Trong chương 44 Đạo Đức Kinh của triết gia Lão Tử có câu: “Thậm ái tất đại phí; đa tàng tất hậu vong. Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu”, ý nghĩa là: yêu nhiều ắt sẽ tổn nhiều, chứa nhiều ắt sẽ mất nhiều, phải biết thế nào là đủ, đừng quá tham lam để tránh tủi nhục về sau, biết dừng lại thì sẽ không gặp nguy và có thể trường cửu. Lão Tử cũng nói: “Đa tàng tất hậu vong” ý nghĩa là: chỉ tích trữ tài vật mà không cứu tế trợ giúp người khác, khiến lòng dân oán hận cuối cùng sẽ tự khiến mình diệt vong. Sưu cao thuế nặng càng nhiều thì sẽ mất đi càng nhiều. Sự mê mờ lớn nhất của cuộc đời, là đừng “Tàng” (nghĩa là Chứa, giấu, cất giữ) quá nhiều. Cả đời bị bao vây trong chữ này, cuộc sống sẽ không thể hạnh phúc.
Chuyện rằng, Nghiêm Tung, người phò tá của người đứng đầu nội vụ triều Minh tổ chức sinh nhật, văn võ bá quan trong triều đình đều tới chúc mừng, lễ vật chất cao như ngọn núi nhỏ.
Lúc ấy Nghiêm Tung mua quan bán tước, Nghiêm Thế Phiên thao túng công bộ, tài sản tích lũy được còn vượt xa quốc khố lúc bấy giờ.
Bữa tiệc kéo dài tới nửa đêm, khi quan khách đều đã giải tán, Nghiêm gia đóng cửa chuẩn bị nghỉ. Khi đó đúng vào mùa đông, thời tiết rất lạnh. Trùng hợp khi đó có một vị ngự sử bị lạc đường nên lạnh cóng đứng trong sân. Người quản gia của gia đình họ Nghiêm mời vị ngự sử về chỗ mình ở và tiếp đón sắp xếp chỗ ngủ khiến ông ta vô cùng cảm kích.
Vị quản gia nói với ông: Bây giờ là tôi giúp ông, nhưng tương lai có lẽ cần nhờ ông giúp đỡ tôi. Ông nợ tôi một món nợ ân tình, tương lai xin ông hãy tha cho tôi một mạng.
Vị ngự sử cảm thấy khó hiểu. Người quản gia thân phận cao quý như mặt trời ban trưa, sao lại cần tới mình tha cho ông ấy một mạng chứ.
Kết quả mấy năm sau, Nghiêm Tung bị lật đổ, Nghiêm Thế Phiên bị giết, cả gia phủ họ Nghiêm bị tịch thu tài sản. Vị quản gia nọ cũng bị nhốt vào trong ngục vì tham ô nhận hối lộ. Khi xử án, vị ngự sử kia quả nhiên đã giúp ông giảm nhẹ tội danh. Cuối cùng miễn được tội chết và bị lưu đày ra biên cương.
Phùng Mộng Long nói: “Nghiêm Tung, Nghiêm Thế Phiên đọc đủ thứ sách và văn thơ, nhưng ta thấy kiến thức không bằng một vị quản gia, nhà tan cửa nát, thiệt mạng có gì đáng tiếc chứ.
Trăng có lúc tròn lúc khuyết, nước có lúc đầy lúc vơi. Thời thế có lúc cực thịnh tất có lúc suy vong, đây vốn là đạo trời khó tránh. Không tự biết kiềm chế bản thân, chỉ có thể tự tìm lấy diệt vong.
Hòa Thân triều đại nhà Thanh, nắm quyền trong hai mươi năm, đã tham ô 1,1 tỷ lạng bạc, hàng nghìn héc ta đất và hàng trăm tài sản, tài sản của ông ta vượt quá thu ngân sách của cả nước trong 15 năm.
Nhưng như vậy rồi thì sao?
Cuối cùng Hòa Thân bị lật đổ, hoàng đế Gia Khánh ăn no nhưng cuối cùng cho ông ta một dải lụa trắng tự kết liễu đời mình. Tới nay, nhắc tới Hòa Thân chỉ là một tên tham quan, một câu chuyện cười và đề tài trò chuyện mà thôi.
Chiếm hữu càng nhiều, cuộc đời người ta càng không hạnh phúc
Chu Quốc Bình, nhà văn học nhà triết Gia Trung Quốc từng chia sẻ câu chuyện rằng
Có một chú thỏ trắng rất yêu vẻ đẹp của thiên nhiên. Nó rất thích mặt trăng, trong mắt nó mặt trăng có mây, có nắng, có lúc khuyết lúc tròn, đều có sức hấp dẫn riêng. Vì vậy, vị vương của các vị thần cho gọi thỏ tới và nói rằng, vì nó có biệt tài thưởng trăng, nên quyết định tặng mặt trăng cho thỏ. Từ đó, vầng trăng không còn là của mọi người chỉ thuộc về chú thỏ trắng này.
