Phá gia chi tử bán đất bán vàng và cái kết bất ngờ

Phá gia chi tử bán đất bán vàng và cái kết bất ngờ

Sau khi đứa con phá gia chi tử đã bán tất cả những gì có trong nhà, không còn gì nữa, thì cuộc đời đột nhiên chuyển biến tốt đẹp hơn, sao có thể được? Làm cách nào một lãng tử hoang đàng bị các bề trên ở địa phương coi là tai họa, lại trở thành một vị đại tướng quân trung nghĩa với đất nước, không ngại sinh tử, chỉ tiến không lùi?

Vào thời nhà Thanh, có một phú gia tên là Liễu Ông ở huyện Tích Khê, tỉnh Huy Châu, ông ấy và Ân Ông giao hảo với nhau rất thân thiết. Sau đó, Liễu Ông mất sớm do bạo bệnh, trước khi mất, ông đã phó thác đứa con trai của mình cho Ân Ông, hy vọng người bạn có thể chiếu cố con trai mình.

Khi người con trai của Liễu Ông trưởng thành, cậu ta không thể kế thừa sự nghiệp của cha mình, ngày ngày đều uống rượu, cờ bạc, trở thành một đứa con phá gia chi tử. Ân Ông nhìn thấy điều đó, trong lòng sốt ruột, đã giảng lại những lời cuối cùng của người cha cho cậu ta, kiên nhẫn hết lòng khuyến giới, thậm chí thường bật khóc mà kêu gọi, tuy nhiên đối với người con trai của cố nhân hoàn toàn không khởi tác dụng.

Ân Ông giữ trọn đạo nghĩa, nghĩ kế ngược dòng, lãng tử đã chuyển tâm

Ân Ông nghĩ rằng người con trai ngỗ ngược của bạn mình quả là chấp mê bất ngộ, không thể chữa được, thay vì để cho cậu ta tự tán gia bại sản, hãy bí mật giúp cậu ta bảo quản gia sản, đợi đến ngày cậu ta sơn cùng thủy tận, hồi tâm chuyển ý mới trao lại gia sản cho cậu ta. Vì vậy ông đã bí mật sai người nhà đánh bạc với cậu ta. Tiền cược càng ngày càng lớn, Liễu Nhi càng chơi càng thua, thua đến khi không còn chút tiền, cậu ta liền bán điền sản. Ân Ông lại lấy danh nghĩa người khác mua với giá thấp, sau đó bán lại. Ân Ông giữ số tiền thu được từ việc chuyển nhượng, bản thân ông không biển thủ một xu một cắc.  

Sau khi đã bán hết điền sản, Liễu Nhi lại mang đồ vật có giá trị trong nhà đi bán. Mỗi khi cậu ta bán những đồ kim ngọc, các văn vật thư họa, Ân Ông đều dùng số tiền thu được để mua từng thứ một. Vài năm sau, những cánh đồng màu mỡ và những kho báu quý giá của gia đình họ Liễu đã bị bán hết; còn Ân Ông bảo quản tiền bạc, châu báu và ruộng đất của Liễu gia, mặc dù con trai của Liễu Ông không hề biết điều đó.

Cuối cùng thì ngôi nhà của tổ tiên họ Liễu cũng bị người con trai bất trị bán nốt. Liễu Nhi vì đã bán hết gia sản, túng quẫn, đành đi tìm người thân thích cho ở nhờ. Cậu ta tay trắng, phải sống dựa vào bố thí của người khác, ăn thừa thức ăn của người khác, khiến cậu ta không thể chịu nổi khi nghĩ đến những vinh hoa phú quý xưa cũ mình được tận hưởng, vì vậy cậu ta rời nhà, lang thang đến các tự viện và đền miếu, nhưng không được dung nạp. Cuối cùng, cậu ta lưu lạc đến các chợ xin cơm, đêm về làm đồng đội với những người ăn xin, cuốn mình trong những con đường phong sương mưa gió.

Lúc này, Ân Ông tìm thấy cậu ta, mời cậu ta về nhà, cho cậu ta tắm gội, thay y phục rách rưới và chiêu đãi cậu ta những bữa ăn ấm cúng. Đối mặt với cậu ta, ông nói: “Con còn nhớ cha con khi xưa đã nói gì với con không?” Liễu Nhi bật khóc, vừa rơi lệ vừa tự trách bản thân. Ân Ông nói: “Điền trạch tài vật, không thể quay trở lại. Con chỉ có thể, trong thời gian này, nỗ lực đọc sách, hoàn lương, thì mới hy vọng tương lai có thành tựu.”

Liễu Nhi từ đó ở nhà Ân gia đóng cửa quyết tâm đọc sách, sau một năm, cậu thi đỗ huyện học.

Lúc này, Ân Ông đã trả lại từng thứ điền trạch và tài vật đã mua lại cho Liễu Nhi, và nói với cậu ta rằng: “Ngày trước, khi lão phu thấy con chấp mê bất ngộ, không nghe khuyến cáo, ta nghĩ, trừ phi một ngày nào đó con đến mức sơn cùng thủy tận, con mới có thể thể ngộ được sự vô tình của hiện thực, nên ta đành phải dùng đến kế lội ngược dòng, hi vọng con có thể đến lúc cận kề tử địa mà hồi sinh.

Cậu A và B trước đây đã từng uống rượu và đánh bạc với con là người do lão phu sai bảo, còn ông C và D mua điền sản của con là lão phu dùng danh nghĩa của họ, đến nay kế này đã thành công. Bây giờ con đã thoát thai hoán cốt, tiền trình tương lai là có hạn. Mà lão phu giờ đã già rồi, không bao lâu nữa sẽ đến thời điểm ta gặp lại cha con nơi Cửu Tuyền mà không phải hổ thẹn.” 

