Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, có biết bao mỹ nhân Việt có tầm ảnh hưởng lớn, ghi dấu ấn của mình trong những trang sử huy hoàng, trường tồn cùng thời gian. Tuy nhiên, lại cũng có không ít người gây khuynh đảo triều chính, thậm chí khiến cho cả một triều đại phải tiêu vong...
Nếu lịch sử Trung Quốc có Bao Tự thời U Vương nhà Chu, Hỷ Muội thời vua Kiệt nhà Hạ dùng sắc đẹp của mình để khiến đất nước chao đảo, thì sử Việt có thể kể tên Tuyên phi Đặng Thị Huệ vào trong số đó.
Đặng Thị Huệ quê ở làng Trà Hương, huyện Phù Đổng, trấn Kinh Bắc, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Vốn xuất thân nghèo khó, làm nghề hái chè mưu sinh kiếm sống nhưng nhờ có sắc đẹp nhất vùng nên bà được tiến vào phủ Chúa.
Vốn là nữ tỳ, nhưng sau một lần được sai bưng một khay hoa đến nơi chúa Trịnh Sâm ngồi, bà đã được chúa chú ý. Dần dần, bà ngày càng được Trịnh Sâm yêu quý, phong làm chính cung của mình, gọi là Tuyên Phi.
Trịnh Sâm được coi là chúa giỏi, từ nhỏ đã có tiếng giỏi thơ hay chữ, làm thơ từ năm 14 tuổi – đã cùng Ngô Thì Sĩ đối đáp. Còn về võ công thì Trịnh Sâm làm được điều mà các chúa Trịnh trước đây không làm nổi là vượt sông Gianh đánh chiếm tận đô thành của chúa Nguyễn. Một số sử gia nhận định rằng nếu Thịnh Vương Trịnh Sâm mà sống thọ được như Khang Vương Trịnh Căn thì sử phong kiến của Việt Nam có thể viết sang trang khác (ám chỉ việc nhà Trịnh có thể nhất thống sơn hà).
Nhưng tất cả thay đổi sau khi Trịnh Sâm si mê Đặng Thị Huệ. Nếu thời gian đầu, Trịnh Sâm sáng suốt, sửa sang chính trị bao nhiêu thì sau khi sủng ái Đặng Thị Huệ, Trịnh Sâm lại càng u mê bấy nhiêu. Bởi vậy, chính trị suy đồi, nơi kinh đô lắm lời than vãn. Em trai của Tuyên Phi là Đặng Lân cậy thế làm nhiều điều bại hoại trong kinh thành, uống rượu say đánh người, chèn ép người khác nhưng vẫn được Trịnh Sâm tha thứ, thậm chí gả con gái cho.
Chúa còn không ngừng dùng tiền quốc gia, nghĩ ra những thứ ‘hay ho’ để chiều lòng Tuyên phi. Cứ đến dịp trung thu là chúa cho lấy gấm lụa trong kho ra làm đèn lồng. Gấm thượng hạng mỗi cái có giá đến vài chục lạng vàng, và dựng đến hàng trăm cây phù dung ven hồ Long Trì để treo đèn, nhằm mục đích làm vui lòng Thị Huệ.
Vì say mê và nghe theo Đặng Thị Huệ, Trịnh Sâm phế bỏ ngôi thế tử của Trịnh Tông (con trưởng) để lập con của Tuyên Phi là Trịnh Cán mới 4 tuổi lên làm thế tử. Chính vì thế mới tạo ra mầm mống bất ổn giữa phe Trịnh Tông và Trịnh Cán. Sau khi Trịnh Sâm mất được một tháng, phe kiêu binh đất thang mộc diệt Cán, phù Tông lên ngôi chúa. Trịnh Cán bị giáng xuống làm Cung quốc công, rồi hơn tháng sau thì bị bệnh qua đời.
