Người xưa cầu học, coi việc tôn sư trọng Đạo ở vị trí hàng đầu, muốn tu tâm, trước hết phải ý nghĩ phải chân thành, một ngày làm thầy cả đời là cha. Tử Cống tuy không phải là học trò yêu thích nhất của Khổng Tử, nhưng trong các ghi chép thì ông lại là học trò được Khổng Tử kính trọng nhất.
Tử Cống họ Đoan Mộc (khoảng 520 TCN – 456 TCN), là người nước Vệ vào cuối thời Xuân Thu. Tử Cống ít hơn Khổng Tử 31 tuổi. Tử Cống 17 tuổi bái Khổng Tử làm thầy, 20 tuổi kế thừa cơ nghiệp của gia đình, giữ chức thừa tướng nước Lỗ và nước Vệ. Ông là người có tài hùng biện, tài năng hơn người, làm việc thông đạt, từng được Khổng Tử gọi là “Hồ liễn chi khí” (tài năng lớn). Chiếc bình quý phái dùng để đựng lúa thử lúa tắc trong các buổi hiến tế cổ xưa được gọi là “Hồ” vào thời nhà Hạ và “Liễn” vào thời nhà Ân. “Hồ liễn chi khí” là ẩn dụ cho những người đặc biệt tài năng, và có thể đảm nhận những trọng trách lớn.
Khổng Tử từ bỏ chức vụ chính thức của mình và rời Lỗ khoảng sau 50 tuổi. Ông đi chu du nhiều nước, bao gồm Vệ, Trần, Tống, Tào, Trịnh, Thái, Sở và các nước khác. Chuyến đi này kéo dài 14 năm, chủ yếu là để truyền bá tư tưởng Nho gia của ông. Ai đã cấp tiền cho Khổng Tử đi chu du khắp nơi và giảng dạy? Đó là Tử Cống. Tư Mã Thiên viết trong Sử Ký rằng Khổng Tử có hơn 70 đệ tử, Tử Cống là người giàu nhất.
Tài trợ của Tử Cống là một loại tài trợ thuần túy, không giống như xã hội hiện đại, thương mại hóa giáo dục và nói về lợi tức đầu tư, hoặc đơn giản là sử dụng hiệu ứng của người nổi tiếng để quảng bá mạnh mẽ thương hiệu của mình, hoặc thậm chí tiến hành phát hình trực tiếp để quảng bá sản phẩm. Tử Cống đã không làm điều này, ông chỉ dốc sức thực hiện đạo thầy trò, không quan tâm đến tiền bạc để truyền bá đại đạo.
Tử Cống vốn thông minh, ngay cả Khổng Tử cũng có lúc nói rằng Tử Cống nhanh trí hơn mình. Trong giang hồ có truyền thuyết rằng, Tử Cống hiền năng hơn Khổng Tử. Có lần Tề Cảnh Công hỏi Tử Cống, Khổng Tử có những hiền năng gì? Tử Cống đáp: “Khổng Tử là một vị Thánh nhân, không chỉ là một người hiền năng.” Tề Cảnh Công hỏi: “Thánh nhân ở chỗ nào?” Tử Cống đáp: “Thần không biết!” Tề Cảnh Công ngạc nhiên. Không ngờ Tử Cống lại lớn tiếng nói: “Cả đời Tứ (tức Tử Cống) gánh trời không biết trời cao, đi trên đất cả đời không biết đất dày. Việc Tứ thờ Trọng Ni, thì cũng giống như khi khát nước, cầm cái bình, cái thìa ra sông biển để uống. Khi đã uống no thì rời đi, và tự biết sông và biển sâu bao nhiêu!” Tề Cảnh Công nghe được lời này, trong lòng vô cùng cảm động. Tử Cống so sánh Thánh đức của Khổng Tử với trời đất sông biển, trong khi bản thân Tử Cống bụng đầy kinh luân, thì cũng chỉ là giọt nước trong sông biển mà thôi.
