Trên nền rễ trắng và màu lá biếc xanh, những cánh hoa thủy tiên tinh khiết tỏa ra hương thơm nhẹ nhàng tràn đầy khí chất thanh cao, khiến ai nấy không khỏi thốt lên: Thủy tiên là nàng Tiên trong nước, là nàng Tiên của các loài hoa.
Trong lịch sử từ xa xưa, các văn nhân thi sỹ đã tỏ lòng ái mộ thủy tiên và thường ngâm vịnh ca ngợi. Có người nói thủy tiên là mỹ nhân đang múa trong nước, là nàng tiên đạp sóng xanh độc bộ trên mặt hồ. Cũng có người hình dung thủy tiên như ánh sáng chiếu rọi mặt nước hồ trên núi, như con sóng xuân trên đám mây xanh. Bất kể là ở trên non cao hay trong hồ nước, hình bóng hoa thủy tiên băng tâm ngọc cốt không mảy may bụi trần đã gột rửa sạch tâm phàm của những người thưởng hoa.
Hoa thủy tiên nở trước giao thừa được coi là loài hoa trang trí cát tường trong dịp Tết, giúp tẩy sạch bụi trần, tống cựu nghênh tân. Trên chiếc bàn phòng khách bày một chiếc bồn nông hoặc một chiếc bình cổ, trong có mấy giò thủy tiên băng cơ ngọc cốt là đã đủ thắp lên không khí thanh nhã của căn phòng. Quả là không gian dễ chịu trong ngôi nhà ấm cúng. Nếu đưa hoa vào trong tranh thì sẽ lưu giữ mãi hương thơm thanh khiết và dáng vẻ yêu kiều, lưu truyền lại cho hậu thế mai sau.
Thủy tiên cùng với những loài hoa nở trong giá lạnh nghênh đón nắng xuân như hoa mai, hoa đào, hoa trà… thường được các họa sỹ ưu ái họa trong tranh. Những loài hoa đầu tiên báo xuân sang này đều có phẩm chất đặc trưng là không sợ giá lạnh, tinh thần ngạo nghễ tuyết sương, trải qua hàng trăm nghìn năm vẫn cổ vũ khích lệ biết bao nhiêu thế hệ, do đó trở thành nét họa ý thơ mỗi dịp xuân về, để chúng ta thưởng thức cảnh đẹp mùa xuân, nuôi dưỡng hứng thú tao nhã.
Từng chiếc rễ trắng phau, Mọc ra chùm lá biếc. Đàn cầm gảy một khúc, Hoa trắng nhắn nhủ người.
Bồng Lai khi cáo biệt, Nhà lan vẫn thân tình. Ai biết hương hoa ngát Chẳng phải Thần nước sông.
Đây là bài thơ “Hoa thủy tiên” của Trần Tử Thăng cuối đời Minh đầu đời Thanh, miêu tả từng đóa thủy tiên trổ ra từ khóm rễ trắng muốt bên dưới lá biếc xanh, những cánh hoa tinh khiết long lanh hạt sương như ngọc tỏa ra hương thơm nhẹ nhàng, tràn đầy khí chất tinh khiết thanh cao.
Trong thơ có câu “Bồng Lai khi cáo biệt” chính là điển cố cầm khúc “Thủy tiên tháo” của Bá Nha, cũng ngụ ý thủy tiên là nàng Tiên trong nước, là nàng Tiên của các loài hoa.
Tương truyền khúc “Thủy tiên tháo” là danh khúc do Bá Nha sáng tác, và cũng nhờ khúc nhạc này mà Bá Nha trở thành “diệu thủ cổ cầm” thời Xuân Thu. Hễ nói đến cổ cầm là người ta liền nghĩ tới Bá Nha, nhớ tới tình bạn tri âm tri kỷ giữa Bá Nha và Chung Tử Kỳ. Nhưng còn một điển tích khác gắn liền Bá Nha với hoa thủy tiên thì rất nhiều người có lẽ chưa biết tới.
Trong “Nhạc phủ cổ đề yếu giải” của Ngô Cánh đời Đường có ghi chép câu chuyện về “Thủy tiên tháo” rằng: Bá Nha học đàn với tiên sinh Thành Liên, sau 3 năm có thành tựu cao, nhưng vẫn chưa đạt đến tinh túy của nghệ thuật cổ cầm: “Tinh thần tĩnh mịch, tình chí chuyên nhất”. Tiên sinh Thành Liên nói với ông rằng: “Ta có sư phụ cao siêu là Phương Tử Xuân ở Đông Hải, con có thể đi thỉnh giáo”.
Thế là Bá Nha theo tiên sinh Thành Liên đến đảo Bồng Lai ở Đông Hải. Khi họ đến nơi, đưa mắt nhìn xa, rồi nhìn xung quanh đều không thấy một bóng người. Tiên sinh Thành Liên nói ông sẽ đi đón sư phụ đến đây, bảo Bá Nha một mình ở lại đó. Nói rồi, tiên sinh lên thuyền ra khơi. Chiếc thuyền nhỏ xa dần xa dần rồi biến mất trong biển cả mênh mông. Mười ngày qua đi mà vẫn chưa thấy tiên sinh Thành Liên trở lại, Bá Nha cô đơn tịch mịch một mình trơ trọi ngóng trông, mãi vẫn không thấy bóng người đâu, bất giác trong lòng dâng lên nỗi sầu bi.
