Phùng Sinh tính tình trượng nghĩa, khí chất hào hiệp, khi thấy dân làng lâm nạn, chàng đã bán cả gia sản của mình để cứu dân, được tiên nhân tương trợ.
Vào thời phong kiến, có một người tên là Phùng Sinh, tự Thiếu Văn, ở Hội Kê (nay là thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang), tính tình trượng nghĩa, khí chất hào hiệp. Một lần khi chàng có việc lên Bắc Kinh, tình cờ đi ngang qua chợ, nhìn thấy một bà lão đang dẫn theo một thiếu nữ lẫn vào trong đám đông, khóc lóc bi ai, bên cạnh là một gã thanh niên với khuôn mặt dữ tợn, giục giã thiếu nữ lên xe, đám đông người xem chật kín, ai cũng nói: “Tội nghiệp!”
Phùng Thiếu Văn bước tới hỏi thăm, mới biết cha của cô nương này nguyên là một vị huyện lệnh, vì làm thâm hụt quốc khố mà bị cách chức điều tra. Cấp trên tịch thu toàn bộ gia sản của họ nhưng vẫn chưa đủ, nên ra lệnh bồi thường. Cha của cô nương không còn tiền dư, ông tâm tình vừa lo lắng vừa u sầu, không lâu sau qua đời. Như nay bà lão muốn bán con gái để mai táng cha, hai mẹ con họ đành phải phân ly, vì vậy mà khóc lóc thảm thiết.
Phùng Thiếu Văn nghe vậy, vô cùng thương cảm cho hoàn cảnh của họ, lập tức lấy ra một trăm lượng bạc làm quà tặng bà lão, yêu cầu bà trả lại số tiền bán con cho gã thanh niên hung dữ. Không ngờ gã thanh niên kia lại xua tay nói: “Đã thỏa thuận rồi, không thể thay đổi được!” Phùng Thiếu Văn khéo léo thuyết phục anh ta: “Bà ấy phải bán cô con gái yêu quý của mình kỳ thực là vì không còn cách nào khác, chỉ vì chồng bà ấy đã chết, không có tiền để làm tang sự. Bây giờ bà ấy đã trả lại tiền cho anh, anh nên cảm thấy có chút tội nghiệp cho họ mới phải.”
Nhưng gã thanh niên kia đã không nghe thì thôi, quay lại cao giọng quát: “Mày là ai? Sao dám xen vào việc của người khác! Nếu nhất định muốn chấm dứt chuyện này, không trả lại cho tao một ngàn lượng bạc thì không được!” Phùng Thiếu Văn tức giận khi thấy anh ta quá phi lý, nói nữa chỉ phí lời. Chàng bước tới nắm lấy đuôi tóc của anh ta. Gã thanh niên rất tức giận, hai người túm lấy nhau đánh lộn.
Sức mạnh của nam thanh niên thật hơn người, Phùng Thiếu Văn dường như có chút không trụ nổi. Lúc này, người đến xem càng ngày càng nhiều, đột nhiên có một thiếu niên từ trong đám người lao ra, dung mạo lung linh như ngọc, tóc búi đôi, túm lấy cổ nam thanh niên, mắng: “Thế giới thanh bình, đất trời rực rỡ, sao ngươi dám cưỡng ép mua bán con gái nhà lành, lẽ nào ngươi không sợ vương pháp sao?”
Nam thanh niên đau không chịu nổi, đành phải tình nguyện giao khế ước, không mua thiếu nữ. Thấy cậu thiếu niên nhỏ tuổi, hơn chục đồng bọn của nam thanh niên kia lần lượt lao tới, cậu chỉ nhẹ nhàng vẩy tay một cái, hơn chục thanh niên đổ rạp xuống như mạ non, nằm thẳng cẳng trên mặt đất. Họ không phải là đối thủ của cậu thiếu niên, đã bị đánh bại.
