Sử sách còn kể lại rằng: vào thời điểm Thái tử Tất-đạt-đa đi tìm đạo thì khi ấy Bà-la-môn vẫn là tôn giáo chính thống nhưng không còn theo nổi nền tảng của một chính đạo. Quả vậy, theo sách “Đường Xưa Mây Trắng” (ĐXMT) [1] của nhà sư Thích Nhất Hạnh, vào lúc đó “quyền uy tinh thần lâu nay đang nằm trong tay của giai cấp Bà la môn. (…) Dân chúng cũng bị các thầy Bà la môn lợi dụng và bóc lột quá mức. Trong tất cả các dịp quan, hôn, tang, tế, người dân đều phải chu cấp thực phẩm tiền bạc và công sức của mình cho ông thầy cúng, dù nghèo khó đến mấy cũng thế”.
Trong truyền thống và tập tục xã hội thời bấy giờ, việc tu luyện hoặc tiếp xúc với giới tu luyện là đặc quyền đặc lợi của những người thuộc tầng lớp cao qúy giàu sang. Những đệ tử đầu tiên của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuở ấy hầu hết đều là các vương tử, thương gia tài giỏi bậc nhất, hoặc giả là những vị đã tu luyện danh tiếng lâu năm, là những người từ lâu đã có điều kiện tiếp xúc với những giáo lý dành cho tu luyện, dẫu rằng pháp môn Bà-la-môn không còn phù hợp để độ người của thời kỳ đó nữa.
Tuy nhiên, trong tăng đoàn đầu tiên của Đức Thích Ca còn có cả trẻ chăn trâu (Svastika), thợ cắt tóc (Ưu-ba-ly). Thậm chí Ngài còn khiến xã hội thời bấy giờ chấn động bằng cách độ một người làm nghề hót phân tên là Tu-ni-đà (Sunita).
Sách ĐXMT thuật lại rằng, khi Đức Thích Ca cùng đệ tử đang đi khất thực, Ngài gặp một người gánh phân tên là Sunita (Tu-ni-đà) đang đi theo chiều ngược lại. Vốn đã nghe danh tiếng của giáo đoàn khất sĩ, Sunita nghĩ: “Giáo đoàn này gồm toàn các giới quý phái và làm ô uế giáo đoàn là một tội rất lớn không thể nào tha thứ được”. Vì thế, “Sunita vội vã tránh đường và tìm lối đi xuống bờ sông”. “Thấy Sunita tìm lối đi xuống bờ sông, người [Đức Thích Ca] cũng tìm lối đi xuống bờ sông để đón đường chàng”. Đức Phật “quyết tâm độ người gánh phân này”. Hơn thế nữa, Ngài còn tự tay mình cùng với đại đệ tử là Xá-lợi-phất “tự tay tắm rửa”, “làm lễ xuất gia cho Sunita ngay trên bờ sông”.
“Tất cả những gì xảy ra bên bờ sông hôm ấy dân chúng địa phương đều đã được chứng kiến. Tin Đức Phật thâu nhận Sunita – một người làm nghề hót phân, một người thuộc giai cấp hạ tiện vào trong giáo đoàn khất sĩ bắt đầu được loan truyền trong các giới ở thủ đô, nhất là giới tôn giáo, và đã gây xúc động lớn. Chưa bao giờ ở vương quốc Kosala này mà một người trong giới ngoại cấp như Sunita lại được đón nhận và đưa vào hàng ngũ của những nhà lãnh đạo tinh thần”.
Trước sự màu nhiệm của Phật Pháp, không chỉ không còn giai cấp, mà dù quá khứ một con người có bất hảo đến đâu, nếu thật tâm sám hối muốn quay lại con đường chính thì đều sẽ được cứu độ trong Phật Pháp.
Một câu chuyện khác còn được thuật lại trong “ĐXMT” là về việc Đức Thích Ca độ một tướng cướp khét tiếng về sự tàn ác tên là Angulimala.
ĐXMT viết, đó là một tên cướp “đã hạ sát rất nhiều người ở nhiều thành phố, và sau khi hạ sát, hắn lại còn chặt ngón tay của người ta để xâu thành một tràng chuỗi và đeo nó vào cổ”. “Tên sát nhân này ghê gớm lắm. Võ nghệ của hắn rất cao cường”. “Khi nghe tin nó xuất hiện trong thành phố, dân chúng đều kinh hoàng. Không ai buôn bán làm ăn gì được”.
Khi được Đức Thích Ca cứu độ, với lời bảo đảm rằng “sẽ bảo vệ cho anh, nếu anh phát nguyện cải tà quy chánh và từ nay siêng năng học đạo, sám hối lỗi lầm và bắt đầu làm những công việc phục vụ cho người”. “Angulimala quỳ xuống trước mặt Đức Phật. Anh đưa tay cởi lưỡi dao to bản đeo bên lưng, nâng nó lên trên hai tay rồi đặt nó xuống đất, rồi Angulimala sụp lạy sát đất dưới chân Đức Phật, ôm mặt mà khóc nức nở”.
Vẫn theo ĐXMT, sau khi xuất gia, Angulimala được Đức Thích Ca đổi tên thành Ahimsaka. Một hôm, đại đức Ahimsaka “đi khất thực ở thành phố, đại đức bị một nhóm người nhận ra đại đức chính là Angulimala ngày xưa. Họ đã đến vây quanh và tấn công đại đức. Đại đức chắp hai tay thành búp sen, tuyệt đối không chống trả, để cho họ tha hồ đánh đập, nhóm người ấy đã đánh đại đức trẹo cả chân và hộc cả máu mồm máu mũi”.
