ngược trong tư thế trồng cây chuối, tay còn lại cầm chén rượu và cứ thế uống. Những người còn lại trong hội bạn đạo sĩ của ông không ai thực hiện được hành động này. 

Tại gia đình, Khổng Nguyên Phương cũng có vợ và hai con, tuy nhiên ông không tích trữ tiền tài mà chỉ tận lực làm ruộng. Một hôm, nhà của Khổng Nguyên Phương bị cháy, hàng xóm xung quanh đều tới giúp đỡ dập lửa, đem quần áo, lương thực và các thứ đồ vật bỏ ra ngoài, thế nhưng Khổng Nguyên Phương lại không màng đến việc này, ông ngồi ngoài hàng rào xem nhà cháy. Vợ ông thúc giục ông nhanh tới chuyển đồ vật trong nhà ra ngoài, Khổng Nguyên Phương lại cười nói: “Những thứ đó đều là vật ngoài thân, có gì đáng tiếc đâu”. 

Ngoài ra, Khổng Nguyên Phương còn đào một hang động bên sông, sau đó ông vào trong hang không ăn không uống, một hai tháng không ra ngoài, cho dù là người nhà đến tìm, ông cũng không cho vào trong động. Trước cửa động có một cây bách lâu năm tán rộng, phía sau động có bụi cỏ gai lớn, có thể chống đỡ che phủ cho hang động này. Đôi khi đệ tử của Khổng Nguyên Phương có việc gấp đến tìm nhưng cũng không tìm được hang động mà ông đang ở. 

Sau đó, một thiếu niên tên là Phùng Ngộ đến từ phương Đông, cũng rất yêu thích Đạo thuật, do đó muốn theo Khổng Nguyên Phương học Đạo. Thật bất ngờ, người này vừa từ nơi xa tới mà lại có thể tìm được hang động mà Khổng Nguyên Phương ở một cách dễ dàng. Khổng Nguyên Phương nói: “Người khác tới nơi này đều không tìm thấy ta, ngươi vừa đến đã tìm được, xem ra ngươi đúng là người mà ta có thể truyền thụ Đạo thuật”. Nói xong, Khổng Nguyên Phương bèn đem hai cuốn vải trắng ghi chép kinh sách đưa cho Phùng Ngộ. 

Khổng Nguyên Phương cũng đem hai cuốn vải trắng ghi chép kinh sách đưa cho Phùng Ngộ.

Khổng Nguyên Phương nói với Phùng Ngộ: “Hai cuốn sách này ghi lại những điểm cần lưu ý trong việc tu Đạo, sau 40 năm mới có thể truyền thụ cho một người. Nếu như 40 năm sau mà không tìm được người xứng đáng để truyền thụ, thì cũng không vì hết thời hạn mà truyền bừa bãi cho người khác. Như vậy, phải đợi tiếp 40 năm nữa mới có thể truyền thụ. Đến thời điểm đó mà có hai người xuất hiện thì có thể truyền cho hai người”. 

Tuy nhiên, nếu truyền nhầm người hoặc không truyền thì sẽ phạm vào tội “Bế Thiên Đạo”. Nếu không nên truyền lại truyền ra, vậy thì sẽ phạm vào tội “Tiết Thiên Đạo”. Hai tội này nếu phạm phải thì sẽ liên lụy đến con cháu và suốt đời bị trừng phạt. Hiện tại ta đã truyền hết tinh yếu của Đạo thuật cho ngươi, như vậy ta có thể rời đi rồi”. 

Kể từ đó, Khổng Nguyên Phương rời bỏ gia đình đi vào Tây Nhạc Hoa Sơn. Tương truyền hơn 50 năm sau – khi ấy Khổng Nguyên Phương đã khoảng hơn 120 tuổi, ông có từng trở lại cố hương một lần. Bởi vì ngoại hình không thay đổi chút nào nên vẫn có người nhận ra ông.

San San biên dịch.

Tin bài liên quan