Thiển đàm về "Quân tử kết giao nhạt như nước"

Thiển đàm về

Từ xa xưa, người Trung Hoa cổ đại vô cùng coi trọng quan hệ bạn bè, bằng hữu. Trong nho giáo Trung Hoa, Thiên, Địa, Quân, Thân, Sư là năm đối tượng tế lễ. Hữu tức là bằng hữu được xếp vào vị trí quan trọng thứ sáu.

Vào giai đoạn “trước giải phóng” quan hệ bạn bè cũng được coi là một trong các mối quan hệ xã hội. Khi điều tra về lý lịch cá nhân của một người nào đó, người ta cũng thường đi tìm hiểu từ những “người bạn tốt” của họ. Tuy nhiên lâu dần đã loại bỏ “bạn tốt” khỏi các mối quan hệ xã hội. Điều này cũng có nghĩa là, người ta ngày nay đã coi nhẹ quan hệ bạn bè. Mối quan hệ này ngày nay chỉ xuất phát từ lợi ích, đôi bên cùng có lợi. Tình bạn chân chính không vì lợi ích, tri kỷ thực sự đang càng lúc càng thiếu. 

Nói đến hai từ “bằng hữu”, cổ nhân xưa quan niệm đó là mối quan hệ gắn bó thân thiết, thấu hiểu sâu sắc lẫn nhau. Cũng bởi vậy xuất hiện nhiều từ ngữ thay thế miêu tả về “bằng hữu tốt” ví dụ như: tri kỷ, tri giao, tri tâm, tri âm, vong niên chi giao (anh em kết nghĩa)… Ngoài ra, để nhấn mạnh quan hệ thân thiết giữa hai người bạn, còn xuất hiện quan hệ kết nghĩa làm anh em, chị em giữa hai người bạn thân hoặc một nhóm nhiều người bạn thân thiết.

Mối quan hệ anh em kết nghĩa được lưu truyền rộng rãi ở Trung Hoa và nhiều nước vùng Châu Á là chuyện “kết nghĩa vườn đào” của Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi thời Tam Quốc. Họ thề nguyện “không thể sinh cùng ngày nhưng nguyện chết cùng ngày”. Đồng thời đã lập thệ ước, tức là huynh đệ đồng lòng, lấy thiên hạ làm trách nhiệm của mình, từ chỗ không có mảnh đất đặt chân tới kiến lập nên đế quốc Thục. Câu chuyện nghĩa bạc vân thiên của họ cảm động nhiều thế hệ người Trung Quốc cũng như thế giới. Sợi dây kết giao đầu tiên giữa họ là cùng gắn bó vì đạo nghĩa, sau đó là gắn bó về chính trị,  lấy sinh tử để thực hiện quan hệ kim lam cùng chung hoạn nạn, nâng đỡ hỗ trợ lẫn nhau. 

Câu chuyện kết giao của Quản Trọng và Bào Thúc Nha thời Xuân Thu chiến quốc cũng là câu chuyện được lưu truyền khá rộng rãi. Trong lịch sử có lưu lại một câu thành ngữ để nói về tình bạn Quản Trọng và Bào Thúc Nha – một đôi bạn thân nổi tiếng người nước Tề, đó là “Quản Bào chi giao” (mối giao hảo giữa Quản Trọng và Bào Thúc Nha). Tuổi thanh niên, gia đình Quản Trọng rất nghèo, lại phải phụng dưỡng mẹ. Bào Thúc Nha biết vậy nên rủ Quản Trọng cùng bỏ vốn buôn bán. Khi làm ăn, vì không có tiền nên hầu như vốn đều do Bào Thúc Nha bỏ ra. Mặc dù vậy, tiền lời kiếm được Quản Trọng luôn được nhận nhiều hơn Bào Thúc Nha. Người hầu của Bào Thúc Nha thấy vậy nói: “Quản Trọng này thật là kỳ lạ. Tiền vốn bỏ ra ít hơn chủ nhân chúng ta nhưng khi chia tiền lại lấy nhiều hơn chủ nhân”. Bào Thúc Nha liền nói với người hầu: “Không thể nói như vậy. Gia đình Quản Trọng cần phụng dưỡng mẹ, nhiều hơn một chút cũng không sao”. Sau đó Bào Thúc Nha lại tiến cử Quản Trọng làm Tể tướng của nước Tề. Bào Thúc Nha đối đãi trọng tình với Quản Trọng như thế, cho nên Quản Trọng mới cảm thán mà thốt ra: “Sinh ra ta là cha mẹ, nhưng hiểu ta chỉ có Bào Thúc Nha”. Khi đọc “Sử ký – Quản Yến liệt truyện”, giáo sư Chương Thiên Lượng cho rằng: Cuộc đời chỉ cần có được một tri kỷ (người hiểu mình) là đủ.