Sách “Hoàng Lê nhất thống chí” có viết đoạn cuối cuộc đời Đặng Thị Huệ như sau:
“Khi chúa nhỏ bị bỏ, Thái phi (mẹ của Trịnh Tông) liền sai người bắt Tuyên phi hặc tội, rồi buộc bà phải lạy tạ. Tuyên phi không chịu lạy, Thái phi bèn sai hai thị nữ đứng kèm hai bên, níu tóc Tuyên phi rập đầu xuống đất, nhưng bà vẫn nhất định không chịu lạy, mà cũng không nói nửa lời. Thái phi giận quá, đánh đập một hồi, nhổ nước bọt vào đầu vào mặt, rồi đem giam vào nhà Hộ Tăng ở vườn sau. Tại đây, Đặng Thị Huệ bị làm tình làm tội cực kỳ khổ sở. Một bữa, bà trốn ra khỏi cửa Tuyên Vũ, chạy đến bến đò phố Khách thì bị quân lính đuổi kịp…
Sau một thời gian giam giữ ngặt, Thị Huệ được cho làm cung tần nội thị, vào Thanh Hóa hầu hạ lăng tẩm chúa Trịnh Sâm. Ở đây, bà ngày đêm gào khóc xin được chết theo chồng. Đến ngày giỗ của chúa Trịnh Sâm, Tuyên phi uống thuốc độc mà chết, được táng cách Vọng lăng (lăng Trịnh Sâm) một dặm”.
Chính sử triều Nguyễn có ghi Tống Thị là con gái đầu của Tống Phước Thông, vợ của Nguyễn Phúc Anh (hoàng tử Kỳ), trấn thủ Quảng Nam, con dâu chúa Sãi; chị dâu và tình nhân của chúa Thượng (Nguyễn Phúc Lan), nhưng lại tư thông với Chưởng dinh Nguyễn Phúc Trung (em ruột chúa Thượng). Bà được miêu tả là người có nhan sắc kiều diễm, phục sức trang nhã, phong cách yểu điệu thục nữ. Trông thấy Tống Thị, nhiều người còn nhận xét rằng như thấy giáng tiên vừa đội trăng sao, vừa rẽ khói vén mây xuống hạ giới.
Để leo lên đỉnh cao quyền lực, Tống Thị không từ thủ đoạn nào, bất chấp luân thường đạo lý. Để làm giàu, bà lợi dụng quyền lực và câu kết với gian thương, ra sức bóc lột nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp, tạo nên một gia sản “nhất nhì ở Đàng Trong, giàu chỉ kém chúa”. Nhưng điều khiến người đời nhắc đến Tống Thị nhiều nhất phải kể đến tài lung lạc đấng quân vương của bà, đến mức nhiều sử gia đã bình luận rằng: “Gái đẹp quả có mãnh lực vô biên”, thậm chí một số nhận định còn cho rằng có thể ví bà là “Đát Kỷ” của Việt Nam.
Tống Thị lấy Nguyễn Phúc Anh sinh được ba người con trai khiến cha bà – Phước Thông rất mừng vì nghĩ tương lai sẽ được vinh hiển. Nhưng khi Nguyễn Phúc Anh mất (vì tội làm phản), Phước Thông vô cùng thất vọng nên đã dẫn gia quyến lẻn vào vùng Thuận An trốn, chỉ có Tống Thị ở lại. Bà đã dùng chuỗi vòng ngọc liên châu làm “ngải yêu” để chinh phục chúa Thượng. Một lần vào năm 1639, Tống Thị dâng chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan thứ bùa đó, chúa cầm lên ngửi thấy mùi hương thơm ngát, lòng dạ bắt đầu phiêu phiêu.
Thêm vào đó, Tống Thị còn dùng tài ăn nói hơn người của mình để chinh phục chúa Thượng. Khi vào diện kiến chúa, mỹ nhân đã sụp lạy dưới thềm, thưa trình về tình cảnh goá bụa thảm thiết, khiến chúa rủ lòng đã cho phép người đẹp được tự do vào ra vương phủ. Dần dần chúa Thượng đem lòng say mê bà.