Sau đó, cậu thiếu niên yêu cầu gã thanh niên cầm lấy tiền và giao lại khế ước, hai bên thỏa thuận xong. Gã thanh niên và đám đồng bọn nhanh chóng lủi mất. Lúc đầu, những người xem đều sửng sốt không dám lên tiếng, sau khi gã thanh niên rời đi, có người nói rằng gã kia là con trai của một vị tướng quân nào đó, sau khi bị bẽ mặt như vậy, nhất định muốn báo thù.
Sau khi bà lão và cô nương rời đi, cậu thiếu niên nói với Phùng Thiếu Văn: “Sự hào hiệp trượng nghĩa của bác thực sự là thiên cổ hiếm thấy, nhưng nếu bác tiếp tục sống ở đây, tôi e rằng sẽ khó tránh tai họa. Tốt hơn là nên nhanh nhanh quay về.” Phùng Thiếu Văn nghe xong lời này, qua đêm thu dọn hành lý, chuẩn bị trở về Hội Kê.
Buổi tối ngày hôm sau, chàng đã sắp đến Tam Gia Bảo, cách kinh thành hơn trăm dặm. Có vài tên cướp thấy hành lý của Phùng Thiệu Văn rất nặng, nên định tập trung tại Tam Gia Bảo chờ khi chàng đi ngang qua để cướp bóc. Phùng Thiếu Văn giật mình khi nhìn thấy một vài kẻ khả nghi đang cứ đi tới đi lui ở đó không rời, chàng phi nước đại và cố gắng lao qua, không ngờ, con ngựa của chàng bất ngờ vấp ngã, hất chàng té ngã xuống đất.
Khi chàng lên ngựa và chuẩn bị giơ roi thúc ngựa, thì đã có vài tên cướp đuổi kịp chàng. Phùng Thiếu Văn càng hoảng sợ hơn, ngay lúc đó, một mỹ nữ cưỡi kỳ lân bất ngờ bay đến. Bọn cướp không hề sợ hãi mà bao vây nàng.
Lúc này, chỉ thấy một tia sáng trắng phóng ra từ mũi mỹ nhân, như một dải lụa trắng quét ra, chặt đầu một tên cầm đầu, những kẻ còn lại sợ hãi bỏ chạy. Tia sáng trắng theo sát chúng, rất lâu sau mới thu hồi lại. Chỉ nghe mỹ nữ tự nhủ: “Lũ tiểu tặc này, tuy rằng không chết ngay lập tức, nhưng tứ chi sẽ không thể dùng được nữa.”
Phùng Thiếu Văn trấn tĩnh lại, bước tới cúi đầu hỏi. Mỹ nhân nói: “Bác còn nhận ra tôi không?” Phùng Thiếu Văn nhìn kỹ hơn, phát hiện đó chính là cậu thiếu niên có khuôn mặt xinh đẹp và búi tóc đôi ngày hôm qua. Phùng Thiếu Văn không ngừng hỏi nàng: “Tại sao nàng lại đến đây để cứu tôi, tại sao nàng lại có kiếm thuật thần kỳ như vậy?”
Mỹ nhân nói: “Nói thật với bác, tôi là kiếm tiên Trương Thanh Nô. Ban đầu tôi học tập kiếm thuật từ diệu thủ Không Không Nhi. Sau này, khi nhìn thấy ngọc diện lang quân tướng mạo rất đẹp, tôi đã vô thức động ái tình của nhân gian. Sư phụ tức giận trách phạt tôi đến trần thế lập ba mươi vạn công đức, như nay con số này đã gần đầy. Hôm qua thấy bác vô cùng nghĩa khí, nên đến cứu bác. Sau này bác có việc gì cần thì cứ hướng về Tây Bắc gọi ba tiếng ‘Thanh Nô’, tôi sẽ lập tức chạy tới. Giờ tôi đi đây!” Lời nói vừa dứt, mỹ nhân trong nháy mắt đã biến mất không tung tích, bốn phía yên tĩnh. Phùng Thiếu Văn sửng sốt, phải rất lâu sau chàng mới nhớ ra cần tìm đường về quê hương.
