Những lễ hội đầu xuân độc đáo của triều đình phong kiến

Những lễ hội đầu xuân độc đáo của triều đình phong kiến

Lễ hội là sinh hoạt văn hoá tinh thần của một cộng đồng người và đã có từ lâu trong lịch sử của nhân loại nói chung và của dân tộc Việt Nam nói riêng. Lễ hội phản ánh một cách rõ nét những đặc trưng về lịch sử và văn hoá của mỗi địa phương và của từng quốc gia. Thời phong kiến, triều đình nghỉ ăn tết khá dài và trong thời gian đó ngoài việc ăn chơi còn có những lễ hội khá độc đáo.

Lễ tiến xuân ngưu

Lễ tiến xuân ngưu tức là lễ hội tiến con trâu bằng đất để tống khí lạnh của mùa đông và đón khí ấm áp của mùa xuân đang đến. Nó thường được tổ chức vào ngày lập xuân hàng năm. Trong sách "Lịch triều hiến chương loại chí", Phan Huy Chú nói rằng tục này các tài liệu mà ông khảo cứu cho thấy có từ thời Lê trung hưng còn từ trước đó thì không có tài liệu.

 

Phan Huy Chú có viết: “Hàng năm, đến tháng 11, Tư thiên giám tâu ngày tháng nào là tiết lập xuân và kê cả kiểu mẫu làm xuân ngưu (con trâu bằng đất để mừng xuân), giao cho bộ Công sai Thường ban cục làm. Trước tiết lập xuân 1 ngày, buổi chiều, Thường ban cục đem con trâu nặn bằng đất đến đàn ở phường Đông Hà. Quan phủ doãn và hai quan huyện Thọ Xương và Quảng Đức làm lễ xong thì sai phường dân rước đến đàn ở phường Hà Khẩu.

Đến ngày sau rước đi sớm, phủ doãn và các quan huyện đều lấy cành dâu đánh con trâu đất, đem vào sân điện (sân rồng của vua) làm lễ Tiến xuân ngưu. Các công hầu bá và các quan văn võ dâng chỉ chúa, đều đủ phẩm phục vào triều làm lễ. Lễ xong, quan tư lễ giám bưng cái án để xuân ngưu ở trước ngự tọa đưa sang tiến ở phủ chúa. Quan Công khoa vâng lệnh ban cho các quan”.

Phan Huy Chú cũng giảng giải thêm ý nghĩa của lễ này rằng: “Xét thiên Nguyệt Lệnh nói: Tháng quý đông làm con trâu bằng đất để tống khí lạnh, vì tháng ấy là tháng Sửu, sửu là trâu, đất thì ngăn nước, cho nên làm con trâu bằng đất để át khí lạnh. Các đời cứ dùng theo nghĩa ấy, cho nên mới có lễ Tiến xuân ngưu, mà ban cho các quan là để cùng nhau tống khí lạnh đi”.

 

Tế Nam Giao

Khởi đầu một năm mới, có một dịp lễ rất quan trọng đối với các triều đình phong kiến là lễ tế Nam Giao. Theo "Lịch triều hiến chương loại chí", từ năm Quang Thuận thứ 3 (1462), vua Lê Thánh Tông làm lễ tế Giao vào tháng Giêng, từ đây việc tế Giao đầu xuân trở thành lệ thường hàng năm.

Theo lời giải thích của Phan Huy Chú thì lễ tế Giao đời cổ có 2 nghĩa: một là tế để đón khí hòa, tức như trong sách "Chu lễ" nói: đông chí tế trời ở đàn Viên khâu. Hai là tế để cầu được mùa, tức là như thiên “Nguyệt lệnh” trong Kinh lễ nói: Ngày mồng một tháng giêng vua tế trời để cầu được mùa. Đời sau, lễ tế ở đàn Viên Khâu và đàn Phương trạch không làm nữa, chỉ có đầu xuân tế Giao, hợp tế cả trời đất. Khoảng năm Hồng Vũ (1368 – 1398), nhà Minh định thành điển lễ. Đầu nhà Lê mới dùng chế độ nhà Minh, làm lễ tế vào tháng giêng, hơn 300 năm sau vẫn theo không thay đổi.

