Trương Phi không hề “hữu dũng vô mưu” như là mọi người vẫn lầm tưởng, ông là người khá thông minh và tỉ mỉ trong một số trường hợp...
Trương Phi (?- năm 221) tự Ích Đức (trong “Tam Quốc diễn nghĩa” tự là Dực Đức), là người Trác Quận, U Châu cuối thời Đông Hán (nay là thành phố Trác Châu thuộc địa cấp thị Bảo Định, tỉnh Hà Bắc). Ông là một danh tướng của Thục Hán trong thời kỳ Tam Quốc. Chức quan: Xa kỵ tướng quân, Tư Lệ hiệu úy, Phong Tây Hương Hầu, truy phong “Hoàn Hầu”. Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, Trương Phi nổi tiếng nhờ vào sự dũng mãnh, cương trực của mình cùng với tính cách căm ghét điều ác như kẻ thù. Mặc dù hình tượng này chủ yếu đến từ nghệ thuật dân gian trong tiểu thuyết và hý kịch, nhưng ấn tượng về hình tượng của Trương Phi đã in sâu vào tâm trí của mọi người.
Năm Trung Bình thứ nhất (năm 184) nổ ra cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng, Lưu Bị tổ chức một nhánh quân nghĩa dũng tại Trác Quận tham gia vào cuộc chiến dập tắt khởi nghĩa Khăn Vàng, Trương Phi lần đầu chiến đấu đã giành chiến thắng, bỗng chốc thể hiện được tài năng của mình. Quan Vũ và Trương Phi cùng ở trong nhánh quân đó. Ba người Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi kết nghĩa đệ huynh, tình như thủ túc, khi Lưu Bị ngồi xuống, Quan Vũ và Trương Phi không ngại vất vả mà đứng bên cạnh bảo vệ, có nhiều lúc đứng cả nửa ngày trời. Sau khi Lưu Bị thay đổi đảm nhận nhiều chức quan khác nhau, đi đầu quân cho người bạn học năm xưa là Công Tôn Toản, Lưu Bị được phong làm tướng quốc của nước Bình Nguyên, lúc đó Quan Vũ, Trương Phi được bổ nhiệm làm Biệt bộ tư mã, Phân Thống bộ khúc.
Năm Kiến An thứ nhất (năm 196), Viên Thuật công đánh Lưu Bị, tranh đoạt Từ Châu. Lưu Bị phái Trương Phi giữ Hạ Bì, còn bản thân ông đưa quân đến Hu Dị, Hoài Âm đối kháng lại Viên Thuật, hai bên giao đấu trong nhiều tháng, không phân thắng bại. Tướng quốc của Hạ Bì là Tào Báo, Tào Báo trước đây lại là thuộc hạ của Đào Khiêm, bất hòa với Trương Phi, cuối cùng bị Trương Phi giết chết, thế là mọi người trong thành đều cảm thấy lo lắng bất an, tình hình trong thành trở nên vô cùng hỗn loạn. Lúc này Viên Thuật viết thư cho Lã Bố, khuyên Lã Bố thừa cơ đánh lén Hạ Bì, hứa rằng sau khi công được thành sẽ viện trợ lương thảo cho Lã Bố. Lã Bố vô cùng vui mừng, liền đưa quân đến Hạ Bì.
Trung lang tướng của Lưu Bị là Hứa Đam mở cổng thành đầu hàng, Trương Phi bại trận bỏ chạy. Lã Bố bắt giữ vợ con và gia quyến của các tướng lĩnh. Vì tình thế bắt buộc, Lưu Bị và Trương Phi đành phải tạm thời thuận theo Lã Bố, đóng quân tại Tiểu Bái. Sau đó Lã Bố thả vợ con của Lưu Bị ra. Lưu Bị đóng quân tại Tiểu Bái, phát triển khá nhanh, không lâu sau đã tập hợp được hơn mấy vạn người, Lã Bố cảm thấy lo lắng, lại đưa quân đi tấn công, Lưu Bị đành phải dẫn theo Trương Phi và mọi người đến nhờ cậy Tào Tháo, hợp tác với Tào Tháo đánh bại Lã Bố.
