Một người được giàu sang phú quý hay không, không phải là vô duyên vô cớ. Có người là vì kiếp trước tích lũy được âm đức, mà đổi lấy sự giàu sang của kiếp này. Cũng có người vì tích được âm đức mà đổi lại phúc báo ngay lập tức. Dưới đây là một câu chuyện tích âm đức đổi lại phúc báo ngay tức khắc xảy ra vào thời nhà Thanh:
Tháng 3 năm Thuận Trị thứ 10, thời nhà Thanh, có một lão nông sống tại Long Khê tên Hoàng Trung, ông cùng con trai là Tiểu Tam chèo một chiếc thuyền nhỏ, đi đến Đông Môn, Chương Châu để mua phân bón, họ đỗ thuyền tại bến nước. Bến nước ngay bên cạnh nhà xí, đây chính là nơi mà họ mua phân.
Hai cha con Hoàng Trung ăn xong cơm rồi đi đến nhà xí để chọn phân, phát hiện có một hầu bao bị đánh rơi, họ lấy mang về thuyền. Mở hầu bao ra xem, bên trong có 6 gói bạc nhỏ.
Hoàng Trung nói với con trai mình: “Đây nhất định là của người đi vệ sinh đánh rơi. Người giàu có đương nhiên sẽ không tự mình mang theo tiền bên mình, đây rất có thể là của người nghèo, vậy thì số ngân lượng này liên quan đến tính mạng. Ta nên chờ người đánh rơi đến để trả lại”. Tiểu Tam cho rằng cha mình quá bảo thủ, sau khi tranh luận một hồi mà cha cậu vẫn không chịu nghe, Tiểu Tam vô cùng tức giận nên đã chạy về nhà trước.
Hoàng Trung để hầu bao ở đuôi thuyền, đỗ thuyền vào bờ rồi ngồi đợi. Rất lâu sau đó, ông nhìn thấy có một thanh niên chạy từ xa đến, xông thẳng vào nhà xí tìm kiếm khắp nơi, đi tới đi lui gào khóc lớn tiếng, tình huống có vẻ như vô cùng khẩn cấp và thê thảm. Hoàng Trung gọi người thanh niên đến và hỏi cậu ấy có chuyện gì mà khóc lóc thảm thiết như vậy.
Người thanh niên này nói: “Cha tôi bị bọn cướp trên núi vu khống, bây giờ bị nhốt trong nhà lao Chương Châu. Hôm qua tôi đi nhờ cậy một học sĩ có danh tiếng, nhờ ông ấy giúp tôi cầu xin quan phủ, và hứa sẽ dùng 125 lượng bạc để làm lễ vật tạ ơn. Tôi quay về nhà vội vàng bán hết ruộng đất và nhà cửa, rồi cầu xin họ hàng bạn bè giúp đỡ, tổng cộng mới gom được một nửa số tiền. Đợi khi thái thú đồng ý bảo lãnh, tôi mới nghĩ cách tìm đủ toàn bộ số tiền như đã hứa mang tặng ông ấy. Số ngân lượng đó dùng để giải nạn cho cha tôi, vì vậy tôi mới thắt tiền ở lưng rồi đi đến Chương Châu. Lúc nãy vội vàng vào nhà xí, cởi hầu bao ra để lên trên tấm ván, trong lúc hoảng hốt tôi thắt xong lưng quần liền bỏ đi, để quên ngân lượng ở đây. Tôi liều chết cũng không đáng tiếc, nhưng lấy cái gì để giải thoát tội chết của cha tôi chứ?”, nói xong người thanh niên khóc như mưa.
Sau khi Hoàng Trung hỏi kỹ càng số tiền trong hầu bao và màu sắc hầu bao, thấy người thanh niên trả lời tất cả đều phù hợp, mới an ủi cậu thanh niên rằng: “Số ngân lượng còn nguyên vẹn ở đây, tôi đã đợi cậu rất lâu đó”. Rồi lấy hầu bao ra trả lại cho chàng trai, hầu bao còn nguyên vẹn như lúc đầu. Chàng trai vô cùng mừng rỡ, để lại một gói bạc cho Hoàng Trung, xem như là tạ ơn.
