Thiên nhiên muôn màu muôn vẻ, nếu mất đi sự điểm xuyết của những loài hoa thì cảnh sắc tươi đẹp ấy sẽ lập tức biến mất. Đâu đâu cũng chỉ còn lại một màu xanh xám vô tận.
Vùng đất của tâm hồn, nếu không còn những cánh hoa tươi đẹp tô điểm, cũng sẽ trở nên khô cằn, héo úa, dần dần mất đi sự sống.
Cho dù đối mặt với thử thách như thế nào, chỉ cần trong lòng có hoa, đời người sẽ không trở nên hoang vu, hiu quạnh.
Năm Nguyên Phong thứ hai, đảng mới (tân đảng) chiếm giữ ưu thế, Vương An Thạch tiến hành cải cách chính trị. Lúc đó, Tô Đông Pha được điều đến nhậm chức tại Hồ Châu. Ông đã viết vài lời oán thán trong tác phẩm ‘Hồ Châu tạ thượng biểu’, trong đó có một câu “Nan dĩ truy bồi tân tiến” (khó có thể đuổi theo tân tiến). Câu này đã khiến cho tân đảng bất mãn, cho rằng Tô Thức đang châm biếm pháp luật mới.
Vì thế, các quan viên trong Ngự Sử Đài tiến hành thu nhập những bài thơ trước kia của Tô Thức, rồi bới móc từ trong đó ra những ‘chứng cứ’ chứng minh việc Tô Thức cố tình giễu cợt pháp luật mới (tân pháp).
Tô Thức bị bắt giam vào ngục, bị thẩm vấn gắt gao. Sự kiện này còn được gọi là ‘vụ án thơ Ô Đài’.
“Dao liên bắc hộ ngô hưng thủ, cấu nhục thông tiêu bất nhẫn văn”. Đây là câu thơ miêu tả lại sự giày vò, hành hạ mà Tô Thức phải chịu trong ngục. Ý của câu này chính là: Tô Thức bị mắng chửi, đánh đập, vũ nhục suốt đêm, tàn khốc đến mức khiến cho những phạm nhân khác cũng chẳng thể nào nghe nổi. Khó mà tưởng tượng được đối tượng bị sỉ nhục, hủy hoại này lại là Tô Đông Pha được người đời kính trọng. Ngay bản thân Tô Thức cũng nghĩ rằng mình chắc chắn phải chết, nên đã viết một bài thơ tuyệt mệnh rồi nhờ lính cai ngục chuyển cho em trai của mình.
Trong nhà tù tăm tối, dưới sự tra tấn không ngừng nghỉ, ông bị bắt phải khai báo những ‘vấn đề’ của bản thân. Tô Thức biết: một khi mình thừa nhận thì ngày phải ra pháp trường chịu hành hình cũng chẳng còn xa nữa. Những kẻ tiểu nhân ở Ngự Sử Đài mang theo đầy bụng ác ý, thêu dệt lên từng chút từng chút những tội danh tinh vi, rắp tâm muốn đẩy Tô Thức xuống mười tám tầng địa ngục.
Thế nhưng, thanh danh của Tô Thức quả thực quá lớn, lại được Thái Hậu cầu xin giảm tội nên ông may mắn thoát được một mạng.
Dù bị tiểu nhân hãm hại, dù từng phải chịu đựng những tra tấn vô nhân đạo nhưng nội tâm của Tô Thức vẫn như cũ – mềm mại, thiện lương.
Ở Hoàng Châu, ông vì không thể nhẫn tâm nhìn những đứa bé bị vứt bỏ cứ thế chết đi, nên đã thành lập hội giải cứu trẻ em, giúp đỡ những đứa trẻ bị bỏ rơi. Tại Huệ Châu, Tô Thức nhìn thấy chân của người nông dân mắc bệnh lở loét do thời gian dài trồng trọt, cày cấy nên đã phát triển nông cụ mới, đem đến rất nhiều tiện lợi cho các nông dân trong vùng. Tới Hải Nam, thấy nơi đây dân chúng lạc hậu, không có văn hóa nên Tô Thức đã chủ động mở lớp dạy học, giáo dục tri thức cho mọi người.
