Hàng năm, bắt đầu từ ngày mồng Mười tháng giêng, chùa Côn Sơn (huyện Chí Linh Hải Dương) đã được đón khách thập phương đến lễ phật và trẩy hội. Chính thức lễ hội bắt đầu từ ngày rằm tháng Giêng đến ngày 22 thì kết thúc.
Mặc dù tục xưa như vậy, nhưng ngày nay bắt đầu từ mồng Mười đến hết tháng giêng, hầu như ngày nào cũng là ngày lễ hội. Đặc biệt từ năm 2003 trở lại đây do đền thờ Nguyễn Trãi mới được xây dựng, nên ngay từ lúc giao Thừa các phật tử và nhân dân quanh vùng đã nô nức đến thắp hương, xin lộc.
Cái hấp dẫn du khách thập phương trước hết vì Côn Sơn là một vùng danh lam cổ kính nổi tiếng. Từ 600 năm trước, Nguyễn Phi Khanh (thân phụ Nguyễn Trãi) đã mô tả: Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bày, hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới. Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem. Phàm những hình ảnh trong mát, hợp với tai mắt người ta ở đây đều có cả. Sau đó, Nguyễn Trãi lại mô tả bằng thơ:
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Ngày nay, di tích Côn Sơn được tu tạo và bổ sung thêm nhiều nét mới, khiến phong cảnh càng thêm thơ mộng và huyền diệu. Nhất là ngôi đền thờ Nguyễn Trãi mới được UBND tỉnh Hải Dương xây dựng và khánh thành vào mùa thu năm 2002, càng làm cho khu thắng cảnh này thêm thiêng liêng, hùng vĩ. Sắp tới, đền thờ Trần Nguyên Đán (ông ngoại của Nguyễn Trãi) được xây dựng phía trên đền thờ Nguyễn Trãi, chính nơi mà hơn sáu trăm năm trước ông đã dựng nhà để nghỉ ngơi lúc tuổi già cùng cậu cháu ngoại mới 5 tuổi là Nguyễn Trãi).
Đường vào Côn Sơn từ nhiều ngả đều được nhà nước đầu tư kinh phí trải nhựa, chung quanh chùa có rừng thông cổ kính, ngoài ra còn có vườn thực vật với nhiều giống cây quý hiếm. Ngay cổng chùa có hồ Bán Nguyệt, xa hơn nữa có hồ Rừng Sành là nơi vui chơi du lịch hấp dẫn. Cây vải thiều Thanh Hà được các nhà sư trồng kín quanh vườn chùa, tỏa bóng sun suê. Du khách đến Côn Sơn vào bất cứ mùa nào cũng thấy không khí mát lành, bởi nơi đây tấm thảm thực vật che kín cả không gian. Vào những ngày đầu xuân mưa lất phất, nắng hửng nhẹ, mây nhởn nhơ bay thấp, cây cối đua nhau nảy lộc, không gian ở Côn Sơn càng mát dịu tưởng như trời đất hòa quyện với nhau. Đi dưới mặt đất mà tay có thể với được những giải mây bồng bềnh. Nếu bạn leo lên sườn núi thì người bạn có thể lẫn trong mây.
Chùa Côn Sơn vốn là nơi thờ phật nằm dưới chân núi Kỳ Lân. Ngày xưa dân trong vùng thường lên núi lấy củi mang xuống chân núi gần chùa đốt than, quanh chùa khói luôn nghi ngút, nên chùa còn được gọi là chùa Hun. Qua mái tam quan vào sân chùa, du khách còn gặp những cây đại già mà các nhà sử học cho rằng có từ thời Trần Nguyên Đán. Những cây đại này không đứng thẳng mà nằm gần như ngang với mặt đất, bởi vì những thân chính đã quá già nên gãy đổ, chỉ còn những nhánh mới phát triển sau này, nhưng giờ đây cũng đã là cổ thụ. Tại sân chùa này, du khách được chiêm ngưỡng những tấm bia dựng từ thời cổ, trong đó có một tấm bia Bác Hồ đã đọc khi Người về thăm Côn Sơn vào mùa Xuân năm 1962.
Đã đến Côn Sơn du khách không thể không leo lên sườn núi Kỳ Lân thơ mộng. Chẳng biết từ bao giờ đỉnh núi này được gọi là Bàn Cờ Tiên. Tương truyền nơi đó có một bàn cờ bằng đá, vào những ngày đẹp trời cả một bầy tiên nữ từ trên mây hạ xuống chơi cờ. Từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Sở Văn hóa Thông tin Hải Hưng cho dựng một nhà bia trên đỉnh núi và cho đắp phỏng lại một bàn cờ mới. Mặc dù không nhìn thấy tiên nữ xuống chơi cờ, nhưng khách thập phương vẫn hấp dẫn với đỉnh bàn cờ cổ ấy. Còn sườn bên phải núi Kỳ Lân, nơi Nguyễn Trãi dựng nhà dạy học, nay vẫn còn dấu tích nền nhà xưa cùng với phiến đá lớn mà nhân dân địa phương thường gọi là Thạch Bàn, hay còn gọi là hòn đá năm gian (rộng bằng 5 gian nhà), nơi Nguyễn Trãi từng ngồi ngâm ngơ, đọc sách.
Ngay sau chùa Côn Sơn có một vườn tháp, là nơi an nghỉ của nhiều vị sư từng trụ trì tại chùa. Lên cao hơn một chút bạn gặp một giếng nhỏ có tên là giếng Ngọc. ở ngang sườn núi nhưng nước giêng lúc nào cũng gầy đầy và trong vắt. Cạnh đó là tháp Huyền Quang, nơi đặt xã lị của Huyền Quang, vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Từ đây bạn có thể đi thẳng lên Bàn Cờ Tiên theo con đường lát đá gồm hơn bảy trăm bậc, hoặc đi theo lối mòn bên phải, xa hơn một chút nhưng ít dốc và dễ đi. Lối mòn này đi qua chỗ phiến đá năm gian và nền nhà Nguyễn Trãi. Bạn đi theo lối nào thì trên đầu bạn cũng rợp mát bởi lọng thông xanh, bên tai bạn luôn vi rút tiếng thông reo.
Côn Sơn không chỉ nổi tiếng vì là một danh lam thắng cảnh, mà còn nổi tiếng vì nơi đây gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Mới đây ngôi đền thờ Nguyễn Trãi bề thế được khánh thành càng tạo thêm vẻ tôn nghiêm, tráng lệ cho vùng danh lam thắng cảnh này.