Tại sao tiểu nhẫn thành nhân, đại nhẫn thành Phật?

Tại sao tiểu nhẫn thành nhân, đại nhẫn thành Phật?

Khi đề cập tới chữ Nhẫn, người ta thường nghĩ đến: nhẫn cưới, nhẫn cỏ, nhẫn là đồ trang sức. Rất ít người nghĩ đến chữ “Nhẫn” như người Trung Quốc dùng để chỉ nhân cách của con người. Muốn chỉ nhân cách con người thì người Việt Nam phải nói Nhẫn đi cùng với một chữ nữa: nhẫn nhịn, nhẫn nại, kiên nhẫn, nhẫn nhục, nhẫn tâm.

Chữ Nhẫn (忍) có nghĩa là chịu đựng, nhẫn nhịn, vị tha. Nó còn hàm chứa ý nghĩa của sự tự kiềm chế và tự chủ. Đây cũng là một đức hạnh của rất nhiều vị anh hùng vĩ đại trong lịch sử.

Nhẫn không chỉ là thể hiện ở sự nhượng bộ, mà còn thể hiện ở chỗ khi bị lăng nhục vẫn có thể chịu nhận mà không động tâm, không ôm hận. Chỉ nhìn vào cấu trúc chữ Nhẫn (忍) cũng đã biểu đạt được điều này. Bên trên của Nhẫn là chữ Đao (刀), bên dưới là chữ Tâm (心).

Thanh đao sắc nhọn đâm thẳng vào tim tất phải đau ghê gớm. Người bình thường làm sao chịu đựng nổi tổn thương này. Nhưng nếu để ý có thể thấy chữ Tâm (心) nằm ngay dưới chữ Đao (刀) kia, vẫn vững vàng bất động, biểu hiện này chính là hình ảnh lột tả nội hàm của chữ Nhẫn.

Dù trong đau thương, mất mát, tủi nhục đến đâu, cái Tâm này vẫn chịu nhận được, đó mới thực gọi là Nhẫn. Chỉ có người biết lấy nhẫn nại mà vượt chông gai, mới có thể làm thành đại sự.

Tiểu nhẫn thành nhân, đại nhẫn thành Phật

Chuyện rằng, một ngày nọ Đức Phật tới hóa duyên tại nhà một bà lão có tính khí rất xấu. Vừa nhìn thấy Ngài tới bà liền mở miệng chửi bới. Bà ta mắng Đức Phật không tự lao động lại đi khắp nơi xin ăn. Bà ta tùy tiện mắng chửi phỉ báng hồi lâu. Phật Đà chỉ mỉm cười đứng ở đó, đợi bà ấy chửi tới lúc mệt liền hỏi: “Bà mắng xong chưa?” Bà lão đáp: “Mắng xong rồi”. Đức Phật lại nói: “Nếu một người tặng quà cho người khác nhưng người ta không nhận thì người này làm thế nào?”. Bà ta trả lời: “Thì lấy về thôi”. Đức Phật nói: “Những lời bà nói khi nãy ta đều không nhận đâu, nó là của bà”.

Nhẫn chính là khoan dung

Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về chữ Nhẫn thời Trung Quốc cổ đại là Lạn Tương Như (315 – 260 TCN), chính khách nước Triệu thời Chiến Quốc, ông nổi tiếng là người giỏi ứng xử để giữ uy tín của nước Triệu trong chư hầu.

Với công lao Hoàn bích quy Triệu (mang ngọc quý họ Hoà trở về nước Triệu), Lạn Tương Như được vua Triệu cất nhắc, địa vị của ông ở trên võ tướng Liêm Pha. Liêm Pha bất mãn nói:

“Ta là tướng nước Triệu, phá thành đánh trận lập được công lớn, trái lại Tương Như chỉ nhờ vào miệng lưỡi lập công mà địa vị ở trên ta. Hơn nữa, Tương Như vốn người thấp hèn, ta xấu hổ không mặt mũi nào ngồi ở dưới ông ta!”.

Ta là tướng nước Triệu, phá thành đánh trận lập được công lớn, trái lại Tương Như chỉ nhờ vào miệng lưỡi lập công mà địa vị ở trên ta. Rồi Liêm Pha rêu rao: “Ta gặp Tương Như, quyết làm nhục người này”.

Khi Lạn Tương Như biết được điều này, ông đã rất mực cẩn thận để tránh các tình huống gây xung đột với Liêm Pha. Ông sẽ cáo bệnh và tránh xuất hiện tại các buổi thượng triều mà Liêm Pha tham dự để không phải thách thức uy quyền của Liêm Pha.

Vào một dịp khác, cỗ xe ngựa của Lạn Tương Như đang đi trên một con đường hẹp. Ngay lúc đó, cỗ xe của Liêm Pha cũng rẽ vào từ hướng ngược lại. Lạn Tương Như ngay lập tức ra lệnh cho phu xe hãy quay ngược đầu xe lại, để nhường đường cho Liêm Pha đi trước.

Các môn hạ đều cùng nhau ngăn cản, họ nói:

“Chúng tôi sở dĩ bỏ thân thích đến thờ ngài chỉ vì mến cao nghĩa của ngài. Nay ngài chức vị trên Liêm Pha một bậc. Liêm Pha rêu rao nói xấu mà ngài lại sợ trốn tránh ông ta, e dè quá đáng, người thường còn lấy làm xấu hổ, huống hồ là bậc tướng quốc, tướng quân! Bọn chúng tôi bất tài, xin từ giã về”.

