Những điểm trọng yếu nhất làm nên phúc họa đời người

Những điểm trọng yếu nhất làm nên phúc họa đời người

Chuẩn tắc làm người chính là “điểm trọng yếu” nhất, là trụ cột, là căn bản. Trụ cột không vững chắc thì đất rung núi chuyển, một người nếu không giữ được chuẩn tắc làm người thì chuyện xấu gì cũng dám làm. Con người và xã hội mà không có “điểm trọng yếu” thì sự tình kỳ lạ gì cũng sẽ phát sinh.

Vậy “điểm trọng yếu” đó là gì? Dưới đây là 5 “điểm trọng yếu” mà một người cần giữ vững vị trí của nó. 

1. Dù nghèo đến mấy cũng không được lừa dối bạn bè của mình

Trong Hán – Hoàn Khoan ‘Diêm thiết luận – địa nghiễm’ có viết: “Bất vi cùng biến tiết, bất vi tiện dịch chí”. Ý tứ là: “Đừng vì nghèo khó mà thay đổi khí tiết một con người, đừng vì thân phận địa vị thấp mà thay đổi chí hướng làm người”.

Người nghèo nhưng phải làm được chí không nghèo. Không thể bởi vì gia cảnh nghèo khó, cảm thấy thế giới này đối với mình thua thiệt bất công mà đi lừa gạt cả bạn bè thân thiết. Lừa bạn chính là cắt đứt đường đi của mình.

Bạn tốt chính là chiếc gậy đi đường, là mái chèo giúp bạn vượt qua dòng sông cuộc đời. Do vậy, hãy nhớ rằng: “Dù nghèo đến đâu cũng không được lừa bạn bè thân thiết – đây là một điểm trọng yếu; giàu có đến mấy cũng không quên ân nhân – đây là tín điều ở cõi nhân sinh”. 

2. Dù cuộc sống có khổ ải đến đâu cũng không được đánh mất cốt khí của mình

Con người dễ bị tác động bởi ngoại cảnh, thường hay bị lung lay bởi ý kiến ​​của người khác và chạy theo đám đông.

Điều này đặc biệt đúng, khi mà thời đại ngày nay, con người coi lợi ích là trên hết, việc theo đuổi các giá trị đạo đức và tín ngưỡng trở nên khan hiếm. Do đó con người càng nên giữ được điểm trọng yếu này. Một số người lấy hoàn cảnh thực tế và sự sinh tồn của bản thân để biện minh cho mình, điều này không chính đáng, bởi vì bạn chưa lâm vào tình trạng không thể sống nổi.

Cốt khí chính là xương của một người, nếu đánh mất rồi thì không còn hình dạng con người nữa.

Phạm Trọng Yêm từng nghe theo lời giới thiệu của bạn cha dượng đến chùa Lễ Tuyền ở Trâu Bình đọc sách. Vì muốn tránh sự ồn ào náo nhiệt trong chùa, ông đã tìm đến hang động hẻo lánh ở phía Nam của ngôi chùa để tĩnh tâm đọc sách. 

Người nhà gửi cho ông một chiếc nồi và một đấu gạo. Ông lấy gạo nấu thành cháo rồi để đông cứng và cắt thành bốn miếng, mỗi bữa ăn một phần kèm với rau dại chấm muối. Ông đã trải qua cuộc sống vô cùng thanh đạm như thế. 

Một lần, Phạm Trọng Yêm đang đọc sách trong hang động, ông vô tình nhìn thấy hai cái hang chuột, từ trong hang phát ra ánh sáng vàng và ánh sáng bạc. Sau khi quan sát cẩn thận, ông phát hiện bên trong toàn là vàng bạc.

Tuy nhiên, tâm của Phạm Trọng Yêm không bị lay động bởi số vàng bạc này và ông quay về tiếp tục đọc sách. 

30 năm sau khi rời đi, chùa Lễ Tuyền gặp hỏa hoạn, Đại sư Tuệ Thông không đành lòng nhìn ngôi chùa bị hủy hại trong tay mình, liền sai người đến gặp Phạm Trọng Yêm cầu xin giúp đỡ.

Sau khi biết chuyện, ông tiếp đãi vị khách một cách niềm nở nhưng không đả động gì đến việc giúp sửa chùa, khi ra về, ông viết một lá thư và tặng hai gói trà ngon cho Đại sư Tuệ Thông.

Nhà sư trong chùa nghe nói Phạm Trọng Yêm không hề đả động gì đến việc tu bổ ngôi chùa liền tỏ ra giận dữ.

Vì vậy, Đại sư Tuệ Thông đã mở bức thư của Phạm Trọng Yêm ra đọc, trên thư viết một dòng như sau: “Cây gai phía Đông có một hũ vàng, cây gai phía Tây có một hũ bạc, một nửa dùng tu sửa chùa, một nửa dùng cứu tế tăng nhân”.

