Là người đi lễ bái, bạn có biết “chùa” (tự) và “miếu” khác nhau thế nào không?
Tự, ban đầu là một cơ quan chính trị, thuộc cai quản của các quan chức, chúng ta từng nghe tới “đại lý tự” (cơ quan có nhiệm vụ xét lại những án nặng đã xử rồi), “thái thường tự” (cơ quan phụ trách lễ nghi, điều khiển ban âm nhạc, trông coi các đền chùa thờ Trời, Đất, Thần 4 mùa). Vậy tại sao chùa Phật giáo cũng gọi là “tự”?
Bởi vì trong quan tự, có một nơi gọi là “Hồng lô tự”, đây là cơ quan chuyên phụ trách việc tiếp đón và thể thức lễ nghi với những sứ đoàn từ các triều hoặc nước khác đến. Khi kinh Phật du nhập vào Trung Quốc, “Hồng lô tự” chính là nơi tiếp đãi, đón nhận. Vào thời nhà Hán, Tây Vực dùng ngựa trắng để thồ kinh thư đến, cũng được “Hồng lô tự” tiếp nhận.
Ban đầu, “tự” là chỉ cơ quan hành chính của triều đình như đại lý tự, thái thường tự; “viện” là tên gọi khác của dinh thự quan chức; và “tự viện” là nơi các tăng lữ Phật giáo tu hành, lễ Phật và sinh sống. Sau khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, nơi ở của các nhà sư được đổi thành tự hoặc viện, ví dụ ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Trung Quốc lấy tên “tự” chính là “Bạch Mã tự” (chùa Bạch Mã) ở Lạc Dương. Từ đó, “tự” (chùa) mang thêm một ý nghĩa chỉ nơi hòa thượng tụng kinh niệm Phật. Hiện tại, nhà nguyện Hồi giáo cũng được gọi là “Thanh Chân tự”.
Các ngôi chùa Phật giáo trong lịch sử ở một khía cạnh nào đó tương đương với các trường đại học ngày nay, mục đích của chúng là phổ cập Phật Pháp. Trong chùa có “tàng kinh các” (hay “tàng kinh lầu”), chính là “thư viện công cộng” mà ngày nay chúng ta hay gọi.
Theo thời gian, trong “tàng kinh lầu” không chỉ có các thư tịch kinh điển của Phật giáo mà còn có cả các tác phẩm Nho giáo, Đạo giáo. Thực ra, điều này trái với nguyên tắc “bất nhị pháp môn” của giới tu luyện, người chân tu một môn chỉ đọc kinh sách của môn phái đó mà thôi.
Các học giả Nho giáo lớn như Phạm Trọng Yêm, Chu Hi, Vương Dương Minh từng dành một thời gian dài trong tự viện tĩnh tâm đọc sách. Hơn nữa, trong tự viện thường xuyên có các bài giảng Phật Pháp, người dân địa phương đều có thể đến nghe. Đây chính là công dụng phổ cập Phật Pháp để quần chúng cùng tu hành.
“Miếu” còn xuất hiện sớm hơn “tự”.
Ban đầu, miếu là cung điện để các hoàng đế và quý tộc thờ cúng các vị Thần của tổ tiên. Vì trong tiếng Hán, “miếu” và “mạo” phát âm giống nhau, người xưa xây miếu để có thể thấy được dáng dấp (diện mạo) của tổ tiên mình ở đây. Điều này được giải thích trong “Thuyết văn”: “Miếu, tôn tổ tiên mạo dã”.
“Miếu” thường chỉ miếu thờ, có thể dùng như một thuật ngữ chỉ chung những nơi thờ phụng các vị Thần, hay nói cách khác là các vị Thánh hiền đã khuất, ví dụ: miếu Thành Hoàng, miếu Thổ Địa, miếu Long Vương, miếu Sơn Thần, miếu Khổng Tử, miếu Quan Đế, miếu Vũ, miếu Văn Xương, miếu Văn Vũ, miếu Thánh Mẫu, miếu Vương Gia…
Đi lễ miếu thường là thể hiện lòng trung hiếu, đức tin và mưu cầu hướng đến cuộc sống tốt đẹp của con người, ký thác niềm tin tâm linh mạnh mẽ.
“Tự” (chùa) và “miếu” tuy có sự khác nhau trên bản chất nhưng cũng có những điểm tương đồng.
Tự miếu thường không bao gồm miếu thờ tổ tiên tư gia, nhưng một số miếu thờ tư gia của các danh nhân vẫn tiếp nhận tín đồ ngoài dòng tộc đến cúng bái, nên cũng mang tính chất của chùa chiền miếu mạo.
Tóm lại, tự miếu là tên gọi chung của tự viện và miếu thờ, đôi khi được gọi thống nhất là đền chùa hoặc cung miếu, đều chỉ chung nơi thờ cúng Thần linh, các nhân vật thần thoại, các vị Thánh hiền, những nhân vật lịch sử nổi tiếng trong tôn giáo truyền thống khu vực Đông Á. Trên thực tế, các công trình thờ cúng này không chỉ giới hạn ở Phật tự và miếu thờ mà còn bao gồm các điện thờ, đạo quán… Không chỉ để cúng tế và cầu phúc, đền chùa miếu mạo đích thực còn là trường sở tu luyện, thông qua gột rửa tâm linh mà người thành tâm có thể đạt tới cảnh giới thanh tịnh.
Quỳnh Chi.