Khi nhắc đến ai đó là người có phúc, mọi người thường nhìn vào những điểm này: Anh ta giàu có, cuộc sống sung túc hơn người, có cả con trai lẫn con gái, có tiền đồ danh vọng, có thể làm rạng rỡ tổ tiên... Đây đúng là một loại hưởng phúc ở nhân gian, tuy nhiên họ vẫn chưa được coi là người có phúc thật sự...
Bởi vì được hưởng những loại phúc đó là nhờ trong mệnh đã có sẵn, do kiếp trước làm nhiều việc thiện hoặc tổ tiên tích công đức. Người có phúc thật sự chính là người may mắn gặp được Thần Phật khuyên bảo, nghe người tu luyện nói rõ sự thật mà không bài xích, có thể nghe theo mà tích đức hành thiện, khiến phúc phận càng thêm sâu bền, uy đức càng ngày càng lớn hơn.
Triệu Vĩnh Trinh là người thời nhà Minh năm Chính Đức. Khi còn nhỏ ông từng gặp một người thiện lương. Người này nhìn thấy tướng mạo của ông liền nói: “Cậu là người rất có thiện căn, năm 23 tuổi, nếu tham dự kỳ thi hương thì có thể đỗ trạng nguyên. Nếu có thể làm nhiều việc thiện hơn nữa, thì tiền đồ rộng mở không có giới hạn”. Tuy vậy, năm 23 tuổi Triệu Vĩnh Trinh có đăng ký thi hương nhưng lại không đỗ đạt gì.
Một đêm ông nằm mộng thấy Văn Xương Đế Quân quở trách, nói rằng: “Đáng lẽ trong kỳ thi này ngươi nên thi đỗ đầu bảng mới đúng, nhưng bởi vì tâm dâm tà, chẳng những nhìn trộm tỳ nữ theo hầu, lại còn dụ dỗ con gái nhà hàng xóm sang chơi đùa, cho nên công danh bị tước đoạt”.
Sau khi nghe xong lời quở trách, Triệu Vĩnh Trinh vội vàng biện hộ bản thân: “Mặc dù con có ý tà dâm nhưng cũng chưa có dâm ô với họ, chẳng lẽ như vậy cũng phạm phải tội tà dâm, đáng bị trừng phạt như vậy sao?”
Sau khi nghe Vĩnh Trinh biện hộ, Đế Quân vừa tức giận vừa mắng: “Nhà ngươi cho rằng, khi thật sự phạm vào rồi mới được coi là có tội hay sao? Phàm là do tâm dâm đãng điên đảo, trong đầu toàn ác ý thì dù chưa đi dâm ô người khác, chỉ cần nhìn trộm và nổi ý tà dâm thì công danh đều sẽ bị tước đoạt. Huống chi nhà ngươi cùng họ là khác giới, ‘nam nữ thụ thụ bất thân’, vậy mà còn chạm vai cầm tay tán tỉnh trêu đùa. Nhà ngươi thử nghĩ xem, tâm ý lúc đó là gì? Bởi vì có tâm dâm tà mà trêu ghẹo con gái nhà lành, khiến họ nảy sinh tình ý và chịu thống khổ về mặt tình cảm. Thượng Thiên vì vậy mà tước đoạt công danh của ngươi. Hôm nay ngươi còn không biết hối cải, lại còn xảo biện như thế. Ta e rằng sau này còn có tai họa lớn hơn ập đến”.
Sau khi nghe Đế Quân trách mắng, Triệu Vĩnh Trinh mới giật mình tỉnh ngộ, lập tức quỳ lạy trên mặt đất, khóc lóc thảm thiết, tỏ ra vô cùng hối hận và thề rằng: “Con đã biết tội của mình. Từ nay về sau, mắt không nhìn trộm phụ nữ, tâm không động ý tà dâm, nếu còn phóng túng bản thân, cam chịu Trời trừng phạt, không được đầu thai làm người”.
Văn Xương Đế Quân nhìn thấy Triệu Vĩnh Trinh thật sự ăn năn hối cải, hơn nữa còn lập lời thề, nên đã dặn dò rằng: “Thấy ngươi thành tâm hối cải, nếu như bản thân không phạm ý tà dâm, hơn nữa còn khuyên bảo khích lệ con người thế gian, chú ý lời nói và cử chỉ cùng ý nghĩ của mình, đừng phạm ý tà dâm thì có thể khôi phục lại tên trên bảng vàng như cũ, hơn nữa còn có phúc phận về sau”. Nói xong, Đế Quân chỉ thẳng ngón tay vào tâm của Triệu Vĩnh Trinh, nhìn thấy sự việc này ông vô cùng sợ hãi và tỉnh ngộ ngay lập tức.
Triệu Vĩnh Trinh nhớ lại những gì bản thân đã trải qua trong mơ, vui mừng vì mình có thiện căn thâm hậu, lại may mắn được nghe Văn Xương Đế Quân dạy bảo. Nếu không ông sẽ bị mê lạc suốt đời mà không biết mình vì sao gặp khổ nạn. Từ đó về sau, ông luôn đề cao cảnh giác với tâm ý và hành động của mình, cố gắng làm nhiều việc thiện.
Bởi vì Triệu Vĩnh Trinh có thể nghiêm khắc sửa đổi bản thân, hối hận về những tội lỗi đã phạm, cố gắng tu dưỡng tâm tính, năm 26 tuổi, ông đã đỗ đầu trong kỳ thi hương. Điều này càng khích lệ Triệu Vĩnh Trinh làm nhiều việc thiện, hơn nữa còn viết nhiều bài thơ khuyên nhủ và khích lệ con người thế gian đừng phạm tội dâm tà. Cứ như vậy, 4 năm sau, nghiệp thiện ngày một tăng, Triệu Vĩnh Trinh lại thi đậu tiến sĩ. Sau này ông trở thành đại tướng canh giữ biên cương, trấn thủ một phương. Con cháu của Triệu Vĩnh Trinh người nào nghiêm khắc nghe lời giáo huấn cũng đều đạt được địa vị cao quý.
Câu chuyện trên cho thấy, Triệu Vĩnh Trinh đúng là người có phúc thật sự. Trong lúc nhận quả báo đã được Văn Xương Đế Quân dạy bảo, bản thân có thể sám hối sửa mình, một lòng hướng thiện, lại còn khuyên nhủ và khích lệ con người thế gian không phạm tội tà dâm, nên đã tích được đại đức. Nhờ vậy mà bản thân và con cháu đều nhận được phúc báo.
San San.