“Bá Nha tuyệt huyền” tường thuật câu chuyện về một tình bạn tri âm khó có trong cuộc đời. Du Bá Nha và Chung Tử Kỳ là một câu chuyện xưa tích cũ cảm động, kể về tình bạn tri âm hiếm gặp giữa Du Bá Nha và Chung Tử Kỳ thời Xuân thu – Chiến quốc.

Từ nhỏ Du Bá Nha đã yêu thích âm nhạc. Mỗi lần tiếng đàn của ông vang lên, âm thanh bay bổng du dương như vẽ lên bức tranh sơn thủy hữu tình. Tuy có rất nhiều người ca ngợi tài nghệ của ông, nhưng Du Bá Nha luôn cho rằng vẫn chưa gặp được người thực sự hiểu tiếng đàn của ông cho đến khi ông gặp Chung Tử Kỳ – là một người am hiểu thưởng thức âm nhạc. “Tri âm” – chính là xuất phát từ tình bạn của Bá Nha và Tử Kỳ.

Sau này Chung Tử Kỳ vì bệnh qua đời. Du Bá Nha đau buồn vì mất đi người bạn tri âm đời, thiên hạ không còn người giống như Chung Tử Kỳ có thể lĩnh hội những điều ông diễn tấu. Bà Nha đến trước mộ Chung Tử Kỳ, đàn lên khúc “Cao sơn lưu thủy” buồn thê thảm. Đàn xong, ông giật đứt dây đàn, thở dài một tiếng, rồi đập mạnh cây đàn yêu quý của mình vào tảng đá lớn trước mộ Tử Kỳ. Cây đàn tan nát, phím đàn rơi lả tả. Ông đau khổ mà nói: “Tri âm duy nhất của ta đã không còn trên đời này nữa, thì cây đàn này đàn cho ai nghe đây?”.

Từ một lần tương phùng thiên cổ tại cố đô Lạc Dương, Lý Bạch và Đỗ Phủ, hai nhà thơ nổi tiếng được mệnh danh là thi tiên và thi thánh cùng nhau ngao du tới nhiều nơi. Mãi cho tới khi hai người mãi mãi ly biệt, dường như tiếc nuối vì gặp nhau đã quá muộn, chia ly lại càng vội vàng. Trong hơn nửa năm ngao du ấy, tình cảm của Lý Bạch và Đỗ Phủ ngày càng thân thiết, coi nhau còn trọng hơn huynh đệ một nhà. Từ sau lần ly biệt đó, hai người không tụ hợp lại, nhưng đều có không ít những bài thơ viết về nỗi nhớ mong người kia.

Điển hình có thể kể tới bài thơ “Mộng Lý Bạch” của Đỗ Phủ:

Tử biệt dĩ thôn thanh,
Sinh biệt thường trắc trắc.
Giang Nam chướng lệ địa,
Trục khách vô tiêu tức.
Cố nhân nhập ngã mộng,
Minh ngã trường tương ức.
Quân kim tại la võng,
Hà dĩ hữu vũ dực.
Khủng phi bình sinh hồn,
Lộ viễn bất khả trắc.
Hồn lai phong lâm thanh,
Hồn phản quan tái bắc.
Lạc nguyệt mãn ốc lương,
Do nghi chiếu nhan sắc.
Thuỷ thâm ba lãng khoát,
Vô sử giao long đắc.

Dịch nghĩa:

Người chết đi là đã hết lời
Người còn sống thì lúc nào cũng thương xót
Giang Nam là nơi chướng độc
Người bị đày không nghe tin tức
Cố nhân đi vào trong mộng
Biết là ta nhớ nhung đã lâu nay
Tôi e rằng hồn bạn không được như ý lắm
Nhưng lâu nay đường xá xa xôi không gặp không biết có phải vậy không
Hồn về đây cánh rừng phong xanh ngát
Hồn trở lại miền quan tái đen tối xa xăm
Bạn giờ đây đã nằm sa trong lưới
Làm sao mà có lông cánh bay bỗng khắp nơi
Trăng xuống chiếu trên rường nhà
Còn ngờ như đang soi trên khuôn mặt bạn
Nước thì sâu sóng thì lớn
Mong bạn coi chừng cẩn thận con thuồng luồng dưới nước

Cuộc gặp gỡ tri âm giữa họ trở thành giấc mộng tinh thần thiêng liêng khiến không ít văn nhân mặc khách ước ao mong muốn.

