Tu hành tốt nhất là bắt đầu từ gia đình

Tu hành tốt nhất là bắt đầu từ gia đình

Trong ‘Đại học’ có viết rằng: “Tề kỳ gia tại tu kỳ thân giả”, ý tứ là việc tề gia nằm ở tu thân. Môi trường tu luyện là ở tại gia đình, cho nên đời người tu hành bắt đầu từ việc đối xử tốt với người thân, sửa đổi chính mình.

1. Sửa tình thương

Mã Đông từng kể về mẹ mình như thế này: “Một lần sau khi xem kênh mua sắm trên tivi, mẹ tôi đã mua một chiếc túi ‘Hoàng gia định chế’ với giá 930 đồng. Bà tỏ ra vô cùng vui vẻ giống như đã nhặt được một món hời lớn”. 

Nhưng ngay khi vừa nhìn chất liệu của chiếc túi, Mã Đông liền biết được bà đã lãng phí tiền bạc rồi. 

Tuy nhiên anh cũng không trách mắng mẹ mà chỉ cười dỗ dành: “Mẹ thật có con mắt tinh tường, mua được món đồ tốt”. 

Câu nói này của anh đã khiến người mẹ già nở nụ cười mãn nguyện. 

Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Goleman đã viết trong cuốn sách ‘Tình thương’ như sau:

“Năng lực khiến người khác cảm thấy thoải mái sẽ quyết định bạn có năng lực vươn cao đến đâu”. 

Thế nhưng, có một thực tế là, trong lúc chúng ta càng khiến người ngoài cảm thấy được thoải mái thì lại càng lãng quên người thân trong gia đình. 

Nhìn bề ngoài, chúng ta luôn bận rộn với cảm thụ của người ngoài mà cố gắng nở nụ cười trên môi, biết lo lắng chu đáo mọi chuyện. Thế nhưng khi ở bên người thân, chúng ta lại nói năng không có chừng mực, hành động mất kiểm soát, vì thế mà hết lần này tới lần khác khiến người thân cảm thấy bị thương tổn. 

Trong ‘Lễ ký’ có viết rằng, điều đầu tiên mà một người con hiếu thảo phải làm được đó là luôn làm cho cha mẹ cảm thấy vui lòng.

Vào thời Xuân Thu, có một cố sự là ‘Thải y ngu thân’ kể rằng: Lão ẩn sĩ nước Sở vô cùng hiếu thuận với phụ mẫu, ông thường làm mọi cách để khiến họ được vui. 

Năm ông 70 tuổi, phụ mẫu vẫn còn sống. Vì muốn họ không cảm thấy buồn khi nhìn thấy tóc bạc trên đầu con trai, ông đã may cho mình một bộ trang phục nhiều màu sắc sặc sỡ, sau đó mặc lên người, bước đi giống như một đứa trẻ đang nhảy múa. 

Phụ mẫu sau khi nhìn thấy thì không khỏi bật cười.

Tình thương thật sự chính là đối với người ngoài thì khéo léo linh hoạt, đối với người thân thì thì tỉ mỉ quan tâm. Chỉ khi biết cách hiểu cảm xúc của các thành viên trong gia đình và đem đến cho họ một chút ấm áp và thoải mái, ngôi nhà mới có thể trở thành bến đỗ yêu thương.

2. Sửa nhân phẩm 

Tống Hoằng là Thừa tướng của nhà Đông Hán, từng nam chinh bắc chiến, trợ giúp Lưu Tú đoạt thiên hạ. 

Sau khi Lưu Tú xưng đế, muốn tìm người chồng mới thay cho người chồng đã mất của công chúa Hồ Dương. Một hôm, Lưu Tú và chị gái cùng bàn việc với triều thần.

Công chúa Hồ Dương nói rằng, Tống Hoằng có dung mạo phi thường, khí độ ngay thẳng, vượt xa quần thần.

Lưu Tú nghe xong thì cảm thấy rất cao hứng nhưng Tống Hoằng lại là người đã có vợ, không tiện trực tiếp ban hôn. 

Một lần, lúc cùng trò chuyện với Tống Hoằng, Lưu Tú giả bộ thử dò xét nói: 

Một người khi có được địa vị cao, anh ta sẽ kết giao những người bạn thuộc tầng lớp quý tộc. Một người khi trở nên giàu có, anh ta sẽ bỏ vợ cũ và cưới vợ mới. Ông thử nghĩ xem, việc như vậy liệu có phải là chuyện bình thường không? 

Nghe những lời này, Tống Hoằng biết được trong lời nói của hoàng đế có ẩn chứa điều gì đó, cho nên ông đã khéo léo đáp: “Hạ quan nghe nói, một người lúc nghèo hèn mà kết giao được bằng hữu thì sẽ nhớ mãi không quên. Còn đối với người vợ kết tóc cùng chung hoạn nạn thì dù sau này anh ta có giàu có đến đâu cũng không thể vứt bỏ”. 

Sau khi nghe xong, Lưu Tú vô cùng cảm động trước thái độ làm người của Tống Hoằng. 