Thỏ trắng hàng đêm vẫn tới thảm cỏ trong rừng để ngắm trăng. Nhưng nói ra cũng thật kỳ lạ, tâm thái thảnh thơi nhàn hạ lúc trước đã bị cuốn đi, trong đầu nó chỉ có một ý nghĩ: “Đây là mặt trăng của tôi”. Nó nhìn chằm chằm mặt trăng, giống như phú ông giàu có đang nhìn chằm chằm vào hầm chứa vàng của mình. Khi trăng bị mây đen che khuất, nó lo lắng bất an sợ bị mất. Trăng khuyết rồi lại tròn, trong lòng thỏ lúc nào cũng đau đáu như sợ bị cướp mất vật quý. Trong mắt nó, trăng tròn hay khuyết không còn sức hấp dẫn riêng mà thay vào đó là sự nguy hiểm, khơi dậy muôn vàn rắc rối giữa được và mất.
Không giống như con người, chú thỏ trắng của chúng ta vẫn rất khôn ngoan, cuối cùng nó tìm đến gặp vị vương của các chư thần và cầu xin hủy bỏ quyết định tặng kia.
Hiện nay có nhiều người ham mê sưu tập các đồ dùng. Khi mới sưu tập, đơn giản chỉ vì yêu thích nên tĩnh tĩnh quan sát thưởng thức là đã cảm thấy đủ. Nhưng một khi bắt đầu dùng tiền để có được những thứ chưa có, thì vẻ đẹp của những đồ chơi văn hóa bị sự hơn thua lợi ích cân đo đong đếm che khuất. Dần dần, tâm tính cũng theo đó mà thay đổi. Vì những di vật văn hóa có giá trị cao hơn, vì những món đồ bằng ngọc đẹp hơn, có thể từ bỏ sức khỏe, bạn bè và thậm chí từ bỏ nguyên tắc sống của mình.
Lão Tử giảng: “Thậm ái tất đại phí”
Ham muốn quá mức tất yếu sẽ dẫn đến hao tổn lớn.
Tất cả những thứ bên ngoài đều chỉ là mây khói, nếu bạn quá cố chấp sở hữu, chỉ lo được lo mất, thì sẽ mất đi sự bình yên trong tâm hồn.
Một đạo diễn đã từng xúc động nói: Nửa thế kỷ trôi qua, cuối cùng tôi cũng hiểu thế nào là sống, tự dỗ mình chơi và làm cho mình vui mới là thật, còn lại toàn là hư không.
Tôi thực sự không hiểu tại sao có những người ngày đêm tìm đủ mọi cách để kiếm tiền? Có tiền có sức khỏe không? Kiếm được bao nhiêu mới là đủ, chết rồi có mang đi được không?
Khi đến Sơn Tây sưu tầm phong cảnh, tôi đã nhìn thấy hơn chục ngôi biệt thự có tuổi đời hàng thế kỷ, không có chủ nhân, những người giữ chìa khóa đều là người không liên quan.
Sinh không mang theo đến, tử không mang theo đi. Đời người sống chỉ mấy chục năm hà cớ gì phải quá chú ý tới những vật ngoài thân kia chứ?
Lão Tử giảng: “Người biết đủ là người giàu có”.
Người biết hài lòng mới là người giàu có.
Họ không làm những điều mình không muốn, không nhắm mục tiêu quá cao, không ham muốn dục vọng quá nhiều, không mạo hiểm, không lo lắng trong lòng, nội tâm không lo lắng, an phận biết đủ làm vui.
Trong thế giới rộng lớn, có muôn ngàn cám dỗ, cái gì cũng muốn có sẽ khiến con người ta kiệt sức đến chết, khi phải buông tay thì hãy học cách buông.
Ấm no không có gì lo lắng là điều may mắn, không có bệnh tật hay tai họa là phúc. Trong cuộc sống không phải không có hạnh phúc, chỉ là tự bản thân ta không biết đủ mà thôi.
“Tri túc thường túc, chung thân bất nhục; tri chỉ thường chỉ, chung thân bất sỉ”, ý nghĩa là người biết đủ sẽ thường xuyên cảm thấy thỏa mãn, cả đời sẽ không bị dục vọng của mình khống chế mà làm nhục chính mình. Người làm việc có chừng có mực, biết dừng lại đúng lúc thì sẽ có thể tiết chế được mình, kiểm soát được hành vi của mình. Vì thế, cả đời họ sẽ không vì hành vi không phù hợp của mình làm cho cảm thấy hổ thẹn, gặp tai họa.
Bảo Hân biên dịch.