Tại một khu rừng già, những ngọn núi cao quanh năm suốt tháng được mây xanh che phủ như chốn bồng lai tiên cảnh. Trên một đỉnh núi, có một ngôi chùa nhỏ, trong chùa có các tăng nhân cùng nhau tu hành. Trong đó, có một lão hòa thượng và một chú tiểu là hai người thường khiến người khác phải để mắt.
Mỗi lần lão hòa thượng xuống núi hóa duyên là chú tiểu lại theo gót phía sau, hai người đi đâu cũng như hình với bóng. Không biết tiểu hòa thượng đã bao nhiêu tuổi, nhưng chú còn nhỏ mà đã xuất gia tu đạo với lão hòa thượng nhiều năm như vậy, thì cũng đủ thấy tiểu hòa thượng này là người rất có thiện căn, chẳng phải bậc phàm nhân bình thường. Bình thường ở trong chùa, chú phụ trách công việc bổ củi gánh nước, nấu cơm quét chùa, chú không hề than vãn mà còn vui vẻ sớm tối chuyên cần.
Một hôm, tiểu hòa thượng đang cầm chổi quét dọn Phật đường, đột nhiên tâm trí linh thông, chú nhìn vào tượng Phật trên Phật đường nghĩ: “Mình đã theo sư phụ tu hành thời gian dài như vậy, hàng ngày đều tụng kinh niệm Phật, ngồi thiền đả tọa, nhưng rút cuộc, Phật là gì”?
Tiểu hòa thượng nghĩ vậy liền bỏ chổi xuống đến phòng thiền tìm sư phụ thỉnh giáo. Lão hòa thượng nghe xong từ bi đáp: “Phật chính là người giác ngộ, Ngài ở trong nơi hôi bẩn nhưng lại chẳng bị nhiễm bẩn, Ngài ở trong cảnh khó khăn nhưng lại không hề gặp trở ngại, Ngài không cần động chân nhưng cũng có thể “bước đi”, không cần đốt đèn nhưng có thể phát ánh sáng quang” (Quyển 5, Phật Tổ Lịch Đại Thông Tái).
Tiểu hòa thượng nghe xong vui sướng hỏi: “Vậy làm sao mới có thể tu thành”? Lão hòa thượng cười đáp: “Năng hành việc thiện, tránh làm điều ác, ý niệm thuần tịnh, tự nhiên tất thành”. Tiểu hòa thượng nghe xong thành khẩn đáp: “Thưa sư phụ, con sớm đã nghe qua những lời này rồi, chỉ là sư phụ có thể đích thân chỉ dạy rõ hơn cho con được không”?
Lão hòa thượng nghe xong liền hỏi: “Vậy ta hỏi con, hàng ngày con làm những việc gì”? Tiểu hòa thượng đáp: “Ví như là chúng ta xuống núi hóa duyên, có người mắng sư phụ, sư phụ không tức giận, con cũng học theo sư phụ mà làm như vậy, nếu như có người mắng con, con cũng không tức giận. Sư phụ thích giúp đỡ người khác, con cũng vui vẻ học cách giúp người”.
Lão hòa thượng thở dài nói: “Ta dạy con học Phật, chứ không phải kêu con học ta. Mà cho dù con có thể mô phỏng mọi việc ta làm, nhưng con có thể mô phỏng được tâm ta không?”
Nhẫn nhịn chịu đói, lòng không oán thán
Tiểu hòa thượng nghe xong bất giác cười: “Ồ, cái này thì thật là khó”. Lão hòa thượng nghe vậy liền bảo chú quay mặt vào tường ngồi tĩnh tọa, suy xét bản thân.
Vậy là chú ngồi đó tĩnh tọa một ngày. Khi đang tĩnh tĩnh ngồi tọa, đột nhiên chú nghĩ: “Tạo sao không có người đưa cơm đến cho mình nhỉ? Có lẽ sư phụ già rồi nên quên.” Tiểu hòa thượng nghĩ vậy nên cũng không hề tức giận mà tiếp tục ngồi đó tĩnh tọa.
Tuy nhiên, sang ngày thứ hai, vẫn không có ai đến đưa cơm, tiểu hòa thượng lại nghĩ: “Đây chắc là sư phụ khảo nghiệm mình, muốn rèn luyện ý chí của mình, sư phụ yêu thương mình như vậy, mình càng phải cố gắng hơn nữa, không thể oán giận”. Tiểu hòa thượng lại càng thêm phần tinh tấn để đền đáp tấm lòng sư phụ.