Tư Mã Thúc Tôn Vũ Thúc của nước Lỗ, đã nói với các quan đại thần trong triều đình rằng: “Học vấn của Tử Cống uyên bác hơn Khổng Tử”. Tư Mã Tử Phục Cảnh Bá đi ngang qua đã nói với Tử Cống điều này. Tử Cống nói: “Tường nhà ta chỉ cao ngang vai, từ ngoài nhìn vào có thể nhìn thấy bên trong bức tường. Tường nhà tôn sư của ta cao mấy trượng, người không tìm được cửa thì không thấy được sự uy nghi đường hoàng của tông miếu bên trong. Vũ Thúc nói lời này, là đã nói rõ đạo lý này.” Vì vậy, người hậu thế thường dùng “Tứ tường cập khiên” (Tường nhà Tử Cống cao đến vai) như một cách diễn đạt khiêm tốn, đồng thời cũng dùng “vạn nhận cung tường” (Tường cung điện cao vạn trượng) để miêu tả kiến thức sâu sắc của Khổng Tử.
Sau này Thúc Tôn Vũ Thúc lại nói hạ thấp Khổng Tử, Tử Cống nói rất nghiêm túc rằng: “Đừng làm điều này, Trọng Ni là người mà người ta không thể nói xấu ông được. Sự hiền năng của người khác giống như những ngọn núi có thể vượt qua, nhưng Trọng Ni giống như ánh sáng mặt trời và mặt trăng, làm sao có thể vượt qua được? Nếu có người muốn tách mình ra khỏi mặt trời mặt trăng, thì đối với bản thân mặt trời mặt trăng nào có tác hại gì? Đó chính là không biết tự lượng sức mình.”
Khi Khổng Tử qua đời, tất cả các đệ tử khác đều để tang Khổng Tử trong ba năm, ngoại trừ Tử Cống để tang sáu năm. Vào thời Xuân Thu, thời gian để tang tiêu chuẩn là ba năm, và Tử Cống sẽ không thể để tang gấp đôi trừ khi ông kính trọng và tưởng nhớ thầy mình đến cảnh giới thanh tịnh nhất.
Xã hội Trung Quốc cổ đại trọng đức khinh lợi, “Quân tử hiểu rõ đạo nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ lợi ích”. Vì vậy, Khổng Tử “rất ít khi nói đến lợi”. Nhưng trong môn đồ của Khổng Môn lại xuất hiện Tử Cống – tổ tiên của Nho thương. Vậy Tử Cống đã trở thành một trong số ít doanh nhân giàu có thời Xuân Thu như thế nào? Mối liên hệ giữa sự tích lũy của cải của ông và tư tưởng Nho gia là gì?
Tử Cống là đệ tử đắc ý của Khổng Tử, từng làm ăn buôn bán với nước Tào và nước Lỗ, trở nên giàu có, là người giàu nhất trong số các đệ tử của Khổng Tử. Người đời sau nhắc đến “Đoan Mộc di phong” đề cập đến văn hóa kinh doanh thành tín do Tử Cống để lại.
Tư Mã Thiên đã ghi lại công việc làm ăn của Tử Cống trong “Sử Ký – Hóa thực liệt truyện”.
Lịch sử ghi chép lại rằng, Tử Cống từng dẫn đầu một đội hàng trăm cỗ xe chất đầy vàng bạc châu báu đến gặp các vị vua của các nước, đi đến đâu đều nhận được lễ đón tiếp như với nguyên thủ quốc gia, khí phách phi thường. Từ đó có thể thấy, có lẽ không quá lời khi miêu tả sự giàu có của Tử Cống giàu sánh với quốc gia.
Theo ghi chép lịch sử, một trong những bí quyết thành công trong kinh doanh của Tử Cống là “Người bỏ ta lấy, người lấy ta bỏ”. Thần tài Phạm Lãi (536 TCN – 448 TCN) cũng cho rằng, nên mua tàu khi hạn hán nghiêm trọng, và nên mua xe khi lũ lụt.
Theo “Sử ký” ghi chép, Tử Cống “kiếm tiền giữa nước Tào và nước Lỗ”, kinh doanh trong khi đi lại giữa các quốc gia, làm việc không mệt mỏi, đi lại giữa các quốc gia khác nhau để thực hiện các hoạt động thương mại. Ông lấy thành tín làm gốc, và mạnh mẽ thực hiện nguyên tắc “lời nói phải giữ chữ tín, làm việc phải có kết quả”. Phong cách này đã giúp ông có được danh tiếng tốt trong kinh doanh, nhờ đó công việc kinh doanh của ông ngày càng phát triển lớn mạnh. Dưới ngòi bút của Tư Mã Thiên, trong số các Nho thương cổ đại, Phạm Lãi đứng đầu, và Tử Cống chỉ xếp sau Phạm Lãi.
