Lương thiện là phúc khí lớn nhất trong cuộc đời con người. Phẩm đức là tài sản quý giá nhất trong cuộc đời con người. Không tích thiện không đủ để được phúc, không tạo đức không đủ để tụ tài.
“Đạo Đức Kinh” có nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”. Ông trời không thiên vị bất cứ người nào cả, nhưng lại không bao giờ tệ bạc với người lương thiện. Lương thiện không có nghĩa là phải làm ra hành động gì to tát kinh động trời đất, mà là mang thiện niệm trong lòng, tích phúc cho bản thân và người nhà. Nếu bạn lương thiện, phúc báo chắc chắn sẽ như hình với bóng.
Phúc từ đâu mà đến? Đến từ tấm lòng lương thiện của mỗi con người.
Người xưa nói: Tất cả phúc điền (ruộng phúc) đến từ tâm địa. Lại nói: Con người làm việc thiện, tuy phúc chưa đến, nhưng họa đã đi xa. Hãy đối đãi với người khác bằng một trái tim lương thiện, một trái tim chân thành, một trái tim rộng lượng.
Tất cả mọi nhân lành chắc chắn đều có quả lành. Người nào cho đi tình yêu thì tình yêu quay trở lại với người đó; người nào cho đi ân phúc thì phúc đến với người đó. Cái phúc lớn nhất của một người không gì hơn là sở hữu một trái tim lương thiện. Thỉnh thoảng làm một việc tốt thì không khó, cái khó là cả đời đều không đánh mất đi trái tim lương thiện ban đầu. Trồng phúc được phúc không dễ, vì vậy càng phải trân trọng.
Trân trọng phúc báo là một thái độ sống, thái độ này quyết định bạn có tư cách hưởng thụ phúc báo hay không. Đối với bất cứ thứ gì của thế gian này, cũng đều phải thương yêu trân trọng, không nên khinh rẻ chúng. Đối với những vật dụng hàng ngày, phải tận dụng hết giá trị của chúng, không nên lãng phí. Chỉ cần đơn giản như vậy thôi cũng chính là trân trọng phúc báo rồi. Làm người cần phải biết đủ và trân trọng phúc báo, vạn vật trong trời đất này đều sẽ chiếu cố đến bạn, giúp bạn gặp dữ hóa lành.
“Đạo Đức Kinh” có nói: “Thánh nhân không tích của, càng cho người khác, mình càng giàu, càng giúp người khác, mình càng nhiều” (nguyên văn: “Thánh nhân bất tích, ký dĩ vi nhân, kỷ dũ hữu, ký dĩ dữ nhân, ký dĩ dữ nhân, kỷ dũ đa”).
Người có phẩm đức cao thượng không có lòng chiếm hữu đối với tiền bạc, cũng không cố tình tích lũy tiền của. Sự giàu có mà con người có thể sở hữu là có giới hạn, nhưng đức hạnh càng cao thì càng dễ tụ tài. Vì vậy, người đại đức chắc chắn có vị trí tương xứng, có lộc tương xứng, có danh tương xứng và đắc thọ tương xứng. Một người phải có phẩm đức cao thượng thì mới có thể hưởng được những phúc báo như: giàu có, quyền lực và danh vọng.
Tiền tài từ đâu đến? Từ trong phẩm đức tốt đẹp mà đến.
Con người sống trên đời cũng như cỏ cây mùa thu, cuộc đời vô cùng ngắn ngủi. Công danh lợi lộc chớp mắt đều đã đi qua, tiền bạc giàu sang đến cuối cùng cũng không thể mang theo. Quân tử chỉ yêu thích tiền tài có được một cách chính đáng. Làm người không thể dối gạt lương tâm, thà là thiếu tiền, không thể thiếu đức.
Trong “Đại Học” có nói: “Đức giả bổn giả; tài giả vị giả” (Đức hạnh là gốc, tiền tài là ngọn).
Nếu như muốn theo đuổi của cải vật chất, đầu tiên cần phải tu hành nhân nghĩa. Trong quá trình bạn chuyên tâm tu hành, sự giàu sang cũng theo đó mà đến. Từ bỏ đức hạnh để đi theo đuổi của cải vật chất, thật sự là gốc ngọn đảo lộn rồi.
Vào cuối đời nhà Thanh, có một thương nhân thua lỗ thê thảm trong việc làm ăn, cần một số tiền để xoay sở. Số tiền vốn này là một con số quá lớn, nhìn khắp thiên hạ cũng chỉ có Phụ Khang tiền trang (tiền trang là cách gọi của ngân hàng thời xưa) mới có thể gom đủ. Thế là thương nhân nọ tìm đến ông chủ của Phụ Khang tiền trang: Hồ Tuyết Nham, chủ động đưa ra một giá thấp, xin ông ấy mua lại sản nghiệp của mình.
Hồ Tuyết Nham nghe xong, lập tức sắp xếp người đi điều tra xem những gì thương nhân nói có thật hay không. Sau khi điều tra rõ ràng rồi, ông không nói lời nào, liền mua lại sản nghiệp của đối phương với giá thị trường bình thường. Thương nhân vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, không hiểu tại sao Hồ Tuyết Nham lại không nhân cơ hội này để trục lợi.
Hồ Tuyết Nham nhìn ra được thắc mắc trong lòng ông, mỉm cười nói: “Ông yên tâm, tôi chỉ thay ông bảo quản những tài sản này, đợi khi ông vượt qua giai đoạn này rồi, bất cứ lúc nào cũng có thể đến chuộc lại những thứ thuộc về ông”.
Cũng may nhờ có Hồ Tuyết Nham kịp thời ra tay giúp đỡ, cuối cùng thương nhân nọ cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn, trở thành bạn hàng trung thành nhất của Hồ Tuyết Nham. Dưới sự hỗ trợ nhiệt tình của thương nhân nọ, việc làm ăn của Hồ Tuyết Nham cũng càng ngày càng lớn mạnh, trở thành “Thần Tài sống” mà bá tánh luôn miệng nhắc đến.
Đức có thể tụ nhân, đức có thể tụ trí, đức có thể tụ tài. Tài sản nhỏ dựa vào trí, tài phú lớn dựa vào đức. Đức không dày, thì không có gì để chở tài vậy.
Châu Yến.