Bá Nha chốc chốc lại vươn cổ ra ngóng trông bốn bề, chỉ nghe thấy tiếng sóng vỗ bờ giữa biển nước mênh mông. Tiếng sóng lúc ì oạp, lúc lặng thinh, lúc thì gầm thét như hổ, lúc thì tĩnh lặng như tờ. Rừng núi sâu thẳm chốc chốc lại vọng đến tiếng chim chóc bi thương. Trời đất chính là người thầy tốt nhất. Bá Nha ngửa mặt cảm thán, cuối cùng đã ngộ ra: “Sự phụ để ta ở lại đây một mình là để ta thể ngộ ra đạo cổ cầm tình chí chuyên nhất”.
Bá Nha cuối cùng đã hiểu được thế nào là ‘gửi tình’, giữa núi rừng biển cả mênh mông, Bá Nha dường như biến thành ‘Tiên nhân trong nước’. Tĩnh mịch đứng sừng sững giữa đất trời, ông đã thể ngộ được cảnh giới mới: Tâm và Tình hợp nhất. Thế là ông sáng tác một cầm khúc mới là “Thủy tiên tháo”. Khi khúc nhạc vừa tấu hết thì tiên sinh Thành Liên cũng chèo thuyền trở về. Khúc “Thủy tiên tháo” đã triển hiện cảnh giới gửi tình của Bá Nha, cuối cùng ông đã trở thành diệu thủ cổ cầm trong thiên hạ.
Trong thiên ‘Giang thủy’ của sách “Thủy kinh chú” có ghi chép câu chuyện Tiên nhân cứu hiếu tử.
Doãn Bá Kỳ là hiếu tử thời Chu Tuyên Vương, là con trai của Doãn Cát Phủ – quan thượng khanh triều Chu. Mẹ Bá Kỳ mất, cha ông lấy mẹ kế. Em trai do mẹ kế sinh thường sàm ngôn vu cáo hãm hại Bá Kỳ, nói rằng ông có tình cảm mờ ám với mẹ kế. Doãn Cát Phủ không tin. Mẹ kế vì ích kỷ bênh vực con riêng nên cố ý sắp đặt hãm hại Bá Kỳ. Bà ta nói với Doãn Cát Phủ rằng, hãy thử liền biết ngay, cứ để bà với Bá Kỳ ở cùng nhau trong một căn nhà trống, để Doãn Cát Phủ từ nhà lầu đối diện quan sát.
Mẹ kế biết Bá Kỳ rất nhân hậu, bèn chuẩn bị trước lấy ong độc đính vào cổ áo mình. Bá Kỳ nhìn thấy ong độc vội vàng giúp mẹ kế bắt lấy. Người cha vốn không rõ sự tình, từ trên lầu nhìn xuống đã bị cảnh giả đánh lừa, nên đã nổi giận lôi đình đuổi Bá Kỳ ra khỏi nhà.
Bá Kỳ chịu oan khuất nên vô cùng đau buồn, ông lang thang đến cánh đồng rồi trầm mình xuống sông, cả người bị rong rêu quấn chặt, hôn mê bất tỉnh. Bỗng nhiên ông mộng mấy một Tiên nhân bước lên từ dưới nước và ban cho ông thứ tiên dược cứu mạng. Sau khi được cứu, Bá Kỳ vẫn một lòng nhớ thương cha, vì không nén nổi đau buồn nên đã cất tiếng hát, bày tỏ lòng hiếu thảo của mình. Những người đi thuyền qua lại trên sông nghe tiếng hát của ông đã vô cùng cảm động, cũng học hát theo. Khúc hát trên sông này lan truyền khắp nơi khiến Doãn Cát Phủ chú ý, cảm thấy đây là con trai Bá Kỳ của mình hát. Ông hiểu ra con trai chưa chết, bèn sáng tác khúc đàn “Tử an chi tháo”.
Cũng có thuyết cho rằng Bá Kỳ gửi tấm lòng hiếu thảo của mình vào khúc đàn, đã sáng tác khúc “Lý sương tháo”. Chu Tuyên Vương trên đường đi nghe được khúc đàn này, cảm động nói: “Đây là lời của một người con hiếu thảo”. Cuối cùng khúc nhạc đã khiến cha con nhà họ Doãn đoàn tụ với nhau.
Bá Nha nhờ gửi tình vào ‘Tiên nhân trong nước’ mà trở thành diệu thủ cổ cầm, thanh danh cao thượng và âm thanh cao khiết được lưu truyền đến nay. Còn Bá Kỳ nhờ lòng hiếu thảo đã làm cảm động trời đất, làm cảm động đến Tiên nhân trong nước (Thủy Tiên), hiếu hạnh của ông lưu truyền trong dân gian.
Những âm thanh thanh khiết trong khúc nhạc của Bá Nha, Bá Kỳ đều truyền đạt tình cảm tiết tháo thanh cao hòa đồng cùng trời đất.
Lời kết
Thủy tiên quả xứng danh nàng Tiên của các loài hoa. Mỗi đóa thủy tiên tinh khiết thanh cao đều ôm ấp một cái tâm nhân từ – nhụy hoa tròn trịa, biểu đạt hàm ý khiêm ái vô tư, khiến người xưa nảy sinh tác dụng gửi tình cho thủy tiên – nàng Tiên trong các loài hoa, nàng Tiên trong nước, đồng thời đã lưu lại biết bao câu chuyện đẹp diệu kỳ, nảy sinh những liên tưởng bất tận, tịnh hóa bụi bặm chốn phàm trần.
Thưởng thức hoa thủy tiên có thể khiến con người gửi gắm tình cảm, khiến con người gột rửa tâm phàm. Trong những ngày năm mới Tết đến xuân về, sắm một bình hoa thủy tiên, để căn phòng thanh khiết, để gia đình hòa ái, để dễ chịu một đời.
Triêu Lộ.