"Thăng Long hoài cổ" thi pháp thiên tài của Nguyễn Siêu

Kinh thành Thăng Long từ cổ chí kim luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thi nhân nước Việt, bởi đó không chỉ là nơi cảnh vật hữu tình, nhân tài hội tụ, mà với vị thế là kinh đô nước Việt, thành Thăng Long còn là nơi phồn hoa văn vật, lưu giữ những chiến tích lịch sử hào hùng của dân tộc.

Nguyễn Siêu, một đại thần ưu tú của triều vua Minh Mệnh vào thế kỷ 19, người luôn gắn bó với Thăng Long, đã lưu lại không ít giai tác về thành trì lịch sử này. “Thăng Long hoài cổ” là một trong số những giai tác đó: 

升 龍 懷 古
西 山 直 北 上 龍 邊
此 日 回 頭 四 十 年
萬 古 山 河 仍 帝 越
三 朝 文 物 蔚 南 天
倉 顔 白 髮 猶 存 者
流 水 行 雲 卻 渺 然
日 落 孤 城 秋 色 暮
幾 回 往 事 竟 誰 憐

Thăng Long hoài cổ – Thơ Nguyễn Văn Siêu

Tây Sơn trực bắc thượng Long Biên, 
Thử nhật hồi đầu tứ thập niên.   
Vạn cổ sơn hà nhưng đế Việt,
Tam triều văn vật uý Nam thiên.
Thương nhan bạch phát do tồn giả, 
Lưu thuỷ hành vân khước miểu nhiên.
Nhật lạc cô thành thu sắc mộ,
Kỷ hồi vãng sự cánh thuỳ liên.

Dịch thơ
Tây Sơn bắc tiến thẳng Long Biên,
Ngày đó quay đầu bốn thập niên.
Vạn cổ sơn hà luôn đế Việt,
Văn vật ba triều chất Nam thiên.
Thiên nhan bạc tóc còn người ở,
Nước chảy mây trôi vẫn thản nhiên.
Nhật lạc cô thành thu sắc muộn,
Mấy hồi chuyện cũ nhắc sử thiên.

 

Thưởng thức thi phẩm

Hai câu đầu “Tây Sơn trực bắc thượng Long Biên, Thử nhật hồi đầu tứ thập niên” mở ra thời khắc huy hoàng của lịch sử, khi nghĩa quân Tây Sơn của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, sau khi đuổi chúa Nguyễn ở phương nam, thần tốc thẳng tiến về Thăng Long, dẹp vua Lê chúa Trịnh, thống nhất sơn hà, lên ngôi hoàng đế ngày 22/12/1788. Ngày đó, Nguyễn Huệ và 2 người anh em của ông, được tôn xưng là Tây Sơn tam kiệt, đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, chấm dứt thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, bắc nam chia cắt kéo dài suốt hai thế kỷ vào thời mạt của triều Hậu Lê. Ngoài ra, Hoàng đế Quang Trung còn đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía nam, của Đại Thanh từ phía bắc. Bản thân ông đã cầm quân chiến đấu từ năm 18 tuổi, trong 20 năm liền trải qua hàng chục trận đánh lớn, chưa thua một trận nào. Sau khi lên ngôi, ông thực hiện nhiều cải cách tiến bộ, cầu hiền trọng tài, chấn hưng dân tộc. Nhưng ý trời khó đoán, Hoàng đế Quang Trung đột tử khi mới 39 tuổi, để lại một vương triều non trẻ, đã nhanh chóng thất bại trước hậu duệ của chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long, lập ra triều Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Ba anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ (Ảnh minh họa)

Nguyễn Siêu thân là đại thần triều Nguyễn, nhưng điều đó chẳng ngăn cản ông tưởng nhớ Quang Trung hiển hách. Thời khắc lịch sử đó đã đi qua bốn mươi năm, nhưng dưới bút pháp của nhà thơ, chiến tích ấy dường như vẫn còn lưu chấn động. 

Hai câu đối kế tiếp “Vạn cổ sơn hà nhưng đế Việt, Tam triều văn vật uý Nam thiên”, nhà thơ tiếp tục lật giở những trang sử vẻ vang của dân tộc. “Vạn cổ sơn hà nhưng đế Việt” gợi nhớ đến câu thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” từ thời Lý Thường Kiệt mà chúng ta có lẽ ai ai cũng thuộc, khẳng định sông núi nước Việt là của vua tôi nước Việt. Sở dĩ ông Trời ban cho đặc ân đó, là bởi đất nước này là một cái nôi của tinh hoa văn hóa, đóng góp vào văn minh nhân loại. 

