Tìm lại tâm hồn trẻ thơ, tìm về Đại Đạo

Tìm lại tâm hồn trẻ thơ, tìm về Đại Đạo

Tâm hồn trẻ thơ là biểu hiện cảnh giới của một người thuần khiết vô tư, không suy tính thiệt hơn, cũng chính là suối nguồn của sự vui vẻ.

"Tâm trẻ thơ" là gì? Theo cách hiểu đơn giản thì chính là tâm địa thuần khiết, thiện lương như đứa trẻ. Đạo lý này đã được Mạnh Tử nhắc tới trong “Ly lâu Hạ”. Mạnh Tử nói: “Bậc đại nhân là người không đánh mất cái tâm trẻ thơ của mình.” Theo quan niệm của Mạnh Tử “tâm trẻ thơ” chính là thiên mệnh trong sách Trung dung, là minh đức trong sách Đại học. Đó là  “tính bản thiên” được Trời phú bẩm cho con người khi mới thành thai. Người có phẩm đức tu dưỡng tốt chính là người không đánh mất cái ‘tâm trẻ thơ’ này. Sinh mệnh của con người phải hợp với Đạo, có đức chính là phải thuận với tự nhiên, “phản bổn quy chân”, quay về với trạng thái thuần chân nhất của hài nhi.

Người hiện đại vì quá nhiều thứ ảo vọng, u mê làm mê muội tâm trí, khiến dục vọng, dục niệm nhiều vô kể, nghiệp lực cũng thế mà nhiều hơn. Người có tâm tham thì mãi không biết bao giờ là đủ, dù là chuyện gì cũng không thấy đủ. Khi ấy, tâm không tĩnh mà động, khởi sinh nhiều tâm niệm, cứ thế phiền não khổ đau không biết bao giờ mới hết. Dần dần người ta không còn thỏa mãn với cuộc sống, luôn luôn truy cầu nhiều hơn, những căn bệnh văn minh cũng từ đó mà hình thành, trầm cảm là một ví dụ điển hình, còn rất nhiều loại bệnh khác nữa. Kỳ thật để đạt được hạnh phúc không khó, chỉ cần giữ được tâm trẻ thơ thì sẽ luôn an vui. 

Người có tâm trẻ thơ thường giữ được tấm lòng thanh tịnh, không theo đuổi cách sống thiển cận, chạy theo hư vinh. Địa vị không nhất định phải cao hơn người khác, xe cũng không truy cầu phải đắt hơn, lớn hơn của người khác. Lời nói ra là có trọng lượng, sẽ không nói lời viển vông và những chuyện bát quái tầm phào. Khi phải đối mặt với bất kỳ hoàn cảnh nào, biến hóa của môi trường ra sao và khó khăn như thế nào cũng sẽ không bị xáo động trong tâm.

Trái tim của trẻ nhỏ chính là cái nôi của sinh mệnh

Người mà mang theo tâm trẻ thơ có thể thích ứng trong mọi hoàn cảnh, biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy. Hồng trần một kiếp nổi trôi, dù bất cứ nơi đâu cũng không được quên đi tâm hồn thuần chân như trẻ nhỏ. Giống như Tô Đông Pha đã nói trong “Tiền Xích Bích Phú”: “Vả lại trong trời đất, vật nào cũng có chủ. Nếu không phải là của ta thì dẫu một hào ta cũng không lấy. Duy chỉ có gió mát trên sông, trăng sáng trong núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, dùng không thể hết, đó là là bảo tàng vô cùng vô tận của Tạo Hóa, và là cái thú vui chung mà ta dùng mãi cũng không thể cạn”.

Người chỉ theo đuổi vật chất rực rỡ bên ngoài thì trong lòng không thanh thản, cũng không cảm nhận được ý nghĩa thực sự của cuộc sống; Vả lại vật cực tất phản, thứ gì tới nhanh, đi cũng nhanh. Kết quả là hai tay trống trơn, cái gì cũng không đạt được, tâm hồn vừa nghèo nàn, vừa không thanh tịnh. Chẳng bằng giữ lấy trái tim thuần tịnh như trẻ thơ, biết đủ là vui, sống đơn giản và thực tế sẽ ý nghĩa và thiết thực hơn. 

Tâm hồn trẻ thơ ấy, không phải là không có tư tâm, cũng không phải ngốc nghếch dại khờ, mà đã trải qua đủ khổ ải trên đời, hơn thua được mất đều nếm đủ nhưng vẫn có thể giữ được tâm thái hồn nhiên yêu đời, đối với mọi việc vẫn hiếu kỳ thuần thiện. Người như vậy rất gần kề với hạnh phúc. Cái nôi của sinh mệnh phải là nơi không có sự u sầu mệt mỏi, không có sự vị tư tính toán, tất cả đều ung dung tự tại, an lạc thường tồn.

Bích Liên.

Tin bài liên quan