Năm Lỗ Ai Công thứ 11, nước Ngô muốn đem quân tấn công nước Tề. Tử Cống cho rằng nước Ngô nhất định sẽ thu bông lụa từ khắp nơi trên đất nước để chuẩn bị cho quân đội chống rét. Như thế nước Ngô sẽ thiếu lụa và bông. Nếu tích trữ tơ lụa và bán cho người dân nước Ngô, chắc chắn sẽ có được giá hời. Vì vậy, ông đã sắp xếp nhiều người đi nhiều nơi để mua tơ lụa, sau đó dùng xe chuyển nhanh tới nước Ngô. Đúng lúc người dân nước Ngô mặc quần áo mỏng manh, chịu lạnh, nên tơ lụa của Tử Cống đem đến liền bán hết ngay.
Người ta hễ có tiền thì sẽ như thế nào? Có đủ thứ. Họ có xe BMW, xe hơi sang trọng, ăn chơi trác táng, có nhiều vợ, thê thiếp, tự cho mình là thượng đẳng hơn người khác, rồi dựa vào quyền lực để đạt được tiếng nói chính trị. Vào thời Tây Tấn, có một đại phú hộ tên là Thạch Sùng, có vô số nô bộc và rất ngông cuồng, ông ta xây nhà vệ sinh trong nhà nguy nga như cung điện, rồi qua đời bi thảm ở tuổi 52, làm liên lụy đến gia đình, toàn bộ 15 thành viên trong gia đình ông ta đã bị giết. Đây là kết quả của việc giàu có nhưng bất nhân.
Về phần Tử Cống, ông luôn ghi nhớ lời dạy của Khổng Tử, rèn luyện tính tự giác với những mỹ đức truyền thống là “Ôn, Lương, Cung, Kiệm, Nhượng”, kiềm chế bản thân và đề cao người khác, xây dựng những giá trị đạo đức nội tại là “Nhân, Lễ, Nghĩa“. Khi kinh doanh chỉ nói chuyện kinh doanh, khi làm chính trị chỉ nói chuyện chính trị. Ông dùng tư tưởng Nho gia để phát triển kinh doanh, trung thành thủ tín, dùng nghĩa kiếm lợi, mưu lợi có chừng mực, và không bao giờ gian lận. Sau khi trở nên giàu có, ông không vì giàu có mà bất nhân, ông dùng của cải để giúp đời, thường phân phát của cải của gia đình và cứu trợ những người gặp khó khăn.
Trong “Lã Thị xuân thu” có câu chuyện về “Tử Cống chuộc người” rằng: Lúc bấy giờ, nước Lỗ có luật quy định, nếu người nước Lỗ ở nước ngoài làm nô bộc, thì người có tiền bỏ tiền để chuộc lại, và sau đó tiền chuộc có thể được bồi thường từ kho bạc quốc gia. Tử Cống từng bỏ tiền ra để chuộc lại một người nước Lỗ bị làm nô bộc ở nước ngoài, vì việc làm của ông là việc đạo nghĩa nên ông từ chối sự bồi thường của quốc gia.
Tất nhiên, tính cách như vậy không phải bẩm sinh, mà được rèn luyện thông qua quá trình tự tu dưỡng cá nhân. Theo ghi chép, một ngày nọ, Tử Cống cưỡi một con ngựa cao to, mặc quần áo sang trọng, đi đến ở lối vào một con hẻm thì bị tắc, nguyên nhân là vì lối vào con hẻm quá nhỏ còn xe ngựa của Tử Cống quá lớn. Vào thời điểm quan trọng này, Tử Cống ngước mắt lên và nhìn thấy người bạn học cũ Nguyên Hiến. Nguyên Hiến mặc quần áo rách rưới, chống nạng đi lại khó khăn. Tử Cống nhìn thấy bất giác bật cười: “Đã lâu không gặp, bạn học cũ, sao lại khốn cùng như vậy?”
Nguyên Hiến vẻ mặt nghiêm túc, trả lời: “Tôi nghe nói không có tiền thì chỉ là trong túi lép kẹp, nhưng theo đuổi đại đạo mà không thành thì mới thật sự là khốn cùng! Hiện tại tôi chỉ là nghèo một chút, sao có thể nói là khốn cùng?” Tử Cống nghe vậy lập tức xấu hổ toát mồ hôi.
Còn tiếp - Thư Đồng.