Tam triều văn vật úy Nam thiên”: Vua Lý Thái Tổ Lý Công Uẩn ban chiếu dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La vào năm Thuận Thiên (1010), rồi đặt tên mới cho thành cổ này là Thăng Long. Kể từ đó, kinh thành Thăng Long đã trải qua ba triều đại Lý, Trần, Lê – Văn vật của ba triều vua tôi đất Việt đã chất đầy trời Nam, là niềm tự hào của hậu thế. Sự đối sánh từ ngữ của hai câu thơ này thật tinh chuẩn: đối giữa “Đế Việt” và “Nam thiên” nhấn mạnh chủ quyền, đối sánh giữa “vạn cổ sơn hà” với “tam triều văn vật”, khẳng định bề dày lịch sử và kho tàng văn hóa phong phú đầy màu sắc mà ba triều đại thịnh trị trong lịch sử dân tộc đã lưu lại. 

Hai câu đối tiếp theo “Thương nhan bạch phát do tồn giả, Lưu thuỷ hành vân khước miểu nhiên”, ông tin tưởng sự trường tồn của người Việt cùng với trời đất vạn vật. Thi nhân không biểu thị trực tiếp ý đó, mà thông qua những hình ảnh thiên nhiên đầy ý vị. Lão thiên có bạc tóc, thì người Việt vẫn tồn tại trên mảnh đất này, thản nhiên như nước vẫn chảy, mây vẫn trôi. Hai câu thơ này cũng thấm nhuần tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” của người xưa, luôn nhìn nhận con người trong một thể thống nhất, gắn liền với thiên nhiên vạn vật.

Hai câu cuối “Nhật lạc cô thành thu sắc mộ, Kỷ hồi vãng sự cánh thuỳ liên.” – minh họa khung cảnh thiên nhiên buổi hoàng hôn thành cổ, khi mặt trời đang lặn xuống trong thiên sắc thu muộn, tạo cảm giác như bức màn sân khấu đang đóng lại, và nhà thơ cũng đang khép lại sử sách. Nhưng lịch sử dù đã lui vào dĩ vãng, thì trong tâm trí nhà thơ, những nhân vật huyền thoại ấy vẫn khiến ông càng thêm lưu luyến nhớ thương, cũng như thể, dư âm của bài thơ vẫn mãi lắng đọng trong tâm hồn người đọc. 

Nhân vật đằng sau bài thơ Đường

Nguyễn Siêu, tên thật là Nguyễn Văn Siêu (chữ Hán: 阮文超, 1799 – 1872), tự: Tốn Ban, hiệu: Phương Đình, là nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam ở thế kỷ 19. Ông sinh năm Kỷ Mùi (1799) ở làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Đại Kim quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ, lớn lên, ông theo học Tiến sĩ Phạm Quý Thích, kết bạn văn chương với Cao Bá Quát. Năm 26 tuổi, ông thi hương đỗ á nguyên, nhưng hơn 10 năm sau mới đỗ phó bảng khoa Mậu Tuất (1838) dưới triều vua Minh Mạng. Giải thích cho sự chậm trễ này, sách Đại Nam chính biên liệt truyện cho biết, vì ông “đọc sách cốt để rèn về cổ văn, không chuyên về học khoa cử, tới lúc đỗ Hương tiến, thường cáo từ không đi tuyển cử, mà chỉ ở nhà tranh dưỡng chí, hơn 10 năm sau mới đỗ Tiến sĩ Ất khoa. 

Ngay năm đó (1838), ông được bổ làm Hàn lâm viện Kiểm thảo. Năm 1839, ông làm Chủ sự ở bộ Lễ. Năm 1840, thăng ông làm Viên ngoại lang. Cuối năm này vua Minh Mệnh mất, Thiệu Trị lên thay. Thiệu Trị chuyển ông làm Thừa chỉ trong Nội các. Ít lâu sau, cho ông kiêm giữ cả chức Thị giảng, phụ trách việc giảng sách cho các Hoàng tử, trong số ấy có Nguyễn Phúc Hồng Bảo, Nguyễn Phúc Hồng Nhậm…

Tháng 8 (hoàng lịch) năm 1841, ông được cử làm Phân khảo tại trường Hương Thừa Thiên. Sau khi việc chữa bài của Cao Bá Quát bị phát giác, Nguyễn Siêu bị cách chức. Sự việc là:

Theo Đại Nam thực lục, tháng 8/1841, Cao Bá Quát được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với đồng sự là Phan Thời Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại 24 bài. Khi vụ việc bị phát hiện, Bộ Lễ và Viện Đô ѕát điều tra, Cao Bá Quát nhận tất cả “Tôi thấy các bài hay sính bút làm vậy chứ không ai gửi gắm, dặn dò gì cả”. Án được dâng lên vua, Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ bị tội tử hình. Nguyễn Văn Siêu bị tội phạt trượng và tội đồ (đi đày). Chủ khảo Bùi Quỹ và giám khảo Phan Văn Nhã, Trương Hảo Hợp bị giáng chức.