Lạn Tương Như điềm nhiên quay ra nhìn đám tùy tùng, ông hỏi: “Các ông xem Liêm tướng quân có bằng vua Tần không?”

Đám tùy tùng đồng thanh trả lời: “Không bằng”.

Lạn Tương Như lại nói: “Oai như vua Tần mà Tương Như ta còn dám lớn tiếng giữa triều đình, làm nhục trước cả quần thần. Tương Như tuy hèn nhát há sợ Liêm tướng quân sao? Nhưng ta nghĩ rằng nước Tần sở dĩ mạnh, không đem binh lính đánh Triệu vì có ta cùng Liêm tướng quân. Nay hai con hổ đánh nhau, thế nào cũng không sống được cả, cho nên ta phải làm như thế, vì nghĩ đến việc cấp bách của nước nhà trước mà gác việc thù riêng đó thôi.”

Những lời của Lạn Tương Như cuối cùng cũng đến tai Liêm Pha. Liêm Pha nghe vậy nhận ra lỗi lầm của mình, ân hận vô cùng, ông bèn cởi áo, mang roi đến cửa nhà Lạn Tương Như tạ tội, nói: “Kẻ hèn mọn này không biết tướng quân rộng lượng đến thế! Quả thật đã đắc tội rồi”.

Người ta sống trên thế gian này, không thể mọi việc đều được vạn sự như ý, cũng không thể đều là thuận buồm xuôi gió. Khi cần nhẫn thì nên nhẫn, khi phải chịu đựng hãy học cách chịu đựng, nếu không việc tốt sẽ thành xấu. Chúng ta dường như đang sống trong thời đại mà người ta hay gọi là ‘đấu tranh sinh tồn’, ‘cá lớn nuốt cá bé’ – cho rằng: chỉ những người sẵn sàng đấu tranh vì lợi ích cá nhân mới có thể phát triển trong xã hội đô thị hóa và cá nhân hóa như hiện nay. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không như vậy. Khổng Tử giảng: “Một người không chịu đựng được việc nhỏ sẽ làm hỏng việc lớn (nguyên văn: “Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu)”. Hạng Võ vị không thể nhẫn chịu được sự sỉ nhục khi chiến đấu thất bại đã khẳng khái hát lời bi thương, tự vẫn tại Ô Giang khiến người đời không ngừng than thở, thương tiếc; Lưu Bị không thể nhẫn chịu nỗi đau khi mất đi người huynh đệ, mạo muội xuất kích Đông Ngô dẫn tới thất bại; 

Nhẫn chịu không phải bởi không có tự tôn, danh dự, mà là biểu hiện của một người có phẩm chất đạo đức cao thượng. Cũng giống như một tấm lưới, chúng ta khó tránh khỏi sẽ có hiểu lầm và va chạm, nếu không cách nào để đạt được vạn sự như ý, không đạt được mọi việc thuận buồm xuôi gió, thì hãy kiên định đặt những khát vọng ở trong tâm vào chữ “Nhẫn”. Nguyên nhân bởi chỉ duy có chữ Nhẫn mới có thể khắc chế và chiến thắng hết thảy. Chỉ có thiện đãi với mọi ân oán, học cách tôn trọng, cuộc sống mới bớt đi oán hận, nhiều vui vẻ và ung dung thoải mái. 

Nhìn tổng quan từ cổ chí kim, những người làm nên đại sự đều là những tấm gương về Nhẫn chịu. Hàn Tín có thể chịu nhục chui háng, cuối cùng thành danh tướng nổi tiếng thời đại. Tư Mã Tương Như có thể nhẫn chịu, cùng Trác Văn Quân cuối cùng thành Thần tiên quyền lữ; Đường Bá Hổ có thể nhẫn, nên cuối cùng có thể ôm mỹ nhân trở về; Tào Tháo có thể nhẫn chịu được thù nhà, nên xây dựng được cơ nghiệp to lớn; Lưu Bị có thể nhẫn ba lần tới lều cỏ mời Gia Cát Khổng Minh cuối cùng có được giang sơn nước Thục. 

“Nhẫn một lúc, gió êm sóng lặng; lùi một bước trời cao biển rộng”. Hồng Môn của Lưu Bang quỳ một cái có thể cứu vãn mười vạn đại quân của ông, từ đó có được giang sơn. Nếu ông ta vẫn chấp mê bất ngộ đi liều mạng với Hạng Võ, e rằng lịch sử sẽ phải sửa lại.

Khi hiểu được đạo lý “Phàm sở hữu tương, giai thị hư vọng” ý nghĩa là: hễ cái gì có hình tướng đều là huyễn hoá, ảo tượng (không thật), thì có thể nhẫn chịu được những việc người thường vốn không thể nhẫn. Sau khi hiểu được như vậy mới có thể nhìn thấu vạn sự vạn vật, không lấy không bỏ, tâm thanh tịnh, ung dung tự tại với mọi việc.

Bình Nhi dịch và tổng hợp.

Tin bài liên quan