Những điều cấm kỵ nếu phạm phải sẽ khiến cuộc sống không thuận lợi

Những điều cấm kỵ nếu phạm phải sẽ khiến cuộc sống không thuận lợi

Cổ nhân dạy chúng ta rằng: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu” (họa phúc không có lối đi, duy chỉ có con người tự mời chúng đến), tất cả mọi lần gặp gỡ trong cuộc đời chúng ta đều là do bản thân mình tìm đến, không thể trách được người khác.

Mạnh Tử nói: “Hành hữu bất đắc giả, giai phản cầu chư kỷ”, ý nói những người khi làm việc có chỗ không được như mong muốn thì nên nhìn lại và tìm nguyên nhân ở chính mình. Nguyên nhân khiến một người gặp phải trắc trở thông thường là bởi người đó đã phạm vào một trong số 10 điều tối kỵ dưới đây.

To tiếng với cha mẹ 

“Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”

Cha mẹ là những người đã sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta, quan tâm chăm sóc cho chúng ta từng li từng tí; là người luôn lo lắng cho ta, đau lòng vì ta. Chúng ta hiếu thuận với cha mẹ còn không kịp, sao có thể to tiếng tranh cãi với cha mẹ. Nếu khiến cho cha mẹ tức giận, đau lòng; đây chính là một hành vi gây tổn hại phúc báo nghiêm trọng.

Hứa hẹn mù quáng

Trong ‘Luận ngữ’ có câu: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã!” (người không có uy tín thì không biết có thể làm được việc hay không)

Một khi người ta mất đi sự tín nhiệm, thì sẽ khó để dựng lập chỗ đứng trong xã hội. Vậy nên trong việc đối nhân xử thế, chúng ta cần thận trọng với lời nói và hành vi của mình, không thể ăn nói lung tung, hứa hẹn một cách bừa bãi; đến khi thất hứa với người ta thì sẽ rất khó để vãn hồi.

Khoe khoang bản thân

Trong ‘Đạo đức kinh’ giảng: “Thiên chi đạo, tổn hữu dư dĩ bổ bất túc” (tạm dịch: đạo của trời, lấy cái dư thừa bổ sung cho cái khuyết thiếu), ý muốn khuyên bảo thế nhân làm việc gì cũng không nên quá tự mãn mà cần khắc chế dục vọng to lớn của con người.

Nếu chỉ hơi có một chút việc tốt đã bắt đầu muốn đi khoe mẽ khắp nơi, chỉ lo người khác không biết, vậy việc tốt đó của ta sẽ rất nhanh biến thành việc không tốt. Bởi chúng ta khi đó đang ở trạng thái ‘dư thừa’, nên cần đem điều tốt đẹp mình có chia sẻ cho những người đang ở trạng thái không đầy đủ. Khoe khoang chỉ khiến cho thứ dư thừa ngày càng thừa hơn, còn thứ khuyết thiếu lại chẳng được bù đắp.

Oán trời trách người

Cha ông ta từng răn dạy: “Trách mình trước, trách người sau”

Trong cuốn ‘Đàn kinh’ của lục tổ Huệ Năng thuộc pháp môn Thiền tông cũng có viết: “Nhất thiết phúc điền, bất ly phương thốn”, đại ý là: tất cả công đức phúc báo trên thế gian thật ra đều không tách rời khỏi nội tâm của chúng ta; chỉ có tẩy sạch nội tâm, dứt trừ cái ác, tu dưỡng bản thân theo cái thiện, tìm thấy thiện niệm chân chính trong nội tâm, khi đó bất cứ điều gì chúng ta cũng đều thông suốt.

Áp đặt lên người khác 

Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.

Những việc bản thân mình không thích thì cũng không nên cưỡng chế áp đặt lên người khác. Đây chính là ‘dưa hái xanh không ngọt’ mà người ta thường nói. Ngay cả những việc bản thân chúng ta yêu thích cũng không nên ép buộc người khác phải làm theo. Với ta là tốt là đẹp, nhưng với người khác chưa chắc đã như vậy.

Nóng giận bừa bãi 

Trong việc đối nhân xử thế, dù ở bất cứ thời gian hay hoàn cảnh nào, chúng ta đều nên giữ cho mình một trái tim trầm tĩnh, không nên cáu gắt; bằng không, chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn hại người hại mình.

Cười nhạo người khác 

Ái xuất giả ái phản, phúc vãng giả phúc lai.

Người cho đi yêu thương sẽ nhận lại yêu thương, người trao gửi phúc lành sẽ đón chào phúc đến 

Nếu chúng ta yêu mến, tôn trọng người khác, thì sẽ được người khác yêu mến và tôn trọng; nếu chúng ta thường hay cười nhạo, chế giễu người khác thì đến một ngày cũng sẽ bị người khác chế nhạo. 

Bỏ đá xuống giếng

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “30 năm hà đông, 30 năm hà tây”. 

Câu này bắt nguồn từ đặc điểm của sông Hoàng Hà: vào thời cổ đại, lòng sông Hoàng Hà cao hơn, dòng chảy của sông không cố định nên hay xảy ra việc chuyển hướng dòng chảy; sau khi chuyển hướng, rất có thể những khu vực trước đây ở phía Đông dòng sông nay đã trở thành phía Tây của nó. Câu ngạn ngữ này là lời răn dạy của cổ nhân, ý nói thế sự khó lường, vận mệnh của con người cũng vậy, không có bất cứ điều gì là không thể xảy ra thay đổi. 

“Sông có khúc, người có lúc”

Ai cũng sẽ có những thời điểm gặp phải điều không may, vậy nên dù làm gì chúng ta cũng cần để lại cho mình đường lui; không nên vì nhìn thấy người khác hiện nay lâm vào hoàn cảnh khó khăn mà bỏ đá xuống giếng.

Kiêu căng tự mãn

Khiêm tốn sẽ được lợi, tự mãn hại bản thân.

Chỉ khi khiêm nhường, chúng ta mới có thể ngày càng tiến bộ, thu được lợi ích từ việc học hỏi. Dù ở trong bất cứ thời khắc nào, chỉ cần chúng ta tỏ ra kiêu căng ngạo mạn thì đều sẽ nhận phải tổn thất. 

Lấy oán trả ơn

Người xưa nói: Nhận ơn một giọt, báo ơn một dòng 

Tri ân báo đáp, uống nước nhớ nguồn là đức tính truyền thống tốt đẹp của dân tộc chúng ta. Nếu không biết cảm ân, ngược lại còn lấy oán báo ân, thì người đó chính là đã vi phạm luân thường đạo lý của con người, ắt sẽ gặp nhiều khó khăn trắc trở.

Trường Lạc.

Tin bài liên quan