Ông đi đến đâu, người dân ở nơi đó cũng được mang tới hy vọng mới. Tấm lòng lương thiện của ông không chỉ chiếu sáng cho người khác, mà còn sưởi ấm cho chính bản thân mình. Khi ông thấy những đứa trẻ may mắn được sống sót, thấy những người nông dân không còn bị bệnh tật quấy rầy, thấy những học trò ở vùng Hải Nam thi đậu, nội tâm của ông đều sẽ tràn đầy cảm động và sức mạnh.
Phần lương thiện này giúp cho Tô Thức từng phút từng giây đều có thể sưởi ấm cho những người khác. Và những người ấy cũng sẽ mang lại ấm áp cho tấm lòng thông tuệ, mẫn cảm, đã phải chịu đủ vết thương của ông.
Tô Thức hiểu: Chỉ cần không mất đi tấm lòng lương thiện, thì dù phải rời xa triều đình, cuộc sống của ông vẫn sẽ tỏa sáng.
Bộ quần áo mới của hoàng đế là một thủ đoạn ai cũng nhìn thấu, nhưng người ta lại cứ để hoàng đế tùy tiện ra ngoài mà không nói lời nào. Cuối cùng, chỉ có một đứa bé có đủ dũng khí để nói lên sự thật: “Ngài ấy đang không mặc gì cả”. Đúng vậy, hoàng đế quả thực chẳng mặc gì, nhưng người dám chỉ ra điều đó sẽ phải trả một cái giá rất lớn.
Trong trích đoạn kinh điển về nhân vật Tô Thức có cảnh ông khoan thai, tự đắc vỗ vỗ bụng của mình rồi quay sang hỏi người thị thiếp Triêu Vân bên cạnh rằng: Một bụng này của ông là cái gì?
Triêu Vân đáp: Một bụng không hợp thời.
Tô Thức nghe xong, sảng khoái cười to, cho rằng Triêu Vân chính là tri kỷ của mình.
Một bụng không hợp thời này chính là sự chân thành của Tô Thức. Ông cũng giống như đứa trẻ vạch trần trò lừa bịp trong câu chuyện ‘Bộ quần áo mới của hoàng đế’: đối mặt với cả triều đình toàn những kẻ quan liêu khôn khéo, ông cũng chỉ muốn nói ra câu “Thế nhưng ngài ấy đang không mặc gì cả” đó mà thôi.
Tân đảng và cựu đảng (đảng cũ) tranh đấu lẫn nhau đến ngươi chết ta sống, lấy sinh kế của người dân và các chính sách quốc gia làm công cụ để đấu đá phe cánh. Tân đảng lên nắm quyền, có những chính sách mới đề ra trong tân pháp thực sự viển vông. Vậy nên, Tô Thức mới dâng tấu khiển trách. Thế nhưng, khi cựu đảng bãi bỏ tân pháp, ông cũng lại vì bảo vệ cho những sách lược thực thi có hiệu quả được đề xuất ra trong tân pháp mà dâng tấu biện hộ.
Tô Thức không màng đến lập trường, không quan tâm tới đảng phái. Ông chân thành giống như một đứa trẻ: đúng chính là đúng, sai tức là sai.
Vì kế sinh nhai của dân chúng, ông bằng lòng gánh vác hậu quả khi nói lời chân thật, bằng lòng chấp nhận việc trung thành đổi lấy nỗi oan giáng chức, chấp nhận vận mệnh lang thang bốn biển.
Đóa hoa chân thành từ đầu đến cuối vẫn luôn nở rộ trong nội tâm của Tô Thức. Ông giữ vững hứa hẹn của bản thân, bất chấp sóng gió vẫn sừng sững không đổi, tuyệt không luồn gối khom lưng, dùng niềm tin để thắng được sự thừa nhận và ca tụng của mọi người.