Lúc này mọi người mới chợt tỉnh ngộ.

3. Dù khó khăn đến mấy cũng không đi lợi dụng

Muốn “ngồi mát ăn bát vàng”, người biết lợi dụng sẽ đi nịnh nọt cấp trên để được nhàn nhã. Dự án khó thông qua, để được phê duyệt, đơn vị chỉ cần gửi kèm lễ vật, đi đường ngang ngõ tắt là xong,...

Xã hội hiện đại ngày càng xô bồ, nhiều người chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt. Họ không dành thời gian để làm việc chăm chỉ mà dùng nó vào việc suy nghĩ những mánh khóe, không cần tốn công tốn sức mà vẫn có thể đạt được thành công lớn nhất. 

Tuy nhiên, họ lại không biết rằng, ở xã hội hiện tại, người thành công dựa vào đầu cơ trục lợi, đến cuối cùng lại trở thành kẻ nghèo hèn khốn khổ. Những gì mọi người nhìn thấy chỉ là một khắc huy hoàng của họ, còn đoạn thời gian dài sống trong ảm đạm thê lương thì không ai biết.

Làm người, có thể đầu cơ trục lợi nhất thời nhưng không thể đi đường tắt cả đời. Dù là trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày hay tại nơi công tác, người có thể tạo ra tiếng cười lâu dài cho đến cuối cùng đều đi bằng con đường thực tế, không ngừng học hỏi cầu tiến bộ. Thắng nhỏ dựa vào trí tuệ, thắng lớn dựa vào phẩm đức.

Đừng thấy người bên cạnh thành công trong chốc lát mà từ bỏ sự kiên trì của bản thân. Tương lai của mình chính là nơi ánh mắt nhìn thấy, nhìn được càng xa bao nhiêu thì tương lai càng rộng mở bấy nhiêu.

4. Dù mạnh mẽ đến đâu cũng không được quá kiêu ngạo

Trong “Tăng Quốc Phiên gia thư” có một câu khiến mọi người suy ngẫm như sau: “Gia bại là bởi bỏ không được chữ ‘xa xỉ’, người thất bại là bởi bỏ không nổi chữ ‘an dật’, khiến người nghi kỵ là bởi không bỏ được chữ ‘kiêu ngạo’ “.

Nếu nói kiêu căng, xa xỉ, dâm đãng, an dật là thứ khởi đầu cho sự suy tàn của một gia tộc thì cuồng vọng ngạo mạn lại là thứ khởi đầu cho sự suy bại của một đời người.

Người xưa có câu: “Thiên dục kỳ vong, tất lệnh kỳ cuồng”, nghĩa là khi Trời diệt kẻ nào thì trước tiên kẻ đó bị làm cho phát cuồng. 

Trong cuộc sống, nếu một người chỉ biết ngẩng cao đầu một cách mù quáng thì sẽ tạo cho người đó cảm giác ngạo mạn, không ai bằng mình, khiến người xa lánh. Lâu dần, mọi người sẽ cảm thấy đây là người kiêu ngạo, thiếu tôn trọng, không công nhận họ và tránh xa.

Trong xử thế, người có cảnh giới càng cao lại càng khiêm tốn và giản dị, không vênh váo hung hăng, không kiêu ngạo thô lỗ.

5. Dù sống bao lâu cũng không quên ân tình 

Nếu một người không có lòng biết ơn thì nguyên tắc làm người cũng chẳng còn. Đời người ai cũng có lúc thăng lúc trầm, cũng có lúc quật khởi, cũng có khi lâm vào hoàn cảnh nghèo khó. Vậy những lúc này liệu có ai giúp đỡ?

Lúc đói rách ai sẽ cho bạn một bát cơm?

Khi không có một xu dính túi, ai cho bạn một đồng tiền?

Hay lúc cùng đường, ai giúp bạn một mái hiên để tránh mưa tránh rét?

Khi đối diện với sống chết, ai vẫn dùng lời tốt đẹp khuyên bạn đặt hy vọng vào cuộc sống?

Họ chính là ân nhân của bạn.

Đừng bao giờ là người vô ơn, bởi vì biết ơn là nghĩa vụ của làm người.

Cây cao ngàn thước không bao giờ quên gốc rễ, người thành công không quên ân nghĩa.

Người không hiểu được cảm ơn, đường càng đi sẽ càng khó khăn.

Đời người, muốn đi được chính thì nhất định phải biết đứng thẳng.

Ghi nhớ được năm điểm trọng yếu này thì con đường làm người sẽ thênh thang rộng mở, làm việc chân chính, sống đời trong sạch thì cả đời sẽ an tâm.

San San.

Tin bài liên quan