Tìm hiều về hỏa táng hay địa táng khi có người thân mất?

Tìm hiều về hỏa táng hay địa táng khi có người thân mất?

Hiện nay, hỏa táng đã trở thành cách thức chôn cất người chết thông dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi những lợi ích to lớn mà cách thức mai táng này đem lại. Ở Việt Nam cũng vậy, việc hỏa táng người đã mất đã trở nên phổ biến nhưng quy trình hỏa thiêu diễn ra như thế nào thì không phải ai cũng biết. Khi có người thân mất, nhiều người dân vẫn phân vân trong việc lựa chọn hình thức hỏa táng hay địa táng.

Hỏa táng hay hỏa thiêu tức là dùng lửa thiêu thi thể người chết thành tro bụi. Tro cốt này sau sẽ được đựng trong hũ, bình, hoặc thả xuống sông, xuống biển tùy theo di nguyện của người chết, hoặc theo tập dục, chủ ý của gia đình người quá cố. Bên cạnh hỏa táng, trên thế giới còn có địa táng, thiền táng, điểu táng, thủy táng, huyền táng...

Địa táng tức chôn thi thể người chết xuống đất, người chết được để trong áo quan. Tùy nơi mà người ta chôn một lần hoặc cải táng. Thường sau khoảng 3-5 năm trở nên, sau đó đào mộ lên, rửa hài cốt cho vào tiểu sành rồi chôn lại ở một nơi khác, hoặc gần đó.

Huyền táng là hình thức táng treo, tức để thi thể người chết lộ thiên hoặc trong quan tài rồi treo lên cành cây, vách núi. Điểu táng, tức để thi thể cho chim ăn trước sự chứng kiến của người thân để họ thấy sự vô thường của đời sống. Điểu táng xuất hiện ở Tây Tạng, Nội Mông (Trung Quốc). Thủy táng tức thả thi thể xuống sông, biển, hồ. Thiền táng hay còn gọi là tướng táng. Thi thể ngồi thiền cho đến khi ngừng mọi sự sống. Thiền táng thường thấy ở các nhà sư.

Hòa thượng Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, việc hỏa táng có từ thời Đức Phật tại thế, hiện nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Sri Lanka, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar,… đều phổ biến việc hỏa táng: "Có người sợ thiêu người thân mất sẽ nóng, chứ thật ra thiêu rồi thì sẽ nhanh hơn và nhẹ nhàng hơn. Thiêu thì thành tro cốt, có thể đem rải trên núi, rải ra sông ra biển hoặc để trong hũ cốt thờ cũng nhẹ nhàng. Bây giờ người ta tiến đến một bước nữa gọi là thạch táng được cô đọng lại trong một tháp thuỷ tinh nhỏ nhỏ, nhìn sạch sẽ và nhẹ nhàng lắm. Đấy cũng được xem như là một dấu tích của ông, bà, cha mẹ người thân của mình thôi".

"Người dân muốn chôn hay muốn thiêu thì đều có ý nghĩa như nhau, địa táng hay hỏa táng cũng đều trả về cho đất, nước, lửa, gió. Trong thời đại mà cả thế giới đang có xu hướng bảo vệ môi trường thanh sạch, thì đúng thiêu sẽ có ý nghĩa bảo vệ môi trường hơn" - Hòa thượng Thích Giác Toàn nói.

Quan niệm của phật giáo về hỏa táng và chôn cất

Sau khi chết, chúng ta nên chôn xác hay thiêu xác? Theo quan điểm nhà Phật rất rõ ràng, cái thấy biết của nhà Phật, một chúng sinh hữu tình có hai phần là phần thân xác và phần tâm linh, theo thế gian gọi là hồn và xác. Hồn là phần quan trọng, xác chỉ là đất, nước, chết rồi chỉ về với cát bụi, nhà Phật gọi xác là thân tứ đại, trong Ngũ uẩn thì xác thuộc về Sắc uẩn. Còn bốn uẩn còn lại là thuộc về tinh thần. Phần tinh thần khi bốn uẩn đó tan rã thì Sắc uẩn về với cát bụi, còn bốn uẩn còn lại sẽ di chuyển về kiếp sau, tái sinh một đời sống mới.

Đức Phật không để lại một huấn thị rõ ràng về vấn đề chôn cất hay hỏa táng, vì Ngài muốn chúng ta hiểu xác thân chỉ là sự hỗn hợp của vật chất và sau khi chết, những thứ này lại trở về các nguyên tố Đất, Nước, Gió, Lửa. Phần tro cốt còn lại chỉ là biểu tượng của người qua đời, là người thân mà ta thương yêu, chúng ta nên kính trọng. Tuy nhiên, không nên quyến luyến quanh những biểu tượng này, không nên sống mãi với quá khứ của họ hay nghĩ rằng chúng ta chẳng còn liên hệ gì với người đã chết.