Chịu khổ mà trả nghiệp, tu tập tinh tấn, Ahimsaka là “một tấm gương toàn vẹn của tinh thần bất bạo động”. Một hôm trên đường khất thực, Ông gặp một thiếu phụ nghèo đang lâm bồn nhưng không sinh nở được, tình huống vô cùng ngặt nghèo. Tâm từ bi dấy lên mạnh mẽ, xúc động khôn cùng, nghe theo lời Đức Thích Ca, ông đứng trước người thiếu phụ mà phát nguyện rằng “từ ngày tôi được sinh ra trong giáo pháp giác ngộ, tôi chưa bao giờ cố ý phạm đến sinh mạng của loài nào. Nguyện rằng nhờ sự thực ấy mà cô sinh cháu được bình an”. Quả nhiên, “chỉ một vài phút sau đó, thiếu phụ sinh được em bé bình an”.
Xưa nay thân người khó đắc lắm thay. Cũng bởi ‘thân người khó được’ bọn tà ma ác quỉ, ví như loài hồ ly tinh cũng thèm khát chiếm hữu để thu lấy linh khí của người.
Trong “Phong Thần Diễn Nghĩa”, Hồ Ly Tinh chiếm lấy thân thể Đát Kỷ, mê hoặc Trụ Vương tìm trăm ngàn kế kéo bầy kéo đàn yêu quái vào cung để ngày đêm hút lấy linh khí người thường. Truyện mà Hứa Trọng Lâm kể ra nghe chừng như giữa ban ngày. Nhưng yêu quái dẫu thành tinh ghê gớm đến mấy cũng nào có dễ chi lộng hành đến thế. Mà là phải gặp một biến động đặc biệt lớn của đất trời, phải là một sự kiện hi hữu vài ngàn năm mới có một lần trong những vận động của vũ trụ. Một sự kiện vô tiền khoáng hậu kiểu như trong suốt khoảng 600 năm thịnh trị của triều Ân Thương bỗng đâu lại xuất hiện một nhân vật Trụ Vương vô đạo tham dâm hiếu sắc, vô lễ với cả tượng Thần Nữ Oa. Và trùng hợp thế nào, lại phù hợp với những biến chuyển ở tầng cao của những công phái tu Đạo thời bấy giờ mà xuất hiện “Phong Thần Bảng”, từ đó lập lại trật tự từ ở trên là cõi Trời cho đến phía dưới – dương gian.
Sinh mệnh con người không chỉ khiến những kẻ ác như hồ ly thèm muốn, mà còn được những bậc Thần Tiên vô cùng trân quý. Quả vậy, theo ĐXMT thuật lại, khi Đức Thích Ca chuyển sinh ở cõi người thường, có một vị ẩn sỹ Bà-la-môn tên là Asita Kaladevala đã đích thân hạ sơn đến chúc mừng đức vua Suddhodana. “Ông nhìn thái tử một hồi mà không nói năng gì. Bỗng nhiên ông nấc lên khóc. Thân hình ông rung rung trên chiếc gậy”. Khi được hỏi, ông tiên đoán thái tử Tất-đạt-đa sẽ trở thành một vị Thánh nhân vĩ đại lấy “trời đất làm quê hương, lấy muôn loài làm thân tộc”. Và ông cho biết “tôi khóc là vì tôi sẽ chết trong nay mai, và chẳng có diễm phúc được nghe tiếng nói chân thốt ra từ miệng người [Đức Thích Ca]”.
Asita Kaladevala khi đó đã rất cao tuổi, thọ mệnh nơi nhân thế không còn được bao nhiêu. Ông một vị đạo sĩ Bà-la-môn đạo hạnh cao thâm, danh tiếng lớn đến mức đích thân vua Suddhodana phải thân chinh đón tiếp. Cảnh giới của vị đạo sĩ này khi đó đã là rất cao, đến mức không thể tưởng tượng: Theo như đại đức Narada Thera trong cuốn sách “Đức Phật và Phật Pháp” [2] của ông, thì Asita Kaladevala khi đó đã chứng đạt tới tầng Vô Sắc (Arupaloka) nơi mà ông sẽ chuyển sinh đến sau khi qua đời.
Theo đại đức Narada Thera, cảnh giới thiền Vô Sắc là tầng Trời hết sức cao, sinh mệnh được chuyển sinh nơi đó có thọ mệnh hết sức lâu dài, ít nhất cũng là 20 vạn Đại A-tăng-kỳ (Maha Kappa). Mà một Đại A-tăng-kỳ là hằng bao nhiêu năm, người thường khó mà tưởng tượng được [3]. Đã đến cảnh giới cao ngần ấy, vì sao Asita Kaladevala lại khóc, nếu không phải là vì nếu vẫn còn nuôi dưỡng hy vọng gặp được Chân Phật nơi thế gian, để được tu luyện trong Phật Pháp, ông sẽ phải đợi đến hết thọ mệnh của một vị Thần Tiên trong cảnh giới Vô Sắc mới có thể lại có cơ hội chuyển sinh vào cõi nhân gian. Nhưng giả như đó là tam nguyên của ông đi chăng nữa, làm sao để chắc chắn khi đó cũng là thời gian mà sẽ xuất hiện một vị Chân Phật đang hạ thế tại trần gian mà giảng Pháp giảng Đạo cứu độ chúng sinh đây? Sinh mệnh con người là gì mà sao đến cả một vị Thần Tiên đã chứng đắc tới cảnh giới rất cao như Asita Kaladevala cũng trân quý đến như vậy?
Phạm Cao Tùng.