Truyện cổ Phật gia: Ở đời biết lượng sức mình, bản thân hoàn thiện không ngừng vươn lên

Truyện cổ Phật gia: Ở đời biết lượng sức mình, bản thân hoàn thiện không ngừng vươn lên

Điểm đáng quý của con người là biết lượng sức mình; điều khó nhất là có thể điều khiển và chiến thắng bản thân mình.

Câu chuyện 1: Mưu kế của yêu nữ

Có một tăng nhân ở Chiết Giang lập chí tinh tấn tu hành, ông thề không sợ gian nan khốn khổ, nhất định phải tu thành chính quả. Ông trước nay không hề nằm xuống ngủ một giấc, mà đều ngồi trên ghế dài ngủ một lúc, sau khi tỉnh dậy lại tiếp tục khổ tu.

Một đêm nọ có một cô gái diễm lệ tới bên vị tăng nhân. Vị tăng nhân biết rằng đó là yêu ma hóa thành, vẫn nhắm mắt đả tọa, không nghe không nhìn những trò trêu ghẹo của ả. 

Cô gái xinh đẹp đã giở mọi thủ đoạn quyến rũ nhằm mê hoặc vị tăng nhân, nhưng tâm vị tăng nhân vẫn thản nhiên bất động, nàng ta cuối cùng cũng không thể lại gần chiếc ghế dài. Sau đó đêm nào cô gái xinh đẹp cũng đến, dù cho cô ả có giở thủ đoạn gì, trước sau gì cũng không thể khiến vị tăng nhân động tâm phàm.

Cô gái xinh đẹp không còn cách nào, đành đứng ở một nơi cách vị tăng nhân rất xa, nói rằng: “Định lực của chàng cao thâm như vậy, ta quả thực nên đoạn tuyệt với những vọng niệm. Cảnh giới của chàng đã ở cảnh giới của bậc thiên nhân Đao Lợi Thiên, biết rằng gần ta nhất định sẽ bại hoại đạo, cho nên sợ ta như hổ sói. Nếu chàng nỗ lực đạt được cảnh giới Phi Phi Tưởng Thiên, vậy thì dù cho da thịt có chạm vào người, chàng cũng sẽ không có cảm giác, như ôm tuyết lạnh vậy. Nhìn thấy dáng vẻ quyến rũ như nhìn thấy cát bụi, sẽ không vì sắc mà động lòng. 

Nếu tu đến cảnh giới Tứ Thiền Thiên, vậy thì dù hoa có tự soi mình vào trong gương, gương cũng không biết đến hoa, dù trăng có tự in mình xuống nước, thì nước cũng không biết tới trăng, đã thoát khỏi sắc tướng rồi. 

Còn đến cảnh giới của chư vị Bồ Tát thì hoa đã không còn là hoa, gương cũng không còn là gương nữa, trăng không còn là trăng nữa, nước không còn là nước nữa, chính là vô sắc, rời xa hay không là do tự mình, cảnh giới mỹ diệu không thể tưởng tượng được. Nếu chàng dám để ta lại gần, mà thực không dao động, vậy thì ta sẽ nhất tâm quy y như Ma Đăng Già Nữ, không đến quấy rầy A Nan nữa”.

Vị tăng nhân nghĩ rằng đạo hạnh của mình đủ để chiến thắng dụ hoặc của yêu ma, nên thản nhiên đồng ý. Kết quả là cô gái xinh đẹp sà vào lòng vị tăng nhân, ôm ấp vuốt ve. Vị tăng nhân cuối cùng không khống chế được dục niệm, phá giới hủy hoại Phật thể thanh tịnh của mình. Vị tăng nhân hối hận không thôi, cuối cùng chết trong thống khổ bi phẫn.

Người xưa nói: “Mài giũa chín muồi, nhuộm cũng không đen”, là nói người ý chí kiên định không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh. Trải qua khảo nghiệm mà bản tính vẫn kiên định không dời, chỉ có bậc thánh nhân mới làm được. Cũng chính là nói, nếu tâm tính không đạt đến tầng thứ cảnh giới đó, thì không thể cố ép bản thân được. Vị tăng nhân trong câu chuyện này đã mắc kế khích tướng của ma nữ, nên đã mở cửa mời ma quỷ vào, cuối cùng tự hủy hoại bản thân. Kế khích tướng thường là nhắm vào những ai có tâm hiếu thắng, tâm tranh đấu, tâm ngạo mạn.

Ở đời phàm là người tự phụ về năng lực của bản thân, cho rằng mình có thể chiến thắng cái gì đó, bèn làm những việc mà người ta không dám làm, kết quả dẫn đến thất bại thảm hại, đều là kiểu người giống vị tăng nhân này vậy! Thế nên ở đời cần biết tự lượng sức mình.