Hoàng Trung nói: “Giả sử ta có lòng tham, thì đâu chịu từ bỏ 6 gói mà nhận một gói chứ?”, nói xong Hoàng Trung xua tay kêu cậu thanh niên rời đi. Lúc này thuyền sắp chứa đầy phân rồi, nhưng chờ mãi không thấy con trai mình đến, Hoàng Trung đành phải một mình chèo thuyền về nhà.
Thuyền đi được nửa đường, đột nhiên mưa to gió lớn nổi lên, ông cho thuyền cập bến vào một ngôi làng hoang vu. Nước mưa tạt mạnh vào bờ sông khiến bờ đê nứt vỡ ra, lộ ra một cái chum ở dưới lòng đất, miệng chum được đậy kín. Hoàng Trung không nhìn thấy được bên trong có thứ gì, ông chỉ muốn mang cái chum này về nhà làm đồ đựng gạo mà thôi. Cái chum rất nặng, ông phải dùng hết sức mới khiêng được nó lên thuyền.
Một lúc sau, trời tạnh mưa và gió thổi dịu nhẹ, mặt trăng nhô cao trên bầu trời. Hoàng Trung chèo thuyền dưới ánh trăng, nửa đêm mới về đến nhà. Sau khi Tiểu Tam về nhà trước, đã đem chuyện nhặt được ngân lượng kể lại cho mẹ mình nghe, hai mẹ con đều mắng chửi Hoàng Trung.
Hoàng Trung về đến nhà, ông gõ cửa nhưng cả hai mẹ con đều không trả lời. Hoàng Trung liền dỗ ngọt họ mà nói dối rằng: “Tôi có cái chum báu vật trên thuyền, hai mẹ con mau ra khiêng cùng tôi đi”. Hai mẹ con bất ngờ ngồi dậy, chạy nhanh ra chỗ thuyền. Nhìn thấy cái chum phát ra ánh sáng dưới ánh trăng le lói, đúng thật là một cái chum báu vật rồi.
Họ khiêng cái chum lên bờ, mở nắp chum ra, dốc ngược cái chum, quả nhiên bên trong toàn là bạc trắng, có khoảng một ngàn miếng. Hoàng Trung ngây người ra, ông thực sự không dám tin mọi thứ trước mắt không phải là mơ.
Nhà Hoàng Trung và nhà hàng xóm chỉ cách nhau một bức tường cỏ lau, người hàng xóm nằm ở bức tường cỏ đã nghe thấy hết toàn bộ cuộc nói chuyện nhỏ tiếng giữa hai vợ chồng Hoàng Trung. Ngày hôm sau người hàng xóm đi báo quan phủ nói rằng người nhà Hoàng Trung đi đào báu vật của người ta.
Huyện lệnh huyện Long Khê bắt Hoàng Trung về thẩm vấn, Hoàng Trung không hề che giấu, ông kể lại hết toàn bộ quá trình đi Chương Châu nhặt được ngân lượng, đem trả ngân lượng và tìm thấy ngân lượng trong chuyến đi mua phân của mình.
Huyện lệnh nói: “Người làm việc thiện nhận lại phúc báo, đây là sự ban ơn của ông trời, lẽ nào người ngoài có thể can thiệp hay sao?”, thế là huyện lệnh ra lệnh xử phạt người hàng xóm và thả tự do cho Hoàng Trung. Số ngân lượng mà ông trời ban cho Hoàng Trung đủ để gia đình ông dọn vào trong thành sinh sống, hưởng thụ cả đời. (Trích từ tác phẩm “Cô Thặng” của tác giả Nữu Tú sống vào thời nhà Thanh)
Đây là câu chuyện vô tình tích được âm đức, đổi lại giàu sang ngay tức khắc. Giống như huyện lệnh đại nhân nói: “Người làm việc thiện nhận lại phúc báo, đây là sự ban ơn của ông trời”. Vậy kiếp trước tích lũy phúc đức, đổi lại vận mệnh giàu sang phú quý của kiếp này thì như thế nào? chúng ta cùng xem thử phân tích dưới đây:
“Phú” trong bát tự được biểu thị bằng tài tinh (sao tiền tài), “quý” trong bát tự được biểu thị bằng quan tinh (sao quan chức). Mà tài tinh trong bát tự là dùng ngày sinh khắc ngũ hành để đại diện cho tài tinh, còn ngũ hành khắc ngày sinh để đại diện cho quan tinh. Ví dụ, ngày sinh (nhật can) của một người là bính hỏa, cũng có nghĩa là người đó thuộc mệnh bính hỏa, mà hỏa có thể khắc kim, vậy thì kim chính là tài tinh của mệnh này. Còn thủy có thể khắc hỏa, vậy thủy chính là quan tinh của mệnh này. Sau khi hiểu được mối quan hệ của chúng rồi, là chúng ta có thể đặt vào trong bát tự (ở trong hình) để xem.