Lão hòa thượng lặng lẽ bên ngoài quan sát, thấy chú tiểu tĩnh tâm ngồi đả tọa ở đó không hề tức giận, bèn gật đầu nghĩ: “Có thể không sinh tạp niệm, không nhìn cái sai của chúng sinh, tự khắc sẽ rời xa được trở ngại của ma chướng, thật là tốt”.
Lão hòa thượng gọi tiểu hòa thượng xuất định nói: “Ta thấy con chính niệm đủ đầy, ngay cả một chút tư duy nhỏ cũng không rơi vào nghiệp chướng, oán giận thị phi. Tâm con có thể thanh tịnh như vậy rồi, vậy con đi theo ta đến đây”. Tiểu hòa thượng nghe sư phụ nói vậy liền đứng dậy đi theo…
Lão hòa thượng dẫn tiểu hòa thượng đến một căn phòng thiền, tiểu hòa thượng thấy trên bàn để một bát cơm, một cốc trà nóng, một chiếc áo tăng nhân, một đôi đũa và ba đồng tiền. Lão hòa thượng nói: “Hôm trước con hỏi ta phải nên tu hành thế nào? Nên hoằng Pháp ra sao? Bây giờ ta sẽ đưa con ba đồng tiền, con hãy tự mình xuống núi hóa duyên, lĩnh ngộ huyền cơ trong đó”.
Trân trọng cơ duyên, buông xả ác niệm
Sau khi tiểu hòa thượng xuống núi, trên đường hóa duyên gặp một người ăn mày, người ăn mày xin mãi mà chẳng thấy ai cho. Tiểu hòa thượng nghĩ: “Đức ở thế gian quả là hiếm thấy, thế gian bao người như vậy mà không gặp được lấy một người có lòng sẵn sàng giúp đỡ người khác. Nhưng mình là một tăng nhân, tự lo cho mình còn chẳng xong thì sao có thể giúp người ta được?” Tiểu hòa thượng nhịn đói hai ngày, không ăn không uống, đối với người ăn xin tuy có lòng thương xót nhưng lực bất tòng tâm, chỉ đành rời đi.
Tiểu hòa thượng đến một khu phố, mua hai cái bánh bao, cầm hai cái bánh trên tay, nghĩ bụng: Mình ăn còn chẳng đủ, nhưng vẫn không đành lòng ăn một mình nên quyết định bố thí một cái vậy.
Nhưng rồi tiểu hòa thượng lại nghĩ: Thời gian như nước chảy qua cầu, chớp mắt một cái vạn vật đã là vô thường. Lần này gặp rồi nhưng lại không giúp người ta, lần sau chưa chắc đã còn cơ hội, không ai có thể đợi mình được mãi, đợi đến khi mình chuẩn bị được đầy đủ rồi thì cũng chưa chắc họ đã quay lại. Tuy bây giờ ta rất đói, nhưng gặp một người ăn xin, lại tiếc thức ăn, tiếc tiền tài không thể buông xả nhân tâm mà bố thí, đây chẳng phải là tâm bệnh sao? Mình nên điều trị cái tâm của mình trước. Hơn nữa, thân thể này đây, sớm muộn cũng phải bỏ, trở về cát bụi, nhưng cái tâm hướng thiện, cầu đạo này thì không thể nào hủy bỏ đi được”.
Nghĩ như vậy nên tiểu hòa thượng cũng không còn thấy đói nữa, ngược lại lại thấy tinh thần sung mãn, sức khỏe tràn đầy. Vậy là tiểu hòa thượng đem tất cả thức ăn bố thí cho người ăn xin.
Phật tính soi sáng, ngộ đạo đề cao
Vì Phật tính soi sáng, tiểu hòa thượng chìm đắm trong trường năng lượng từ bi, hòa ái, thân tâm thoát tục, bất giác, chú đi đến bên sườn núi lúc nào cũng chẳng hay biết. Đang lúc thân tâm hòa ái, tinh thần hứng khởi, đột nhiên chú bị một con bướm bay ngay vào mắt, đau điếng.
Tiểu hòa thượng một mặt cố chịu đau, một mặt nghĩ: “Mình đã phát đại nguyện tu luyện thành Phật, nếu như chỉ vì một con bướm nhỏ nhoi này mà khiến mình tức giận, tự mình còn chưa thể độ cho mình, nói gì đến độ chúng sinh? Mình không những không được tức giận mà còn cần phải thay nó cầu nguyện, hi vọng nó không vì mình mà bị tổn thương”.
