Những năm Khang Hy thời nhà Thanh, trong kinh thành Bắc Kinh có một học giả A. Anh là một cư sĩ Phật giáo vô cùng thành kính tín Phật, giới luật cũng giữ được rất tốt.
Một ngày nọ, trên đường đi A gặp một lão tăng đi vân du, nhận thấy lão tăng này coi rất nhẹ được mất, vinh nhục, hơn nữa tướng mạo phi phàm, dáng vẻ đường hoàng, từ đó anh nhận định rằng lão tăng này nhất định là một bậc cao tăng. Vậy nên anh bèn kính cẩn hỏi lão tăng có thể hạ cố đến phủ của anh ở một thời gian ngắn không? Lão tăng quan sát anh ta hồi lâu, rồi đồng ý lời thỉnh cầu của anh. Mấy ngày sau đó, lão tăng và vị học giả A nói chuyện vô cùng ăn ý, họ đều nói về những chuyện tu luyện Phật Pháp, không nói những chuyện phàm tục khác.
Khi đó là năm cuối thời Khang Hy, một số hoàng tử A ca khônng ngừng tranh giành ngôi vị, không chỉ người trong cung quan tâm chuyện này mà rất nhiều người trong xã hội cũng đều nghị luận, rốt cuộc là Thập tứ A ca hay là Tứ A ca, hoặc là vị A ca nào cuối cùng sẽ lên ngôi. Những chuyện bàn tán này cũng truyền đến tai vị học giả A, dần dần anh cũng hứng thú với câu chuyện này, càng ngày càng chấp mê, luôn nghĩ xem vị A ca nào cuối cùng sẽ giành được ngôi vị.
Một ngày nọ vị học giả không kiên nhẫn được, muốn hỏi lão tăng xem cuối cùng ai sẽ là hoàng đế. Nhưng anh ta biết tất cả tâm tư của lão tăng đều đặt tại việc tu luyện Phật Pháp, không tiện hỏi rõ, chỉ đành thay đổi phương thức. A hành lễ với lão tăng xong liền hỏi: “Khi Phật sắp niết bàn thì các chư đại đệ tử ai có thể nhận được y bát?” Câu hỏi này nhắc đến Phật để ám chỉ hoàng đế Khang Hy, vì vào những năm Khang Hy, người ta bắt đầu dùng “Phật” hoặc “Phật Gia” để ám chỉ Hoàng đế, cách gọi này sau vẫn được dùng để nói về người cai trị tối cao của nhà Thanh, còn “các chư đại đệ tử” ám chỉ các hoàng tử, “y bát” ám chỉ hoàng vị.
Lão hòa thượng nghe vậy giật mình, nhìn chằm chằm vị học giả một lúc rồi nói: “Tứ đệ tử được y bát”. Học giả A vừa nghe liền biết Tứ A ca sẽ thành Thiên tử, vấn đề của mình cuối cùng đã có câu trả lời. Nhưng chưa đợi anh ta kịp vui mừng xong, lão tăng thở dài nói: “Lão nạp vốn cho rằng ngươi không giống người thường, mà là một người chân chính tu luyện, không ngờ rằng ngươi cũng chỉ là kẻ phàm phu tục tử, lão nạp xin cáo từ”, nói xong liền rời đi. Anh A tỉnh ra muốn đuổi theo, nhưng đuổi thế nào cũng không theo được.
Sau đó quả nhiên Tứ A Ca lên ngôi hoàng vị, chính là hoàng đế Ung Chính. Lời lão tăng nói đã ứng nghiệm, nhưng anh A cũng không gặp được lão tăng nữa.
Câu chuyện này thật khiến người ta cảm khái muôn phần, một người chỉ vì chấp trước vào việc người thường, mà sau cùng lại mất đi cơ duyên được đắc độ. Liên tưởng đến hôm nay, tôi ngộ được rằng: Đệ tử Đại Pháp không được chấp trước vào chính trị, trong nội bộ đảng phái nào đấu với phái nào, làm thế nào để tranh quyền đoạt lợi, những việc tạp loạn đó chúng ta không cần quản, căn bản là không đáng để chúng ta động tâm, chúng ta chỉ cần nghiêm túc làm tốt những việc Sư phụ muốn chúng ta làm là được rồi.
Ghi chú: Đây là câu chuyện được ghi lại trong một bản dịch cuốn sách cổ trong gia đình, sau này bản dịch vô tình bị thất lạc, tôi thực sự đã quên mất tựa đề cuốn sách nhưng còn nhớ rất rõ câu chuyện, tôi viết lại câu chuyện bằng hồi ức của mình.
T/H.