Tháng 6 năm 197 SCN, Tào Tháo đánh bại Lã Bố, được bổ nhiệm làm Trung lang tướng. Sau đó Lưu Bị lại đi đầu quân cho Viên Thiệu, Lưu Biểu lần nữa, cuối cùng đóng quân tại Tân Dã. Mấy năm sau, Lưu Biểu chết, Tào Tháo công đánh phía Nam, Lưu Bị bỏ Tân Dã bỏ chạy theo đường bộ, Tào Tháo phái đội kỵ binh tinh nhuệ đuổi theo một ngày một đêm, đến cầu Đương Dương, Lưu Bị bỏ lại vợ, một mình đưa quân chạy trốn trước, Trương Phi dẫn theo 20 kỵ binh yểm trợ ở phía sau, Trương Phi chặt đứt cầu, đứng ở bên bờ sông, hét lớn: “Ta là Trương Dực Đức, có dám đến quyết tử không?”. Sau trận chiến Xích Bích, Lưu Bị đoạt được bốn quận ở Kinh Châu, phong cho Trương Phi làm thái thú Nghi Đô, Chinh Lỗ tướng quân, phong làm Tân Đình Hầu, sau đó chuyển đến Nam Quận.
Sau đó Lưu Bị vào Ích Châu, không lâu sau trở mặt với Lưu Chương. Năm Kiến An thứ 18 (năm 213), Trương Phi, Gia Cát Lượng, Triệu Vân thống lĩnh quân Kinh Châu vào Thục tăng chi viện. Khi đến Giang Châu, chạm mặt với đại tướng Nghiêm Nhan của Lưu Chương, Nghiêm Nhan bị Trương Phi bắt sống, nghĩa khí từ chối đầu hàng của Nghiêm Nhan khiến cho Trương Phi cảm động, sau đó được Trương Phi xem như khách quý. Đại quân tiếp tục phân định các quận huyện, vào tháng 5 năm sau (năm 214) tiếp tục đi đến thành đô, hội hợp với Lưu Bị. Lưu Bị trở thành Ích Châu Mục, ban thưởng cho Trương Phi 500 cân vàng, một ngàn cân bạc, năm ngàn vạn tiền, một ngàn thước vải vóc.
Năm 218 SCN, sau khi Tào Tháo đánh bại Trương Lỗ, danh tướng Trương Hợp trong doanh trại Tào Tháo đưa quân tiến vào đông bắc bộ của Ích Châu, mặc dù nơi này thuộc địa phận Ích Châu nhưng trước kia luôn là lãnh địa của Trương Lỗ. Lưu Bị phong cho Trương Phi làm Thái thú Ba Tây, đưa quân đi tranh đoạt lãnh địa đó, hai bên giao đấu với nhau hơn 50 ngày. Sau đó, Trương Phi thống lĩnh hơn một vạn tinh binh, mời quân của Trương Hợp giao chiến, bởi vì đường núi chật hẹp, phía trước và sau đều không thể cứu viện, Trương Hợp bại trận, đành bỏ lại ngựa, cùng với mười mấy người leo núi rút lui về Nam Trịnh. Giành chiến thắng trong trận chiến này, Trương Phi không chỉ chiếm thêm được lãnh địa cho Lưu Bị, mà còn bảo vệ được cổng chính của Thục, giúp Ích Châu chuyển nguy thành an. Sau đó Trương Phi lại tham gia vào chiến sự công đánh Hán Trung.
Mùa thu năm 219 SCN, Lưu Bị chiếm được Hán Trung, tự xưng Hán Trung Vương, phong Trương Phi làm Hựu tướng quân, Giả Tiết. Tháng 12 cùng năm, Quan Vũ bị Tôn Quyền giết chết.
Năm 221 SCN, Trương Phi lại được phong làm Xa Kỵ tướng quân, thống lĩnh Tư Lệ hiệu úy, tấn phong Tây Hương Hầu. Tháng 6 cùng năm, Lưu Bị vì muốn giành lại Kinh Châu, đưa quân đi đánh Đông Ngô, Trương Phi tại Lăng Trung chuẩn bị xuất binh đến Giang Châu tập hợp với Lưu Bị. Khi sắp xuất phát, bị tướng lĩnh dưới trướng là Trương Đạt, Phạm Cường (trong Tam Quốc diễn nghĩa viết sai thành Phạm Cương) mưu sát, sau đó Trương Đạt mang thủ cấp của Trương Phi đến chỗ Tôn Quyền. Lưu Bị nghe nói đô đốc trong quân doanh của Trương Phi có chuyện cần bẩm báo, liền hét lớn: “Ôi! Phi chết rồi”.
