Tẩu hỏa nhập ma là gì, vì sao luyện công, tu luyện có thể bị tẩu hỏa nhập ma, tu thiền có bị tẩu hỏa nhập ma không... là thắc mắc của không ít người.
Nhiều người Việt Nam biết đến khái niệm "tẩu hỏa nhập ma” qua tiểu thuyết của Kim Dung, các bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của ông, cũng như các truyện, phim võ hiệp khác.
Tẩu hỏa nhập ma là thuật ngữ được một số chuyên gia y học công nhận là rối loạn tâm sinh lý, song đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi.
Theo mô tả của nhà văn Kim Dung, đây là trạng thái xuất hiện do luyện võ không đúng phương pháp, biểu hiện là kinh mạch đảo lộn, máu huyết chảy ngược.
Người bị tẩu hỏa nhập ma thường mất hết võ công, có khi điên dại hoặc mất mạng, cá biệt có trường hợp huyết dịch vận chuyển ngược vô tình giúp đả thông kinh mạch, khiến nội lực tăng vọt.
Y học Trung Quốc coi tẩu hỏa nhập ma là rối loạn khí công, tức các rối loạn sinh lý/ tâm lý xảy ra trong hoặc sau khi luyện khí công, do luyện sai cách. Các biểu hiện tương tự cũng được ghi nhận ở các bộ môn tự thực hành như yoga (hội chứng Kundalini), thiền, thôi miên.
Tác giả Nancy N. Chen trong cuốn Breathing Spaces: Qigong, Psychiatry, and Healing in China nêu các dấu hiệu tẩu hỏa nhập ma, gồm: Hoảng loạn, khó chịu, không thể kiểm soát cử động; giác quan có vấn đề như ảo giác, ảo thanh; có niềm tin phi lý.
Còn hai tác giả Liu Tian Jun và Qiang Xiao Mei trong cuốn Chinese Medical Qigong cho rằng tẩu hỏa nhập ma có 2 loại triệu chứng: Triệu chứng về thể chất như đau ở các bộ phận đầu, ngực, lưng, bụng, chân tay hay toàn thân; triệu chứng tâm thần gồm suy nhược thần kinh, rối loạn cảm xúc, ảo giác, hoang tưởng.
Theo sách Phân loạn rối loạn tâm thần Trung Quốc (CCMD-2) do Hiệp hội Tâm thần Trung Quốc phát hành, hội chứng rối loạn khí công được chẩn đoán dựa trên những tiêu chí: Bệnh nhân hoàn toàn bình thường trước khi luyện công; các phản ứng về tâm lý, sinh lý xảy ra trong hoặc sau khi luyện khí công; bệnh nhân phàn nàn về các cảm giác bất thường trong hoặc sau khi luyện khí công. Các tiêu chí này không liên quan đến các rối loạn tâm thần khác.
Y học phương Tây gần đây cũng ghi nhận "phản ứng loạn thần khí công" do việc luyện khí công đã trở nên phổ biến. Trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê bệnh tâm thần (DSM-IV) của Hiệp hội Tâm thần Mỹ, nó được xếp vào nhóm các hội chứng liên quan đến văn hóa, với mô tả:
"Phản ứng loạn thần khí công là thuật ngữ chỉ giai đoạn cấp tính, có giới hạn thời gian; đặc trưng bởi dấu hiệu loạn thần kinh, hoang tưởng cùng các triệu chứng tâm thần hoặc không tâm thần khác; có thể xảy ra sau khi thực hành phương pháp tăng cường sức khỏe dân gian của Trung Quốc là khí công. Những người luyện tập quá đà dễ rơi vào tình trạng này".
Một số nhà tâm thần học phương Tây cho rằng khí công tương tự tác nhân gây stress. Người bị tẩu hỏa nhập ma vốn là người có nguy cơ cao bị rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, rối loạn stress sau sang chấn, và khí công chính là tác động khiến họ phát bệnh.
Cách điều trị tẩu hỏa nhập ma của những người luyện khí công thường là các liệu pháp như thư giãn, đi lại, tự massage; nếu nặng thì đến chuyên gia để tham vấn tâm ý, châm cứu, luyện tập.
Theo tiến sĩ Nancy N. Chen, với bệnh nhân có dấu hiệu rối loạn khí công, bác sĩ nên tìm một bậc thầy về môn này để nhờ hướng dẫn bệnh nhân hoàn thành việc luyện khí công trước khi điều trị y tế.
Rối loạn khí công hay tẩu hỏa nhập ma được một bộ phận chuyên gia y khoa thừa nhận, mối quan hệ nhân quả giữa khí công và hiện tượng này vẫn còn chưa rõ ràng. Những người tập khí công tin rằng tẩu hỏa nhập ma do thực hành không đúng cách như bị hướng dẫn sai, thiếu kiên nhẫn, sợ hãi và ngờ vực trong lúc luyện công, thiếu tập trung và làm rối loạn dòng chảy năng lượng. Đồng ý với quan điểm này, trên tờ BMJ, tiến sĩ Kevin Chen từ Khoa Tâm thần, Đại học Maryland (Mỹ) chuyên nghiên cứu về khí công cho biết phần lớn người bị tẩu hỏa nhập ma không được giám sát khi luyện khí công mà tự ý thực hành. Tuy nhiên, ông lưu ý cũng có một số trường hợp tưởng rối loạn khí công thực chất thì không phải.
Trong khi đó, các nhà tâm thần học phương Tây lập luận khí công giống như tác nhân gây stress. Bản thân người bị tẩu hỏa nhập ma vốn đã dễ mắc một rối loạn tâm thần nào đó như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, rối loạn stress sau sang chấn và chính tác động của khí công khiến họ phát bệnh.
