George Washington sinh vào tháng 2 năm 1732 trong một gia đình chủ đồn điền giàu có ở Virginia. Theo ghi chép riêng của gia tộc Washington, đứa trẻ được sinh ra vào khoảng 10 giờ sáng ngày 11 tháng 2. Năm 1752, Đế quốc Anh và thuộc địa Bắc Mỹ ngừng sử dụng lịch Julian và bắt đầu sử dụng lịch Gregorian mới để tính ngày. Vì vậy, ngày sinh nhật của George Washington trở thành ngày 22 tháng 2, ngày này sau này đã trở thành Ngày Tổng thống (Presidents’ Day) ở Mỹ.
Nhân tiện, cậu bé George, sinh ngày 11 tháng 2, là con trai đầu lòng trong cuộc hôn nhân thứ hai của cha cậu, Augustine Washington. Trước cuộc hôn nhân này, Augustine đã kết hôn một lần và để lại hai con trai và một con gái. Augustine là một người đàn ông chăm chỉ, sở hữu một đồn điền thuốc lá, một xưởng rèn và hàng chục nô lệ da đen ở Virginia, sống một cuộc sống khá giả. Theo phong tục của những gia đình giàu có ở thuộc địa Bắc Mỹ lúc bấy giờ, Augustine với tư cách là người cha đã gửi hai đứa con trai khoảng mười tuổi về quê hương học tập. Đương thời, việc vượt Đại Tây Dương đều được thực hiện bằng đường biển, chuyến đi khứ hồi kéo dài một năm rưỡi, khi ông ổn định cuộc sống của các con trai và trở về Virginia, ông mới được biết người vợ tội nghiệp của mình đã qua đời vì bệnh tật trong thời gian này.
Vì vậy, vào năm 1731, Augustine 37 tuổi đã tái hôn với Mary Johnson Ball, 23 tuổi. Mary là một cô bé mồ côi, cha mẹ đều đã mất, bà từ nhỏ được một người bạn cũ của cha nhận nuôi, bà lớn lên dựa vào sự giúp đỡ từ thiện của cộng đồng, nên cô gái này nội tâm sẵn có ý chí kiên cường và tín ngưỡng tôn giáo kiền thành. Sau khi Mary kết hôn với Augustine Washington, một quan phu hơn bà 14 tuổi, vào năm sau, vào tháng 2 năm 1732, bà sinh hạ con trai cả của họ, George Washington. Cặp đôi có tổng cộng sáu người con, đứa con gái do người vợ cũ để lại và một đứa con gái nhỏ của Mary, cả hai đều chết trẻ.
Khi George ba tuổi, cha ông mua một mảnh đất mới rộng 2.500 mẫu Anh, nhìn ra sông Potomac đẹp như tranh vẽ. Gia đình Washington chuyển đến một ngôi nhà mới lớn hơn, ngôi nhà này trở thành sơn trang Mount Vernon nổi danh thế giới nhờ có George Washington.
Năm 1738, Lawrence Washington đi học về trở về. George 6 tuổi và anh cả 20 tuổi được gặp nhau lần đầu tiên. Khi người con trai cả trở về nhà, cha ông giao ngôi nhà mình đang sống và hai nghìn mẫu đất xung quanh cho Lawrence, đồng thời ông cùng Mary chuyển các con của mình đến Trang trại Ferry. Điều này cũng có nghĩa là chia gia tài. Có thể thấy Augustine rất coi trọng con trai cả. Theo luật thừa kế của Anh, Lawrence phải là người được thừa kế nhiều tài sản nhất từ cha mình.
Theo hồ sơ năm sinh năm tuất của các thành viên trong gia phả dòng họ Washington, từ năm 1739 đến năm 1740, con gái mới sinh của Mary, em gái của George, không may qua đời khi còn nhỏ. Theo dòng thời gian, điều này có lẽ đã xảy ra sau khi họ chuyển nhà, Mary đã làm việc quá sức, hoặc công việc nhà nặng nhọc và sự chăm sóc kém do việc chuyển nhà dẫn đến cái chết sớm của đứa trẻ. Sống trong một đại gia đình phức tạp như vậy, bất cứ người phụ nữ nào cũng không dễ xoay xở.
