Chuyện xưa kể rằng, có một người bán gạo ở Dương Châu, anh vốn là một người rất nghèo, bắt đầu dựng nghiệp kinh doanh từ hai bàn tay trắng. Sau đó người này đã dùng tiểu xảo, đem sửa lại chiếc cân bán gạo những mong lừa người, đoạt lợi,...
Người xưa nói: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương”, nghĩa là gia đình tích thiện thì sẽ có thừa niềm vui, gia đình tích điều không thiện sẽ có thừa tai họa. Nhân quả trên đời đôi khi mắt thường chúng ta không thể nhìn cho rõ được, bởi vì “nhân quả” không chỉ là chuyện của đời này kiếp này mà còn liên quan đến nhiều kiếp khác.
Mặc dù một người sống trong nghèo khó nhưng ý chí không nghèo, có thể kiên trì với lối sống thiện lương thì con cháu cũng sẽ là những người lương thiện, từ đó mà nhận về phúc báo. Ngược lại, nếu một người là kẻ quan tham ô lại, ‘khôn khéo ăn người’ thì sớm muộn gì họ cũng sinh ra một đứa con gọi là “phá gia chi tử”. Đây là nhân quả ứng nghiệm tại thế gian vậy.
Chuyện xưa kể rằng, có một người bán gạo ở Dương Châu, anh vốn là một người rất nghèo, bắt đầu dựng nghiệp kinh doanh từ hai bàn tay trắng. Sau đó người này đã dùng tiểu xảo, đem sửa lại chiếc cân bán gạo những mong lừa người, đoạt lợi.
Từ khi chỉnh sửa, chiếc cân luôn báo trọng lượng nặng hơn một chút, nhưng trọng lượng gạo thực tế lại nhẹ đi. Cứ như vậy, mỗi ngày anh ta đều lấy trộm một lượng gạo của người mua thông qua việc cân thiếu.
Vài năm sau, gia đình anh hàng gạo bắt đầu trở nên giàu có, không lâu sau đó anh sinh được 2 người con trai vô cùng đáng yêu.
Một hôm, đang uống rượu ở nhà, trong tâm liền cao hứng không nhịn được, anh liền khoe với vợ: “Anh vốn là một người nghèo khó không có thứ gì, hiện tại đã có của ăn của để như vậy, em biết là vì sao không?” Người vợ nói: “Em không biết”.
Người chồng nói: “Cũng là bởi anh đã đem sửa cái cân này nên chúng ta mới nhanh giàu như thế”.
Sau khi nghe điều này, người vợ rất buồn, còn muốn ly hôn.
Người chồng hỏi lại: “Tại sao em muốn ly hôn? Trong khi chúng ta đã trở nên giàu có!”.
Người vợ từng đọc qua một ít sách thánh hiền, cô liền trả lời: “Chúng ta làm như vậy là tổn thương âm đức, về sau cái gia đình này sẽ gặp nhiều chuyện xui xẻo. Rất nhiều sự tình báo ứng tại thế gian mà mắt thường không thể nhìn được rõ ràng. Do đó em cho chuyện này không phải là việc tốt”.
Anh chồng cũng là người có chút thiện căn, nghe vợ nói vậy cũng thấy đôi phần hối hận, liền hỏi vợ: “Sự việc anh đã gây ra, giờ phải làm sao để bù đắp?”
Người vợ nói: “Anh từng dùng cân để ăn trộm gạo nhà người ta, giờ anh cũng dùng chiếc cân để trả lại gạo cho họ. Mỗi ngày đều để người mua được gạo nhiều hơn một chút, đem những gì đã lấy dần dần trả lại cho người ta”.
Sau khi nghe vợ nói song, người bán gạo lập tức làm theo như vậy. Tuy nhiên, vài năm sau hai cậu con trai đáng yêu của anh ta đều qua đời.
Trong lòng cảm thấy ông Trời thật không công bằng, anh nói: “Lúc anh tạo ác nghiệp thì mọi việc đều tốt. Hiện tại ta bắt đầu tu thiện thì hai cậu con trai đáng yêu liền chết yểu. Trên đời này thực sự có tồn tại nhân quả sao?” Lòng tin vào nhân quả của anh ta bắt đầu dao động.
Một đêm nọ, khi anh hàng gạo đang ngủ, bỗng có một vị Thần tới báo mộng và nói với anh: “Ngày xưa nhà ngươi tạo ác nghiệp, Thượng Thiên phái hai người con trai trước đây đến để tàn phá gia sản của ngươi. Hiện tại nhà ngươi đã tu thiện rồi nên Thượng Thiên đem hai đứa trẻ này về. Nếu ngươi vẫn tiếp tục hành thiện, Thượng Thiên sẽ ban tặng hai cậu con trai khác, hai người con sau này mới thực sự là người hiếu thuận nhân hậu”.
Tỉnh dậy, anh hàng gạo nhất tâm hướng thiện, ra sức làm nhiều việc tốt. Về sau, vợ chồng anh thật sự đã sinh được hai người con trai, khi lớn lên, chúng đều công thành danh toại, hiếu đễ ngoan hiền.
San San.