Đây là câu chuyện có thật được kể lại bởi một người tu luyện trong thời hiện đại, người trải nghiệm các sự việc trong câu chuyện này chính là cha của anh ấy...
Cha tôi mồ côi mẹ từ nhỏ, còn ông nội tôi thì nghiện nha phiến, sau khi ông đã tiêu xài hết một phần sản nghiệp đáng kể thì qua đời. Quanh năm đói khát cơ cực, cha tôi cùng với bà cố già yếu của tôi phải thường xuyên sống nhờ vào người khác, cuộc sống hết sức gian nan.
Vào một đêm gió to tuyết lớn, có một ông thầy pháp sư biết xem phong thủy đến ở nhờ trong nhà. Đêm lạnh khó ngủ, mọi người ngồi quây quần bên lò lửa trò chuyện, hai bà cháu khóc lóc kể cho ông lão nghe về gia cảnh nghèo khổ và bất hạnh của mình, và cầu xin ông lão giúp họ chọn một miếng âm trạch tốt, để từ đó thay đổi sự may rủi của gia cảnh nhà mình. Ông lão nghe xong cười một hồi lâu, sau đó ngâm một bài thơ như sau:
Người người đều muốn cầu phú quý
Không biết phú quý là tự thân
Lấy đức cầu phúc, phúc chảy mãi
Không đức cầu phúc, phúc vô căn.
Sau đó ông lão kể cho hai bà cháu nghe về câu chuyện do đích thân ông trải nghiệm.
Vị pháp sư kể rằng khi ông còn trẻ từng đi theo một vị cao nhân để học thuật phong thủy. Vào năm vừa học xong, mới ra hành nghề, thì cha của Trương Thiên Khuynh – một nhân vật có tiếng tăm ở trong huyện qua đời, Trương gia có mời ông đi chọn một miếng đất tốt để làm mộ phần. Trương Thiên Khuynh là người lương thiện thích bố thí, nổi tiếng xa gần, mọi người đều gọi Trương Thiên Khuynh là Trương Lão Thiện. Vì muốn chọn được một miếng đất phong thủy tốt, Trương Thiên Khuynh dẫn theo thầy pháp sư đi dạo quanh rừng núi và ruộng vườn quanh nhà mình suốt mấy ngày trời, nhưng vẫn không chọn được một miếng phong thủy bảo địa tốt cho nhà mình, nhưng lại không gây trở ngại cho gia đình của anh em và hàng xóm.
Thời tiết nóng bức, tìm kiếm nhiều ngày khiến cho thầy phong thủy vừa khát nước vừa buồn bực, vô cớ nổi giận. Lúc này đi đến một ngọn đồi xung quanh khoáng đãng không có cây cối, thầy phong thủy quan sát hồi lâu, nhận ra nơi này gọi là “thố tử bất ngọa cương” (đồi con thỏ không nằm). Trên ngọn đồi này có một hang gió, nếu dùng hang này để chôn người thì chưa đến ba năm chắc chắn gia đình tan nát. Thầy phong thủy nghĩ thầm: Chuyện gì cậu cũng nghĩ cho người khác, tôi phải cho cậu nếm thử một chút mùi vị khổ cực trước, tán gia bại sản trước rồi tính. Ông nói với Trương Lão Thiện rằng: “Dùng huyệt này mai táng người chết, tuyệt đối không gây trở ngại cho người khác”. Sau khi làm xong việc này, ông liền vân du thiên hạ, tiếp tục hành trình đi nhìn ngắm phong thủy.
Ba năm sau ông quay trở về quê hương của mình, nghe mọi người kể rằng trước cửa nhà của Trương Lão Thiện có treo biển bài Song Thiên Ngạch, cuộc sống của gia đình họ ngày càng vinh quang hơn. Nghe vậy ông liền đi thăm nhà Trương Lão Thiện, Trương Lão Thiện vui mừng nói với ông rằng: “Dùng miếng âm trạch mà ông chọn để mai táng cha tôi, rồi xây mộ phần, ba năm nay không chỉ gia nghiệp hưng thịnh, mà năm ngoái còn có thêm một cặp cháu trai sinh đôi nữa, đúng là phát tài phát lộc, thật sự phải cảm ơn và hậu tạ tiên sinh đàng hoàng mới được”. Thầy phong thủy cảm thấy khó hiểu, nên đề xuất là muốn đi xem mộ phần của nhà Trương Lão Thiện lần nữa.