Một mối quan hệ vợ chồng được bắt đầu bằng niềm đam mê thì lúc kết thúc sẽ thấy rõ nhân phẩm. Tình yêu chỉ là phù du nhưng nhân phẩm thì mãi mãi không đổi. 

Vua pha lê Tào Đức Vượng từng có một giai đoạn ngoại tình với người phụ nữ khác, cho nên lúc đó ông đã viết thư cho vợ và đưa ra yêu cầu ly hôn. 

Người vợ nói với ông rằng: “Em biết mình không xứng với anh, biết anh sẽ từ bỏ, nếu như có thể bước chân ra đi thì anh hãy để lại ngôi nhà này và 3 đứa con em“. 

Tào Đức Vượng nghe xong những lời này thì tỏ ra suy tư hồi lâu. Ông không đưa ra quyết định ngay lập tức mà đi tìm hiểu cuộc sống hôn nhân của những người khác, thu thập các hình mẫu hôn nhân khác nhau, cuối cùng đã hiểu ra được một đạo lý: “Không có gia đình hạnh phúc tuyệt đối, người đàn ông phải nhận lấy trách nhiệm gánh vác gia đình, đem niềm vui và hạnh phúc về cho người thân“.

Lúc này ông mới từ bỏ ý định ly hôn, đem tâm tư suy nghĩ làm sao để sống có trách nhiệm đối với ngôi nhà của mình. Mấy chục năm sau ông vẫn cũng không quên ý định ban đầu, thậm chí còn đem toàn bộ tài sản chuyển cho vợ đứng tên. 

Vậy mới nói, nếu nhân phẩm không chính thì khó tồn tại mối quan hệ lâu dài. Lấy nhân cách làm nền tảng thì dù có bao nhiêu cám dỗ, bạn vẫn có thể giữ vững trái tim mình, dù trải qua khó khăn đến đâu cũng sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Trong đời sống hôn nhân, mối quan hệ vợ chồng không chỉ cần vun đắp bằng tình cảm mà còn phải trải qua ma luyện để tiết chế tính cách của mỗi người. 

3. Tu sửa phẩm chất

Nhà văn Vương Văn Hoa đã viết trong cuốn ‘Hồi gia’ nội dung như thế này: “Gia đình, đôi khi mang đến cho bạn sự ấm áp, đôi khi cũng khiến bạn phát cuồng”.

Một người có phẩm chất của kẻ tiểu nhân sống trong gia đình sẽ vì những việc vụn vặt mà tính toán chi ly. Người có phẩm chất cao thượng sẽ hiểu được không tranh cãi chuyện nhỏ nhặt, không oán trách chuyện sai lầm, biết làm thế nào để bầu không khí gia đình luôn ấm áp. 

Lâm Ngữ Đường và vợ Liêu Thúy Phượng sống bên nhau cả đời mà hiếm khi đỏ mặt to tiếng. 

Từ khi còn nhỏ, Liêu Thúy Phượng đã được tiếp nhận nền giáo dục ưu tú, bà rất chú ý đến hình tượng cá nhân và lễ nghi giao tiếp. Trước khi bước ra ngoài, bà cẩn thận chọn đồ trang sức, y phục cũng được là ủi cẩn thận. 

Còn Lâm Ngữ Đường lại cảm thấy phiền chán với những thủ tục lễ nghi hình thức này. Mặc dù lối sống của hai người có khác biệt, nhưng họ lại không ép buộc nhau từ bỏ thói quen với mong muốn thay đổi đối phương. 

Trong cuộc sống hôn nhân, Lâm Ngữ Đường cũng có một yêu cầu đối với bản thân: “Khi vợ vui vẻ ông cũng hào hứng theo, nhưng khi vợ tức giận, ông cũng không muốn tức giận vợ”. 

Ông từng say mê nghiên cứu làm sao để phát minh ra chiếc máy đánh chữ tiếng Trung. Trong lúc nóng nảy, ông liền đổi đô la Mỹ thành đồng Bạc, khiến cho kinh tế gia đình gặp phải tổn thất nặng nề. 

Liêu Thúy Phượng lại kín đáo nhắc nhở, bà đã nuốt xuống cơn giận và không nhắc về vấn đề này thêm một lần nào nữa. Bản thân Lâm Ngữ Đường cũng cảm thấy tức giận, nhưng ông vẫn có thể chủ động xin lỗi: “Bút của tôi vẫn có thể viết văn, tôi sẽ kiếm lại được số tiền ấy”. 

Trong mọi việc, nếu hai người cứ tranh giành thắng thua, họ chỉ có thể khơi dậy oán khí và khiến cho tâm tình trở nên xấu tệ. Nếu cứ nhìn chằm chằm vào khuyết điểm của đối phương thì tình cảm sẽ nhạt dần và gia đình sẽ ly tán. 

Giống như Dương Giáng đã nói, bi kịch của gia đình người Hoa đều bắt nguồn từ việc yêu thích trách cứ người khác. Cuộc hôn nhân hạnh phúc của Dương Giáng và Tiền Chung Thư không phải được tạo nên từ sự hòa hợp mà vì họ có năng lực bao dung lẫn nhau. 