Mẹ của George, Mary, là một giáo đồ sùng đạo, khi rảnh rỗi, bà đưa các con đi đọc Kinh Thánh và giáo nghĩa. Những cuốn sách này là giáo dục cơ bản dành cho cậu bé George. Một quyển trong số đó, “Trầm tư, đạo đức và Thần linh” (Comp templation, Moral and Divine) của tác giả Matthew Hale, là cuốn sách đọc hàng ngày của Mary dành cho lũ trẻ. Niềm tin vào Chúa là cái nạng chống đỡ cho cuộc đời của Mary, giúp bà vượt qua những năm tháng khó khăn khi mất cha mẹ từ nhỏ, rồi trở thành góa phụ mất chồng, phải tự mình nuôi nấng dưỡng dục năm đứa con trưởng thành.
George Washington sau này từng nói, “Tất cả phẩm cách của tôi đều là do mẹ tôi giáo dưỡng, bà là người phụ nữ mỹ lệ nhất trong cuộc đời tôi. Tất cả những gì tôi có được là nhờ mẹ tôi. Tôi cho rằng mọi thành công trong cuộc sống của tôi là nhờ sự giáo dục về đạo đức, trí huệ và thể chất mà tôi nhận được từ mẹ.”
Trong gia đình Washington, một người anh họ trạc tuổi George từng kể về việc lớn lên cùng George trong những năm cuối đời. Khi còn nhỏ, ông và George là bạn chơi, bạn đồng học, bên nhau như bóng theo hình, vì ông thường đến thăm nhà Washington nên cũng thường xuyên gặp bà Mary. Ấn tượng về người mẹ nghiêm túc và tốt bụng này vẫn còn lưu lại nguyên vẹn trong ký ức của ông những năm cuối đời. Ông mô tả rằng, nỗi sợ hãi của bản thân đối với mẹ của George vượt xa nỗi sợ hãi của ông đối với chính cha mẹ mình. Ngay cả bây giờ đã lên chức tổ phụ, đầu gối ông ấy vẫn run rẩy khi nghĩ đến người mẹ tính tình nghiêm túc này của George.
Năm 1743, George 11 tuổi. Tháng 4, bố ông qua đời. Bà Mary trở thành góa phụ ở tuổi 36, còn cậu bé George 11 tuổi có bốn người em lần lượt là 10, 9, 7 và 5 tuổi. Nghĩ mà xem, hoàn cảnh thật khó khăn, một người mẹ 36 tuổi phải một mình nuôi dưỡng 5 đứa con nhỏ.
Đối với gia đình Washington mà nói, năm 1743 là một năm vừa buồn vừa vui. Mùa hè sau khi cha qua đời, anh cả Lawrence kết hôn với một tiểu thư thuộc gia tộc Fairfax, gia tộc Fairfax thanh danh hiển hách, là gia đình quý tộc có tông tích từ chủ quốc lâu đời duy nhất ở thuộc địa Bắc Mỹ.
Do cha mất sớm nên George phải phụ mẹ chăm sóc gia đình. Là con trai cả được mẹ nhờ cậy, ông phải giúp mẹ chăm sóc các em, đồng thời quản lý xưởng rèn, ruộng thuốc lá, trang trại,… Ông không thể sang Anh học tập như các anh trai. Ông học tại một trường ngữ pháp ở địa phương, hầu hết kiến thức của ông đều đến từ việc tự học. Những bài tập ông làm vẫn được lưu giữ tại bảo tàng Mount Vernon, những tri thức thực tiễn này có tác dụng rất lớn trong cuộc đời ông.
Từ năm 14 đến 16 tuổi, cậu bé George đã bị cuốn hút bởi một cuốn sách rất thịnh hành vào thế kỷ 16, giáo nghĩa của giáo đường nước Pháp này đã được phiên dịch sang tiếng Anh. Đây là một cuốn sách nhỏ về quy cách lễ nghi và giáo dưỡng bản thân của một quý ông. George đã tiến hành biên tập chỉnh lý, tự mình viết lại thành một trăm mười điều yêu cầu trong cuộc sống hàng ngày, chỉ định cho bản thân những quy tắc hành vi ứng xử cần có để trở thành một quý ông, và viết thành cuốn sách – “Những quy tắc của phép lịch sự” (The Rules of Civility).
Những quy tắc nghi thức này, theo quan điểm của chúng tôi ngày nay, vẫn không hề lỗi thời và vẫn hoàn toàn thiết thực. Ví dụ:
Không khạc nhổ nơi công cộng, không nhổ vào lò sưởi, không làm những động tác không đứng đắn trước mặt người khác (ngoáy tai, cắn móng tay, v.v.), không mặc quần áo hoặc cởi quần áo ở nơi công cộng, hoặc bước ra khỏi phòng với bộ dạng nhếch nhác, cách đội và cởi mũ phải sao cho lễ tiết.
