Trên đời này, lòng tham chính là thứ độc dược đáng sợ nhất, nó có thể hủy hoại một cá nhân chỉ trong nháy mắt. Bởi vậy, con người nếu muốn tránh tai ương, nhất định phải thông tỏ được chữ “tham” này.
Lão Tử tên thật là Lý Nhĩ, tự Bá Dương, sống vào thời Xuân Thu, là người sáng lập Đạo giáo, đồng thời là tác giả cuốn “Đạo Đức Kinh”, một tác phẩm kinh điển truyền đời. Trong các lời dạy của mình, Lão Tử thường khuyên người ta phải biết tu thân dưỡng tính, sống thuận theo tự nhiên, chất phác, không tranh giành.
Cuốn “Thần tiên truyện – Quyển một” của nhà văn học Cát Hồng thời Tần kể về sự ra đời của Đạo Đức Kinh có nhắc đến chi tiết: “Khi Lão Tử sắp sửa ra khỏi cửa Hàm Cốc, nô bộc đi theo đã đòi tiền công Lão Tử”. Đây không chỉ là câu chuyện đằng sau sự ra đời của “Đạo Đức Kinh” mà nó còn mang hàm ý sâu xa, để lại giá trị nhất định đối với người đời sau.
Câu chuyện nói về một người tên gọi Từ Giáp, thuở thiếu niên được thuê làm nô bộc cho Lão Tử, đã đi theo Lão Tử rất lâu. Lúc trước, Lão Tử đáp ứng mỗi ngày sẽ trả cho ông ta khoảng 100 đồng. Khi đến Hàm Cốc quan thì Lão Tử đã nợ Từ Giáp 720 vạn đồng rồi. Từ Giáp thấy Lão Tử từ quan ra đi nên muốn đòi tiền công. Lão Tử nói: “Ta phải đi các nước ở Tây Hải, sau khi trở về ta sẽ trả công bằng vàng cho ngươi”. Từ Giáp đồng ý. Thế nhưng, càng đi về phía tây, các địa phương họ đi qua cũng càng xa xôi hẻo lánh khiến Từ Giáp cảm thấy chán nản. Đến Hàm Cốc quan, Từ Giáp không muốn đi nữa, chỉ mong nhanh chóng lấy được tiền công, nhưng lại vì sợ không đòi được nên y đã hủy bỏ giao ước, nhờ người viết cáo trạng tố cáo Lão Tử lên quan lệnh, kiên quyết đòi tiền.
Từ Giáp tìm đến một người chuyên làm nghề viết thư và khiếu kiện. Anh ta kể với người này về sự bất công mà anh phải chịu đựng suốt mấy trăm năm. Người viết đơn nhẩm tính thấy số tiền quả là lớn khiến ông ta lóa mắt. Ngay lập tức, ông bảo rằng nếu Từ Giáp đòi được món tiền, ông sẽ gả con gái mình cho. Từ Giáp nhìn thấy cô gái dung mạo vô cùng xinh đẹp thì hết sức vui mừng, càng thêm quyết tâm đòi tiền Lão Tử cho bằng được, bèn dâng cáo trạng kiện Lão Tử lên quan huyện Doãn Hỷ.
Doãn Hỷ sau khi xem cáo trạng thì vô cùng kinh ngạc, liền vội vàng đi bái kiến Lão Tử. Lão Tử khi ấy nói với Từ Giáp: “Lẽ ra ngươi chết từ lâu rồi. Ban đầu ta làm quan nhỏ, nhà nghèo, ngay cả người thay ta làm việc tạp vụ cũng không có, bèn thuê ngươi, đồng thời cho ngươi bùa “Thái Huyền Thanh Sinh Phù”, do đó ngươi mới sống đến ngày hôm nay. Người vì cớ gì lại kiện ta? Ban đầu ta đã đồng ý với ngươi rằng, sau này khi ngươi về An Tức quốc, khi đó ta sẽ dùng vàng tính tiền công của ngươi, trả lại hết cho ngươi. Ngươi nay sao lại gấp gáp không chịu tiếp tục chờ đợi như vậy chứ?”
Nói xong ông bảo Từ Giáp cúi mặt xuống và mở miệng ra, chỉ nhìn thấy “Thái Huyền Thanh Sinh Phù” ngay lập tức bị nôn ra, chữ chu sa trên phù tựa như mới viết, còn Từ Giáp thì ngay lập tức biến thành một đống xương khô.
Doãn Hỷ biết Lão Tử là Thần nhân, liền quỳ xuống dập đầu thỉnh tội thay cho Từ Giáp, xin Lão Tử tha thứ cho y và cho y sinh mệnh một lần nữa, đồng thời nguyện ý thay Lão Tử trả tiền công. Lão Tử liền đem “Thái Huyền Thanh Sinh Phù” ném trả lại cho Từ Giáp, Từ Giáp ngay tức khắc sống lại. Doãn Hỷ trả cho Từ Giáp đủ số tiền công rồi đuổi ông ta đi.