Trước kia khi làm lễ tế Giao, mỗi năm đắp một cái đàn bằng đất ở chính giữa để tế trời đất, nền dài 15 thước, cao 5 tấc, hai bên tả hữu thờ các vị sao, đều đắp nền dài 16 thước, cao 3 tác, bốn bên trồng cây, đằng trước mở 3 cửa. Đến năm Cảnh Trị thứ 1 (1663), làm điện Nam Giao, ở giữa là điện Chiêu Sự, cột bốn góc làm bằng đá, nền và sân trong ngoài đều lát đá, rường, xà, rui, hoành đều sơn son thếp vàng. Có hai dãy hành lang tả hữu, bên ngoài là chỗ thay áo, đằng trước có 3 tầng cửa.

Nghi thức tế giao: Trước 2 ngày, Thái thường tự tiến bài xin vua ăn chay, trước 1 ngày đàn sứ đặt một cái kỷ sơn son trước thần vị Hạo thiên thượng đế và Hoàng địa kỳ, đặt một cái hương án hạng trung ở trước cái ỷ sơn son và đặt một cái hương án lớn ở giữa sân điện Chiêu Sự (hơi nhích lên trên một chút). Sớm ngày làm lễ, các bộ phận đã chuẩn bị sẵn hương án và các đồ cần thiết cho buổi lễ.

Vua đội mũ mặc áo màu huyền, từ cửa Đại Hưng đi ra không đánh nhạc. Các quan đủ mũ áo đi trước. Chúa tiến đi có các tướng sĩ thị hậu theo hầu. Tiết chế phủ (tức thế tử của chúa) cũng tiến đi, có các tướng sĩ nội hậu theo hầu. Vua tiến đến bên ngoài cửa đàn Nam Giao, xuống kiệu đi bộ đến tầng cửa thứ ba. Hai viên nội tán (là các quan hàn lâm) quỳ tâu xin đến điện Cánh phục (thay áo). Tại đây vua đội mũ xung thiên, mặc áo bào tía, đai ngọc, đi bộ đến cửa thứ hai, tạm dừng ở bên tả cửa ấy.

Trong lúc vua và chúa ở bên trong đàn thực hiện các nghi lễ thì các quan viên văn võ chia ra đứng bên ngoài cửa thứ hai và chờ sẵn ở đấy đợi triệu vào. Nghi lễ tế Nam Giao thời trước được quy định cụ thể đến từng động tác của cả vua chúa và quan lại. Từ lúc dâng hương, quỳ lạy, tấu cáo văn cho đến hết buổi lễ đều được cắt đặt nghiêm chỉnh.

Sau khi tế xong, vua đến nhà thay áo còn chúa thì ra ngoài cửa đàn Nam Giao tạm ngự ở đấy. Các quan văn võ đều lui ra ở ngoài cửa thành phía Nam đợi vua ngự về thì đội ngũ lại như lúc đi.

Mặc dù lễ tế Nam Giao không phải là lễ hội dân gian nhưng nó là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của triều đình phong kiến. Mặt khác, tuy không phải là dịp lễ hội dân gian nhưng chắc chắn trên các tuyến đường vua chúa đi qua để đến Nam Giao, triều đình sẽ ra lệnh cho nhân dân phải bày hương án, đốt pháo để chào mừng. Đây cũng là một cơ hội hiếm hoi để nhân dân thấy mặt rồng của vua chúa.

Đối với các triều đình, lễ tế Nam Giao cũng là một lễ đặt biệt quan trọng. Học giả Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục nhận định: “Tế tự thì trọng nhất là lễ Nam Giao, tế tôn miếu và tế giám (tế Khổng tử). Các lễ ấy Thiên Tử thường phải thân vào chủ tế. Còn các đền miếu khác, tuy cũng thuộc về quốc tế nhưng chỉ sai quan đi mà thôi”.

Nam Khánh

Tin bài liên quan