Trong “Nam sử” có ghi chép, quốc vương nước Tỳ Khiên thân cao 3 trượng, cổ dài 3 thước, từ cổ đến nay bất tử. Nếu bạn có thể tin thì biết đâu lý giải được đạo lý trong đó, còn nếu bạn cảm thấy khó tin thì hãy coi như là đang nghe một câu chuyện Thần thoại vậy.
Trong những năm Khang Hy, Phương Văn Mộc người Chiết Giang đi biển, thuyền bị gió lớn thổi dạt đến một nơi. Cung điện ở đó cao lớn hùng vĩ, có đề 3 chữ “Tỳ Khiên điện”.
Phương Văn Mộc kinh sợ quỳ ngoài điện, có hai người khoác áo choàng ngũ quang thập sắc rực rỡ dẫn ông vào điện. Chính giữa điện là quốc vương cao lớn đang ngồi, trên đầu đội vương miện như một cái thùng lớn, ngọc trai rủ xuống bốn phía, khi chòm râu bay va vào chuỗi ngọc trai phát ra những tiếng kêu leng keng.
Quốc vương hỏi: “Ông là người Chiết Giang à?”
Văn Mộc đáp: “Vâng”.
Quốc vương nói: “Chiết Giang cách đây 50 vạn dặm”.
Quốc vương mời Phương Văn Mộc ăn cơm, mỗi hạt cơm to như quả táo ta. Phương Văn Mộc biết quốc vương thần thông quảng đại bèn quỳ lạy cầu xin được về nhà. Quốc vương nói với viên quan cận thần rằng: “Đem bức vẽ của Hoàng đế Bàn Cổ thứ nhất lại tra giúp anh ta”.
Văn Mộc nghe thấy sợ hãi vô cùng, vừa khấu đầu vừa hỏi quốc vương: “Hoàng đế Bàn Cổ vẫn còn có mấy người sao?”
Quốc vương nói: “Khi Trời Đất không có khởi đầu và cũng không có kết thúc, cứ cách 120 nghìn năm thì có một Hoàng đế Bàn Cổ xuất hiện. Bàn Cổ hiện nay đến chầu bái Thiên Đế đã có hơn trăm triệu người, ta làm sao có thể nhớ rõ con số đó được. Đó là bí mật thế sự luân hồi, đã bị người triều Tống là Thiệu Nghiêu Phu nói ra rồi”. (Thiệu Nghiêu Phu tức Thiệu Ung, còn gọi là Thiệu Khang Tiết, là người trước tác bộ “Mai hoa dịch số”, là bộ sách tiên tri, dịch số nổi tiếng)
“Thế thì người khai thiên lập địa qua các thời đại tại sao luôn chiểu theo đồ án đã định khi khai thiên lập địa lần thứ nhất? Đáng tiếc là điểm này vẫn chưa có người hiểu được đạo lý trong đó. Cơn gió lớn đưa ông đến đây chính là để ông hiểu được đạo lý trong đó, trở về khai mở hướng dẫn cho người đời”.
Phương Văn Mộc không hiểu những lời quốc vương, quốc vương nói: “Tôi muốn hỏi ông, thiện ác có báo ứng, vậy tại sao có người làm việc xấu bị báo ứng, có người lại không báo ứng? Cầu Thiên Địa, bái quỷ Thần, vậy tại sao có người cầu bái linh nghiệm, có người thì không linh nghiệm? Tu Tiên Đạo, học Phật Pháp, tại sao có người thành công, có người không thành công?”
“Tuy nói ‘phụ nữ hồng nhan thường bạc mệnh’, nhưng tại sao có người lại không bạc mệnh? Tuy nói ‘người tài giỏi thì mệnh khốn cùng’, nhưng tại sao những người tài giỏi mà mệnh không khốn cùng lại rất nhiều? Tại sao nói mỗi hớp nước, mỗi miếng ăn không gì không định trước?”
“Nhật thực, núi lở, tại sao đều ứng với kiếp nạn mới xuất hiện? Những người giỏi toán mệnh, tại sao có thể tính được mệnh của người khác, mà bản thân lại không tránh được cái chết? Những người oán hận, trách cứ Thượng Thiên, Thượng Thiên tại sao không trừng phạt họ?”
Phương Văn Mộc nghe xong, một câu cũng không trả lời nổi.
Quốc vương lại nói tiếp: “Đúng rồi. Phép tắc thông dụng tại thế gian hiện nay đều là đã được định trước từ rất lâu rồi. Ban đầu trong 120 nghìn năm luân hồi khai thiên lập địa lần thứ nhất, tất cả những người và sự vật đều không phải là dụng tâm an bài của Thần Sáng Thế, mà là tính ngẫu nhiên của khí hóa vận động giữa Trời Đất, nửa sáng nửa tối, vừa như có, lại vừa như không tạo thành”.