Câu chuyện 2: Cao tăng gánh nước

Có câu chuyện thế này: Có một vị cao tăng ẩn cư trong một ngôi chùa cổ nằm trong núi sâu. Nghe danh của ông, mọi người đều từ xa tìm đến, có người muốn được ông chỉ bảo bến mê cuộc sống, có người muốn học bí quyết võ công của ông.

Khi họ vào trong núi sâu, họ thấy cao tăng đang đi gánh nước ở khe núi. Ông gánh không nhiều, hai thùng nước đều chưa đầy. Họ nghĩ, cao tăng có khả năng gánh được thùng to, lẽ ra nên gánh đầy thùng nước mới phải. Họ không hiểu và hỏi cao tăng: “Tại sao ngài lại gánh ít nước như vậy?”.

Vị cao tăng đó nói: “Gánh nước thực ra không nhất thiết phải gánh nhiều, mà chỉ nên gánh đủ là được. Cứ tham nhiều, sẽ phản tác dụng”.

Mọi người cảm thấy khó hiểu. Cao tăng chọn một người ra, bảo người đó đi gánh hai thùng nước đầy từ khe núi. Người đó gánh rất khó khăn, thùng nước đầy lắc lư, chưa đi được mấy bước thì đã bị ngã, nước đổ hết ra ngoài, đầu gối của người đó cũng bị đau.

“Nước đổ hết rồi, có phải là sẽ phải đi gánh lại không? Đầu gối bị đau, có phải là đi lại sẽ khó khăn hơn không, như vậy sẽ gánh được càng ít nước hơn đúng không?” – Vị cao tăng nói.

“Thế xin hỏi cao tăng, nên gánh bao nhiêu nước mới là đủ và làm sao biết được bao nhiêu là đủ ạ?”.

Vị cao tăng cười nói: “Mọi người xem thùng này”. Mọi người nhìn cái thùng nước, trong thùng có một vạch kẻ.

Cao tăng nói: “Vạch kẻ này là mức độ tối đa, nước không được vượt quá, quá vạch này thì sẽ quá khả năng và nhu cầu của mình. Ban đầu cần phải đánh dấu một đường, nhưng về sau gánh nước nhiều rồi thì không cần phải nhìn vạch kẻ này nữa, tự mình sẽ cảm nhận được nước nhiều hay ít. Vạch kẻ này nhắc nhở mình, bất cứ làm việc gì đều nên hết sức mình và lượng sức mình mà làm”.

Mọi người lại hỏi: “Thế mức độ tối đa nên là bao nhiêu?”.

Cao tăng nói: “Thường là càng thấp càng tốt, vì mục tiêu thấp dễ thực hiện hơn, như vậy sẽ không ảnh hướng đến dũng khí của mọi người, mà còn khiến mọi người càng có hứng thú và nhiệt tình. Cứ kiên trì như thế, dần dần sẽ gánh được nhiều hơn, đi được chắc hơn. Bất cứ là cao tăng hay là người bình thường, về khả năng đều sẽ có mức giới hạn, nếu quá mức này, làm những chuyện quá khả năng của mình, dù là người mạnh mẽ thế nào cũng sẽ gục ngã”.

Điểm đáng quý nhất của con người là biết lượng sức mình, khó nhất là thật sự hiểu biết, chiến thắng và điều khiển bản thân mình. Tự cho là biết lượng sức mình khác với thật sự biết lượng sức mình. Người bình thường có nhiều người mắc bệnh “tự cho là biết lượng sức mình”; chỉ có rất ít người sáng suốt mới là những người thật sự hiểu biết bản thân. Cuộc đời như cái cân, đánh giá bản thân quá thấp thì dễ tự ti, đánh giá bản thân quá cao thì lại dễ kiêu ngạo, chỉ có đánh giá chính xác như cân, hiệu chuẩn cái cân thì mới có thể thực sự cầu thị, cảm nhận bản thân, thật sự hiểu biết bản thân một cách chính xác và hoàn thiện bản thân.

Tự biết được bản thân vẫn còn nhiều thứ chưa biết thì mới biết nên tự đi tìm hiểu thêm, chỉ có tự biết là không sợ gì mới dám phấn đấu. Những người thích khoe mình giỏi, đó chính là khuyết điểm của họ; những người tự biết được khuyết điểm của bản thân, đó chính là ưu điểm của họ. Mức độ tự hiểu biết bản thân càng cao, sự ham muốn tìm hiểu sẽ càng nhiều. Sau khi học hỏi thì mới biết được khuyết điểm của bản thân, học biết rồi thì lại càng muốn biết nhiều hơn nữa. 

Vì vậy, tự hiểu biết bản thân là động lực của sự học hỏi, học hỏi rồi thì mới có thể càng hiểu rõ bản thân. Tự hiểu biết bản thân rồi sẽ thông qua học hỏi để thay đổi bản thân và tăng cường kiến thức, do vậy thì mới có thể khiến bản thân biết được tự tôn trọng chính mình, kiểm soát tốt bản thân và tự lập tự cường hơn.

Vũ Dương tổng hợp.

Tin bài liên quan