Để điều trị tẩu hỏa nhập ma, những người tập khí công sử dụng các liệu pháp như thư giãn, đi lại, tự massage hoặc nếu nặng hơn sẽ đi tham vấn tâm ý, châm cứu, luyện tập cùng chuyên gia. Tiến sĩ Chen khuyên khi gặp người bị nghi rối loạn khí công, bác sĩ nên tìm một bậc thầy khí công để hướng dẫn bệnh nhân hoàn thành việc luyện khí công trước khi tiến hành bất cứ hình thức điều trị y tế nào.
Trong đời sống hiện đại, nhiều Phật tử quan tâm đến việc tu tập thiền định cũng băn khoăn về khả năng xảy ra tẩu hỏa nhập ma trong khi tự thực hành tọa thiền tại gia.
Về điều này, tác giả Quảng Tánh phân tích: Thiền định là pháp môn tu tập cốt tủy của Phật giáo, giúp hành giả tăng cường sức khỏe, thư giãn tinh thần, sống lạc quan, hạnh phúc và an vui và quan trọng hơn là giúp an trú chánh niệm, làm chủ thân tâm, chấm dứt tham ái phiền não, tiến tới giải thoát, Niết bàn.
Ở Việt Nam hiện có nhiều thiền phái với nhiều thực tập, tuy chung một mục tiêu là thành tựu giải thoát nhưng kỹ thuật và phương thức dụng công mỗi phái đều có khác biệt.
Muốn tu tập bất cứ pháp môn nào thì trước hết phải có các bậc thầy nhiều kinh nghiệm hướng dẫn, tiếp đến là tham khảo, nghiên cứu thêm kinh sách để nắm vững phương pháp và kỹ thuật.
Nếu cứ vội thực tập mà chưa được hướng dẫn hay tìm hiểu kỹ thì sẽ khó có thành tựu, thậm chí việc thực tập sai cách có thể dẫn đến một số rối loạn về hơi thở, thân và tâm bất an với những di chứng khó lường, thường gọi là “thiền bệnh” hay nôm na là “tẩu hỏa nhập ma”.
Tuy nhiên, theo tác giả Quang Tánh, hiện tượng tẩu hỏa nhập ma và những liên hệ đến thiền định Phật giáo là điều cần phải bàn thêm.
Một số từ điển Phật học thông dụng như Từ điển Phật học Huệ Quang (Thích Minh Cảnh chủ biên, NXB Tổng hợp TP.HCM), Từ điển Phật học Hán Việt (NXB Khoa học Xã hội), Từ điển Thiền tông Hán Việt (Hân Mẫn-Thông Thiền biên dịch) không đề cập gì đến vấn đề tẩu hỏa nhập ma.
"Thực ra, tẩu hỏa nhập ma là các tai biến xuất phát từ việc luyện tập công phu võ thuật trái với quy luật vận động sinh lý tự nhiên (có thể vì vậy mà tẩu hỏa nhập ma không được đề cập đến trong kinh sách Phật giáo).
Theo các nhà luyện công, 'tẩu hỏa' là tình trạng khí lực chuyển động bất chấp quy luật và nằm ngoài ý muốn của người luyện công. Các triệu chứng của 'tẩu hỏa' bắt đầu với những cơn căng tức ở bụng và ngực, kèm theo cảm giác hoa mắt, chóng mặt do khí lực di chuyển thái quá đến các bộ phận cơ thể gây ra.
Đến một giai đoạn nặng hơn, người luyện công sẽ cảm thấy đau đớn, nóng rực toàn thân và dần mất hẳn sự tự chủ cho đến điên cuồng.
'Nhập ma' là trạng thái mê loạn với những ảo ảnh vọng tưởng hoặc không bao giờ có thật của người luyện công. Nhập ma được coi là rất nguy hiểm vì chỉ được phát giác ở giai đoạn bệnh đã trở nên nặng nề, khó chữa trị.
Đây là quá trình người luyện công dần dần bị lôi cuốn vào những ảo ảnh để rồi lấy giả làm thật, tiến đến trạng thái hôn mê, tán thần và dẫn tới sự điên cuồng vào giai đoạn cuối", tác giả viết và kết luận, tẩu hỏa nhập ma là bệnh của người luyện công vì không tuân thủ các nguyên tắc luyện công, vận khí, điều tâm cũng như quá nôn nóng để thành công, hoặc tham lam luyện nhiều võ công lai tạp.
Người luyện công tuy có thực tập thiền nhưng phối hợp với vận khí, khai mở các trung tâm lực trong cơ thể nhằm thúc đẩy nhanh quá trình sinh khí và gia tăng nội lực. Các phương pháp này có thể gây nguy hiểm nếu họ thiếu kiến thức về khí công, về y học truyền thống, hoặc không có đạo sư hướng dẫn để vận dụng và kiểm soát kịp thời nguồn năng lực mới phát sinh.
Mục đích tọa thiền của người luyện công hoàn toàn khác với các hành giả thực tập thiền định Phật giáo. Thiền giả Phật giáo tu tập thiền định khiến tâm trí tĩnh lặng, thư giãn thần kinh cũng như cơ bắp, giúp hơi thở nhẹ, đều và sâu hơn nên sức khỏe được cải thiện rõ rệt.
Mặt khác, theo tác giả Quang Tánh viết trên Cổng thông tin điện tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các phương pháp thiền định Phật giáo không vận khí, không bám víu vào bất cứ ảo giác, âm thanh hoặc hình ảnh nào, xả ly hết tham ái và phiền não nên rất an toàn và hoàn toàn có thể tránh được tai biến “tẩu hỏa nhập ma” mà một số nhà luyện công mắc phải.
* Thông tin trong bài mang tính tham khảo.