Đam mê sắc dục, nghe lời ‘yêu nữ’ làm nhiều việc sai trái, từ một người khiêm nhã, nhân hậu, chúa Thượng trở thành một bạo chúa nóng nảy, hiếu sát, hoang dâm vô độ đến bỏ bê quốc sự. Để chứng tỏ mối tình nồng đượm với người đẹp, chúa Thượng định xây một lâu đài nguy nga tráng lệ để cùng Tống Thị hưởng tuổi xế chiều.
Chúa bắt trăm họ lấy đá quý, gỗ quý, tập trung nhân công và thợ giỏi để thực hiện việc xây cất. Từ đó, người dân đã đói kém lại thêm sưu thuế nặng nề càng khổ ải. Cho đến khi viên Nội tán họ Phạm liều thân vào phủ chúa tâu bày vụ việc dâm loạn, coi nhẹ luân thường đạo lý của chúa Thượng với Tống Thị, gieo nỗi thống khổ cho nhân dân giữa lúc thiên tai hạn hán đang lan tràn… rồi tuốt gươm sẵn sàng tuẫn tiết, chúa Thượng mới “tỉnh ngộ”, ra lệnh bãi bỏ việc xây cất lâu đài và dần xa lánh Tống Thị.
Bị thất sủng, ngày đêm Tống Thị tìm mưu tính kế trả thù. Tống Thị đã viết một mật thư kèm theo xâu chuỗi trăm hoa, nhờ người dâng lên tận tay chúa Trịnh Tráng đàng Ngoài. Nội dung bức thư nhằm kích động bạo loạn, nếu cuộc tiến quân đánh Thuận Hóa thành công, bà nguyện về Đàng ngoài hầu hạ chúa. Nhận được bức thư, Trịnh Tráng vừa ngửi mùi hương của chuỗi hoa đã bần thần xao xuyến, nhìn nét chữ lại thêm mơ tưởng đến mỹ nhân nên gấp rút tổ chức cuộc Nam phạt để chiều lòng Tống Thị.
Nào ngờ quân Trịnh Tráng thua lớn, Tống Thị bèn chuyển hướng sang Nguyễn Phúc Trung – em ruột chúa Thượng bởi bà nghĩ là chỉ có ông mới lật đổ được chính cháu mình – chúa Hiền (người nối ngôi sau khi chúa Thượng mất). Tống Thị tiếp tục sử dụng chuỗi hoa ma quái khiến Nguyễn Phúc Trung vừa cầm vòng hoa đã bồi hồi ngây ngất. Sau đó, Tống Thị đã xúi Trung đứng ra làm phản, bắt mối với Đàng ngoài. Nhưng vụ làm phản bị bại lộ, chúa Trung chết, Tống Thị bị chém và bêu đầu giữa chợ.
Trần Thị Dung vốn có tên là Trần Thị Ngừ, là con gái của Trần Lý, em gái kế của Trần Thừa và Trần Tự Khánh, là cô ruột của vua Trần Thái Tông. Cuộc đời bà gắn liền với việc chuyển giao quyền lực từ thời Lý sang thời Trần. Có thể nói đối với nhà Lý, Trần Thị Dung là mối họa nhưng đối với nhà Trần bà lại có công lao rất to lớn.
Lã Thanh Huyền với tạo hình nguyên phi Trần Thị Dung trong bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ”
Trần Thị Dung được miêu tả là một cô gái rất xinh đẹp, được nhiều công tử nhà giàu có quyền quý để ý theo đuổi nhưng bà không ưng ai. Vào năm Kỷ Tỵ 1209 Quách Bốc nổi loạn, chiếm giữ được kinh thành Thăng Long. Cả Vua Lý Cao Tông và Hoàng Thái tử Lý Long Sảm đều phải chạy loạn. Cao Tông và Hoàng hậu chạy lên Yên Bái, còn Thái Tử Sảm chạy xuống Thái Bình. Tại đây, Thái tử Sảm quen thân với gia đình Trần Lý rồi đem lòng yêu thương con gái ông là Trần Thị Dung và sau đó cưới làm vợ. Sau khi Thái tử lên ngôi năm 16 tuổi (vua Lý Huệ Tông), nhà vua sai đón Trần Thị Dung về triều.