Doãn Hỷ cung kính thi lễ đệ tử với Lão Tử, Lão Tử bèn đem bí kíp Đạo trường sinh truyền thụ cho Doãn Hỷ. Doãn Hỷ lại thỉnh cầu Lão Tử như thế nào mới là phương pháp tu luyện đắc Đạo. Lão Tử bèn thuật 5.000 chữ, dặn Doãn Hỷ cứ tu theo đó thì đắc Đạo. Doãn Hỷ trở về ghi chép lại thành “Đạo Đức Kinh” mà người đời sau hay gọi.
Doãn Hỷ nghiêm khắc tu hành tuân theo Đạo pháp của Lão Tử cuối cùng đã đắc Đạo thành tiên, trở thành Vô Thượng chân nhân.
Câu chuyện trên bao hàm rất nhiều ý nghĩa khác nhau, nêu lên tác hại của tham lam và sắc dục. Nếu người tu luyện không thể chịu được tất cả các loại cám dỗ và khảo nghiệm, tâm không kiên định, thì dù có tu luyện bao lâu đi chăng nữa cũng sẽ vô ích. Đi theo Lão Tử hơn hai trăm năm, Từ Giáp không nhìn thấu danh lợi thế gian, để tiền tài và sắc dục đè nặng, suýt chút nữa mất đi cơ duyên tu Đạo ngàn năm. Khó trách Lã Động Tân nói rằng: Ta thà độ động vật còn hơn độ nhân”.
Theo “Thái Bình Quảng Ký” và “Thái Bình Ngự Lãm” ghi chép lại: Từ Giáp sau cùng được quyển kinh của Lão Quân điểm hóa, từ đây hồi tâm chuyển ý, tiếp nhận giáo huấn, từ bỏ ham muốn cá nhân, dốc lòng tu luyện, sau này cũng đứng hàng tiên, chính là “Bạch Cốt chân nhân” trong truyền thuyết Đạo giáo.
Tương truyền, vào thời Tùy Văn Đế, tại chùa Tịnh Hải ở đảo Hải Nam có một vị thiền sư già tên Thanh Quả. Vì muốn dạy bảo đệ tử Phật giáo ‘hư không’ một đời, nên ông đã nhận nuôi một cậu bé từ ngôi làng miền núi nọ. Suốt hơn mười năm, cậu bé không hề ra khỏi chùa; ngoài việc dạy cậu tụng kinh, ngồi thiền, mỗi ngày vị thiền sư già còn chỉ vào bức tranh một người phụ nữ xinh đẹp và nói với cậu bé rằng: người phụ nữ xinh đẹp trong bức tranh là yêu quái ăn thịt người không nhổ xương, là ma quỷ cực kỳ độc ác.
Mười tám năm sau, lão thiền sư tin rằng vị đệ tử này căn cơ đã vững chắc, sẽ không bị thế gian làm hoen ố nên dẫn theo cậu bé xuống núi hóa duyên. Sau khi trở về chùa, vị thiền sư già hỏi tiểu hòa thượng: “Con nói thử xem, dưới núi cái gì là tốt nhất? Con thích gì nhất?” Tiểu hòa thượng nhắm mắt chắp hai tay nói: “Thưa sư phụ, dưới núi ma quỷ là tốt nhất, con thích ma quỷ nhất”
Đây chính là: “Trăm năm không biết hồng trần khổ, một lần bất cẩn rơi cõi phàm”.
Thực ra Lão Tử và “Đạo Đức Kinh” mà ông để lại đều là muốn truyền Đạo và văn hóa tu luyện cho con người. Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử đã cho hậu thế hiểu được ý nghĩa của Đạo, mối quan hệ giữa Đạo và sự hình thành vũ trụ cũng như nguồn gốc của vạn vật. Ông cũng giảng cách làm người, và làm thế nào để nhân loại có thể quay trở về bản tính thuần khiết của mình. “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”, con người sống hòa hợp với thiên nhiên và tạo hóa, tuân theo quy luật của tự nhiên thì cũng chính là đang tiến gần về Đạo. Đạo sở dĩ huyền diệu chính là vì nó đã giải thích sự tồn tại chân thực của việc “phản bổn quy chân”, tức là hoàn thiện chính mình trên cơ sở cái gốc đặt ở tự nhiên. Nó nói cho mọi người biết, trong hồng trần cuồn cuộn, danh, lợi, tình đều là khói mây bay qua trước mắt, chỉ tồn tại trong thoáng chốc, không thể trường tồn; chỉ có trong tự nhiên toàn tâm lĩnh ngộ ý nghĩa đích thực của Đạo, đó mới là việc có giá trị nhất của sinh mệnh.
Bích Liên biên dịch.