Năm 1847, Nguyễn Phúc Hồng Nhậm lên ngôi, xưng hiệu Tự Đức. Hai năm sau (1849), Nguyễn Siêu được cử làm Phó sứ trong đoàn đi sứ sang Yên Kinh (tức Bắc Kinh, Trung Quốc ngày nay). Khi đi vua Tự Đức có dặn: “Khanh học vấn uyên bác, chuyến này đi sang sứ, xem xét núi sông, phong tục, ghi chép kỹ, khi về tiến lãm”; nên lúc về, ông dâng lên quyển “Vạn lý tập dịch trình tấu thảo”. Về nước năm 1850, ông được thăng làm Học sĩ ở viện Tập hiền. Năm 1851, ông ra làm Án sát Hà Tĩnh, rồi Án sát Hưng Yên.

Lúc bấy giờ có lời bàn về việc hủy đê, ông điều trần lên cho là bất tiện, có khảo cứ rõ ràng. Sau vì ông mắc bệnh, phải chuyển đổi, rồi cáo bệnh về làng. Ít lâu sau, ông lại được phục chức Hàn lâm viện Thị độc, nhưng viện lẽ đến tuổi xin về hưu hẳn năm 1854.

Từ đó cho tới khi qua đời vào năm 1872, thọ 73 tuổi, gần 20 năm Nguyễn Siêu ở Hà Nội, vui với việc dạy học, soạn sách. Ông cũng đứng ra tu sửa đền Ngọc Sơn, bắc cầu Thê Húc, xây Tháp Bút và Đài Nghiên… ở Hồ Gươm vào năm 1865.

Về sự nghiệp văn chương, đương thời ông và Cao Bá Quát được coi là hai danh sĩ tiêu biểu lúc bấy giờ (Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán). Các tác phẩm nghiên cứu của ông có nhiều phát hiện đáng quý. Ngoài ra Nguyễn Siêu rất có tài thơ. Thơ ông phản ánh đời sống của nhân dân; lòng tự hào về đất nước, về lịch sử dân tộc, miêu tả cảnh thiên nhiên hữu tình, nhất là cảnh Thăng Long.

Các tác phẩm của Nguyễn Siêu khá đồ sộ. Về thơ ca, cơ bản ông có các tập thơ: Anh ngôn thi tập (2 quyển, 141+162 bài) gồm các bài thơ sáng tác khi ông ở Thăng Long; Lưu lãm tập (2 quyển, 177+128 bài) gồm các bài thơ sáng tác khi ông ở Huế; Mạn hứng thi tập (187 bài) gồm các bài thơ sáng tác khi ông rời Huế về Thăng Long; Vạn lý tập (185 bài, kèm bài tựa) gồm các bài thơ sáng tác khi ông đi sứ nhà Thanh năm 1849. Tổng cộng gồm 978 bài, được các học trò của ông khắc in và tập hợp trong bộ Phương Đình thi tập với một số bản khác nhau.

Ngoài ra, Nguyễn Siêu còn có các tác phẩm trong lĩnh vực văn học, địa lý, lịch sử và giáo dục giá trị như: Phương Đình văn tập (5 quyển); Tuỳ bút lục (6 quyển); Phương Đình dư địa chí; Chư sử khảo thích; Chư sinh khảo ước, Tứ thư bị giảng.

Có thể nói Nguyễn Siêu là một trí thức tài hoa, trong sạch, đạo đức cao đẹp, học thức uyên bác, một nhà giáo gương mẫu, một nhà nghiên cứu nghiêm túc, một thi nhân có thành tựu, đã khắc tên mình trong nền văn học và văn hóa Việt Nam thế kỷ 19. Để ghi nhớ công đức, hậu nhân đã lấy tên ông cho đường phố và trường học ở nhiều nơi.

Cuối cùng, xin chia sẻ với các bạn một thi phẩm của Nguyễn Siêu có tiêu đề “Long trì hiểu long”. Với tuyệt kỹ thi pháp của ông, khung cảnh được mở ra hư hư thực thực, dường như ông đã siêu xuất con mắt phàm nhân, thông qua thiên nhãn mà nhìn thấu những cảnh vật phi phàm: 

Vân lãng phong thanh thủy bất yên,
Không không sắc sắc hựu huyền huyền.
Linh lung bích hải minh châu dạ,
Đạm đãng trường kiều bạch tuyết thiên.
Sơn ảnh đảo thùy thanh nhược tẩy,
Ngạn hoa lưu lệ chiếu vô biên.
Giá thuyền hội đắc thiên quang phát,
Nhất điểm hư linh vạn tượng huyền.

Đọc xong, các bạn có cảm thấy như vậy không?

Hương Thảo.

 

Tin bài liên quan