Khi Liễu Nhi nghe xong, cảm kích tận đáy lòng, dập đầu quỳ lạy ân nhân.

Tục ngữ có câu “Mê nhi chi phản, đắc Đạo bất viễn”, ý tứ là người trong mê lạc mà biết hồi quy, sớm sẽ đắc đạo –  chính là khắc họa về thời này. Mê đồ đã được quý nhân giúp đỡ, mà vị quý nhân này chỉ vì một chữ “nghĩa” với người bạn cũ mà hao tận tâm lực, không cầu hồi báo. Khi những người hàng xóm biết chuyện, đều khen ngợi hành vi cao thượng và nhìn xa trông rộng của Ân Ông, điều mà người bình thường không thể làm được. Một nghĩa nhân như vậy, là kết tinh hương sắc của văn hóa truyền thống Trung Hoa. 

Chu Xử gặp quý nhân, thoát thai hoán cốt thành người trung nghĩa

Trong văn hóa Trung Quốc còn lưu truyền một câu chuyện xa xưa “Chu Xử thống cải tiền phi” (Chu sám hối những lỗi lầm trong quá khứ của mình). Theo “Tấn thư · Chu Xử truyền”, Chu Xử tự là Ấn, là người Nghĩa Hưng, Dương Diên. Cha của cậu, Chu Phường, từng là Thái thú Bà Dương của nước Ngô. Mặc dù Chu Xử xuất thân trong một gia đình quan lại, nhưng cha mất sớm, cậu mồ côi từ khi còn nhỏ. Chu Xử thời thiếu niên có sức mạnh phi thường, thích đua ngựa và săn bắn, khí phách nghĩa hiệp, không câu nệ tiểu tiết, nhưng phóng túng buông thả, bị người địa phương coi là họa hoạn.

Có lần, một cụ già thở dài với cậu, Chu Xử bèn hỏi: “Thiên thời thuận lợi, mùa màng bội thu, tại sao cụ vẫn không vui?”

Lão nhân lại thở dài: “Ba cái nạn còn chưa thanh trừ, có gì mà cao hứng!”

Chu Xử bèn hỏi: “Ba nạn là ba nạn nào?”

Lão nhân hồi đáp: “Mãnh thú mặt trắng ở núi Nam Sơn, giao long ở dưới Trường Kiều (cầu dài)…” ông lão ngập ngừng không nói tiếp.

Chu Xử hỏi: “Cái nạn thứ ba là gì?”

Lão nhân thở dài nói: “Chính là người trước mặt ta.”

Chu Xử không ngờ lại nghe nói đến mình trong ba cái nạn, thuyết đạo: “Nếu coi những thứ này là họa hoạn, ta có thể thanh trừ chúng.”

Lão nhân nói: “Nếu cậu có thể trừ bỏ được ba cái nạn này, thì phúc đức lớn cho toàn quận.”

Chu Xử vào núi bắn chết lão hổ trắng, rồi xuống nước đánh nhau với rồng. Giao long lúc chìm lúc nổi, bơi hàng chục dặm trong nước, Chu Xử chiến đấu với nó suốt ba ngày ba đêm, dân làng tưởng rằng Chu Xử đã chết trong nước, cùng nhau chúc mừng.

Cuối cùng Chu Xử cũng giết được Giao long, nhưng khi trở về làng, nghe tin dân làng đang chúc tụng nhau vì “Chu Xử đã chết”, và chỉ lúc đó cậu mới nhận ra rằng mọi người đã căm ghét mình đến cực điểm. Thất vọng, cậu đến nước Ngô tìm đến Lục Cơ và Lục Vân, những người đương thời đức cao vọng trọng, và muốn nhờ hai vị đó chỉ đường dẫn lối.

Chu Xử gặp Lục Vân, nói về trải nghiệm nửa đời người của mình, và bày tỏ nỗi sợ hãi trong tâm: “Hiện tại tôi muốn tu thân và học tập thật tốt, nhưng tôi đã lãng phí tuổi xuân của mình. Tôi sợ rằng đã quá muộn không kịp nữa.”

Lục Vân động viên cậu: “Cổ nhân coi ‘Triêu vấn qua, tịch cải chi’ –  sáng nghe lỗi tối hối cải – là một đức hành đáng quý. Quân tử tiền trình còn dài, chỉ e không thể lập chí lớn, nếu lập chí lớn thì hà cớ gì thanh danh không thể được hiển dương xưng tụng đây?”

Được quý nhân động viên nên từ đó, Chu Xử đã rèn giũa tâm chí, cần cù hiếu học. Cậu bẩm sinh có tài văn chương, lại nhất tâm hành nghĩa, ngôn xuất tất hành, trung thành thủ tín. Một năm sau, châu phủ Giao Tương đã chiêu mời cậu. Chu Xử làm quan tại nước Ngô, đảm nhậm Tả thừa của Đông Quan.

Thời kỳ Tam Quốc kết thúc, bước vào triều Tấn, Chu Xử vì khí phách trung nghĩa với quốc gia, đã trở thành lương tướng một thời. Từ ngày thụ mệnh, ông chỉ tiến không lùi, làm đại thần tướng quốc, can đảm dũng mãnh xông pha trận mạc. Nhà Tấn truy tặng ông danh hiệu Bình Tây tướng quân.

Hương Thảo biên dịch.

Tin bài liên quan