Tại sao xây nhà người ta hay chọn hướng Nam?

Tại sao xây nhà người ta hay chọn hướng Nam?

Ngày xưa các cụ có nhiều câu truyền miệng liên quan đến làm nhà hướng Nam: “nhà hướng Nam, không làm cũng có ăn” hay “lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”… để nói lên tầm quan trọng của việc xây nhà hướng Nam. Đó là kinh nghiệm quý báu của người xưa để lại, nhất là trong phong thủy hướng nhà.

 

“Lấy vợ hiền hoà” ai cũng mong muốn, vậy còn “làm nhà hướng Nam” là vì sao? Trước hết, do vị trí địa lý và đặc thù khí hậu của Việt Nam (nhiệt đới, nóng ẩm, gió mùa) nên đối với hầu hết vùng, miền, hướng Nam là hướng thuận lợi nhất để xây dựng nhà cửa: đón được đầy đủ ánh sáng và gió mát hơn hẳn các hướng khác. Đặc biệt, nhà xây hướng Nam sẽ tránh được ánh nắng chói phía Đông vào buổi sáng, buổi chiều không bị nắng chiếu gay gắt từ phía Tây, đồng thời tránh được gió Lào từ phía Tây thổi tới và không bị ảnh hưởng bởi gió lạnh từ phương Bắc tràn về. Thêm nữa, mùa Hè đón được những ngọn gió mát từ hướng Đông Nam và hướng Nam, dân gian có câu: “Trăm người hầu không bằng đầu ngọn gió”, “Gió Nam chưa nằm đã ngáy”,…đã nói lên lợi điểm của nhà hướng Nam; Theo đó, ngôi nhà tọa ở hướng Nam sẽ lợi dụng triệt để ánh sáng mặt trời, giữ cho ngôi nhà luôn ấm áp vào mùa đông và mát mẻ và mùa hè.

Về điều này, các bậc tiền nhân đã sớm ý thức được một cách rất sâu sắc, và chia gió thành “âm phong” (gió âm) và dương phong (gió dương). Trong “Địa học chỉ chính” có nói: “bình dương vốn không sợ gió, vậy nên có khác biệt về âm dương, gió hướng Đông, hướng Nam tới là gió nóng, gió ấm, gọi là gió dương, thì không ngại. Gió hướng Tây, hướng Bắc tới là gió mát, gió lạnh, gọi là gió âm, cần phải che chắn, nếu không thì gió thổi buốt xương, ý muốn nói cần phải che chắn, tránh gió tây gió Bắc (gió Bấc)”.

 

Mặt khác, hướng Nam là hướng mặt trời lên cao, tượng trưng cho lửa, dương lực, mùa hạ, sự ấm áp…, cũng chính là hướng tượng trưng cho thời kỳ mạnh mẽ nhất của cuộc đời con người, phát huy khả năng, sức mạnh của bản thân mỗi người. Địa vị xã hội, tiền tài, năng lực lãnh đạo, trí tuệ, tài năng đều có liên quan đến hướng Nam. Theo Tiên thiên bát quái, phía Nam có tượng là quẻ Càn (trời, vua…), nên phía Nam được coi là hướng của bậc đế vương, còn theo Hậu thiên bát quái, hướng Nam có tượng là quẻ Ly, biểu tượng của lửa, ánh sáng. Trong dịch chiêm học (thuyết bói quẻ dịch) có nói, mặt Nam cây cỏ tốt tươi, dương khí tràn trề, hướng về phía Nam mà xưng vương là phương vị tối cao. Do vậy, các bậc vua chúa thường thường xây dựng toà thành toạ Bắc, hướng Nam để hướng về lẽ sáng mà xử lý công việc, cai trị thiên hạ; cung điện, thành quách được xây theo hướng này nhằm bảo vệ vị trí chí tối cao vô thượng.

 

Mặc dù lý luận phong thuỷ phái Bát trạch cho rằng, hướng Nam chỉ hợp với người mệnh Đông tứ, nhưng những người mệnh Tây tứ không nên bỏ qua. Hiện nay, chọn nhà hướng Nam là rất lý tưởng nhưng không dễ tìm do các điều kiện hoàn cảnh khác nahu, bởi vậy ta lấy phương vị chính Nam làm nguyên tắc, hơi nhích về hướng Đông hoặc bên Tây một chút cũng không hề gì. Thêm một vấn đề, với nhà hướng Nam nhưng không hợp mệnh chủ nhà, có thể dùng nhiều cách hoá giải khác nhau, đặc biệt dùng gương bát quái để hoá giải, đồng thời dùng các hình thức bài trí nội thất, đặc biệt là bếp và phòng ngủ để tạo sự tương tác tốt, dung hòa hướng xấu đó. Ngoài ra, có thể sử dụng các pháp khí phong thuỷ để kích hoạt trường khí của ngôi nhà, tạo cho ngôi nhà có trạch vận tốt đẹp nhất.

Tổng hợp

Tin bài liên quan