Tiên nhân đạo thuật cao cường, vì sao lại mất hết pháp lực?

Tiên nhân đạo thuật cao cường, vì sao lại mất hết pháp lực?

Vào thời Ngũ Đại Thập Quốc, ở nước Nam Đường có người tên là Phan Ỷ, là con trai của vị quan nhỏ phụ trách xử án tên Phan Bằng. Thuở niên thiếu Phan Ỷ sống ở Hòa Châu, thường ngày vào núi Kê Lung chặt củi kiếm tiền nuôi cha mẹ.

Câu chuyện về Phan Ỷ dưới đây được ghi chép trong “Nam Đường cận sự”, “Nam Đường thư”, và “Giang Hoài dị nhân lục”:

Ngẫu nhiên gặp Thần nhân

Một lần khi qua sông đến Kim Lăng (Nam Kinh ngày nay), Phan Ỷ cho thuyền đậu ở cửa sông Tần Hoài. Lúc ấy có một cụ già xin được quá giang sang bên kia bờ. Phan Ỷ thấy ông cụ già cả nên vui vẻ đồng ý.

Nhìn bầu trời tuyết rơi tới tấp, Phan Ỷ liền mua bầu rượu ngon trên phố để khoản đãi cụ già. Nhưng khi thuyền đến giữa sông Trường Giang thì rượu trong bầu đã cạn, Phan Ỷ tỏ ý tiếc nuối vì không thể cùng cụ già vui uống thỏa thích. Cụ già nói: “Lão đây cũng có rượu”, rồi cụ cởi chiếc khăn quấn trên đầu, lấy từ trong búi tóc ra một hồ lô cực nhỏ. Cụ cầm hồ lô hơi nghiêng một chút, rượu liền chảy ra. Bầu hồ lô tuy nhỏ nhưng hai người rót chén nào là đầy chén ấy, uống liền mấy chục chén mà rượu trong hồ lô vẫn không hết. Phan Ỷ bừng ngộ ra rằng cụ già ngồi trước mặt mình chính là một lão Đạo sĩ cao cường, nên càng thêm cung kính với cụ già.

Khi thuyền đậu bên kia sông, cụ già nói với Phan Ỷ rằng: “Cậu rất hiếu thuận với cha mẹ, hơn nữa trên thân còn mang đạo khí, quả thực là nhân tài có thể dạy bảo được”.

Từ đó cụ già đem đạo thuật truyền thụ cho Phan Ỷ.

Phan Ỷ đại hiển thần thông

Từ đó trở đi Phan Ỷ đại hiển thần thông. Có lần đến thăm một gia đình nọ, Phan Ỷ thấy trên mặt ao rụng đầy lá cây, ông bèn nói với gia chủ rằng: “Ông nhìn xem, những thứ này cũng có thể là trò vui đây”.

Phan Ỷ bèn sai người vớt lá dưới ao để trên mặt đất, trong chớp mắt chúng đều biến thành cá. Đem bầy cá này thả lại xuống ao thì chúng lại phục hồi nguyên hình là lá cây. Ngoài ra còn có rất nhiều khả năng thần kỳ khác nữa, ví dụ như biến thủy ngân trong tay thành bạc, v.v. Từ đó người xung quanh ngưỡng mộ gọi Phan Ỷ là “Phan tiên nhân”.

Sau này Phan Ỷ thường xuyên đi lại giữa vùng sông Trường Giang và sông Tần Hoài, tự xưng là “dã khách”. Trong lần du ngoạn đến Hải Châu (thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay), ông đến thăm Thứ sử Hải Châu là Trịnh Khuông Quốc. Ban đầu Trịnh Khuông Quốc không coi trọng Phan Ỷ, mãi về sau mới dần dần phát hiện ra người đàn ông này là một kỳ nhân.

Một hôm Trịnh Khuông Quốc mời gặp riêng Phan Ỷ, hỏi rằng: “Tiên sinh có tài kiếm thuật hay không?”.

Phan Ỷ nói: “Vâng, thứ mà tôi luyện chính là loại đạo thuật này”.