Lúc Dương Giáng ở cữ, Tiền Chung Thư muốn tự lực cánh sinh, kết quả là lại làm đổ lọ mực khiến cho khăn trải bàn của chủ nhà bị vấy bẩn, làm vỡ đèn bàn và gãy bản lề cửa. Nhưng ngay cả như vậy, Dương Giáng cũng không hề tức giận, cô còn nói: “Không sao cả, em sẽ tìm cách”. 

Nếu trong gia đình có tiếng cười nói vui vẻ thì mâu thuẫn sẽ tiêu tan từng chút một và cuối cùng thì tất cả đều nhận thấy rằng mọi việc cần cùng nhau gánh vác. Trẻ nhỏ nghịch ngợm, người già cố chấp, bạn đời đem đến phiền phức… Có thể bao dung thì sẽ bớt trách oán, có thể chấp nhận được thì cũng bớt cưỡng cầu người khác thay đổi. 

4. Sửa tâm tình 

Trong một cuộc phỏng vấn, người dẫn chương trình đã hỏi Chu Quốc Bình: “Vì sao chúng ta luôn đem tính tình tốt thể hiện với người ngoài, lại đem nết xấu về cho người thân?” Chu Quốc Bình, người luôn dịu dàng ôn hòa cũng nói: “Tôi cũng thường phạm phải sai lầm này”. 

Câu nói này của anh đã khiến người nghe phải suy ngẫm: “Bắt bẻ người thân là bản năng của con người, nhưng khắc phục được nhược điểm này, không bắt bẻ đối với thân nhân lại là một loại giáo dưỡng”. 

Mỗi khi công việc không được như ý, chúng ta thường đem sự giận dữ về ngôi nhà thân yêu, vì gặp phải quá nhiều việc không hài lòng mà bụng ôm theo cục tức. Mặc dù những cảm xúc tồi tệ này là thứ nhìn không thấy nhưng nó lại có sức đánh cho người nhà thương tích đầy mình. 

Trong ‘Vi thành’ có một đoạn như sau. Một lần, Phương Hồng Tiệm, bởi vì tâm trạng không thoải mái, mặt mày ủ rũ trở về nhà. Tôn Nhu Gia hỏi anh ăn cơm chưa và nói cô và người hầu Lý Mụ đã dùng cơm rồi. 

Phương Hồng Tiệm vẫn tiếp tục mặt mày ủ rũ và nói: “Tôi lại không có người thân nào ăn cơm cùng”. Cũng vì chuyện vặt này mà hai vợ chồng cãi nhau, Phương Hồng Tiệm thậm chí còn động tay động chân đánh vợ mình. 

Lý Mụ khuyên can không nổi, không còn cách nào khác, bà liền thông báo cho chủ nhà. Lần cãi xô xát này khiến cho hàng xóm đều biết hết. Tôn Nhu Gia đã giận dữ bỏ nhà đi và cuộc hôn nhân kết thúc trong sự tức giận và nước mắt.

Nếu như coi gia đình như là nơi trút giận thì sẽ khiến cho ngôi nhà tràn đầy thương tích. Cho nên, khi về nhà chúng ta cần giữ được bàn chân không vương bụi bẩn, trong lòng đầy rác cũng không được mang về nhà đổ. 

Mẹ của nhà văn Lâm Thanh Huyền vốn là tiểu thư của một phú hào. Sau khi kết hôn, bà chịu trách nhiệm về cái ăn, cái mặc, nhà ở, phương tiện đi lại của cả gia đình, cũng như nuôi lợn và gà.

Dù cuộc sống nghèo khó nhưng bà chưa bao giờ trút áp lực cuộc sống lên các thành viên trong gia đình. Con mắc lỗi lầm, bà không bao giờ đánh mắng mà chỉ kiên nhẫn dạy bảo.

Lâm Thanh Huyền nói: “Cuộc sống sinh hoạt lúc nhỏ tuy nghèo khó, nhưng ký ức tuổi thơ của tôi lại rất hạnh phúc”. 

Hồ Thích từng nói: “Điều chán ghét nhất trên thế gian này là sự tức giận, và điều bẩn thỉu nhất trên thế gian này là đem tức giận đối đãi với người thân. Hành động này còn tệ hại hơn cả đánh chửi”.

Một người có tu dưỡng thực sự sẽ biết xả hết năng lượng tiêu cực, mang năng lượng tích cực về với gia đình, khiến cho mỗi thành viên đều cảm thấy vui vẻ. Gia đình là tấm gương soi của chúng ta, khi một người mỉm cười, những người khác sẽ tự nhiên bị lây nhiễm.

Nhà triết học Kant đã nói: “Gia đình là hình ảnh thu nhỏ của xã hội.” 

Cách chúng ta quản lý một gia đình cũng chính là quản lý cuộc đời của mình. Bạn có đồng ý như vậy không? Hy vọng rằng mỗi người chúng ta không chỉ quản lý tốt những mối quan hệ bên ngoài mà còn cần biết phải làm thế nào để gia đình luôn hài hòa tốt đẹp.

San San.

Tin bài liên quan