Sáng hôm sau trời còn chưa sáng, hai người họ đã thức dậy và đi đến mộ phần. Khi đó đang là tháng tư tháng năm, lúa mì sắp chín. Trong màn sương sớm mờ mờ ảo ảo, họ nhìn thấy từ xa có hai người đang ở trong đồng ruộng cắt trộm lúa mì.
Trương Lão Thiện vội vàng kéo thầy phong thủy trốn vào trong ruộng lúa mì, kêu ông đừng lên tiếng. Hai người họ chờ cho đến khi hai người trộm lúa mì kia đi khỏi rồi mới từ trong đồng ruộng bước ra.
Thầy phong thủy hỏi Trương Lão Thiện vì sao phải làm như vậy. Trương Lão Thiện thở dài nói rằng: “Đây là một đôi vợ chồng nghèo, trong nhà ít ruộng đất mà con cái lại đông, bà mẹ già lại thường xuyên đau bệnh nằm liệt trên giường. Chắc hiện giờ lại hết lương thực, nên mới mạo hiểm đi trộm lúa mì xanh, khi về tôi sẽ kêu con cháu tôi mang một ít lương thực cho nhà họ, giúp họ trải qua cái nỗi khổ thiếu thốn này”.
Hai người họ vừa đi vừa nói cho đến khi đến trước ngôi mộ, lúc này trời bắt đầu sáng, ngôi mộ nằm trong màn sương sớm mai được bao bọc bởi những cây thông, nhìn vào chỉ thấy một màu xanh. Nhìn về ngọn đồi phía đông ở đằng xa cũng thấy mọc đầy cây cối, ngập tràn sức sống mãnh liệt. Trương Lão Thiện chỉ tay về một ngôi chùa to lớn vừa mới xây ở bên phía tây, nói bằng giọng điệu tự hào rằng: “Đây là ngôi chùa do tôi bỏ tiền ra xây, và cũng là tâm nguyện lớn nhất trong cuộc đời của tôi”.
Tiếng chuông chùa chậm rãi vang lên trong ánh sáng bình minh, lắng nghe từng hồi chuông vang vọng ngân nga, thầy phong thủy thốt nhiên đại ngộ: Phúc là do tu mà có, lương thiện chính là đức, chỉ có thể tu mà không thể cầu.
Nói đến phong thủy, còn có một câu nói: “Nhất mệnh, nhị vận, tam phong thủy, tứ tích âm đức, ngũ độc thư”. Con người luôn muốn tìm kiếm một phương pháp nào đó từ thế giới bên ngoài để tiến hành cải thiện hiện trạng của bản thân mình, hoặc để thỏa mãn nhiều dục vọng hơn, thực ra đứng ở góc độ của văn hóa truyền thống thì lại là đi vào con đường có hành động và mục đích trái ngược nhau. Điều đáng buồn nhất của rất nhiều người hiện nay chính là bị những kiến thức nông cạn được gọi là khoa học hiện đại trói buộc đầu óc, dùng hai chữ “mê tín” để làm tăng giá trị cho sự thiếu hiểu biết của chính mình. Thử bình tĩnh lại để suy nghĩ chúng ta sẽ thấy, khoa học hiện đại tìm ra được sự tồn tại của những vật chất cực nhỏ như hạt quark và neutrino, mắt thường có thể nhìn thấy được sao? Trong thực tế vẫn còn có những vật chất nhỏ hơn hạt quark và neutrino, hiện nay vẫn chưa thể đo được, chẳng lẽ chúng không tồn tại hay sao? Nếu như trước đó, khoảng mấy ngàn năm về trước, có người thông qua thiên nhãn nhìn thấy được hình dạng và biểu hiện của những vật chất cực kỳ nhỏ này, nhưng vì người thường không nhìn thấy được, cái gọi là khoa học vẫn chưa phát hiện, vậy sẽ thành “mê tín” hay sao? Tại sao thời xưa những người già thường hay nói đến ‘tích đức’, ‘thất đức’, con người đang ‘tạo nghiệp’, con người đang ‘thất đức’… cổ nhân còn khuyên dạy con cháu là “đừng làm chuyện thất đức”, lẽ nào “đức” và “nghiệp” không thể là vật chất tồn tại ở dạng siêu nhỏ hơn hay sao? Vì vậy ông thầy phong thủy trong câu chuyện trên mới đột nhiên ngộ ra rằng: Phúc là do tu mà có, lương thiện chính là có đức, chỉ có thể tu mà không thể cầu. Đó chẳng phải là đang nói với chúng ta rằng: phúc báo do tu mà có được, con người làm việc thiện chính là đang tích đức, đức lại chuyển hóa thành phúc phận, phúc đức thông qua tu luyện mà có, chính là hành thiện tích đức mà có được, không phải muốn cầu là cầu được. Người xưa luôn có nhận thức này, biết rõ phúc báo có được là đều là do đức mang đến.
