Phúc phận một người từ đâu mà có?

Phúc phận một người từ đâu mà có?

Trước đây, có một vị tài chủ, được mọi người gọi là viên ngoại, đã mời một thầy phong thủy đến xem mảnh đất có phong thủy tốt để chôn cất bản thân sau này. Sau khi vị thầy phong thủy đến nhà, lão viên ngoại có việc, không thể cùng với người thầy phong thủy đi xem đất được, liền bảo đứa cháu nhỏ của mình đi cùng...

Thầy phong thủy cùng đứa cháu của lão viên ngoại đi đến một mảnh đất, bỗng đứa cháu này kéo lấy tay của thầy phong thủy núp ở một bên. Thầy phong thủy không hiểu ý cậu. Một lúc sau, hai người đứng dậy, đứa cháu này giải thích rằng: “Tại con khi nãy nhìn thấy mấy đứa trẻ trong làng đang ngắt lúa mì ở đất nhà con, gia cảnh của họ đều rất đáng thương, con sợ nhìn thấy đều bỏ chạy hết, nên bèn nấp sang một bên, bây giờ họ đều đã đi xa cả rồi“. Người thầy phong thủy nghe xong, nắm lấy tay của đứa cháu nhỏ trở về, vừa đi vừa nói: “Có được đứa cháu như vậy, sau khi trăm tuổi dù có chôn ở đâu cũng đều là mồ mả tốt cả“.

Mảnh đất an táng mười mẫu chẳng bằng được một khoảnh thiện tâm. Con người có thiện tâm lớn bao nhiêu, thì có thể làm được việc thiện lớn bấy nhiêu, cũng như có thể tích được phúc đức lớn bấy nhiêu, từ đó mới có thể có được phúc báo tương ứng.

Phúc phận của con người không phải cứ phấn đấu là được, cũng không phải là bôn ba vất vả có được, mà là hành thiện tích đức tích lại được. Phấn đấu và bôn ba là hình thức bề mặt để phù hợp với quy luật của thế giới vật chất, bởi bánh nướng sẽ không tự dưng từ trời rơi xuống, con người cần phải thông qua phương thức chính đáng để có được. Còn như thông qua những phương thức không chính đáng thì sẽ không có được những thứ thuộc về mình; nếu làm chuyện xấu, thì sẽ tổn đức tạo nghiệp, đến một lúc nào đó sẽ gặp phải báo ứng.

Còn có một câu chuyện như vậy: Diêu Văn Điền đời nhà Thanh, người Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang. Ngày đầu năm niên hiệu Gia Khánh, một người cùng làng với ông trong mơ thấy mình đi đến phủ nha, nghe thấy có tiếng hô lớn: “Bảng danh sách trạng nguyên đã có rồi!”. Lúc này cửa son mở ra, hai vị quan người mặc y phục màu đỏ tay cầm cờ vàng đi ra, phần đuôi của lá cờ mỗi bên đều có 4 chữ là: Nhân tâm dị muội, thiên lý nan khi” (Tạm hiểu là: Dối mình dối người, không dối được Trời). Người này sau khi tỉnh dậy, không hiểu đó nghĩa là gì.

Không lâu sau, Diêu Văn Điền thi đỗ trạng nguyên, có người đem giấc mộng này kể lại với ông. Diêu Văn Điền im lặng hồi lâu, bỗng nhiên giật mình nói rằng: “Đây là câu nói của ông cố đã mất của tôi! Năm đó, ông cố tôi nhậm chức đề hình vùng Hoản Giang (An Huy, Trung Quốc), trong nhà ngục có hai người bị người ta vu oan mà bị định tội chết, ông cố tra rõ chuyện này thấy không có bằng chứng, chuẩn bị thả hai người này ra, lúc này kẻ vu cáo đã gửi cho ông hai nghìn lượng bạc, xin ông phán hai người kia tử hình. Ông cố nói: ‘Dù có dối người dối mình, cũng không dối gạt được ông Trời. Nếu tôi lấy số tiền này mà giết oan kẻ vô tội, thiên lý ắt sẽ không dung!’, dứt khoát từ chối không nhận số tiền, sau cùng đã thả hai người vô tội bị vu oan kia ra. Chữ được viết ở phần đuôi lá cờ, lẽ nào lại là chuyện này?”.

Diêu Văn Điền sau khi thi đậu trạng nguyên đã nhậm chức Tu soạn viện hàn lâm, Tả đô ngự sử, Lễ bộ thượng thư, ông tự đề chữ câu đối trong thư phòng, viết rằng: Thế thượng kỷ bách niên cựu gia, vô phi tích đức; thiên hạ đệ nhất kiện hảo sự, hoàn thị độc thư. Tạm dịch: “Nhà cũ trên đời mấy trăm năm, chẳng ngoài tích đức; một chuyện tốt nhất trong thiên hạ, vẫn là đọc sách”. Hai chữ “cựu gia” (nhà cũ) ở đây là chỉ thế gia (nhà làm quan), nhà làm quan học hành cũng được người đời gọi là “dòng dõi thư hương”, “không tham lam phung phí, có phẩm hạnh trong sạch”. Diêu Văn Điền thường đảm nhiệm quan chủ khảo thi cử, và mỗi lần ông đều treo một câu đối bắt mắt như vậy trước cửa lớn trường thi: “Gian lận trường thi đều có hình phạt, nhắc nhở thí sinh chớ có sa lưới pháp luật; thời khắc then chốt đời người không thông một chữ, khuyến cáo thí sinh chớ nghe lời thừa”. Có thể thấy được đây là một vị quan thanh liêm, một người ngay chính.

“Thân ở phủ nha dễ tu hành”, ông cố của Diêu Văn Điền, đứng trước cám dỗ của đồng tiền kiên quyết không lay động, không muốn giết oan người khác, kết quả tổ tiên tích đức, phúc báo đến con cháu đời sau.

Làm chuyện không dối lòng, lòng dạ ngay thẳng, tâm địa thuần chính, sao mà không có phúc phận và phúc báo được đây?

Tiểu Thiện.

Tin bài liên quan