Nói đến phóng sinh, thường chúng ta nghĩ đến giới sát trong Phật giáo, là giới quan trọng nhất bắt buộc các Phật tử cho đến các cư sỹ, tăng ni đều phải theo: Không sát sinh. Cùng với tu Thiện, nên khởi tâm từ bi, thương xót những con vật sắp bị con người giết thịt, nên mua lại và thả chúng về với môi trường thiên nhiên của chúng, gọi là phóng sinh.
Đức Phật khi còn là thái tử Tất Đạt Đa, lúc 9 tuổi dạo chơi trong vườn thấy con thiên nga bị người em họ Đề Bà Đạt La bắn rơi, Ngài đã tìm hết cách không để Đề Bà bắt lấy, rồi chữa trị nuôi chim, đến khi lành rồi thả về thiên nhiên.
Phóng sinh có mười công đức như sau:
1. Không có nạn đao binh, tránh được tai họa chiến tranh tàn sát;
2. Sống lâu, mạnh khỏe, ít bệnh;
3. Tránh được thiên tai, dịch họa không gặp các tai nạn;
4. Con cháu đông đúc, đời đời hưng thịnh nối dõi không ngừng;
5. Chỗ mong cầu được toại nguyện;
6. Công việc làm ăn phát triển gặp nhiều thuận lợi;
7. Hợp lòng trời, loài vật cảm ơn, chư Phật hoan hỷ;
8. Giải trừ oán hận, các đều ác tiêu diệt, không có lo buồn sầu não;
9. Vui hưởng an lành, quanh năm đều được yên ổn.
10. Tái sinh về cõi trời hưởng phúc vô cùng, nếu có tu Tịnh Độ thì được vãng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Phóng sinh có ý nghĩa gì?
Vào những ngày lễ Tết, những ngày lễ lớn của Phật giáo ( rằm tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười) hình ảnh người người tay xách nách mang xô, chậu, lồng chứa những con cá, con chim, con rùa,…để phóng sanh đã trở thành nét đẹp trong văn hóa Việt Nam nói chung và của Phật giáo nói riêng. Đó là hành động đẹp bởi nó thể hiện lòng yêu thương loài vật, yêu thiên nhiên, là một hành động rất thánh thiện: Ban tặng sự sống.
Hình ảnh thái tử Tất Đạt Đa ôm con chim bị thương vào lòng khi bị Đề Bà Đạt Đa bắn cùng lý lẽ biện bạch hùng hồn trước nhà vua và đại thần để giành lấy quyền chăm sóc con chim.
Thường nói, những kẻ thương yêu nhau mới ở chung với nhau, còn những kẻ ghét bỏ nhau thì không bao giờ sống chung với nhau. Em có ý dữ, muốn bắn giết con chim, như vậy em và con chim là những kẻ thù ghét nhau, làm sao con chim có thể ở chung với em đựơc. Trong khi đó, anh cứu con chim, anh săn sóc vết thương cho nó, anh suởi ấm cho nó, và anh đang đi kiếm thức ăn cho nó… Vậy anh và chim là những kẻ biết thương yêu nhau, anh và chim có thể ở chung với nhau… Như anh đã nói, con chim cần anh chứ không cần em.
Phóng sinh có lợi ích gì?
Phóng sinh là giúp những chúng sinh thoát khỏi ngưỡng cửa sinh tử, ban tặng sự sống, xóa đi những nỗi sợ, lo lắng của chúng. Phóng sinh là một hành động rất thiết yếu của người Phật tử bởi nó sẽ giúp chúng ta nuôi dưỡng từ tâm, biết thương yêu, chăm sóc những chúng sanh đau khổ, yếu thế. Từ tâm là một trong những nhân tố đạt được quả vị Thánh.
Phóng sinh là một việc làm thể hiện lòng Từ bi bình đẳng, mục đích phóng sinh là để đánh thức tâm Bồ đề của chúng sinh (con vật) trước khi phóng sinh.
Kinh Phạm Võng dạy rằng “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình. Vì mình trải qua nhiều đời đều do đó mà sinh ra, nên chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ của mình".
Chúng ta đã tạo sát nghiệp nặng nề từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Nếu ác nghiệp này có hình tướng thì cho đến cùng tận hư không cũng không dung chứa hết.” Chúng ta ngay trong kiếp này tạo nghiệp giết hại chúng sinh quả thật đã không thể tính đếm được, huống chi là đã tạo trong nhiều đời nhiều kiếp!
Kinh Dược Sư Lưu Ly bổn nguyện công đức dạy rằng:“Cứu thả các sinh mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn.” Người phóng sanh tu phước, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp các tai nạn.
Pháp sư Viên Nhân cũng dạy rằng: “Tật bịnh, ung thư, tai nạn… sở dĩ có thể bất hạnh sanh ra là duyên nơi nghiệp giết hại trước kia chúng ta đã tạo nên mà chiêu cảm lấy quả báo này. Phương thức giải quyết chính là phóng sinh. Nhờ vào việc bỏ tiền, bỏ sức để cứu mạng phóng sinh nên có thể đền trả vô số món nợ sát sanh trước kia mà chúng ta đã thiếu. Điều quý báu nhất của mỗi chúng sinh đều là mạng sống. Giết hại chúng thì chúng oán hận nhất, oan cừu kết sâu nhất, cho nên nói nghiệp giết hại là nặng nhất. Ngược lại, cứu sống được chúng thì chúng cảm kích nhất, tạo được nhiều phúc thiện nhất, cho nên nói công đức phóng sinh là đệ nhất. Những ai phê phán, hủy báng việc phóng sinh, hoặc cản trở nghi ngờ việc phóng sinh cần phải lưu ý. Vì cản trở người phóng sinh thì cũng giống như sát sinh, khiến cho hàng ngàn hàng vạn sinh mạng không được giải cứu, phải hàm oan mà chết. Tội lỗi đó thật là vô lượng vô biên. Nhất định phải gấp rút sám hối, sửa lỗi, nếu không thì khổ hình nơi địa ngục nhất định không tránh khỏi.”