“Điều này giống như nước chảy trên mặt đất, ngẫu nhiên hình thành các loại hình dạng hoặc vuông hoặc tròn. Cũng giống như trẻ con chơi cờ, chỉ là tùy ý thuận tay đi các quân cờ, nhưng sau khi đã định thì lại hình thành cục diện không thể nào thay đổi được”.
Khi Trời Đất sắp bị hủy diệt, Thiên Đế lại lấy những ghi chép lần khai thiên lập địa thứ nhất giao cho vị Bàn Cổ thứ 2 tiến hành khai thiên lập địa, lệnh cho ông ấy thực hiện theo như thế, không được thay đổi dẫu chỉ một chút xíu. Chính vì vậy, ý người và ý Trời vẫn luôn không hợp nhau. Người trên thế gian từ sáng đến tối tất bật bận bịu, kỳ thực như con rối trong màn múa rối, vận mệnh đều vô hình bị thao túng trong tay người giật dây. Thành công và thất bại, thông minh và ngu đần đều đặt định trước từ lâu rồi, chỉ là con người không biết đó mà thôi”.
Phương Văn Mộc nghe đến đây mới bừng tỉnh ngộ, bèn hỏi quốc vương: “Vậy người hiện nay nói Tam Hoàng Ngũ Đế, chính là Tam Hoàng Ngũ Đế của lần trước chăng? Hiện nay những việc ghi chép trong Nhị Thập Nhất Sử đều là những việc có trong Nhị Thập Nhất Sử lần trước sao?”
Quốc vương trả lời: “Đúng vậy”.
Quốc vương vừa nói dứt, quan cận thần đã đem một quyển sổ đến, trên có viết “Năm Khang Hy thứ 3, Phương Văn Mộc người Chiết Giang đi biển, bị gió thổi đến nước Tỳ Khiên, nên để ông ta đem những thiên cơ đã định trước truyền đạt lại mọi người, khiến người trong thế gian đều được biết, đưa Phương Văn Mộc trở lại Chiết Giang”.
Phương Văn Mộc bái tạ quốc vương, khi sắp đi lưu luyến rơi nước mắt, không nỡ rời bước. Quốc vương xua xua tay nói: “Ông làm gì vậy, 120 nghìn năm sau, tôi lại gặp lại ông ở đây, việc gì lại khóc lóc như thế này?”
Xong, quốc vương cười và nói tiếp: “Ta nói sai rồi, ta nói sai rồi. Ông lần này khóc cũng chính là hai hàng nước mắt vốn có trong 120 nghìn năm lần luân hồi trước. Việc này vẫn diễn ra như cũ, ta không nên khuyên can ông”.
Phương Văn Mộc hỏi tuổi quốc vương, cận thần xung quanh quốc vương nói: “Quốc vương của chúng tôi sinh ra cùng với vị Bàn Cổ khai thiên lập địa lần thứ nhất, nhưng lại không cùng chết với các vị Bàn Cổ của hàng nghìn vạn lần sau này”.
Phương Văn Mộc lại hỏi: “Quốc vương trường sinh bất tử, vậy khi Trời Đất hủy diệt thì quốc vương đi đâu?”
Quốc vương nói: “Ta là thân bùn đất, trải qua tất cả các đại kiếp cũng không hủy hoại. Cho dù vạn vật trên đời đều hủy hoại, ta cuối cùng biến thành bùn đất. Trước tiên ta đạt đến cảnh giới xấu nhất này, do đó lửa kiếp nạn cũng không thiêu chết được, nước lũ cũng không dìm chết được. Chỉ là khi gió bão nổi lên, bỗng nhiên lên 9 tầng Trời, bỗng nhiên xuống 9 tầng vực sâu, thì cảm thấy rất mệt. Bình thường thường ngồi một mình, ngồi yên như cây khô mất vạn năm, đợi chờ vị Bàn Cổ mới xuất thế, cảm thấy ngày thật dài, cảm thấy thật vô vị”.
Quốc vương nói xong, quay sang Phương Văn Mộc thổi một hơi, Phương Văn Mộc bay vọt lên rồi rơi trở lại con thuyền đó. Hơn một tháng sau, ông trở về đến Chiết Giang, đem những việc này nói với Mao Tây Hà tiên sinh.
Mao tiên sinh nói: “Người thế gian đều biết, vạn sự đều là đời trước đặt định cả, nhưng không biết đạo lý trong đó. Bây giờ có thuyết giảng này tôi mới bỗng bừng tỉnh ngộ”.
(Câu chuyện trích từ “Tử bất ngữ” của Viên Mai)
Kiến Thiện.