Tâm luôn nghĩ đến tiền bạc, mắt không nhìn được ai

Tâm luôn nghĩ đến tiền bạc, mắt không nhìn được ai

Có câu rằng: "Thấy vàng lóa mắt", trên đời này, tiền bạc là thứ khiến người ta mê mờ nhất, tham lam là thứ độc dược đáng sợ nhất. Từ xưa tới nay, chỉ một chữ "tham" này đã hủy hoại biết bao con người. Câu chuyện sau đây không khỏi khiến người ta phải suy nghĩ thật nhiều.

* Tâm mê đắm vào vàng, mắt không nhìn được ai

Trước đây, tại nước Tề có một người vô cùng ham vàng. Ông ta sáng cũng muốn có vàng, chiều cũng muốn có vàng, ăn cơm, ngủ nghỉ đều nghĩ tới vàng, nghĩ tới độ muốn phát điên, nhưng nhìn mãi cũng không ra nơi nào có vàng.

Một buổi sáng, ông mặc quần áo chỉnh tề, đội một chiếc mũ mới, đi ra phiên chợ. Trên đường đi, ông cứ ngó quanh ngó quẩn xem trên đường có vàng hay không. Thỉnh thoảng nhìn thấy một viên đá màu vàng, ông liền ngồi thụp xuống, quan sát rất lâu, đến khi cảm thấy nó vẫn chỉ là một viên đá, mới đành lòng bỏ đi tìm chỗ khác.

Đang bước đi, đột nhiên ông trông thấy một thứ gì đó lấp lánh, ông lập tức bị nó thu hút. Ông tiến đến xem xét một chút: Ồ, thực sự là một đống vàng!

Chân tay ông bỗng nhiên run rẩy, và ngay lập tức chạy về phía trước, hai tay vơ hết đống vàng, rồi nhanh chân bỏ chạy.

Ông lập tức bị quan quân vây bắt lại. Quân binh hỏi: “Người ta vẫn còn ở kia, sao ngươi lại dám lấy vàng của người ta bỏ chạy như vậy?”

Hóa ra, đống vàng đó là của một người mang đi bán, người bán vàng trước hành động bất thình lình của ông ta, nhất thời bối rối, sau khi định thần lại, thì vàng đã bị ông ta lấy đi.

Lúc bị bắt, ông ta mới biết đó là vàng của người ta mang đi bán. Ông nói với đám quan binh: “Lúc tôi lấy vàng, thực tình không nhìn thấy người, chỉ nhìn thấy vàng thôi!”

Quan binh thở dài: “Ta hiểu rồi! Trên đời này vì sao tham quan lại cả gan làm loạn? Bởi vì họ lúc nhìn thấy vàng bạc, trong mắt sẽ không thấy được ai khác, trong tâm không còn nghĩ được điều gì khác”.

* “Con đường tìm kiếm Đạo” không thể bị mê lạc

Nhà hàng xóm của Dương Chu bị mất một con dê, liền kêu gọi tất cả người thân, cũng mời cả Dương Chu và những đứa trẻ trong làng cùng nhau tìm kiếm.

Chỉ một con dê, vì sao lại phải huy động nhiều người như vậy đi tìm? Dương Chu cảm thấy rất kỳ lạ. Nhà hàng xóm mới nói: “Vì lối rẽ nhiều quá, ai biết con dê này nó chạy hướng nào mà tìm?”

Một lúc sau, tất mọi người đi tìm dê đã trở về, nhưng không ai tìm được. Dương Chu hỏi: “Đi nhiều người như vậy, sao con dê vẫn chạy mất được nhỉ?”

Người nhà hàng xóm nói: “Mỗi lối rẽ lại có lối rẽ, mọi người không biết đi theo lối nào để tìm, nên đành quay trở về.”

Dương Chu nghe xong, trầm tư suy nghĩ, mấy ngày không nói một câu.

Học trò thấy Dương Chu suốt ngày phiền muộn, bộ dạng không vui, cảm thấy khó hiểu: “Không phải chỉ là mất một con dê thôi sao? Huống chi con dê đó là của nhà hàng xóm?”

Trong đám học trò của Dương Chu, có một người tên là Tâm Đô Tử, cảm thấy không kiên nhẫn được nữa, liền hỏi thầy cho rõ ngọn ngành, mới biết được, Dương Chu vì chuyện “Mất dê nơi đường rẽ”, đã liên tưởng về con đường học đạo.

Con dê mất phương hướng, bởi vì có quá nhiều lối rẽ. Việc nghiên cứu học thuật cũng thế: Học vấn cơ bản đều giống nhau, nhưng đến đầu ngọn của nó, lại trở nên sai lệch.

Rất nhiều học giả, bởi vì phương thức học thuật rối loạn và kỳ dị, mà đã đánh mất căn bản. Người nghiên cứu học vấn, chẳng phải cần phải đưa kiến thức quy về nhất quán, phản bổn quy chân sao? Thế nào mới là nắm giữ được “Đạo” căn bản? Điều này là chỗ mà rất nhiều người cầu đạo cần phải lưu tâm, không thể mê loạn.

Tuệ Tâm.

Tin bài liên quan