Thời Trung Quốc cổ đại, việc làm thơ xướng họa giữa các văn nhân đã trở thành những giai thoại nổi tiếng. Người Trung Quốc cổ đại luôn cho rằng, khoảng cách xa xôi không thể làm tình cảm giữa hai người bạn tri âm trở nên hời hợt. Bởi vậy tinh thần của những câu thơ dứoi đây trong bài thơ “Tống Đỗ thiếu phủ chi nhậm Thục châu” của nhà thơ Vương Bột sớm đã trở thành biểu tượng về tình bạn được mọi người ca tụng.

“Hải nội tồn tri kỷ
Thiên nhai nhược tỉ lân
Vô vi tại kỳ lộ
Nhi nữ cộng triêm cân”.

Có nghĩa là: Dù cách xa nhưng trong bốn biển vẫn còn có người tri kỷ; Nên dẫu có ở ven trời góc biển vẫn coi như là bên cạnh; Hai ta xin đừng đứng ở ngã rẽ đường; Khóc lóc như tuồng nhi nữ.

Trong xã hội Trung Quốc cổ đại, việc kết nghĩa bạn bè không chỉ làm sâu sắc thêm tình cảm giữa những người bạn với nhau mà còn có tác dụng đối với xã hội. Vì vậy một người phạm tội, thì một người huynh đệ kết nghĩa của họ cũng có thể lấy thân phận là người thân thích để bào chữa cho họ. Nếu một người nam và một người nữ đã kết nghĩa huynh muội thì không thể kết hôn. Pháp luật cho rằng, mặc dù hai người không có quan hệ huyết thống, nhưng đã kết nghĩa anh em, chính là người một nhà, đương nhiên không thể nói chuyện cưới gả kết hôn. Ví dụ rõ ràng nhất là Trương Sinh và Thôi Oanh Oanh trong Tây Xương Ký. Thôi gia là gia đình có quyền có thể là quan lớn trong triều đình; Trương Sinh sinh ra trong gia đình bình thường vì vậy mẹ của Thôi Oanh Oanh là Thôi mẫu thật sự không muốn con gái được gả cho Trương Sinh. Tuy nhiên sau khi Oanh Oanh gặp nạn, Thôi mẫu hứa hẹn: “Ai có thể cứu giúp Thôi gia sẽ gả con gái cho người đó”. Trương Sinh sau đó đã giải cứu thành công. Khi gặp Thôi mẫu bà muốn họ xưng với nhau là huynh muội, nhưng Trương Sinh không nghe theo. Cũng bởi chàng gọi Oanh Oanh một tiếng “muội muội”, là chứng minh hai người có quan hệ huynh muội, không thể kết hôn. 

Người Trung Quốc cổ đại xưa có câu nói về tình bạn thâm sâu giữa bạn bè với nhau là “Quân tử chi giao đạm như thủy” ý nghĩa là: người quân tử kết giao đạm nhạt như nước. Ý nghĩa câu nói này không phải coi tình bạn tri kỷ giống như một tách trà một cốc nước sao cũng được. Mà có nghĩa là mối quan hệ thuần khiết cao thượng, không phải vì lợi ích. Cách biểu hiện tình cảm giữa người quân tử không phải dùng của cải, quà tặng vật chất nhiều hay ít, giàu hay nghèo để biểu đạt, mà là tâm thái trân trọng lẫn nhau. Cổ nhân giảng: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ; quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt”. Ý rằng: Người quân tử khi kết giao thì nhạt như nước, còn tình cảm giao hảo của kẻ tiểu nhân lại ngọt ngào như rượu. Kết giao của người quân tử tuy nhạt nhưng lâu dài thân thiết, tình cảm của kẻ tiểu nhân tuy ngọt ngào, vồ vập nhưng rồi lại dẫn đến tuyệt giao.

Trong xã hội sùng bái kim tiền ở xã hội hiện đại, nơi “tiền là trên hết và vật chất là trên hết”, điều thực tại trong mắt mọi người phải là những thứ vật chất có giá trị nhìn thấy được. Người ta thương thể hiện mức độ sâu đậm của các mối quan hệ bằng vật chất có giá trị. Điều này vô tình dần dần đã trở thành chuẩn mực chung được mọi người công nhận.

Mức độ gắn bó của các mối quan hệ giữa người thân và bạn bè cũng phụ thuộc vào mức độ tương quan lợi ích của cả hai bên. Nhiều mối quan hệ giữa các cá nhân từ lâu đã được tách khỏi mối quan hệ giao tiếp ôn hòa tình cảm, được thay thế bằng các mối quan hệ lạnh lùng, thực dụng chỉ vì lợi ích cá nhân. 

Câu nói cao thượng thuần khiến của người Trung Quốc cổ đại “Tri kỷ chi giao nhạt như nước”, tình bạn trong sáng, không mưu cầu lợi ích cá nhân có lẽ chỉ có thể được tìm thấy trong sách sử.

Bình Nhi biên dịch.

Tin bài liên quan