Cách thức hỏa táng hiện nay

Hoả táng là hình thức an táng người chết bằng cách thiêu xác thành tro rồi đựng trong hũ, bình. Tuỳ theo từng tôn giáo, tro sau khi hoả táng được chôn cất hoặc đem về thờ tại nhà hoặc gửi vào các nơi thờ cúng. Hỏa Táng đang trở thành phương pháp an táng phổ biến hiện nay trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển như Mỹ và Canada,...

Hỏa táng có từ lâu đời ở Việt Nam

Ít ai biết rằng hỏa táng đã có ở nước ta từ thời Hùng Vương qua những kết quả khai quận khảo cổ học năm 1962 cho thấy những chiếc thạp đồng, trống đồng được chôn ở độ sâu khoảng 2-3m trong lòng đất có chứa tro than bên trong và một số đồ trang sức như viên hạt chuỗi đá, vòng đồng, vòng đá, xương và răng người cháy dở,…

Đối với dân tộc Việt (người Kinh) thì thời gian xuất hiện sớm nhất của hỏa táng không quá niên đại du nhập của đạo Phật, tức khoảng đầu Công nguyên.

Nhưng với người Việt cổ, mà cụ thể là người Thái, thì dấu vết của tục hỏa táng đã xuất hiện từ trước khi Phật giáo du nhập, với tàn dư của tục hỏa táng có thể tìm thấy trong dân tộc Thái ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An và Lai Châu và tục hỏa táng còn khá thịnh hành ở người Thái đen.

Tro cốt người đã mất nên để ở đâu là hợp lý?

Theo Phật giáo, con người sau khi chết thì thần thức theo nghiệp tái sinh, còn xác thân tứ đại (đất, nước, gió, lửa) thì trả về cho tứ đại. Theo phong tục tập quán của từng xứ sở, phần thân xác tứ đại sau khi chết có thể có thể xử lý bằng nhiều cách như hỏa táng (thiêu), địa táng (chôn), thủy táng (thả sông biển), hoặc lâm táng (bỏ trong rừng), thậm chí là không táng (treo lên cây) hay điểu táng (cho kền kền ăn).

Có một số nơi, một số người quan niệm rải tro cốt xuống sông xuống suối. Về bản chất phần tro cốt đem rải sông bốc từng nắm hay thả cả hũ vẫn không khác nhau và không ảnh hưởng gì đến sự siêu thoát của người chết cả. Có điều, khi rải tro cốt, tuy không cần phải lễ nghi phức tạp nhưng thân nhân cũng nên thực hiện trong sự im lặng, chậm rãi, mỗi người rải một nắm trong sự thành kính tiễn biệt sẽ ý nghĩa và trọn tình hơn “bỏ cả hũ tro cốt xuống sông”.

Trong khi rải tro cốt con cháu cần yên lặng, thành kính, nguyện cầu cho người thân được sinh về cõi lành. Khởi tâm quán tưởng thân tứ đại này vốn là cát bụi, nay trở về với cát bụi; ngày mai thân của mình cũng trở về với cát bụi. Rải cốt xong, “về nhà thờ hình ảnh và cúng cơm như phong tục xưa nay” hoặc “gửi hình lên chùa và cúng cơm ở chùa”, cách nào cũng được.

Tro cốt sau khi hỏa táng còn có thể đem lên chùa như một giải pháp cầu siêu. Nếu người đã mất là một Phật tử, hoặc trong lúc lâm chung tâm tưởng hướng Phật. Thì việc hỏa táng xong đưa tro cốt lên chùa gửi là một điều nên thực hiện. Không khí thanh tịnh, sớm tối kinh kệ nơi cửa Phật khiến người ta có cảm giác siêu thoát và con cháu cũng cảm thấy nhẹ nhàng.

Quan trọng là, gia đình có người qua đời cần chăm làm các điều phước thiện trong khả năng có thể để hồi hướng phước đức cho người thân. Có thể cúng dường, bố thí, tụng kinh, niệm Phật, giữ giới… rồi đem phước đức ấy hồi hướng cho người đã mất. Dù người thân tái sinh bất cứ nơi đâu, những phước đức mà bạn đã làm đem hồi hướng họ đều nhận được, sẽ trở nên tốt hơn trong cảnh giới hiện đang tái sinh.

T/H.

Tin bài liên quan