Quay lại với bài thơ mà thầy phong thủy đọc ở phần đầu: “Người người đều muốn cầu phú quý, không biết phú quý là tự thân. Lấy đức cầu phúc phúc chảy mãi, không đức cầu phúc phúc vô căn”. Ý nghĩa của bài thơ này quá rõ ràng dễ hiểu, con người phải hành thiện tích đức, làm việc tốt thì mới có nhiều phúc báo. Loại vật chất gọi là “đức” này ở trong người của chúng ta (ở trên nguyên thần của con người), có vật chất “đức” này làm nền tảng rồi, cầu phúc thì phúc mới lâu dài, còn nếu không có vật chất “đức” này làm nền tảng, phúc không có gốc không có rễ, thì có cầu cũng không đến. Nói một cách khác, sự giàu có, hạnh phúc ở phương diện vĩ mô chính là được trao đổi từ vật chất “đức” ở phương diện vi mô.
Con người chết rồi nhưng nguyên thần bất diệt, đức đi theo nguyên thần, khi luân hồi chuyển kiếp lần nữa, bởi vì số lượng đức và nghiệp mang theo không giống nhau, nên vận mệnh của mỗi người cũng khác nhau. Những vấn đề phong thủy có thể mang lại một chút tác dụng ở phương diện nhỏ, nhưng đối với một đại thiện nhân làm gì cũng luôn luôn nghĩ cho người khác như Trương Lão Thiện, thật sự là làm chuyện gì cũng là đang tích âm đức hết. Tại sao gọi là âm đức? Bởi vì loại vật chất này cực kỳ nhỏ bé, tuy rằng mắt thường không nhìn thấy, nhưng nó được tích lũy ở trên nguyên thần. Tại sao miếng đất phong thủy xấu lại không có tác dụng gì với Trương Lão Thiện? Theo lý giải của cá nhân tác giả, nhân tố xấu ở bên ngoài thông qua nhân tố xấu siêu nhỏ ở bên trong cơ thể người, thì là nghiệp lực, sẽ gây ra tác dụng. Phúc đức mà Trương Lão Thiện tích lũy được vượt xa nghiệp lực mà ông ấy mang đến ở kiếp này, hơn nữa ông ấy vẫn không ngừng tích đức, vậy có nghĩa là, nhân tố tốt đang phát huy tác dụng mang tính quyết định, vì vậy nghiệp lực và phúc đức trong đời này của Trương Lão Thiện có sự chênh lệch quá lớn, một miếng đất phong thủy xấu đối với Trương Lão Thiện cũng giống như ‘châu châu đá xe’, có thể mang lại tác dụng gì to lớn chứ?
Xem tiếp câu nói “nhất mệnh, nhị vận, tam phong thủy, tứ tích âm đức, ngũ độc thư” thì càng dễ hiểu hơn. Con người mang theo vận mệnh của mình mà sinh ra đời, phong thủy có thể giúp điều chỉnh một chút, nếu như đọc nhiều sách thánh hiền, nâng cao cảnh giới tư tưởng của bản thân giống như Đạo gia tu chân, Phật gia tu thiện, không làm việc xấu mà chỉ làm việc tốt, gặp chuyện gì cũng có thể khoan dung nhẫn nhịn, nghĩ cho người khác, tích lũy âm đức, thì có thể thay đổi được vận mệnh.
Châu Yến.