Ông luôn giữ mình trong sạch. Phần chân thành này là tín điều trong lòng ông, được ông coi là căn bản của sự tồn tại.
Hoàn cảnh dù có khó khăn đến mấy cũng không thể đánh ngã ông. Lòng kiên định dám đi ngược lại thời thế ấy của ông đã giúp cho Tô Thức có thể vượt qua được kiếp sống lưu đày lang thang khắp chốn. Đồng thời, nó cũng khiến Tô Thức trở thành tấm gương cho người đời học theo.
Tô Thức từng nói:
“Vấn nhữ bình sinh công nghiệp, Hoàng Châu Huệ Châu Đam Châu”.
Hoàng Châu, Huệ Châu, Đam Châu là ba nơi ông bị giáng chức tới, là chốn ông trải qua cuộc sống lưu đày cơ cực. Đây đáng lẽ ra phải là những nơi gợi lại nỗi đau trong lòng khiến Tô Thức chỉ mong tránh thật xa. Thế nhưng, ông lại coi những địa danh này thành huân chương của mình, thành những vùng đất lấp lánh nhất trong suốt cuộc đời ông. Sự lạc quan ấy quả thực không phải là thứ mà người bình thường có thể đạt được.
Tại Hoàng Châu, không đủ cơm ăn áo mặc, bạn bè liền tặng cho ông một mảnh đồng hoang. Tô Thức mang theo người nhà tự mình xuống ruộng, giống như những lão nông dân bình thường khác trồng trọt, cày cấy. Làm việc mệt rồi, ông vẫn có thể tìm vui trong khổ. Ông lấy một cây gậy nhỏ gõ nhịp lên sừng trâu, rồi cùng những người nông dân ở đó ca hát.
Đối mặt với cảnh nghèo túng đến mức chẳng thể mua nổi thịt dê, ông bèn hăng hái bừng bừng mua thịt lợn “rẻ như bùn” về sau đó tìm tòi ra một loại kỹ xảo nấu thịt đặc biệt, phát minh ra món “thịt Đông Pha” nổi tiếng Trung Hoa.
Bị đày đến Huệ Châu, ông nói: “Nhật đạm lệ chi tam bách khỏa, bất từ trưởng tác Lĩnh Nam nhân” (ngày ăn ba trăm quả vải, không từ chối trở thành người Lĩnh Nam). Bị đày đến đảo Hải Nam xa xôi, ông viết “Từ du kỳ tuyệt quan bình sinh” để diễn tả cảnh đẹp khiến lòng người say mê, rung động tại nơi đó.
Bông hoa lạc quan nở rộ trong trái tim Tô Thức giúp ông trở thành phái người sống vô tư, vui vẻ, vĩnh viễn không thể bị đánh sập. Ông luôn có thể phát hiện vẻ đẹp cuộc sống từ trong nghịch cảnh, thậm chí là tuyệt cảnh. Ông không muốn bản thân chìm đắm trong oán giận cùng sầu não. Ông dùng lòng lạc quan rộng lớn của mình để đối đãi với mỗi lần thăng trầm trong cuộc đời.
Trồng hoa trong lòng, đời người mới không hoang vu. Lương thiện, chân thành, lạc quan, đó chính là ba đóa hoa của sinh mệnh đã giúp Tô Thức có được sức mạnh chống lại hoàn cảnh khó khăn.
Ông không vì bị giáng chức mà tổn thương, không vì kiếp sống lưu lạc mà ảo não. Từ Hoàng Châu đến Hải Nam, hoàn cảnh mỗi lần càng thêm tồi tệ, ác liệt, nhưng cuộc sống của Tô Thức lại càng ngày càng đặc sắc, càng ngày càng thoải mái, tự nhiên.
Trường Lạc.