Chàng trở về Hội Kê đúng vào mùa thu hạn hán, đồng ruộng không có thu hoạch, nạn đói bùng phát khắp nơi ở thành thị và nông thôn. Phùng Thiếu Văn đề nghị các hộ gia đình giàu có mở kho cứu trợ các nạn nhân. Trong thành có một thổ hào rất giàu có nhưng lại rất keo kiệt, không chịu chi một giạ thóc nào. Khi Phùng Thiếu Văn phát hiện ra, chàng giận dữ nói: “Kẻ thủ tài kia, đưa thì đưa, không đưa thì lẽ nào có thể phá hoại đại sự của ông nội ngươi ư!” Thế là chàng bán hết tài sản và quyên góp toàn bộ số tiền của mình cho cứu trợ thiên tai. Chàng tận tâm toàn lực, nhưng số tiền cứu trợ mới được quá nửa, chàng lại bán cả di sản của tổ tông lưu lại, cũng không đủ, vẫn có rất nhiều nạn dân đang rên rỉ vì đói.
Phùng Thiếu Văn tính toán, chỉ có quyên góp được thêm năm nghìn lượng bạc thì nạn dân mới có thể sống sót qua nạn đói, tuy nhiên tài sản của gia đình đã bán hết và số tiền kia quá lớn, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, thực sự không còn cách nào khác. Lúc này, chàng đột nhiên nghĩ đến kiếm tiên Trương Thanh Nô, liền hét lên “Thanh Nô” ba lần về phía Tây Bắc. Vừa dứt lời, trong phòng lóe lên một luồng ánh sáng đỏ, Trương Thanh Nô đầu quấn vải gấm, trang phục sặc sỡ, bay từ sân vào phòng.
Phùng Thiếu Văn nhìn thấy vui mừng đến mức không khỏi quỳ xuống đất, kể cho nàng nghe những khó khăn của mình và cầu xin giúp đỡ. Thanh Nô hỏi: “Tại sao chúng ta không lấy quyên góp từ những gia đình giàu có?” Phùng Thiếu Văn nói: “Hầu hết các gia đình giàu có đã quyên góp. Chỉ có một thổ hào trong thành cản trở, không quyên góp một xu, vì vậy nhiều nhà giàu trong thành đều làm theo hắn, nên vẫn thiếu năm nghìn lạng bạc.” Thanh Nô nghe vậy tức giận nói: “Hắn thật ghê tởm, tôi sẽ đi lấy cho bác!” Sau đó nảng nhảy lên và biến mất.
Một lúc sau, Phùng Thiếu Văn nghe thấy âm thanh như ném tiền nhiều lần trong sân, tiếng động rất lớn. Chàng đốt đuốc và soi đèn thì thấy Thanh Nô đã trở lại. Nhìn thấy Phùng Thiếu Văn từ trong nhà đi ra, nàng cười nói: “Thật không phụ lòng bác, tôi đã lấy được năm sáu ngàn lượng, đủ cho bác phân phát. Tên thổ hào đầu tiên không chịu đưa tiền, tôi dùng phi kiếm cắt xoẹt toàn bộ tóc của hắn, nói với hắn: Nếu ngươi keo kiệt chút nữa thôi, ta lập tức khiến ngươi thành tướng mất đầu! Hắn sợ quá, mới để tôi tùy ý lấy dùng.”
Phùng Thiếu Văn nói: “Tại sao nàng không dùng kế làm to chuyện lên khiến thanh thế vang xa?” Thanh Nô đáp: “Anh hùng hành thế, có thể làm chuyện mà bản thân không biết rõ sao? Tôi cho hắn biết, chẳng phải chính là trừng trị một người, cảnh cáo trăm người sao!” Nghe xong lời này, Phùng Thiếu Văn từ đáy lòng thán phục, vội vàng quỳ xuống tạ ơn. Khi chàng nhìn lên, người đã biến mất tung ảnh.
Hương Thảo.