Truyện cổ Phật gia: Thứ khó được nhất trên thế gian này là gì?

Truyện cổ Phật gia: Thứ khó được nhất trên thế gian này là gì?

Truyện cổ Phật gia: Thứ khó được nhất trên thế gian này là gì?

Hòa thượng đầu tiên nói: “Trên thế gian này, thứ khó có được nhất chính là tuổi trẻ còn mãi, sức khỏe dồi dào và trường thọ. Một người dù có gia tài bạc triệu, nhưng đến tuổi già bệnh tật ập tới, chẳng mấy lúc rồi cũng ly biệt thế gian, không thể nào hưởng thụ được niềm vui của cảnh hạnh phúc nơi trần thế nữa.”  

Hòa thượng thứ hai nói: “Trên thế gian này, thứ khó có được nhất là một người tri kỷ có thể chia sẻ niềm vui cũng như lúc hoạn nạn cùng mình. Một người cho dù đứng trên đỉnh cao của quyền lực nhưng không có nổi một người bằng hữu chân thành thì thật tịch mịch, cô đơn, giống như đóa hoa có sắc mà không hương, sẽ chẳng có cảnh ong bướm vờn quanh thưởng thức.”

Vị hòa thượng thứ ba lại nói: “Tôi cho rằng thứ khó có được nhất trên thế gian chính là một gia đình hạnh phúc mỹ mãn. Một người dù cho có thân thể khỏe mạnh, có tri kỷ kề bên, nhưng gia đình nội bộ lục đục chỉ lo nghĩ tranh tranh đấu đấu thì những thứ kia còn có ích gì? Cuộc sống như vậy mỗi ngày sẽ giống như địa ngục trần gian, muốn thoát ra mà không được.”

Đức Phật sau khi nghe được lời nghị luận của ba vị hòa thượng, ngài bèn cho triệu tập chúng đệ tử lại. Lúc này đang độ mùa thu, tiết trời nhẹ nhàng khoan khoái, gió thu nhè nhẹ thổi, cỏ cây xanh tươi thoáng đãng và không khí cũng trở nên dễ chịu hơn. Đức Phật hướng các Phật tử phía dưới nói: “Trên thế gian này thứ gì là khó được nhất? Không phải khỏe mạnh trường thọ, không phải bạn bè tri tâm, cũng chẳng phải thân quyến hòa hợp. Ta kể một câu chuyện cho các con nghe:

Trong biển lớn, có một con rùa mù, tuổi thọ của nó là vô lượng kiếp số, trải qua bao lần thế sự xoay vần (trăm ngàn năm bãi bể nương dâu). Bình thường nó lặn sâu ngàn trượng dưới lòng đại dương, trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần. Lại có một thân cây gỗ mục rỗng bên trong, theo gió và sóng mà trôi dạt trên mặt biển. Rùa mù trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần, để gặp được cây gỗ nổi thì cơ hội đúng là ngàn năm có một, huống chi nay nó lại gặp đúng cây gỗ có thân rỗng cho nó chui vào bên trong, đưa nó trôi trên mặt biển rồi theo sóng gió dạt vào bờ. Rùa mù gặp thân gỗ rỗng đã là kỳ tích, nhưng đối với sinh mệnh trôi nổi trong luân hồi mà nói, muốn có được thân người còn khó hơn rùa mù được vào bờ hàng vạn lần!”.

Đức Phật lại bốc lấy một nắm bùn trên mặt đất, mở lòng bàn tay ra rồi nói với các đệ tử: “Chúng sinh đắc được thân người giống như bùn trong lòng bàn tay ta, còn chúng sinh đánh mất thân người, lại như toàn bộ bùn trên mặt đất này. Vậy thì cái gì là khó có được nhất? Thân người là khó có được nhất. Hỡi các đệ tử! Các con nhất định phải chăm chú lắng nghe và suy nghĩ về điều này!”. 

Vuột mất cơ hội đắc được thân người thì muôn kiếp khó mà có lại được. Đây không chỉ là lời dạy trong kinh Phật cổ mà còn là một tri thức không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi người. Chúng ta nên trân quý cơ hội làm người này, quý trọng nhân duyên vốn có. 

Giới tu hành quá khứ có câu: “Thân người khó được, chân Pháp khó tìm, Trung thổ khó sinh”. Giải thích khái quát chính là “ba cái khó” để con người có thể tu luyện, đắc đạo thành Phật. Thân người là khó có được nhất. Vì duy chỉ có con người mới có thể tu tập, tạo lập công đức và cũng chỉ có con người thì mới có thể tu hành thành Phật. Cho nên bạn phải quý lấy cơ duyên được làm người này.

Danh lợi vốn dĩ chẳng thể mang theo được, con người khi đến thế gian này với hai bàn tay trắng, khi rời khỏi nơi đây cũng là hai bàn tay trắng. Vậy mà sao còn mê lạc trong thế gian, vì danh vì lợi mà theo đuổi đến cùng, sẽ lại càng tạo thêm nhiều nghiệp lực tội lỗi. Thiện – ác tất có báo ứng đó là đạo lý của Trời, nếu cứ chạy theo danh lợi như vậy chỉ khiến cho đời sau càng thêm thống khổ.

Cái gì là khó được nhất? Thân người là hiếm có, khó được nhất! Chúng ta phải biết trân quý cơ duyên này, sử dụng thân này để tu luyện, giúp đỡ chúng sinh. Vậy nên hãy trân trọng lấy hiện tại, tuân theo chính Pháp, phản bổn quy chân, đây mới là mục đích làm người chân chính của chúng ta.

Bích Liên biên dịch.

Tin bài liên quan