Cuộc sống của Trần Thị Dung trong chốn thâm cung không được yên ả khi Thái hậu Đàm Thị luôn tỏ thái độ ghét bỏ và xỉ vả bà. Không ít lần Thái hậu đòi vua Huệ Tông đuổi Trần Thị Dung đi, rồi bỏ thuốc độc vào món ăn uống của bà. Nhờ được vua Huệ Tông yêu thương bảo vệ nên bà không gặp chuyện gì bất trắc. Bà sinh được 2 con gái là Thuận Thiên công chúa và Chiêu Thánh công chúa (vua Lý Chiêu Hoàng sau này).
Nhờ sự yêu mến của vua Huệ Tông và tài khéo léo của Trần Thị Dung, quyền lực triều chính dần rơi vào tay họ ngoại – “nhà Trần”. Con cháu họ Trần thừa cơ hội lọt vào triều đình cung cấm, nắm những chức vụ trọng yếu. Trần Thị Dung còn thuyết phục được nhiều hoàng thân quốc thích và quan quân nhà Lý, yên tâm dựa vào tướng lĩnh họ Trần. Sau khi vua Huệ Tông mắc bệnh điên, vai trò của Hoàng hậu Trần Thị Dung trong việc chuyển giao quyền lực càng rõ ràng.
Bà liên kết cùng Trần Thủ Độ dựng nên một kịch bản lật đổ triều Lý với các bước tiến hành khá hoàn hảo: Bước 1, ép vua Huệ Tông phải từ bỏ ngôi báu, lập Chiêu Thánh công chúa làm Thái tử rồi nhường ngôi cho con (năm 1224). Bước 2, đưa Trần Cảnh (gọi Dung là cô ruột, gọi Độ là chú họ) vào cung giữ chức Chánh thủ, chuyên hầu hạ Lý Chiêu Hoàng (cũng trong năm 1224). Bước 3, ép Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh rồi nhường ngôi cho chồng, còn mình làm Hoàng hậu (năm 1225). Bước 4, ép Lý Huệ Tông phải tự vẫn (năm 1226). Sau khi vua Huệ Tông qua đời, bà bị giáng xuống làm Thiên Cực công chúa và lấy Trần Thủ Độ. Nhờ kế hoạch này mà cuộc “đoạt ngôi” trở nên hiếm có trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, không xảy ra cảnh huynh đệ tương tàn.
Khi Trần Thái Tông và Chiêu Thánh hoàng hậu (Lý Chiêu Hoàng) chung sống với nhau 12 năm mà không có con, Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ lại ép vua phải phế ngôi Hoàng hậu của Chiêu Thánh (năm 1237) rồi lấy Thuận Thiên (chị ruột của Chiêu Thánh) làm vợ và lập làm Hoàng hậu, thế chỗ của em gái (Thuận Thiên là con gái đầu lòng của Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung, lúc đó đã có chồng và có thai 3 tháng. Chồng của Thuận Thiên là Trần Liễu, anh ruột của Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông).
Khi nói về sự kiện nhà Trần thay thế nhà Lý, người ta chỉ nhắc tới vai trò của Trần Thủ Độ, hầu như không ai nhắc tới vai trò của Hoàng hậu Trần Thị Dung. Song, sự thật lịch sử đã chứng minh vai trò của Trần Thị Dung không nhỏ, bởi vì các bước nêu trên trong kịch bản lật đổ nhà Lý nếu không có sự đồng tình của Trần Thị Dung thì Trần Thủ Độ không thể thực hiện được trót lọt và nhanh chóng đến như vậy. Đúng như nhà sử học Ngô Sỹ Liên đã nhận xét: “Trời sinh ra Linh Từ là cốt để mở nghiệp nhà Trần”.
Yêu Ly.