Tôn trọng đối với mọi người. Khi người khác đang nói không được xen vào, không được ngắt lời, hoặc tùy tiện bỏ đi, hoặc thờ ơ ngủ gật. Khi nói chuyện với người khác, hãy giữ khoảng cách để đối phương cảm thấy thoải mái, tập trung ánh mắt khi nói chuyện và lắng nghe cẩn thận; Khi có người đứng cạnh mình, đừng ngồi một mình mà hãy giữ nguyên tư thế như người kia; Khi ngồi phải đoan trang, không nhấc chân lên, không bắt chéo chân.
Đừng chỉ trích, đừng chế giễu, đừng để lời nói của bạn chứa đầy đố kị hay ác ý; đừng nói về những điều mà bạn không biết sự thật; đừng thì thầm lén lút, đừng tò mò, đừng kể những câu chuyện cười ngớ ngẩn trước mặt những người nghiêm túc và cao thượng, hoặc nói những điều không hay về người không có mặt, vì điều đó là không công bằng với người không có mặt; Không hứa hẹn bừa bãi, nhưng phải thực hiện đúng cam kết của mình; không hành động kiêu ngạo hoặc cư xử không đúng mực trước mặt những người thuộc tầng lớp xã hội thấp hơn bạn, không nói và làm những việc không phù hợp đạo đức.
Khi ăn phải có lễ nghi đúng mực, khi ăn không nên đặt cả cánh tay lên bàn, không cúi xuống khi ăn thịt, khi uống rượu không gây tiếng ồn, đặt cốc xuống xong nhớ lau khóe miệng. Không dùng dao dính dầu mỡ để xúc muối hoặc cắt bánh mì, không thổi súp bằng miệng mà hãy để súp nguội tự nhiên. Khi nhúng bánh mì vào nước sốt trên đĩa, mỗi lần chỉ ăn một miếng, không nói chuyện với người khác khi đang ngậm thức ăn trong miệng và uống rượu. Không nhìn chằm chằm vào người khác, không nổi giận trên bàn ăn, luôn giữ cho bàn ăn trong bầu không khí ẩm thực vui vẻ.
Hãy là một người đàn ông chân chính và nghiêm túc như một quý ông; khi bạn giải trí, hãy để niềm vui của bạn mang tráng khí nam tử, mà không phải là đầy tội lỗi.
Khi bạn đàm luận về Thần, phải dùng khẩu khí nghiêm túc và cung kính, vĩnh viễn tôn trọng và phục tùng cha mẹ mình, ngay cả khi họ bần cùng.
Những quy tắc giáo dưỡng này thể hiện sự ước thúc và kỷ luật tự giác của một đứa trẻ 14 tuổi, cũng như sự giáo dưỡng và cách thức cư xử mà cậu bé bảo trì đối với người ngoài. Có thể nói, những người từ niên thiếu đã có thể chế định cho mình những chuẩn mực hành vi này không hề tầm thường. Đặc biệt, là đứa trẻ George Washington mồ côi cha, con của một góa phụ, khi còn bé đã rất yếu thế như vậy.
Điều đặc biệt có giá trị là điều 110, quy tắc cuối cùng, không phải về hành vi bên ngoài mà là yêu cầu nội tâm của bản thân: Phải thời thời khắc khắc giữ gìn “lương tri”, ngọn lửa của thiên quốc trong nội tâm. Đây là một khái niệm trừu tượng, bởi vì cách cư xử và giáo dưỡng hàng ngày có thể nhìn thấy được bằng mắt thường giữa đám đông, nhưng ai có thể nhìn thấy “ngọn lửa lương tri” trong trái tim? Ngoại trừ chính bản thân mình, ai cũng không biết được ngọn lửa sinh mệnh trong trái tim bạn đã tắt từ lâu, hay nó vẫn đang tiếp tục thắp sáng trái tim bạn? Tuy nhiên, trong mắt cậu bé George, một quý ông bảo trì giáo dưỡng tốt, lễ nghi và phong độ xã giao, sự thanh lịch được tản phát ra từ lương tri trong nội tâm mà trở thành lễ nghi trong cuộc sống hàng ngày. Ngọn lửa của lương tri mới chính là nguồn cội.
Hương Thảo.