Trịnh Khuông Quốc liền hỏi: “Ngài có thể thi triển cho tôi xem được không?”.

Phan Ỷ đồng ý, nhưng trước tiên yêu cầu Trịnh Khuông Quốc phải trai giới 3 ngày, sau đó mới chọn nơi đất trống rộng rãi ngoài cánh đồng để thi triển thần thông.

Đến ngày đã định, hai người cùng đến cánh đồng phía đông thành. Phan Ỷ lấy từ trong ngực ra hai viên thiếc rồi để trong lòng bàn tay, một lát sau trên đầu ngón tay xuất hiện hai luồng ánh sáng như cầu vồng. Hai luồng ánh sáng phát ra tiếng kêu keng keng rồi quấn chặt vào nhau và lại tiếp tục phóng ra, quay xung quanh cổ của Trịnh Khuông Quốc khiến ông ta sợ đến nỗi hồn xiêu phách lạc. Ông ta bám chặt lấy yên ngựa không dám cử động, vội vàng khẩn cầu Phan Ỷ rằng: “Tôi biết ngài quả thực là Thần nhân, xin hãy mau mau thu kiếm thuật lại, mau mau thu kiếm thuật lại!”.

Phan Ỷ liền giơ tay, trong nháy mắt luồng ánh sáng đã trở lại thành hai viên thiếc như lúc đầu.

Truyền riêng đạo thuật, mất hết Pháp lực

Từ đó trở đi, Trịnh Khuông Quốc không chỉ hết lòng hậu đãi, mà còn dâng tấu lên vua nước Nam Đường là Liệt Tổ Lý Biện để tiến cử Phan Ỷ. Lý Biện liền mời Phan Ỷ vào ở trong cung Tử Cực.

Do luôn được mọi người cung phụng và nghe lời tâng bốc, dần dần Phan Ỷ tỏ ra đắc ý và cũng bắt đầu truyền thụ đạo thuật cho người khác. Một đêm trong giấc mộng, Phan Ỷ thấy sư phụ tỏ ra vô cùng tức giận và trách mắng ông rằng: “Ngươi tự ý tiết lộ linh thuật, tùy tiện truyền cho kẻ khác, đó là trái với quy định của bản môn. Nay ta phải thu hồi pháp lực của nhà ngươi”.

Hôm sau tỉnh dậy, đạo thuật của Phan Ỷ đã không còn linh nghiệm nữa. Hơn nữa ông còn phát bệnh và không lâu sau thì qua đời. Trước lúc lâm chung, Phan Ỷ dâng thư lên hoàng thượng thỉnh cầu được an táng ở nơi gần, nói rằng sau này ông sẽ ‘thi giải’ (‘thi giải’ là một trong những phương thức viên mãn của Đạo gia). Hoàng thượng đồng ý và lệnh cho đại thái giám phụ trách an táng Phan Ỷ ở Kim Ba Viên. Đến những năm Bảo Đại (năm 943-957), vua Nam Đường là Nguyên Tông Lý Cảnh lệnh cho thân tín đào mộ phần Phan Ỷ lên xem, thấy trong phần mộ hài cốt vẫn còn nguyên vẹn, không có gì khác biệt so với người bình thường.

Sở dĩ lão Đạo nhân chọn Phan Ỷ làm đồ đệ chính vì thấy ông là người thiện lương và có lòng hiếu thuận. Trong Đạo gia có câu nói rằng sư phụ tìm đồ đệ, lựa chọn người đạt được tiêu chuẩn rồi mới có thể thu làm đồ đệ, bởi đạo thuật là không thể tùy tiện truyền cho người thường. Đó cũng chính là lý do vì sao Lão Tử chỉ truyền “Đạo đức kinh” cho một mình Doãn Hỷ. Còn Phan Ỷ không giữ vững điểm này, tùy tiện truyền pháp thuật Đạo gia cho người khác, chính là làm trái với yêu cầu của sư phụ, do đó mới mất hết pháp lực. Hơn nữa ông lại còn huênh hoang cho rằng mình có thể thi giải, nào ngờ đâu không thể thi giải được mà chỉ là người thường.

Nam Phương biên dịch.

Tin bài liên quan