Hậu chủ nước Thục là Lưu Thiện truy phong Trương Phi làm Hoàn Hầu vào năm Cảnh Diệu thứ 3 (năm 260).
Phần thân của Trương Phi được chôn tại Lăng Trung, đầu được chôn tại Vân Dương, và được xây hai đền thờ riêng biệt tại hai nơi: Đền Trương Hoàn Hầu và Miếu Trương Hoàn Hầu.
Trương Phi không hề “hữu dũng vô mưu” như là mọi người vẫn lầm tưởng, ông là người khá thông minh và tỉ mỉ trong một số trường hợp.
Ví dụ như, trước khi Trương Phi dùng lễ nghĩa khiến Nghiêm Nhan cảm động đầu hàng, thuộc hạ của Nghiêm Nhan từng mai phục trong trướng của Trương Phi, sau khi Trương Phi phát giác ra chuyện này, không tức giận đòi giết tên binh sĩ đó, mà ngược lại còn lợi dụng điều này một cách khéo léo để giành chiến thắng. Khi Trương Phi bố trí chiến lược, cố tình nói lớn tiếng: “Hôm nay đi đường nhỏ đột kích Nghiêm Nhan!”, tên gián điệp nghe thấy, quay về báo cáo lại với Nghiêm Nhan. Nghiêm Nhan đưa quân vào đường nhỏ tấn công Trương Phi, sau đó phát hiện đây là một cái bẫy, vô cùng thất kinh. Vừa khi ấy, Trương Phi từ trong rừng cây xông ra bắt sống Nghiêm Nhan.
Còn một câu chuyện khác nữa, có thể tham khảo trong “Tam Quốc diễn nghĩa” chương 70: Trương Phi khỏe, dùng mưu lấy Ngõa Khẩu ải; Hoàng Trung già, bày kế đoạt Thiên Đãng sơn. Trương Phi là một danh tướng dũng mãnh, từng dẫn theo hai mươi kỵ binh dọa chạy quân Tào tại gò Trường Bản. Ngoài ra Trương Phi còn rất giỏi thư pháp, sở trường vẽ mỹ nhân, bút tích và tranh vẽ của Trương Phi vẫn được lưu giữ đến tận ngày nay. Trương Phi cực kỳ lễ nghĩa đối với những người có học vấn, như Lưu Ba khi mới đầu hàng, Trương Phi lập tức đến nhà ông thăm hỏi, nhưng Lưu Ba không nói với Trương Phi một câu nào, mặc dù Trương Phi tức giận, nhưng cũng không oán trách mà mắng một câu nào cả. Trương Phi cũng thương tiếc và xem trọng anh hùng, giống như khi bắt được Nghiêm Nhan, Nghiêm Nhan thà chết không khuất phục, Trương Phi kính trọng con người của Nghiêm Nhan, đối đãi với Nghiêm Nhan như là khách quý.
Đáng tiếc Trương Phi tính tình tàn bạo cộc cằn, đối với binh sĩ và thuộc hạ vô cùng khắt khe. Lưu Bị thường hay khuyên Trương Phi: “Khanh hình nghiêm sát sai, lại ngày ngày quật đánh người mắc lỗi, mà nay lại giữ bên cạnh, như vậy là tự chuốc họa đó”. Đại ý của câu này là: Khanh dùng hình quá nghiêm khắc, thậm chí có lúc giết lầm người, lại còn ngày ngày dùng roi đánh đập những binh sĩ phạm sai lầm, đánh xong vẫn sắp xếp cho những người đó ở bên cạnh, một chút phòng bị cũng không có, cứ như vậy tất nhiên sẽ tự rước họa vào thân.
Tiếc rằng Trương Phi không tỉnh ngộ, vẫn đánh đập binh lính mà không có chút lo nghĩ đến hậu quả sau này, kết quả không may lại đúng như những gì mà Lưu Bị đã từng tiên đoán.
Châu Yến.