Nghĩ xong như vậy, chỗ đau của tiểu hòa thượng cũng từ từ theo tâm tính mà vơi hết. Tâm cảnh của chú lại thăng lên một tầng cao mới: “Mình không nên vì con bướm nhỏ nhoi mà xem thường nó được, rất có thể nó vì giúp mình tu thành Phật quả mà xuất hiện. Sau này nếu như có gặp tình cảnh tương tự, mình cần phải vui vẻ mà tiếp nhận, dùng lòng cảm ơn họ mà tiếp nhận nó, nguyên nhân tất cả chúng nó đều vì mình mà đến”.
Lão hòa thượng theo dõi từ xa, thấy tiểu hòa thượng đối với sự việc thế gian đã minh bạch tỏ tường: “Một người mà có niệm đầu thiện lương thì có thể đặt chúng sinh ở vị trí trước tiên, tâm luôn thuần khiết, không có quan ngại, tinh tấn bước lên, động lực cũng từ đó mà không ngừng tăng lên”.
Tiểu hòa thượng trở về chùa, cung kính hành lễ với sư phụ, chú nói: “Sư phụ, con minh bạch những điểm hóa của mấy thứ đó rồi. Khi con gặp người ăn xin, thì cần bố thí cơm nước, gặp người nghèo thì cần bố thí tiền tài và y phục, gặp người bị thương, thì cần kịp thời trị liệu. Tất cả những gì con có, cũng đều là vì để tạo phúc cho chúng sinh, luôn sẵn sàng buông xả nó đi”.
Mọi người nghe xong đều cảm thấy những lời tiểu hoà thượng nói thật là tâm phục khẩu phục, tuy nhiên lão hòa thượng lại chẳng nói chẳng rằng mà viết cho chú 4 chữ lên giấy: “Nhất vô thị xứ” (Chẳng có gì tốt) rồi đứng dậy rời đi.
Mọi người nhìn thấy đều không hiểu tại sao? Tiểu hòa thượng rất nghi hoặc, rõ ràng đây là một ngày xán lạn, sao sư phụ lại nói vậy? Chú lại bắt đầu suy nghĩ: “Sư phụ luôn lấy từ bi, hòa ái đối đãi người khác, đối với mình lại càng như vậy, lẽ nào mình đã nói sai điều gì đó”?
Chú suy nghĩ hồi lâu, xem xét lại tâm thái của mình, khẩu khí nói chuyện…, đột nhiên phát hiện: “Ồ, thì ra từ đầu đến cuối mình đều theo đuổi cảm nhận của mình, phải ngộ thế nào, phải làm ra sao? Vẫn không bằng thực tế tu một cách chân chính cái tâm mình. Sư phụ không phải là tức giận mình, mà là đang khảo nghiệm mình, sư phụ hi vọng mình không chỉ là tu cái miệng Bồ Tát mà còn hi vọng mình tu thực vững chắc cái tâm này”.
Nghĩ lại những gì lúc trước mình nói với sư phụ, tiểu hoà thượng ngộ được rằng: “Trên bề mặt thì không có gì là sai, nhưng trong tâm mình lại không thật sự thuần khiết. Nguyên nhân chính là bởi mình muốn mọi người nhìn thấy trái tim mình thuần khiết, thiện lương, từ bi thế nào. Đạo đức, hàm dưỡng của mình chỉ cao thâm có vậy, mình không thể nghĩ như vậy được. Khi mình khởi tâm kiêu ngạo, cũng là lúc mình rời xa với cảnh giới thuần tịnh, cũng chính là lúc tâm mình “Nhất vô thị xứ” rồi”.
Lão hòa thượng đứng đó từ khi nào không ai hay biết, gật gật đầu tự nhủ: “Tâm thân đã thanh tỉnh rồi, không còn ý niệm ô nhiễm phàm trần nữa, có thể thời thời khắc khắc tu bỏ tạp niệm, đem thiện niệm đặt nên vị trí hàng đầu, đủ để tiến vào cảnh giới Phật quốc”.
Ngay lúc này, trước mắt tiểu hòa thượng đã không còn là cảnh giới lầu các chốn trần gian nữa, trước mắt chú đã là thế giới Phật quốc, lấp lánh ánh sáng vàng kim. Chú thấy mình ngồi trên đài sen chói lọi, tự do tự tại phiêu đãng bay lên.