Chúng ta sẽ nhìn thấy, nguyệt trụ là tân kim, dậu kim, cả hai đều là tài tinh. Niên trụ là quý thủy, hợi thủy, cả hai đều là quan tinh. Điều này nghĩa là trong tứ trụ bát tự có hai trụ là tài tinh và quan tinh, tức là trong mệnh này có một nửa giang sơn đều là tài tinh và quan tinh. Nhiều tài tinh và quan tinh như vậy, có phải là đồng nghĩa với người này sẽ đại phú đại quý không? Cũng không hẳn như vậy, bởi vì còn phải xem mệnh của người này có hưởng nổi hay không nữa.
Nếu như nhật chủ của người này cũng rất mạnh, có thể đón nhận được tài tinh và quan tinh của một nửa giang sơn, vậy thì chắc chắn những tài tinh và quan tinh này đều là của người này, đương nhiên là có thể đại phú đại quý. Ngược lại, nếu nhật chủ vô cùng yếu kém, thì tài tinh và quan tinh của một nửa giang sơn này sẽ giống như là núi Thái Sơn đè xuống, thử tưởng tượng xem sẽ xảy ra chuyện gì chứ? Có câu thành ngữ gọi là hư bất thụ bổ (cơ thể yếu không hấp thụ được chất bổ), chính là nói về tình huống này, cơ thể suy yếu ngược lại sẽ gánh chịu mệt mỏi từ sự đè nặng của tài tinh và quan tinh, trở thành số bần cùng suốt ngày khổ cực vì danh lợi.
Vậy nhật chủ của số mệnh trên là yếu hay là mạnh? Tiếp tục nhìn vào nhật trụ và thời trụ. Chúng ta nhìn thấy nhật trụ là bính hỏa, ngọ hỏa, thời trụ là giáp mộc, ngọ hỏa, mộc lại sinh hỏa, nhật trụ và thời trụ đều là mộc, hỏa, cũng chiếm một nửa giang sơn. Nhật chủ bính hỏa có thể có được sự giúp đỡ từ sức mạnh của địa chi ngọ hỏa dương nhận, là sẽ có được giáp mộc sinh hỏa, nhật chủ đương nhiên là mạnh, như vậy là có thể chịu được tài tinh và quan tinh của một nửa giang sơn đã nói ở phần trên, số tài tinh và quan tinh đều là của nhật chủ hết, vì vậy mà có thể đại phú đại quý. Trong thực tế, chủ nhân của người có bát tự này là doanh nhân với tài sản 8 tỷ đô.
Mệnh này có hỏa mộc và kim thủy mỗi bên chiếm lấy hai trụ, sức mạnh gần như đồng đều, tuy nhiên luận mệnh dựa vào nguyệt trụ địa chỉ (nguyệt lệnh) làm chuẩn mực, chủ chốt của mệnh. Sức của nguyệt lệnh quan trọng nhất trong toàn bộ bố cục, nguyệt lệnh của mệnh này là dậu kim, kim thì có thể sinh hỏa, vì vậy sức của kim thủy vẫn thắng hỏa mộc, vì vậy dụng thần vẫn thích lấy mộc và hỏa, kỵ thổ, kim, thủy. Chủ nhân của bát tự này từ lúc trẻ vận may mộc và hỏa đã liên tục trong suốt 40 năm, từ đó có thể xây dựng sự nghiệp riêng của mình.
Châu Yến.